Pages

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011

2 Ngân Hàng VN Đã Cạn Tiền Nhiều Ngân Hàng Gặp Nguy

2 Ngân Hàng VN Đã Cạn Tiền Nhiều Ngân Hàng Gặp Nguy; Quốc doanh đốt tiền: nhận vốn nhà nước 50-70%, thu chỉ 15-20%

Bản tin của báo Pháp Luật Thành Phố hôm Thứ Bảy 22-10-2011 cho thấy tình hình kinh tế tài chánh nguy ngập tại Việt Nam: 2 ngân hàng mất khả năng thanh khoản, nhiều ngân hàng khác nguy ngập, và 50.000 doanh nghiệp sụp tiệm từ đầu năm tới giờ. Khả năng thanh khoản có nghĩa là vốn lưu động để thanh toán cho các giao dịch. Như thế, có nghĩa là nhiều ngân hàng cạn tiền.
Bản tin nhan đề “.Liều thuốc mạnh đang có phản ứng phụ” trích như sau:
“Gần 50.000 DN ngưng hoạt động; đã có ngân hàng thông báo mất khả năng thanh khoản…
Thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế, xã hội chiều 21-10, nhiều đại biểu (ĐB) đã nêu những tác dụng phụ của các nhóm giải pháp thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát vừa qua. Trong đó nổi lên là nguy cơ giải thể của hàng loạt doanh nghiệp (DN), tình trạng các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại mọc ra quá nhiều, dẫn đến “đi đêm”, cạnh tranh lãi suất như một cái “chợ”…

Nhiều doanh nghiệp ngắc ngoải
ĐB Đặng Thị Hoàng Yến (Long An) thắc mắc trong báo cáo của Chính phủ không thấy nêu số lượng DN đã giải thể, ngưng hoạt động. “Theo tôi được biết thì con số này tính từ đầu năm tới nay đã lên tới gần 50.000. DN hiện nay đang rất khó khăn nên cần phải đưa những con số này vào để có hướng tháo gỡ” - bà Yến đề nghị và cho biết thêm thời gian qua, hàng loạt vụ nợ quy mô lớn đã xảy ra trên khắp cả nước.
“Đây là hệ quả của việc siết tín dụng đối với các ngân hàng. Thực tế đến thời điểm này, đã có hai ngân hàng thông báo mất khả năng thanh khoản, một số các ngân hàng khác đang trong tình trạng báo động. Theo tôi, phải xem lại liều lượng siết tín dụng vì các ngân hàng đang đứng trước nguy cơ rất lớn” - bà Yến nói và đề nghị NHNN phải xem lại việc này nếu không từ nay đến cuối năm và sang năm, số lượng DN đổ vỡ còn nhiều hơn nữa.“
Trong khi đó, một Đại Biểu Hà Nội nói rằng dù chưa vỡ nợ nhưng cũng là bên mép bờ. Bản tin viết:
“ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cảnh báo dù chưa có vỡ nợ nhưng với một nền kinh tế đẻ ra quá nhiều tổ chức tín dụng thì đó là bất bình thường. Bên cạnh đó, những biện pháp để ứng phó với tình trạng các tổ chức tín dụng đi đêm cũng triển khai quá chậm. “Cách đây năm năm đổ vỡ hàng loạt tổ chức tín dụng nhân dân cũng là bài học. Cần nghiêm khắc với chính bản thân để tìm giải pháp khắc phục” - ông Quyền nhấn mạnh. Đồng tình, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng cần tái cơ cấu hệ thống ngân hàng theo hướng những ngân hàng nào yếu kém quá thì có thể cho phá sản hoặc sáp nhập.”
Tình hình quốc doanh đốt tiền cũng đươc5 nhắc tới. Bản tin báo Pháp Luật Thành Phố viết:
“Vấn đề hiệu quả kinh doanh của các tập đoàn cũng là nội dung được nhiều ĐB quan tâm. Theo ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), hiện nay nguồn vốn nhà nước đầu tư cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chiếm đến 50%-70%. Nhưng thực tế, nguồn thu mà các đơn vị trên tạo ra chỉ chiếm được 15%-20%. “Giá trị kinh tế mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tạo ra như thế là rất thấp, thậm chí làm ăn thua lỗ nữa. Nếu cứ như thế thì liệu các tập đoàn, tổng công ty có dẫn dắt nổi nền kinh tế không” - ông Vinh băn khoăn.
ĐB Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình) nhận định sự chỉ đạo để tái cơ cấu lại các tập đoàn, các tổng công ty, DN nhà nước lớn đang còn chậm. Hiện nay, nhiều tập đoàn, tổng công ty làm ăn kém hiệu quả. Ngoài Tập đoàn Vinashin thì còn có Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Hàng hải… đang bị lỗ. Ngay cả Tập đoàn Vinashin dù đã có chủ trương tái cơ cấu nhưng đến nay làm cũng vẫn chậm.”

Không có nhận xét nào: