Pages

Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2011

Tín dụng đen: ‘Cơn bão của nợ xấu’

Thường Sơn
Nhà báo tự do ở Tp HCM

Năm 2010 là thời điểm tăng giá mạnh của
tất cả các phân khúc nhà đất tại Hà Nội.
Cơn bão đổ vỡ tín dụng đen bất động sản ở Hà Nội không thể là một hiện tượng ngẫu nhiên.
Mặc dù cơn bão này trở nên ghê gớm hơn hẳn vào tháng 10/2011, nhưng quá trình tích tụ của nó đã xuất phát từ khoảng giữa năm 2010.

Cho đến nay, nhiều người dân Hà Nội vẫn còn ngạc nhiên về chuyện tại sao đã không có một doanh nghiệp bất động sản nào bị “chết” khi thời điểm 30/6/2011 lặng lẽ trôi qua.

Cuối tháng 6/2011 là thời điểm Ngân hàng nhà nước Việt Nam ban hành một quy định của đã yêu cầu các ngân hàng thương mại phải kéo giảm tỷ lệ dư nợ tín dụng phi sản xuất còn 22%.

Muốn giảm tỷ lệ dư nợ tín dụng phi sản xuất, các ngân hàng với phần lớn là ngân hàng thương mại nhỏ, phải tăng cường thu nợ từ các con nợ là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và cả những cá nhân đùng “đòn bẩy tài chính” – một hình thức vay mượn margin tại ngân hàng nhằm gia tăng tỷ lệ lợi nhuận.
Thực ra, đã râm ran khá nhiều tin tức về việc những doanh nghiệp này được ngân hàng “cứu”.
Thậm chí đối với một số doanh nghiệp bất động sản lớn, nợ cũ không những được đảo nợ mà ngân hàng còn bơm thêm một lượng vốn lưu động cho doanh nghiệp để đắp vá vào những công trình dở dang.
Thế nhưng còn cá nhân vay mượn ngân hàng thì sao? Không phải con nợ nào cũng đủ uy tín để ngân hàng duy trì mối quan hệ hữu hảo. Ngân hàng cũng không thể cho khất nợ mãi được. Và rồi điều gì phải đến đã đến.
Vào cuối tháng 9/2011, một quý khất nợ lại trôi qua. Từ trước đó việc thu nợ đã trở thành công tác được ưu tiên.
Nhưng siết nợ vào thời điểm đó cũng giống như một sự đánh đố.
Kinh doanh "rỉ tai"
Tín dụng đen lập ra kênh cho vay không chính thức với lãi suất rất cao.
Thị trường bất động sản Hà Nội đã đóng băng từ tháng 4/2011, giá trị giao dịch nhỏ giọt và nhà đầu tư không làm sao có thể bán được đất dự án hoặc căn hộ mà họ đã trót vay mượn đầu tư từ khi sóng bất động sản còn sôi trào trong năm 2010.
Khi ngân hàng không còn cách nào khác ngoài việc siết nợ, thì những con nợ là đại gia bất động sản cũng không còn lối thoát nào khác ngoài việc tuyên bố “phá sản”.
Từ đầu tháng 10/2011, trên địa bàn Hà Nội đã liên tiếp xảy ra 5-6 vụ vỡ nợ tín dụng đen bất động sản.
Ngoài kênh vay mượn từ ngân hàng, những đại gia bất động sản còn huy động từ nhiều cá nhân với lãi suất rất cao, có thời điểm đến 30-40%/tháng, tương đương với 360-480%/năm.
Khó có người cầm tiền nào giữ được thái độ bình thản trước mức lãi suất khủng khiếp như thế.
Chỉ với 5-6 vụ vỡ nợ bất động sản vừa diễn ra, hậu quả của nó đã lên đến khoảng 10.000 tỷ đồng (khoảng 500 triệu USD), tương đương với vốn hoạt động của một ngân hàng trung bình.
Nhiều gia đình đã lâm vào tình cảnh gần như trắng tay sau “cái chết của bầy thiên nga đen”.
Tại các huyện Phú Xuyên, quận Hà Đông, thị trấn Phùng ở Hà Nội, người dân rồng rắn kéo nhau đi đòi nợ, tạo nên một hình ảnh biểu tình không chính thức.
Sự thật là hậu quả xã hội tiếp liền ngay sau hậu quả kinh tế.
Không khí nháo nhác thất thần của các con nợ cũng phản ánh hiện thực về một mảng thị trường kinh doanh ở Việt Nam, nơi mà đến người nước ngoài từ lâu cũng biết về tâm lý bầy đàn và “nền văn hóa kinh doanh rỉ tai”, mà cuối cùng trở thành cái chợ của sự lừa gạt lẫn nhau.
Trước làn sóng tín dụng đen đổ bể quá nhanh và quá tàn nhẫn, Ủy ban nhân thành phố Hà Nội đã phải phát đi một văn bản khuyến cáo người dân cảnh giác với hoạt động cho vay vốn với lãi suất cao của các cá nhân, tổ chức… Nhưng xem ra mọi việc đã quá trễ.
Cơn bão tín dụng đen bất động sản dường như chỉ mới khởi đầu sự tàn phá dữ dội của nó.
"Tái cấu trúc"
Các công ty bất động sản đang bị đọng vốn lớn vì không bán được hàng ngàn căn hộ.
Nếu quay ngược thời gian và so sánh, sẽ không khó để nhận ra rằng tháng 10 năm 2010 cũng là thời điểm tăng giá mạnh nhất của tất cả các phân khúc nhà đất tại Hà Nội.
Không chỉ đất dự án khu vực phía Tây và phía Đông, mà cả đất thổ cư ở các huyện ngoại thành như Mê Linh, Sóc Sơn cũng vọt lên gấp dôi.
Đó cũng chính là thời điểm mà làn sóng vay mượn của cá nhân, ngân hàng dâng cao.
Tháng 10/2011 lại là thời điểm đáo hạn cho đợt vay mượn từ một năm trước đó.
Hậu quả tất yếu đã xảy ra khi mặt bằng giá đất nền giảm bình quân 20-25%, giá căn hộ trung – cao cấp cũng giảm 10-15%, nhưng cay đắng nhất vẫn là không bán được hàng để trả nợ.
Khoảng 35.000 căn hộ trung – cao cấp đang tồn đọng trên địa bàn Hà Nội cũng là vì thế.
Hẳn nhiên đã thấp thoáng bóng dáng các ngân hàng phía sau những vụ kiệt quệ về khả năng thanh toán, cho dù chưa một ngân hàng nào thừa nhận.
"Không phải ngẫu nhiên mà kế hoạch cải tổ hệ thống ngân hàng được xưng danh như một kiểu tái cấu trúc"
Tuy thế, liệu các ngân hàng sẽ còn cầm cự được bao lâu nữa về nợ xấu, nợ khó đòi hay nợ không thể thu hồi khi thời điểm cuối năm 2011 đang đến rất gần, và ngân hàng thương mại còn bắt buộc phải kéo giảm tỷ lệ dư nợ tín dụng phi sản xuất xuống 16% theo chỉ thị của Ngân hàng nhà nước?
Đang có những dư luận và lời đồn đoán xuất hiện ở Hà Nội về khả năng một số ngân hàng nào đó sẽ có thể rơi vào vòng phá sản.
Trong những tháng còn lại của năm 2011, gần như chắc chắn thị trường bất động sản Hà Nội sẽ không có lấy một chút khởi sắc, do vậy cũng chẳng còn hy vọng cho nhà đầu tư thoát hàng để trả nợ.
Và cũng không phải ngẫu nhiên mà kế hoạch cải tổ hệ thống ngân hàng, được danh xưng như một kiểu “tái cấu trúc”, đã được Chính phủ và cả Ban bí thư trung ương đảng thông qua.
Rõ ràng đã có không ít ngân hàng nằm trong tình trạng có tỷ lệ nợ xấu vượt mức cho phép, thậm chí có ngân hàng có tỷ lệ dư nợ tín dụng bất động sản và chứng khoán lên đến 50%.
Động thái tái cấu trúc hệ thống ngân hàng sẽ là cần thiết, dù chưa xảy ra đổ vỡ tín dụng đen.
Còn với cơn bão tín dụng đen vừa qua, động thái đó lại càng trở nên cấp thiết.
Sự cấp thiết đó cũng bắt nguồn từ tình trạng gần như bị bất ngờ hoàn toàn của các cơ quan quản lý và dự báo kinh tế trước “cái chết” của những người mà trước đó vẫn còn ung dung chơi golf và ăn uống với các quan chức.
Hậu quả khó lường
Chủ trương siết tín dụng phi sản xuất tác động mạnh tới hoạt động cho vay bất động sản.
Tình thế bất ngờ đó sẽ càng trở nên bất ngờ hơn nếu vào những tháng cuối năm 2011, cơn bão tín dụng đen càn quét đến tận ngân hàng, nơi không ít quan chức có cổ phần.
Có thể thấy trước là sẽ có những chỉ thị, động thái can thiệp vừa chính thức vừa cương quyết của các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam, kể cả những cuộc vận động không chính thức nhằm bít lại những lỗ thủng của cái áo ngân hàng mà tín dụng đen bất động sản đang gây phương hại.
Bởi, những ngân hàng đã từng ung dung tận hưởng thành quả của đợt tăng giá nhà đất Hà Nội năm 2009-2011 sẽ có thể rơi vào thảm cảnh từ hậu quả vỡ nợ dây chuyền.
Các cơ quan quản lý Việt Nam đã bị bất ngờ trước kịch bản đổ vỡ tín dụng đen, rồi đến khi sự đổ vỡ này hiện thực hóa, họ lại đang vướng vào sai lầm lớn là đánh giá quá thấp nguy cơ của nó.
Vì thế, dù những động tác bít vá được gấp rút tiến hành, mọi chuyện có lẽ sẽ vẫn xảy ra theo quy luật kinh tế.
Nếu thời điểm khởi phát của tín dụng đen vào tháng 10/2011 ứng với tháng 10/2010 khi làn sóng vay mượn ngân hàng dâng cao, thì đến khi nào tín dụng đen mới có hồi kết?
Có lẽ cần nhìn lại một mốc thời điểm khác – tháng 3/2011 – đợt sóng cuối cùng của sóng tăng giá bất động sản tại Hà Nội.
Đến quý 1/2012 hoặc cùng lắm là hết quý 2/2012, nếu những cố gắng của Ngân hàng nhà nước cũng như của các bộ ngành liên quan đến cổ phần ngân hàng không có nhiều ý nghĩa, hẳn cơn bão tín dụng đen bất động sản sẽ hoàn tất phần tác động gây hậu quả kinh tế lớn nhất của nó, kể cả những biến động khủng hoảng xã hội khó lường.

Không có nhận xét nào: