Pages

Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2011

Lại một tin vui!

http://danluan.org/files/u1/sub02/social_media480.jpg

Trần Kinh Nghị
 
 
Không biết mọi người có để ý một mẫu tin tại trang 2 báo của Tuổi trẻ sáng nay (29/10): “Mạng xã hội làm tăng tính đối thoại của báo chí“(!?)
Đây có thể là kết qủa cụ thể của cuộc hội thảo “Mạng xã hội và báo chí” do Bộ Thông tin Truyền thông phối hợp với Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức tại Huế ngày 28/10, và cũng là kết quả chung cuộc của cả quá trình hình thành và phát triển hệ thống mạng xã hội ở Việt Nam từ hơn chục năm nay.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lưu Vũ Hải – Cục trưởng Cục PTTH-TTĐT đánh giá: “Mạng XH đã buộc các cơ quan báo chí phải thay đổi cách suy nghĩ từ làm báo một chiều sang đối thoại hai chiều với đọc giả“. Tôi nghĩ, đây là sự nhìn nhận chính thức đầu tiên của Nhà nước đối với vai trò của mạng xã hội. Và điều quan trong là, nó còn phát ra một tín hiệu về một sự “tan băng” trong mối quan hệ giữa hai giòng truyền thông “chính thống” và “phi chính thống” thường được coi là “lề phải” và “lề trái”, mà trong đó “lề trái” thường bị kỳ thị, thậm chí cấm đoán…(?)
Mãi đến nay mới có một hội thảo như vậy là hơi muôn, nhưng dù sao cũng rất bổ ích trong bối cảnh đang diễn ra nhiều sự cố đến mức “xì-căng-đan” trong lĩnh vực công tác truyền thông Nhà nước khi mà lâu nay mọi nguồn tin đều được “bao cấp” (ít ra là về mặt lý thuyết) bởi các cơ quan truyền thông Nhà nước, từ đường lối-chủ trương- chính sách đến văn học- nghệ thuật, thể thao, phim ảnh, và cả kinh doanh tiếp thị…. Họ nói gì thì dân biết nấy, tin hay không là nhờ “tài khéo léo” của những người làm công tác tuyên truyền! Và phải chăng vì chưa “khéo”, gần đây liên tục xảy ra các vụ việc không mấy hay ho, như vụ “bao cao su” của TS Cù Huy Hà Vũ, rồi vụ Đài TH Hà Nội bị thưa kiện, mới đây lại có chuyện một nhân vật quan trong của Báo QĐND trích Hiến pháp nói “có hai loại nhân dân”…?
Trong bối cảnh nói trên, có thể nói cuộc Hội thảo là một cơ hội tốt để nhìn nhận lại và có sự điều chỉnh cần thiết trong lĩnh vực công tác truyền thông Nhà nước sao cho phù hợp với thời đại bùng nổ thông tin toàn cầu, mà trong đó mọi công dân đều có thể tiếp cận các nguồn tin rất đa dạng, đa chiều. Cũng hy vọng sẽ tiến tới xóa bỏ quan niệm thông tin “lề phải”, “lề trái”… và chỉ coi đó là CÁC NGUỒN THÔNG TIN. Làm được điều này không chỉ bổ sung thêm thế mạnh của cơ quan truyền thông Nhà nước mà còn góp phần tăng cường khối đoàn kết toàn dân cho mục tiêu xây dựng và bảo vệ đất nước, thực hiện nước giàu, dân mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Trần Kinh Nghị

Không có nhận xét nào: