Pages

Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2011

“Vinashin 2” - bài học thua lỗ chưa rút kinh nghiệm


Đức Thành (VOV) - Dư luận đang quan tâm đến khoản thua lỗ trên 3.000 tỷ đồng của Công ty cho thuê tài chính II thuộc Agribank.

Số vốn ban đầu của Công ty cho thuê tài chính II thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chỉ có 300 tỷ đồng nhưng nhờ tận dụng ưu thế của Ngân hàng thương mại nhà nước hàng đầu đã huy động hàng chục nghìn tỷ đồng và cuối cùng đi đến thua lỗ khó tin. Sau Vinashin, một lần nữa, câu chuyện minh bạch thông tin tài chính, hiệu quả giám sát DNNN đang được đặt ra một cách cấp thiết.

Phóng viên VOV phỏng vấn chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong về trường hợp này.


3.000 tỷ đồng bị "hô biến" lẽ nào Agribank không biết? (ảnh: Internet)

3.000 tỷ đồng = Cắt giảm 1.300 dự án = Thua lỗ 1 doanh nghiệp

** Thưa ông, câu chuyện thua lỗ này nói lên điều gì trong công tác quản lý doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực thuê mua tài chính?

Ông Nguyễn Minh Phong: Về khách quan, bản thân hoạt động thuê mua tài chính là một lĩnh vực mới và chứa đựng nhiều rủi ro trong hoạt động kinh doanh. Và thứ hai, hoạt động của Agribank là một trong những hoạt động ngân hàng khá đặc biệt vì nó gắn với những đối tượng phục vụ liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn và độ an toàn của đối tượng phục vụ cũng không phải thật cao. Vì thế đây là 2 nhân tố tương đối khách quan lý giải cho sự thua lỗ nặng nề của Công ty cho thuê tài chính II.

Tuy nhiên, việc doanh nghiệp này lỗ tới 3.000 tỷ đồng trong một thời gian dài cho thấy những bất cập cả về cách quản lý của công ty đó cũng như của Agribank và hệ thống giám sát tài chính của Việt Nam.

So sánh chúng ta có thể thấy, thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ trong toàn bộ quý I với hơn 1.300 dự án về đầu tư nhà nước, chúng ta mới cắt giảm điều chuyển được 3.400 tỷ đồng, trong khi riêng một Công ty tài chính của một ngân hàng đã làm lỗ tới 3.000 tỷ đồng - một con số tương đương cho thấy thiệt hại lớn về mặt tài chính.

Ở đây, tôi cho rằng có 3 vấn đề đáng nói. Thứ nhất, những hoạt động này đáng ra phải được nghiên cứu kỹ và được quản trị rủi ro ở cấp cơ sở thật tốt để ngăn ngừa từ xa cũng như để cảnh báo và có phương án chủ động ngay từ đầu. Thứ hai, bản thân Agribank cũng cần nắm được con số này để có sự chủ động. Thứ ba, Ủy ban Giám sát tài chính tiền tệ quốc gia có trách nhiệm giám sát hoạt động của các ngân hàng cần phải nắm được, chứ không thể đùng một cái công bố thông tin này.

Tôi cho là có những yếu tố liên quan đến tham nhũng. Vụ việc này cho thấy những điểm rất bất cập cả ở tầm vi mô lẫn vĩ mô, cả về mặt chính sách cũng như triển khai hoạt động giám sát.

Cảnh báo nguy cơ rủi ro lan truyền

** Như ông phân tích, rõ ràng chúng ta đang có những kẽ hở nhất định trong quản lý hoạt động tài chính của các công ty tài chính trực thuộc, của các tổ chức tín dụng hay các ngân hàng?

Ông Nguyễn Minh Phong: Đạo luật của Mỹ khi thông qua vào giữa năm 2009 đã khẳng định là cần phải tách biệt hoạt động đầu tư với hoạt động tín dụng truyền thống trong hệ thống các tổ chức tín dụng - ngân hàng. Có thể hiểu là bản thân các công ty cho thuê tài chính phải có vốn. Đây là hoạt động chứa đựng rất nhiều rủi ro, trong khi đó tín dụng thuần tuý của NH là hoạt động huy động vốn và cho vay, và phải đảm bảo được khả năng trả nợ để tránh sự đổ vỡ.

Cho nên phát triển thiếu cơ chế đảm bảo an toàn và khống chế hoạt động của các công ty tài chính gắn với các hoạt động tín dụng là một trong những điểm bất cập. Tôi cho đây là vấn đề cốt lõi và cần được nhận thức để sớm có sự điều chỉnh về chính sách theo hướng này.

Thực tế hiện nay trong Luật Ngân hàng và Luật Tín dụng mới cũng đã bước đầu giảm thiểu những hoạt động đầu tư khỏi hoạt động tín dụng. Thứ hai, các công ty tài chính cần phải hoạt động một cách độc lập về cơ chế cũng như vốn để tránh hiện tượng rủi ro mang tính lan truyền, nhất là rủi ro từ lĩnh vực tài chính lan ra hoạt động tín dụng của ngân hàng, rất dễ gây ra sự đổ vỡ bộ phận và kéo theo sự đổ vỡ cục bộ thậm chí sự đổ vỡ của khối, của ngành. Đây là một trong những điều nguy hiểm nhất và cũng là một trong những cảnh báo lớn nhất, thông điệp lớn nhất từ hiện tượng lỗ 3.000 tỷ của Công ty cho thuê tài chính của Agribank.

** Có thể thấy con số hơn 3.000 tỷ đồng thua lỗ của Công ty thuê mua tài chính II gấp đến hơn 8 lần vốn điều lệ của chính công ty. Trong bối cảnh hiện nay chúng ta phải xử lý như thế nào, tiếp tục cứu vớt bằng cách bơm thêm vốn hay cho phá sản?

Ông Nguyễn Minh Phong: Tôi cho là chưa đủ thông tin để kết luận việc xử lý Công ty này. Các thông tin cần phải được cập nhật và phải được cơ quan chức năng, cơ quan điều tra làm rõ, để phân định rạch ròi tính chất của từng khoản lỗ, khoản nợ và khả năng thu hồi những khoản lỗ, khoản nợ của công ty này.

Tuy nhiên, dưới góc độ kinh doanh, một công ty lỗ tới hơn 8 lần vốn là hiện tượng không bình thường trong hoạt động của thị trường tài chính. Điều này cũng cho thấy năng lực của lãnh đạo công ty và lãnh đạo cơ quan cấp trên. Ở đây chúng ta thấy trong thiết kế bộ máy và quy trình làm việc của công ty tài chính II có vấn đề liên quan đến toàn bộ hoạt động lập kế hoạch, giám sát triển khai và cảnh báo rủi ro cho hoạt động kinh doanh này cũng như phương án chuẩn bị của Agribank với tư cách là cơ quan chủ quản trước các tình huống có thể xảy ra trong kinh doanh.

Tôi thấy đáng lẽ chỉ cần lỗ đến tỷ lệ 1-1 thôi là đã phải có cảnh báo nhanh và rất chính xác giữa công ty cho thuê tài chính II với Agribank để chủ động xử lý. Trong quy chế hình thành hoạt động công ty này cũng như bản thân Ngân hàng cũng cần phải có sẵn những kịch bản, phương án cho việc xử lý những tình huống như vậy nhưng hiện nay rõ ràng chưa có, điều đó cho thấy khiếm khuyết lớn về mặt tài chính.

Sự phối hợp các kênh giám sát đang có… vấn đề

** Như ông đã nói, hiện các DNNN nói chung và các Công ty thuê mua tài chính đều có kênh giám sát: kênh giám sát từ Kiểm toán Nhà nước, từ Thanh tra Chính phủ, từ chính cơ quan chủ quản là NHNN; thậm chí có cả một Uỷ ban Giám sát tài chính tiền tệ quốc gia, và nhiều công ty kiểm toán hàng năm, cơ quan thuế… Tại sao các kênh giám sát này chưa phát huy được tác dụng mang tính cảnh báo sớm như ông đề cập?

Ông Nguyễn Minh Phong: Về hình thức, chúng ta đã có khá đồng bộ và đầy đủ các bộ phận ban ngành liên quan đến kiểm soát, kiểm toán cũng như về nguyên tắc đã có những quy trình nhất định trong việc thực hiện giám sát. Tuy nhiên có 2 điểm bất cập rất quan trọng.

Thứ nhất, quy chế phối hợp giám sát giữa các cơ quan chức năng, liên ngành cũng như ngành dọc đang có vấn đề, cả khâu thực hiện cũng có vấn đề.

Thứ hai, hệ thống số liệu, hệ thống cung cấp và thông tin các chế độ báo cáo định kỳ, các quy chế báo cáo tài chính cũng có vấn đề, nó khiến cho thông tin nhạy cảm cần được giám sát và cảnh báo bị khoả lấp, che dấu...

Điều thứ 3 cũng rất quan trọng, dường như chúng ta đang bị chi phối bởi những yếu tố mang tính chất tâm lý, dường như thông tin nhạy cảm liên quan đến thua lỗ của các tập đoàn DNNN là bí mật, nó gần như được đồng thuận để lưu hành nội bộ mà không được cảnh báo kịp thời bởi các cơ quan chức năng, đặc biệt là ở các cơ quan có đủ thẩm quyền cao nhất thực hiện việc ngăn chặn sớm những hiện tượng này.

Tôi muốn nói rằng bản thân tư duy quản lý của Nhà nước cũng cần phải có sự thay đổi theo hướng các thông tin nhạy cảm, các hoạt động lỗ lãi, đặc biệt là lỗ của các DNNN, kể cả của NH cũng cần phải khách quan, chính xác và cập nhật, đảm bảo tính công khai để dư luận có thể giám sát và có những cảnh báo phương án chủ động, tránh những trường hợp phải xin quá nhiều các cấp thẩm quyền để thực hiện việc giám sát cũng như ngăn chặn, từ đó gây ra tình trạng chậm trễ. Bài học Vinashin là một ví dụ, nếu Vinahsin được cảnh báo sớm hơn chắc chắn sẽ không có những khoản thiệt hại lớn như đã xảy ra. Như vậy, chúng tôi tin rằng, nếu cảnh báo sớm, khoản lỗ trên 3.000 tỷ đồng của công ty thuê mua tài chính II của Agribank cũng không tới mức như vậy.

“Không thể để tay trái thanh, kiểm tra tay phải”

** Đã đến lúc chúng ta phải tính đến những đề nghị thành lập Công ty giám sát độc lập theo đúng nghĩa để giám sát DNNN?

Cho đến nay, về cơ bản, cơ quan giám sát vẫn thuộc hệ thống cơ quan giám sát của Nhà nước; các công ty đánh giá chưa tồn tại, hoặc chưa được tồn tại một cách chính thức hoặc chưa được sử dụng với tư cách là một công cụ giám sát khách quan mang tính chất xã hội.

Như vậy trong thời gian tới chúng tôi cho rằng cần phải bổ sung gấp 2 hạng mục công việc liên quan đến giám sát: thứ nhất, phát triển một cách thuận lợi khách quan và tôn trọng các công ty bao gồm cả đánh giá trách nhiệm từ các ngân hàng. Chúng ta thấy trước đây đã từng có một công ty định xếp hạng các Ngân hàng nhưng bị phản đối khiến cho việc xếp hạng này không được thực hiện. Trong khi đó ở nước ngoài hoạt động này rất phổ biến, từ các nhà đầu tư đến việc giám sát xã hội cần phải được thực hiện bởi cơ quan độc lập, thậm chí cơ quan tư nhân để đảm bảo tính khách quan vì nó có những thông tin chất lượng, khách quan phù hợp với yêu cầu về ổn định.

Thứ hai, cũng tương tự như vậy, các cơ quan kiểm toán cần được xây dựng và phát triển trên nền tảng pháp lý thuận lợi đảm bảo tính độc lập khách quan kể cả những công ty kiểm toán tư nhân được mời gọi và tham gia vào kiểm toán, để tránh hiện tượng lấy tay phải kiểm tra, thanh tra tay trái thì chắc chắn cùng một cơ thể cũng khó có những động tác mang tính chất gay gắt, khách quan để đảm bảo tính giám sát theo yêu cầu chung của nền kinh tế.

** Xin cảm ơn ông!./.

Đức Thành (thực hiện)

http://vovnews.vn/Home/Vinashin-2--bai-hoc-thua-lo-chua-rut-kinh-nghiem/20114/172300.vov

Không có nhận xét nào: