Pages

Thứ Tư, 13 tháng 4, 2011

Việt Nam đang đổi hướng đi


David Brown (Asia Times) - Những ai từng viết rằng chẳng còn hi vọng gì ở cái bộ máy quản lý nền kinh tế Việt Nam đã bị cứng đờ hết cả lại trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng lần thứ 11 hồi tháng 1 thì họ có thể sẽ thấy là mình nhầm nếu bây giờ nhìn lại tình hình một lần nữa cho kỹ.

Cái đại hội làm việc giống hệt như hội nghị kín bầu giáo hoàng này được tổ chức 5 năm một lần để lựa chọn những người xuất sắc nhất về chính trị hiểu theo nghĩa tôn ti trật tự mạnh bắt nạn yếu. Nhiều nhà báo thấy những người tới dự cái đại hội đó chỉ là kẻ ngồi ngáp vặt nên đã chuyển hướng chú ý sang chỉ trích cách chính phủ quản lý nền kinh tế, điều họ chỉ trích giống với những nhận xét hồi tháng trước của tờ The Wall Street Journal.

Tờ The Wall Street Journal cho rằng các nhà hoạch định chính sách vô trách nhiệm chỉ vì ngoan cố không chịu thay đổi “tăng trưởng bằng mọi giá” nên đã gây ra lạm phát phi mã. Nền kinh tế của Việt Nam giống như con ngựa phải chạy quá sức và người ta chẳng hi vọng nhiều đại hội sẽ thay đổi được điều gì, theo đánh giá của nhiều nhà báo.

Song, trên thực tế đã có rất nhiều thay đổi. Bám được vào cái phao cứu sinh của nhiệm kỳ mới kéo dài 5 năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngay lập tức siết chặt tín dụng, kiềm chế chi tiêu công và đã bắt đầu hạn chế được những lo ngại lạm phát. Ngoài ra ông Dũng còn đưa ra cảnh báo rằng chính phủ sẽ áp đặt kỷ luật và hiểu biết kinh tế trong các quyết định đầu tư của quốc gia.

Nếu đúng là ông Dũng đang tìm ra cho mình một hướng đi thế thì giai đoạn kéo dài quãng một năm trước đại hội có thể được coi là một bước ngoặt, cái thời điểm mà hậu quả kinh tế khủng khiếp của việc cho phép các doanh nghiệp nhà nước và các chính quyền địa phương được phân bổ hầu hết vốn đầu tư cơ bản của quốc gia cuối cùng đã trở nên hiện ra rành rành đến mức không thể cố tình lờ tịt đi được.

Trước đại hội, ông Dũng không thể rảnh tay vì công việc chính trị cấp bách khi ấy là phải tranh thủ sự ủng hộ của các đại biểu quốc hội, trong đó có các nhóm lớn đại diện cho các doanh nghiệp nhà nước và các đảng bộ ở các địa phương. Các chuyên gia tư vấn nước ngoài và một số nhà kinh tế hàng đầu của Việt Nam đã phát hoảng khi nghe ông Dũng phát biểu trước Quốc hội vào cuối năm ngoái rằng doanh nghiệp nhà nước vẫn tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế và là công cụ chiến lược của chính sách nhà nước.

Phát biểu này được đưa ra sau khi tập đoàn đóng tàu thuộc sở hữu nhà nước bị vỡ nợ VINASHIN với tổng số tiền 600 triệu đô la Mỹ không có khả năng trả nợ các chủ nợ nước ngoài. Vào thời gian đó, tờ The Economist đã viết “nếu chính phủ không túm gáy các doanh nghiệp nhà nước thì chính phủ chẳng thể làm nổi chuyện gì khác to tát.”

Ông Dũng có liên quan trực tiếp tới sự tan rã của Vinashin được báo chí thế giới đưa tin rầm rộ và khơi mào sự chỉ trích nhằm vào cách chính phủ quản lý nền kinh tế. Ông Dũng có công trong việc thành lập tập đoàn này và hỗ trợ để nó được vay các khoản tiền khổng lồ với ý định xây dựng Việt Nam thành một cường quốc đóng tàu tầm cỡ thế giới. Khi Vinashin bị phát hiện là đã thành lập quá nhiều công ty con giữa lúc cả thế giới đang phải chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thì thủ tướng thừa nhận rằng ông đã không giám sát chuyện này.

Rất nhiều doanh nghiệp nhà nước đã coi thường sự chỉ đạo của trung ương bằng “đa dạng hóa ngành nghề”, họ đầu tư vào các dịch vụ tài chính, bất động sản và các lĩnh vực khác không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính của họ. Có một điều trơ trẽn song ít được báo chí đề cập hơn, ấy là một năm trước đây các doanh nghiệp nhà nước đã từ chối bán lượng đô la họ đang có để mua đồng tiền nội tệ khi mà sự thiếu hụt ngoại tệ đang giáng đòn nặng nề vào đồng tiền của Việt Nam.

Hầu hết các chỉ trích của nước ngoài đều nhầm ở giả định cho rằng bởi vì Việt Nam là một nhà nước độc đảng cho nên toàn bộ những gì mà chính phủ phải làm chỉ là ban hành mệnh lệnh. Tuy nhiên, việc Hà Nội trên danh nghĩa đã không thể đưa các tổ chức phụ thuộc của nó vào hàng lối trật tự không hàm nghĩa họ không muốn làm điều đó hệt như họ không đủ năng lực để làm điều đó vậy.

Là người thường xuyên có suy nghĩ băn khoăn về doanh nghiệp nhà nước, Martin Rama, nguyên là nhà kinh tế trưởng [chief economist] của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, đã cảnh báo về nguy cơ nhà nước trở thành “tù nhân” của các tổ chức nửa chính trị nửa kinh tế cứ tưởng rằng mình “quá lớn nên không thể phá sản được”. Theo một bản thống kê, hiện nay vẫn còn khoảng 1.473 công ty lớn và nhỏ thuộc sở hữu nhà nước hoàn toàn. Ngoài ra nhà nước vẫn nắm cổ phần đa số tại rất nhiều công ty khác được gọi là công ty “cổ phần”..

Những công ty nói trên là di sản để lại của 30 năm Hà Nội nỗ lực xây dựng một nền kinh tế “xã hội chủ nghĩa” dựa trên mô hình Sô Viết. Mặc dù từ giai đoạn 1986-1991 Việt Nam đã dần dần ngả sang con đường tư bản chủ nghĩa, song rất nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục duy trì và không muốn đánh mất các mối quan hệ mật thiết với các cơ quan của chính phủ ở cả cấp trung ương lẫn địa phương. Các nhà quản lý được đào tạo tại Liên Xô trong cả các doanh nghiệp lẫn trong các bộ ngành đều coi mối quan hệ trên là bình thường và quả thực nó rất hữu ích.

Cho đến nay, doanh nghiệp nhà nước vẫn được hưởng cái quyền vay tín dụng cực kỳ dễ dàng. Các ngân hàng của Việt Nam coi các khoản cho vay dành cho ngay cả các doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ là phi rủi ro bởi vì đã có sự bảo lãnh ngầm của chính phủ. Được biết vốn vay dành cho các doanh nghiệp nhà nước chiếm khoảng 40% tài sản của các ngân hàng của Việt Nam.

Việc các ngân hàng thích tập trung tiền vào khu vực nhà nước không chỉ bỏ đói khu vực tư nhân mà còn gây tác hại tới nỗ lực của chính phủ nhằm tập trung vốn cho các dự án hứa hẹn đem lại tỉ lệ thu hồi vốn cao. Và cái sân chơi bình đẳng được xác lập bởi luật doanh nghiệp và luật đầu tư được ban hành năm 2005 đã trở thành trò khôi hài.
Năm ngoái, chính phủ đã tuyên bố sẽ cắt giảm gần 19%, tức khoảng 2,5% GDP ngân sách dành cho khu vực nhà nước trong năm nay. Sau đó chính phủ lại nói rằng số tiền này sẽ được chuyển sang phân bổ cho khu vực viên chức nhà nước – tức cứ ba người lao động thì có một người ăn lương nhà nước nếu như các doanh nghiệp nhà nước được tính vào đây – dưới hình thức tăng lương cơ bản lên 14% để bù đắp giá sinh hoạt tăng cao.

Các tỉnh chi tiêu bừa bãi

Ông Dũng và các đồng sự của ông chắc hẳn phải đề ra kỷ luật khắt khe hơn đối với các chính quyền địa phương tiêu hoang coi tiền như rác. Giống như khu vực doanh nghiệp nhà nước, các chính quyền địa phương trong những năm gần đây đã giỏi tới mức họ đủ khả năng phớt lờ những chỉ thị khó chịu từ Hà Nội.

Kinh tế tăng trưởng mạnh ở độ một chục tỉnh trong số 61 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương đã khiến họ trở thành nơi đem lại nguồn thu lớn và họ thoát khỏi sự phải phụ thuộc vào sự phân phát của chính phủ trung ương. Mặt khác, lãnh đạo các địa phương lại giỏi cầu cứu sự giúp đỡ của các ông chủ đỡ đầu ở vị trí cao trong bộ máy đảng mỗi khi những lợi ích quan trọng bị đe dọa.

Chính sách sáng suốt hồi năm 2005 nhằm phân quyền cho các tỉnh khi đem ra thực hiện thì hóa ra nó lại đưa đến kết quả tệ hại cho Hà Nội. Năm 2005, bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) ủy quyền cho các tỉnh phê duyệt hầu hết các đề xuất dự án đầu tư.

Nhờ thủ tục được rút ngắn, các tỉnh lần lượt cho xây vô tội vạ các khu công nghiệp và cấp giấy phép xây dựng nhà máy thép, nhà máy xi măng, cảng biển, khách sạn xa hoa, khu nghỉ mát và bất cứ cái gì mà các nhà xúc tiến đầu tư nước ngoài đem ra gạ họ bất chấp việc đầu tư đó là không cần thiết hay phi kinh tế xét trên quy mô quốc gia.

Được tiếp tay bởi tín dụng lỏng lẻo, Hà Nội đã không thể áp đặt kỷ luật cho các quyết định đầu tư và điều đó đã làm giảm hiệu quả vốn đầu tư đi rất nhiều. Chỉ số ICOR của Việt Nam (một cách tính theo đó cứ mỗi một đồng vốn đầu tư tăng thêm thì tạo ra bao nhiêu đồng sản phẩm) đã liên tục bị giảm trong 20 năm qua kể từ khi nước này bắt đầu chuyển sang “kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”.

Mặc dù nguồn vốn đầu tư chiếm 45% GDP quả là phi thường, theo số liệu thống kê của nhà nước, song tăng trưởng chỉ ở mức 6,9% – một kết quả kém xa theo số liệu công bố bởi Trung Quốc hoặc các nước láng giềng tương tự ở Đông Nam Á.

Một nghiên cứu được rất nhiều người biết đến của một cơ quan có uy tín là Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế đã tính toán ICOR của toàn bộ nền kinh tế trong giai đoạn 2001-2009 là 8,78. Xét về hiệu quả thì nghĩa là con số này cho thấy nền kinh tế đã sử dụng gần 9 đô la đầu tư mới để tạo ra mỗi năm 1 đô la tài sản mới. Khu vực nhà nước đã chứng tỏ là nơi làm ăn kém hiệu quả nhất với ICOR của nó là 17,55 cho cùng giai đoạn này.

Các kết quả được công bố bởi các nhà đầu tư nước ngoài cũng chẳng gây ấn tượng đặc biệt hơn với ICOR là 11,14 cho cùng giai đoạn 9 năm nói trên. Người dẫn đầu về ICOR tại Việt Nam chính là khu vực tư nhân trong nước, họ chỉ cần bỏ ra thêm 4,62 đô la đầu tư thì đã có thể tạo ra một đô la sản phẩm mỗi năm.

Chính phủ Việt Nam chắc chắn chẳng cần đến lời khuyên về chiến lược kinh tế vĩ mô. Họ nhận thừa thãi những lời khuyên đó từ Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), quân sư tăng trưởng kinh tế người Nhật Kenichi Ohno và cỡ một trung đội các giáo sư của Đại học Harvard chưa kể rất nhiều kinh tế gia của chính Việt Nam nữa. Các toa thuốc khác nhau về tiểu tiết, song tất cả đều nhất trí là nếu Hà Nội không có những thay đổi căn bản về mô hình phát triển thì tăng trưởng chắc chắn sẽ bị chậm và có khi bị dừng lại bởi vì Việt Nam rơi vào cái bẫy được gọi là “bẫy thu nhập trung bình”.

Diễn đạt một cách hết sức đơn giản thì luận cứ nói trên là như sau: Việt Nam đã hầu như chấm dứt được đói nghèo trên quy mô rộng nhờ việc đã sử dụng hiệu quả người lao động và nguồn vốn. Ngày nay người dân bình thường của quốc gia có 88 triệu dân này mỗi năm có thể tiêu dùng hàng hóa với tổng trị giá bằng tiền là 3000 đô la – một mức giàu có mà thế hệ trước đây chỉ có thể nằm mơ. Tuy nhiên, để phát triển lên tới mức kinh tế tiếp theo thì Việt Nam phải tiến lên bước nữa trong dây chuyền giá trị [value chain].

Cam kết của chính phủ của ông Dũng nhằm đạt được “sự phát triển nhanh và bền vững” đã được đề ra trong một văn bản mang tính chiến lược được công bố rất lâu trước khi đại hội Đảng diễn ra. Đó là một văn bản mang tính trần thuật mạch lạc và rõ ràng về điều gì phải làm, song nó chẳng có điều gì là cụ thể cả. Ngoại trừ một đoạn ngắn nói về việc tiếp tục duy trì khu vực doanh nghiệp nhà nước, tài liệu nói trên giống như một bản kế hoạch làm rộn ràng trái tim của các nhân viên đang làm việc tại Ngân hàng thế giới, ADB và IMF.

Chính phủ dường như đang muốn thuyết phục rằng những gì đạt được cho tới nay – thu nhập của quốc gia đã tăng lên bốn lần trong vòng 20 năm qua – quả thực là mong manh, quả thực là dễ tổn thương trước những cơn đồng bóng của các công ty ngoại quốc đang đi tìm nơi nhân công rẻ để xây nhà máy lắp ráp thành phẩm. Những công ty thuộc loại này bị quy trách nhiệm phần nào cho tình trạng bất ổn trong cán cân thanh toán của Việt Nam – một hậu quả của việc đương nhiên phải nhập khẩu tỉ lệ nguyên liệu đầu vào cao cho hàng hóa sản xuất trong nước để xuất khẩu. Đây chính là tình huống đã tất yếu dẫn đến việc tiền đồng liên tục bị phá giá để duy trì tính cạnh tranh.

Nhưng một nghịch lý đã xuất hiện trong nền kinh tế. Việt Nam từng thu thút các công ty nước ngoài vốn có mặt ở Trung Quốc để mở nhà máy tuyển dụng lao động phổ thông không đòi hỏi kỹ năng cao thì nay chính những công ty này đang gặp phải sức ép do giá thuê đất và chi phí lao động tăng. Cấp tỉnh thì vui vẻ chào đón những doanh nghiệp kiểu như vậy nhưng chính phủ cấp trung ương thì lại tỏ ra không sốt sắng tiếp tục thúc đẩy cái khu vực bóc lột nhân công giá rẻ đó của nền kinh tế.

Thay vì thế, Hà Nội liên tục tuyên bố họ muốn thu hút đầu tư đem lại “tăng trưởng bền vững”. Các nhà hoạch định chính sách cho rằng điều này sẽ phải đi từ tư nhân hóa một phần các doanh nghiệp nhà nước (được cho là làm như vậy để làm cho các doanh nghiệp đó trở nên nhạy bén hơn với kỷ luật của thị trường) và thu hút các công ty đa quốc gia cam kết nâng cấp trình độ công nghệ và kỹ năng quản trị của Việt Nam cũng như đẩy nhnah sự hội nhập chậm trễ vào nền sản xuất.

Hà Nội mới đây đã ghi được những thành công đáng chú ý trong việc thu hút được những dự án đầu tư sản xuất dựa nhiều vào tri thức, trong đó có những cam kết của những tập đoàn đa quốc gia khổng lồ như Intel, Canon, Nokia, Samsung và First Solar, nhà sản xuất tấm pin mặt trời hàng đầu của Mỹ. Chuyện này đang gây lo lắng cho các nước trong khu vực như Thái Lan và Malaysia là những quốc gia đang cạnh tranh với Việt Nam để có được những dự án đầu tư giống hệt như vậy và họ đã có một sự xuất phát đáng kể trong việc phát triển khu vực sản xuất của nền kinh tế.

Cơ sở hạ tầng kém
Viêt Nam sẽ thu hút thêm nhiều hơn nữa công ty công nghệ cao muốn đến Việt Nam để mở nhà máy sản xuất hàng xuất khẩu nếu như Việt Nam giải quyết được những nhu cầu cấp bách về cơ sở hạ tầng.

Hạ tầng giao thông của Việt Nam nổi tiếng là vô tổ chức và quá tải. Chuyện xảy ra quá thường xuyên ấy là người ta xây dựng những tuyến đường mới mà chẳng cần biết nó dẫn đến đâu, cầu xây xong thì không sử dụng được vì không có đường dẫn còn hàng hóa vận chuyển từ nhà máy đến tàu chở công-ten-nơ thì tốn quá nhiều thời gian so với đòi hỏi ngày nay của nền sản xuất là “cần bao nhiêu là có ngay bấy nhiêu”. Được biết Việt Nam mỗi năm cần 16 tỉ đôla cho đường xá, cảng, đường bộ cao tốc và các cơ sở hạ tầng khác; nhiều nhất thì Việt Nam cũng chỉ lo được một nửa số tiền đó từ nguồn ngân sách nhà nước.

Trong khi đó thì hệ thống điện của quốc gia không đáp ứng nhu cầu gần đây đã tăng lên 15% mỗi năm. Giá điện là một phần quan trọng của vấn đề. Từ nhiều năm nay Hà Nội yêu cầu công ty điện lực của nhà nước, Điện lực Việt nam (EVN), phải bán điện với giá rẻ như bùn để khuyến khích hoạt động kinh tế và giảm nghèo.

Với giá điện được duy trì ở mức thấp giả tạo, EVN không thể huy động đủ vốn để đầu tư vào các nhà máy điện mới. Không được đảm bảo chủ động về giá bán điện, các nhà đầu tư nước ngoài không muốn tham gia để bù đắp nguồn cung cấp điện thiếu hụt. Vào đầu năm 2010, chính phủ, EVN, Vinacomin (tập đoàn điện lực của Tổng công ty than và khoáng sản) và một số nhà đầu tư nước ngoài đã đạt được thỏa thuận nguyên tắc về tăng giá điện để có các mức giá bán điện có thể đem lại lợi nhuận cho nhà sản xuất. Kết quả là trong thời gian gần đây có sự dấy lên hoạt động xây dựng các nhà máy điện, một số nhà máy dự kiến sẽ có điện hòa lưới quốc gia vào đầu năm 2013.

Hà Nội giờ đây đang phải chịu trách nhiệm là bắt người tiêu dùng phải chịu giá điện đột nhiên tăng cao. Khi mùa khô đến vào tháng trước kéo theo việc thiếu điện và cắt điện tạm thời thì ông Dũng công bố giá điện sinh hoạt tăng 15%. Đó là một đòn nặng đánh vào người tiêu dùng đang chóng mặt vì giá cả các mặt hàng thực phẩm thiết yếu và nhiên liệu gia tăng (lạm phát trong tháng 3 đã lên tới 14% so với cùng kỳ năm ngoái). Nhưng ngay cả nếu như việc giá điện được điều chỉnh tăng lên theo lạm phát thì ngay cả khi ấy sự tăng nguồn thu sẽ vẫn chẳng thấm tháp vào đâu so với số tiền còn thiếu để tạo ra đủ nguồn cung.

Một cách làm khả dĩ có thể giúp lấp lỗ hổng hạ tầng ấy là các dự án hợp tác công-tư [public-private partnership - PPP]. Nhật bản, Hàn Quốc và Phòng Thương mại châu Âu đã thúc giục Hà Nội cung cấp đủ nguồn vốn để các công ty nước ngoài thấy có lợi khi họ huy động nguồn vốn của họ để đầu tư vào các dự án cơ sở tầng giao thông, một cách làm phổ biến tại các quốc gia láng giềng với Việt Nam. Tháng 11 năm 2010, Việt Nam đã xây dựng một khung pháp lý cho PPP và việc làm này đã được hoan nghênh như là một bước tiến đầu tiên vững chắc để xây dựng một hệ thống đáp ứng yêu cầu của các bên cho vay nước ngoài.

Kiềm chế các doanh nghiệp nhà nước đã được đưa vào chương trình của các nhà cải cách ở Việt Nam từ nhiều năm nay. Cho tới nay họ mới chỉ thành công không đáng kể do sự liên minh giữa người quản lý doanh nghiệp nhà nước và quan chức của bộ máy của Đảng cho đến nay vẫn dễ chịu thoải mái và nó vẫn cứ tỏ ra trơ trơ trước những ý kiến tranh luận đưa ra bởi những người có học trong nội bộ Đảng.

Thế nhưng, sự tan rã của Vinashin vào năm ngoái dường như là chất xúc tác để những người ở vị trí chóp bu một lần nữa lại hạ quyết tâm giải quyết vấn đề của khu vực nhà nước. Ông Dũng ít nhất cũng đã có những lời lẽ khoa trương là nhân cơ hội này sẽ cải tổ triệt để các doanh nghiệp nhà nước trong đó có việc đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa những công ty lớn như Vietnam Airlines và Petrolimex, nhà bán lẻ xăng dầu và kiểm soát chặt chẽ hơn nữa cách sử dụng nguồn vốn nhà nước của các công ty nhỏ hơn.

Với bài học trực quan vẫn còn sống động từ sự tan rã của Vinashin và cái đà tiến do ông Dũng được tái bổ nhiệm thêm 5 năm nữa tại đại hội vừa qua, nay rõ ràng là lúc phải hành động. Dĩ nhiên ở Việt Nam vẫn xảy ra cái câu chuyện quen thuộc là nhà nước ban hành sắc lệnh nhưng nhà nước không làm sao để cho người khác tuân thủ, trong đó lần gây đây nhất là chính phủ ra sức chống lại thị trường hối đoái chợ đen.

Nghị quyết của Bộ Chính trị ngày 16 tháng 3 tán thành nỗ lực của chính phủ nhằm giải quyết sự mất cân bằng kinh tế vĩ mô song về các doanh nghiệp nhà nước thì nghị quyết này chỉ nói là doanh nghiệp nhà nước nên cải tổ với mục đích tiến tới cổ phần hóa và rằng doanh nghiệp nhà nước nên kiên trì bám vào ngành nghề kinh doanh chính của mình. Ban chấp hành trung ương Đảng được bầu vào tháng 1 vẫn chưa nhóm họp và do vậy họ vẫn chưa bàn bạc cân nhắc xem có cần thiết cải tổ triệt để khu vực nhà nước hay không.

Nhưng có thể thấy rõ là ông Dũng đã bắt đầu tạo ra một không khí chung bằng cách ông đang phanh lại tín dụng và chi tiêu và tuyên bố ông có ý định sẽ hợp lý hóa quá trình đề ra quyết định đầu tư của đất nước. Đây là một tín hiệu mà chế độ này hi vọng các ông chủ có tiền ở xa trên khắp thế giới đang dựng ra-đa lên để nghe ngóng còn các nhà đầu tư ngoại quốc đến Việt Nam thì vội vã giở sổ ra ghi chép.

David Brown là một nhà ngoại giao Mỹ đã hồi hưu, ông thường viết về tình hình ở Việt Nam hiện nay. Có thể liên hệ với ông bằng thư điện tử theo địa chỉ: nworbd@gmail.com.

Người dịch: Phạm Anh Tuấn

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

Không có nhận xét nào: