Sự kiện sau có thể là công đầu của chính sách ngoại giao Mỹ: Hai nhà lãnh đạo của hai Đảng Cộng sản tồn tại vững bền nhất thế giới đã gặp nhau tại Bắc Kinh tuần này, và, trong vài phương diện nào đó, Washington có thể lấy điểm vì đã đưa họ lại với nhau.
Ông Hồ Cẩm Đào, người đứng đầu Đảng Cộng sản đang cầm quyền tại Trung Quốc (TQ), đã tiếp vị đồng nhiệm Việt Nam, Ông Nguyễn Phú Trọng, để đối thoại chính thức tại thủ đô TQ, và hai bên đã thỏa thuận hợp tác với nhau nhằm giải quyết cuộc tranh chấp lãnh thổ gay gắt của họ trong Biển Đông. Vì TQ có thái độ hung hãn về vấn đề này trong 18 tháng qua, Việt Nam đã thúc đẩy Hoa Kỳ can thiệp, việc này sau đó đã giúp tạo ra một diễn đàn để Hà Nội tái khởi động cuộc đối thoại với Bắc Kinh.
Hành vi quyết đoán của TQ đã là một quà tặng cho Mỹ tại châu Á, một điều được biểu hiện bằng giọng điệu tự tin trong một bài báo của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton trong số mới nhất của Foreign Policy. Có một thời gian trong thập niên 1990 Hoa Kỳ thường bị các lãnh đạo trong khu vực xa lánh, mãi cho đến khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 làm dịu bớt thái độ căng thẳng của họ. Nhưng trong thập niên đầu của Thế kỷ XXI, Mỹ lại quá bận tâm với vấn đề Iraq và Afghanistan, trong khi Châu Á bị mê hoặc bởi sự trỗi dậy của TQ.
Nhưng trong hai năm qua, Hoa Kỳ được nhiệt liệt đón mời trở lại khu vực này, trong khi nhiều nước đang tìm cách đề phòng một TQ đang trỗi dậy. Và nếu căn cứ vào lời nói của Bà Clinton, thì rõ là Chính quyền Obama đang một lần nữa nhìn sang hướng Đông, với những kế hoạch to lớn trong đầu. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất trong thập kỷ tới của Mỹ, theo Bà, là “quyết định gia tăng đầu tư đáng kể – về ngoại giao, kinh tế, chiến lược, và nhiều lãnh vực khác – tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương”. Đây là một tuyên bố phi thường ở một thời điểm Washington cần phải tập trung vào nhiều vấn đề quốc nội và cắt giảm chi phí quốc phòng.
Những viên gạch đầu tiên tạo nền móng cho việc Mỹ trở lại châu Á đã có sẵn. Quan hệ quốc phòng với Singapore đã được tăng cường. Vào thời điểm Tổng thống Mỹ Obama đến thăm Australia tháng 11 năm nay, ông sẽ công bố một chương trình thăm viếng của các chiến hạm Mỹ và việc thiết lập căn cứ ở phía Bắc nước này. Cùng tháng đó, Tổng thống Mỹ sẽ có mặt tại Bali để lần đầu tiên tham dự Cuộc họp Thượng đỉnh Đông Á và sẽ đến Hawaii để tham dự cuộc họp thường niên của các lãnh đạo quốc gia thuộc diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương. Tất cả diễn tiến này, tất nhiên chỉ là một màn giáo đầu cho bàn cờ chính trị quan trọng: đó là, liệu Mỹ và TQ có thể đi đến một tạm ước (modus vivendi) tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương hay không.
Có nhiều điều TQ sẽ không hài lòng trong bài báo của Bà Clinton. Như Minxin Pei nhận xét trong một bài phân tích trên tạp chí Diplomat, “bản tuyên bố Clinton sẽ được Bắc Kinh coi như thêm một tuyên cáo nữa nói rằng Mỹ quyết tâm giữ địa vị siêu cường Châu Á - Thái Bình Dương… Thông điệp chiến lược cho mọi quốc gia trong khu vực này, đặc biệt TQ, là rất rõ ràng: đừng coi chúng tôi như là không có và thậm chí đừng nghĩ đến việc đẩy chúng tôi ra khỏi nơi đây”.
Nhưng liệu Mỹ có đủ sức để thực hiện một cam kết thực sự lớn hơn hiện nay đối với Châu Á vào một thời điểm Mỹ đang đối phó với những thâm thủng ngân sách ngày một phình lớn? Và TQ sẽ hưởng được khích lệ vật chất nào để phải nhượng bộ trước sức mạnh của Mỹ ở một thời điểm TQ đã có đủ hỏa lực để tích lũy quyền lực của mình? Pax Americana (hoà bình kiểu Mỹ) đã phục vụ châu Á tốt đẹp kể từ khi Thế chiến II chấm dứt. Liệu nó có đưa được TQ vào dưới cái dù của nó hay không, đó là thử thách lớn nhất mà nó đã gặp phải trong nửa thế kỷ vừa qua.
Liệu chính quyền Obama có hậu thuẫn lời tuyên bố của Bà Clinton bằng hành động cụ thể hay không?
Bộ trưởng Ngoại giao Hillary Clinton đáng được khen ngợi vì có công đưa ra một viễn kiến toàn diện cho sự can dự của Mỹ trong khu vực Ấn độ-Thái Bình Dương trong một thế kỷ tới. Bà Clinton và Ban đặc trách châu Á của bà, đứng đầu bởi Phụ tá Ngoại trưởng Kurt Campell, đã và đang hăng hái tổ chức những chuyến công du đến khu vực này và đánh dấu những nỗ lực của Mỹ nhằm hỗ trợ các liên minh của Mỹ với Nhật Bản, Nam Hàn, và Australia; hợp tác chiến lược với Ấn Độ, bao gồm cả việc xuyên qua một hợp tác tay ba Mỹ-Ấn-Nhật (U.S-India-Japan trilateral cooperation) quan trọng và mới mẻ; tăng cường quan hệ với Indonesia; bảo vệ tự do lưu thông hàng hải trên Biển Đông; và phát triển tình hữu nghị với các đảo quốc Thái Bình Dương. Sự vận động này nhắc nhở với thế giới rằng chính sách châu Á của Mỹ có cơ sở của một sự đồng thuận lưỡng đảng [cả Dân chủ lẫn Cộng hòa] tại Washington – và rằng Mỹ chưa bao giờ “rời bỏ” châu Á dưới thời George W. Bush. Thật vậy, nỗ lực lịch sử của [cựu Tổng thống] Bush trong việc mở rộng quan hệ với Ấn Độ đã đặc biệt đóng góp cho việc tạo ra một bối cảnh chiến lược thuận lợi hơn để Tổng thống Barack Obama tích cực tham gia vào khu vực này.
Câu hỏi gay gắt hơn sẽ là, liệu chính quyền Obama có thực sự cam kết duy trì một cán cân lực lượng có lợi cho Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương hay không – vì nếu không có một sự cam kết như vậy, thì nhiều mục tiêu đáng ca ngợi của Bà Clinton không thể thực hiện được. Chính dự án ngân sách của Obama sẽ cắt giảm 1.000 tỷ đôla chi phí quốc phòng trong 10 năm tới. Trong khi đó, TQ đang phát triển những vũ khí tinh vi, rõ ràng là được thiết kế để trục xuất quân đội Mỹ ra khỏi các vùng ven biển châu Á. Thật khó hiểu là làm thế nào mà Mỹ có thể tăng cường những cam kết an ninh và sự hiện diện của mình tại châu Á – một sự tăng cường đang nhận được sự hậu thuẫn lưỡng đảng tại Washington và sự đồng thuận rộng rãi trong khu vực – thậm chí cả khi vị Tổng Tư lệnh Quân đội Mỹ [tức Tổng thống] đề nghị rút ruột quân lực của mình.
Có một điều cũng nổi bật là, viễn kiến châu Á của Bà Clinton tập trung vào một quốc gia nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác. Quốc gia đó không phải là Nhật Bản, đồng minh thân cận nhất của Mỹ trong khu vực. Cũng không phải là nước dân chủ Ấn Độ gồm 1,3 tỉ dân mà cộng đồng nghiên cứu chiến lược nhận ra là có sự trùng hợp lợi ích với Mỹ trong việc duy trì sự quân bình lực lượng tại châu Á, đánh bại chủ nghĩa khủng bố tại Afghanistan và Pakistan, đồng thời duy trì an ninh hàng hải. Hơn bất cứ quốc gia nào khác, chính TQ – một đối thủ đang trỗi dậy của Mỹ – là nước mà Bà Clinton có vẻ muốn trấn an. Việc Chính quyền Obama gần đây không chịu bán cho Đài Loan các máy bay chiến đấu hiện đại có vẻ phù hợp với sự đánh giá này.
Hình như đường lối này đã đảo ngược vấn đề; thay vì tìm cách trấn an TQ, nó đã giao trách nhiệm cho TQ trấn an Mỹ. Dẫu sao, Mỹ và đồng minh của Mỹ đã tạo được ổn định tại châu Á trong 60 năm qua – và phải kể cả vai trò của TQ từ khi nó bắt đầu tự do hóa kinh tế vào năm 1978. Tình trạng tương phản hiện nay là, việc nhanh chóng hiện đại hóa quân đội và thái độ quyết đoán đối với thế giới bên ngoài của TQ đang tạo ra bất ổn nghiêm trọng dưới mắt các nước láng giềng của TQ trong khu vực, xói mòn sự ổn định đã từng đảm bảo phép lạ kinh tế của châu Á.
Bà Clinton nhận định đúng đắn rằng vai trò lãnh đạo kinh tế của Mỹ tại châu Á là thiết yếu. Nếu đo bằng lượng thương mại hàng hóa và dịch vụ cộng với các lượng tiền đầu tư chảy vào khu vực, thì chính Mỹ – chứ không phải TQ – vẫn là đối tác kinh tế được ưa chuộng nhất của gần như tất cả các nước châu Á. Tuy thế, mãi cho đến tuần trước, Chính quyền Obama vẫn không chịu gửi đến Quốc hội phê chuẩn một hiệp ước tự do mậu dịch với Nam Hàn, một văn kiện đã nằm trên bàn giấy của Tổng thống kể từ khi ông nhậm chức. Mỹ đã hạ thấp tầm quan trọng của cuộc đối thoại kinh tế với Nhật Bản và tiếp tục trì hoãn một hiệp ước đầu tư song phương với Ấn Độ. Những thương thuyết ở tầm mức kỹ thuật về Quan hệ Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership, TTP) không thể thay thế cho một chiến lược lãnh đạo kinh tế vững vàng tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Cựu Thứ trưởng Ngoại giao của Chính quyền Obama, Ông James Steinberg, từng thích ví von với giới lãnh đạo chóp bu châu Á rằng quan hệ Mỹ-Trung hiện nay cũng giống như quan hệ Anh-Mỹ một thế kỷ trước đây – và rằng cũng giống như Anh quốc thời trước, ngày nay Mỹ đang chuẩn bị để nhường quyền lãnh đạo trong các vấn đề quốc tế cho một TQ đang trỗi dậy. Thông điệp này đã gây dao động khắp châu Á. Như cố học giả Ấn Độ về các vấn đề quốc tế, Ông K. Subrahmanyam, đã phát biểu, dân chúng châu Á (kể cả người Ấn Độ) sẽ rất bằng lòng sống dưới chiếc dù của siêu cường Mỹ – và không chấp nhận thay thế nó bằng bá quyền TQ.
Việc Mỹ muốn duy trì địa vị siêu cường của mình trong khu vực Thái Bình Dương trước sự thách đố của TQ sẽ là một nỗ lực rất tốn kém và khó khăn. Những bài diễn văn hùng hồn có giúp phần nào, nhưng các hành động mới thực sự quan trọng hơn.
Daniel Twining là nhà nghiên cứu thâm niên về châu Á tại Quỹ Marshall Đức của Hoa Kỳ (the German Marshall Fund of the United States) và là cựu thành viên của ban hoạch định chính sách tại Bộ Ngoại giao Mỹ.
Như là một cách mô tả chi tiết rõ ràng và toàn diện về chính sách của Mỹ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bài tiểu luận của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton, nhan đề “Thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ”, có vẻ xuất hiện quá trễ. Nhưng nó đã đến vào một thời điểm thích hợp nhất cho Washington. Một sự kết hợp gồm nhiều yếu tố, một số có tính cách ngẫu nhiên và một số khác thì không, đã giúp Hoa Kỳ tái lập địa vị siêu cường của mình trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong hai năm qua, sau nhiều năm êm ả bỏ quên dưới Chính quyền Bush. Chắc chắn là, Chính quyền Barack Obama đã bắt đầu gặt hái kết quả của đường lối ngoại giao tái tham gia vào khu vực này. Những cuộc thăm viếng cấp cao do các nhà ngoại giao Mỹ thực hiện, đặc biệt nhiều chuyến đi của Bà Clinton đến khu vực này, đã cải thiện rất nhiều cái lăng kính qua đó các nước châu Á-thái Bình Đương sẽ nhìn Hoa Kỳ. Thái độ hung hăng quyết đoán mà TQ biểu lộ trong các tranh chấp lãnh thổ gần đây cũng đã gây phẫn nộ cho các nước láng giềng và đẩy họ xích lại gần Washington hơn.
Trong tình thế này, một tuyên bố chính sách toàn diện nhằm khẳng định sự cam kết của Mỹ đối với khu vực sẽ mạnh mẽ trấn an các đồng minh và loan truyền sự rõ ràng chiến lược của Mỹ đến các đối thủ, chủ yếu là Trung Quốc. Về thực chất, bản tuyên bố Clinton chẳng khai phá điều gì mới mẻ. Cái gọi là “sáu nguyên tắc hành động chủ yếu” – như Bà Clinton mô tả, “tăng cường các liên minh an ninh song phương; đào sâu các quan hệ hợp tác với các cường quốc đang lên, kể cả Trung Quốc; tham gia các định chế đa phương trong khu vực; mở rộng thương mại và đầu tư; tạo sự hiện diện quân sự trên cơ sở rộng lớn; và đẩy mạnh dân chủ và nhân quyền” – là những điều ai cũng biết. Tái khẳng định chúng hay diễn tả chúng bằng những câu văn mới hơn không hề thay đổi thực chất của chúng hay chính sách của Mỹ.
Nhưng những thắc mắc nghiêm trọng vẫn còn tồn tại về chính sách Mỹ đối với châu Á-Thái Bình Dương. Thắc mắc quan trọng hơn cả là mục tiêu chiến lược dài hạn của Washington. Hoa Kỳ đang cố gắng đạt những mục đích dài hạn nào với sáu nguyên tắc nói trên? Duy trì địa vị siêu cường mãi mãi chăng? Ngăn chặn sự xuất hiện một bá quyền địa phương chăng?
Một thắc mắc khác là làm thế nào để sáu nguyên tắc hành động đó ăn khớp với nhau; chúng không luôn luôn tương hợp với nhau và, thật ra, là thường xung khắc. Chẳng hạn, tăng cường cộng tác với Trung Quốc nhất định xung khắc với việc duy trì một lực lượng quân sự to lớn triển khai ra phía trước (điều mà Bắc Kinh cho là một mối đe dọa cho an ninh của Trung Quốc), hậu thuẫn dân chủ và nhân quyền (điều mà Trung Quốc ghét thậm tệ), và duy trì các liên minh an ninh song phương (điều mà Trung Quốc cho là tàn tích của Chiến tranh Lạnh).
Thắc mắc cuối cùng là, liệu Washington có đủ nguồn lực để thực hiện các chính sách của mình một cách hữu hiệu trong khu vực hay không. Rõ ràng là, những khó khăn ngân sách của Mỹ đã giảm khả năng tài trợ các nỗ lực ngoại giao một cách nghiêm trọng. Nhưng trong tình thế chính quyền Mỹ đang ngày càng bận tâm với các vấn đề trong nước, vốn chính trị cần thiết cho các nỗ lực ngoại giao cũng trở nên thiếu hụt. Trường hợp điển hình là đề nghị thành lập “Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương” (TTP), một kế hoạch đầy tham vọng nhằm thiết lập một khu mậu dịch tự do ở trong khu vực. Những quốc gia nằm trong đề nghị này có thể là đang phấn chấn, nhưng khổ nỗi là tại Washington gần như không có người nào biết được ba chữ TPP tượng trung cho cái gì.
Minxin Pei là Giáo sư môn Chính phủ tại Đại học Claremont McKenna.
Richard McGregor là Văn phòng trưởng tại Washington của tờ Financial Times và là tác giả cuốn The Party: The Secret World of China’s Communist Rulers.
T.N.C. dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét