Pages

Thứ Năm, 14 tháng 4, 2011

Văn hóa chửi


Nguyễn Dư (danlambao) - Trời đất! Đã gọi là chửi mà còn văn hóa nữa thì thiệt là hết biết! Ấy, vậy mới có chuyện để mà nói!

Con mẹ hàng thịt chửi thằng cha hàng xén bằng những ngôn từ nghe mà muốn... điếc cái lỗ tai. Con mẽ gom hết những thứ từ ngữ của bạn hàng ra mà xử dụng. Đại khái chỉ kê ra những lời hơi nhè nhẹ: Mầy là thằng không biết điều! Mầy là thằng đểu! Tao đào mả cha ba đời nhà mầy lên! Đừng có động đến nhà bà! Chuyện của bà sao mầy xía vào? Tao nhét cái đầu của mầy xuống cái... lá đa của tao nè nghe chửa...! Thằng cha hàng xén đỏ mặt, tía tai, chỉ biết khe khẽ đáp lễ: Bà là đồ vô giáo dục, vô văn hóa, vô học, vô liêm sĩ...

"Lề phải" và "lề trái" chửi nhau, lời lẽ chả có giá trị gì. Những câu như vô giáo dục, vô văn hóa, vô học, vô liêm sĩ, đó chỉ là cách nhấn mạnh để bày tỏ quan điểm, khẳng định lập trường của mỗi bên. Quyền tự do ngôn luận mà. Nhưng nếu thằng cha hàng xén mà đánh bà hàng thịt bầm mình là đi tù hoặc phải bồi thường. Còn ngược lại, con mẹ hàng thịt lấy con dao chặt thịt chơi vào cần cổ thằng cha hàng xén là có nước đi tù rục xương. Vi phạm nhân quyền đấy.

Hai cách chửi vừa nêu, kể ra chưa có man rợ, dã man bằng chỉ cần nhìn đểu nhau thôi cũng có thể bị chọt một dao như chơi. Dùng cách đối thoại trên được quyền hay dùng vũ lực được quyền?

Trong văn thơ Việt, bà nữ sĩ họ Hồ và bà họ Đoàn thì nổi tiếng khỏi nói rồi. Không thể đem so cái văn phong bóng bẩy đó với bà hàng thịt hay ông hàng xén. Nhưng ai bảo hai bà ấy là không biết chửi. Mỗi từng lớp trong xã hội có cái cách "văn hóa chửi" khác nhau, không thể đòi hỏi phải đồng điệu, nhẹ nhàng, như ý. Những nhà đạo đức (giả), bị đụng chạm đến quan điểm của họ, nhột, không đồng ý với ngôn từ của người khác rồi cho rằng chửi là bậy. Không đồng ý với cách chửi cũng là bày tỏ quan điểm đấy.

Cách chửi thâm thúy của Đào Hiếu cũng là cách chửi có văn hóa. Chửi để bọn cơ hội, bọn quan tham đục khoét tiền của quốc gia mà vô tích sự phải muối mặt thì xã hội mới trong sạch. Người có hiểu biết, người ta nhắm vào cái xã hội trong sạch hay không trong sạch chứ không nhắm vào ngôn từ.

Xã hội toàn những người chỉ biết kiểm điểm, phê bình, nhận khuyết điểm, hứa khắc phục rồi vỗ tay đồng thuận, chỉ là một xã hội thối nát, không đi đến đâu. Hễ nặng lời, chì chiết thì bảo thiếu tinh thần xây dựng!

Những người trí thức gọi chung mọi cách "chửi" là phản biện xã hội. Những người đạo đức (giả) thì cho rằng chửi là bọn hàng tôm hàng cá.

Mấy chục năm nay người Việt hải ngoại đào mồ, cuốc mả Hồ Chí Minh lên mà chửi (ông là nguyên nhân gây ra đại họa cho dân tộc). Đủ thứ cách chửi, đủ thứ kiểu chửi, đem đủ thứ biếm họa ra để mà chửi. Trong vài năm trở lại đây, tình hình người Việt trong nước khốn đốn, xót xa, nhiều người chửi Nguyễn Tấn Dũng, mổ xẻ các lãnh đạo còn tận tình hơn. Đó cũng là cách bày tỏ quan điểm, khẳng định lập trường, làm trong sạch xã hội. Không nghe mấy lãnh đạo có ông nào đáp lễ, kiểu hàng thịt hay hàng xén cũng được; bóng bẩy hơn, văn phong hơn thì theo cách của Đào Hiếu, hoặc như hai nữ sĩ họ Hồ và họ Đoàn. Chửi mấy ông thì cũng như nước đổ đầu vịt, lo gục đầu mà ăn. Người dân mà có ai hó hé thì chỉ thấy mấy ổng núp sau lưng, sai cái đám thiên lôi xử dụng nhà tù, dùi cui và còng số 88 kể cả cứt đái. Thế mà em Phương Nga trùm đầu bằng bao cao su, tối mặt mũi nên không biết gì, cứ cãi chày cãi cối là Vn không có vi phạm nhân quyền. So ra, thằng cha hàng xén, con mẹ hàng thịt chỉ có chửi nhau, nhưng chưa vi phạm đến nhân quyền.

Tôn thờ một lãnh tụ như thần thánh, hâm mộ một nhân vật nào đó là làm cho con người ta mụ mẫm, quờ quạng; ngôn ngữ bạn hàng còn gọi là đần độn. Sống bám vào cái đầu của người khác như một thứ dây leo chùm gởi, ai nói động chạm đến lãnh tụ hoặc thần tượng của họ là nhảy cỡn lên như đỉa phải vôi. Không điều khiển, định hướng nổi cái đầu của mình chính xác, hạng người này dễ bị cuốn theo chiều gió như loài cây cỏ.

Nguyễn Dư (danlambao)

Không có nhận xét nào: