Để chuẩn bị cho Hội Nghị APEC lần thứ 19 quy tụ 21 quốc gia khu vực Thái Bình Dương tại Hawaii trong hai ngày 12 và 13 tháng 11 năm 2011, và nhất là chuẩn bị cho bài diễn văn quan trọng mà Tổng thống Obama sẽ đại diện Hoa Kỳ lần đầu tiên tham dự và nói chuyện tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á sắp tới ở Indonesia cũng vào trung tuần tháng 11, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã có một bài viết về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ tại khu vực Á Châu Thái Bình Dương, đăng trên tạp chí Foreign Policy với tựa đề: “Thế Kỷ Thái Bình Dương Của Hoa Kỳ” (America’s Pacific Century). Bài viết đã thu hút sự chú ý của chính quyền các cấp tại Á Châu.
Tương Lai Hỗ Tương Giữa Mỹ và Á Châu
Gói ghém trong hơn 5000 chữ, bà Hillary Clinton đã nói đến lý do vì sao Hoa Kỳ quan tâm đến Á Châu Thái Bình Dương, những nền tảng nào mà Hoa Kỳ sẽ dựa vào đó để góp phần xây dựng một kỷ nguyên hòa bình và thịnh vượng cho gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trải dài từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương, và sau cùng, Hoa Kỳ sẽ dựa trên những nguyên tắc ngoại giao nào để tạo những xoay chuyển chiến lược, đưa khu vực Á Châu Thái Bình Dương “triển khai về phía trước” trong thế kỷ 21.
Bà Clinton nhận định rằng, nhờ vị trí địa lý độc đáo của mình, Hoa Kỳ là sức mạnh của cả Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Hoa Kỳ tự hào về mối quan hệ bền chặt với tất cả những quốc gia đối tác tại Âu Châu. Hoa Kỳ cũng rất hãnh diện có được những đồng minh cật ruột của mình tại vùng Á Châu; nhưng thách thức quan trọng cho Hoa Kỳ hiện nay là xây dựng một mạng lưới của những quan hệ đối tác, các tổ chức bền vững, phù hợp với quyền lợi cùa nước Mỹ trên khắp vùng Thái Bình Dương và nhất là có giá trị như các mạng lưới mà Hoa Kỳ đã từng xây dựng ở Đại Tây Dương.
Bà Clinton xác định rằng: Khu vực Á Châu Thái Bình Dương đã trở thành một động lực chính của nền chính trị toàn cầu. Trải dài từ tiểu lục địa Ấn Độ đến bờ biển phía Tây Châu Mỹ, khu vực kéo dài giữa hai đại dương – Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương – đang ngày càng được nối kết bằng vận chuyển và chiến lược. Khu vực này chiếm một nửa dân số thế giới và có 3 cường quốc đang trổi dậy: Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Dương.
Bà Clinton viết: “Cũng giống như Á Châu rất quan trọng cho tương lai nước Mỹ, sự tham dự của Hoa Kỳ rất quan trọng cho tương lai Á Châu. Khu vực này đang mong chờ sự lãnh đạo và các thương vụ của chúng ta – có lẽ cần hơn so với bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử hiện đại. Chúng ta là sức mạnh duy nhất với một mạng lưới các đồng minh mạnh mẽ trong khu vực, không mang tham vọng lãnh thổ và từng có thành tích lâu dài là mang lại các lợi ích chung.” Bằng ngôn ngữ ngoại giao, bà Clinton đã trình bày chừng mực nhưng dứt khoát khẳng định vai trò lãnh đạo không thể thiếu của Hoa Kỳ tại Á Châu, sau hơn 10 năm Hoa Kỳ hoàn toàn thả nổi khu vực này vì đắm chìm trong cuộc chiến tại A Phú Hãn và Iraq.
Sáu Phương Hướng Hành Động Của Hoa Kỳ
Để xây dựng vùng thịnh vượng chung và bảo vệ hòa bình cho Á Châu Thái Bình, Hoa Kỳ dựa trên 6 phương hướng hành động (six keys line action); 1/ Tăng cường các liên minh an ninh song phương; 2/ Tạo mối quan hệ cộng tác với các cường quốc mới nổi bao gồm cả Trung Quốc; 3/ Tham dự vào các tổ chức đa phương trong khu vực; 4/ Mở rộng thương mại và đầu tư; 5/ Xây dựng sự hiện diện một quân đội trên diện rộng; 6/ Thúc đẩy dân chủ và Nhân quyền.
Thứ nhất, Hoa Kỳ coi Nhật Bản, Nam Hàn, Úc Châu, Phi Luật Tân và Thái Lan là những điểm tựa chiến lược cho những chuyển hướng của Hoa Kỳ vào khu vực Á Châu Thái Bình Dương. Đây là những đồng minh cật ruột không chỉ bảo đảm an ninh, hòa bình mà còn góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế đáng chú ý cho toàn khu vực. Để xây dựng sự hợp tác bền vững với các đồng minh cật ruột này, bà Clinton đã vạch ra 3 nguyên tắc ứng xử của Hoa Kỳ: 1/ duy trì các đồng thuận chính trị đối với các mục tiêu cốt lõi; 2/ giúp giải quyết thành công những thách thức mới và nắm bắt các cơ hội mới; 3/ bảo đảm khả năng phòng thủ và hạ tầng thông tin liên lạc có hiệu quả để bẻ gãy mọi hành động khiêu khích từ bên ngoài.
Thứ hai, Hoa Kỳ mở rộng sự tiếp cận đến các cộng đồng Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Dương, Tân Gia Ba, Tân Tây Lan, Mã Lai, Mông Cổ, Cộng sản Việt Nam, Brunei và các xứ đảo Thái Bình Dương để tạo một trật tự chung toàn cầu. Trong những quốc gia nói trên, bà Clinton đặc biệt đề cập đến ba đối tác đang trổi dậy là Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Dương.
- Đối với Trung Quốc, bà Clinton cho rằng sự hợp tác giữa hai nước sẽ có lợi hơn là xung đột. Nhưng sự hợp tác không chỉ đặt trên nguyện vọng thuần túy mà phải dựa trên cơ sở chia xẻ trách nhiệm và nghĩa vụ toàn cầu. Nỗ lực chính yếu của Hoa Kỳ là xây dựng lòng tin và mở rộng các đàm phán với Trung Quốc để bàn luận về các vấn đề song phương cấp bách nhất từ an ninh, tài chánh, tiền tệ đến cải cách chính trị, nhân quyền. Ngược lại, Hoa Kỳ đòi hỏi Trung Quốc phải gia tăng tính minh bạch, tích cực trong việc tạo dựng một cuộc đối thoại bền vững giữa quân sự với quân sự, các vấn đề nhạy cảm như an ninh hàng hải và an ninh mạng. Bà Clinton còn nhấn mạnh rằng, Hoa Kỳ đã lên tiếng, cả công khai và riêng tư, rất quan tâm đến tình hình đàn áp nhân quyền tại Trung Quốc. Hoa Kỳ đã luôn luôn nhấn mạnh với Trung Quốc rằng một sự tôn trọng luật pháp quốc tế và một hệ thống chính trị cởi mở hơn sẽ mang lại cho Trung Quốc nền tảng của sự ổn định và tăng trưởng, và làm gia tăng sự tin tưởng nơi các đối tác của Trung Quốc. Hoa Kỳ và cộng đồng thế giới đã và đang theo dõi những nỗ lực hiện đại hóa và mở rộng quân sự của Trung Quốc.
- Đối với Ấn Độ và Nam Dương, Hoa Kỳ cho đây là hai quốc gia dân chủ năng động và quan trọng nhất của khu vực Á Châu Thái Bình Dương. Ấn Độ và Nam Dương chiếm một phần tư dân số thế giới và đang trở thành động lực chính của nền kinh tế toàn cầu. Hoa Kỳ sẽ cộng tác tích cực với Ấn Độ ngoài lãnh vực kinh tế, khoa học và công nghệ, cổ võ chủ nghĩa đa nguyên mà Ấn Độ theo đuổi với những kết quả đáng kể và là động lực khích lệ cho những quốc gia khác đi theo con đường cởi mở và khoan dung tương tự. Nam Dương là quốc gia Hồi Giáo đông dân lớn nhất thế giới và có nền dân chủ lớn thứ ba thế giới. Đây là quốc gia quan trọng giúp Hoa Kỳ mở cánh cửa đối thoại với khối Hồi Giáo.
Thứ ba, Hoa Kỳ vừa đẩy mạnh những hợp tác song phương, vừa chú trọng đến những hợp tác đa phương, vì việc giải quyết những thách thức xuyên quốc gia phức tạp đủ loại mà Á Châu đang phải đối diện đòi hỏi đến một tập hợp các tổ chức có khả năng tập trung được hành động chung như khối APEC, ASEAN, Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á. Trong cách thiết lập đa phương, bà Clinton nhấn mạnh đến một nguyên tắc là hành vi có trách nhiệm sẽ được đền bù bằng tính chính thống và sự quý trọng, và chúng ta có thể cùng hợp tác để truy cứu trách nhiệm những kẻ phá hoại hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
Đối với khối ASEAN, bà Hillary Clinton cho rằng Hoa Kỳ đã giúp định hướng một chương trình nghị sự giải quyết những tranh chấp ở biển Đông. Trong năm 2010, tại diễn đàn khu vực ASEAN tại Hà Nội, Hoa Kỳ đã đề xướng chủ trương quốc tế hóa biển Đông và giải quyết các tranh chấp dựa trên nền tảng của các quy tắc quốc tế và Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982. Căn cứ vào việc một nửa số lượng hàng hóa thế giới vận chuyển qua vùng biển này, đây là một cam kết nghiêm trọng có hệ quả.
Thứ tư, Hoa Kỳ đang theo đuổi các thỏa thuận thương mại tiên tiến mới nhằm nâng cao các tiêu chuẩn cạnh tranh bình đẳng giữa các nước trong khu vực. Thỏa Thuận Tự Do mậu Dịch Mỹ – Hàn sẽ loại bỏ hàng rào thuế quan đến 95% cho người tiêu dùng tại Hoa Kỳ, xuất khẩu công nghiệp trong thời hạn năm năm và ước tính hỗ trợ cho 75 ngàn công ăn việc làm ở Mỹ. Riêng việc cắt giảm thuế quan có thể tăng xuất khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ hơn 10 tỷ Mỹ Kim và giúp nền kinh tế của Nam Hàn tăng trưởng 6%. Thỏa thuận này, theo bà Hillary Clinton sẽ mang lại sân chơi cho các công ty và công nhân ngành xe hơi Hoa Kỳ.
Song song, Hoa Kỳ cũng đã góp phần tạo quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership = TPP), vốn sẽ mang các nền kinh tế của khu vực lại với nhau – dù đã hay chưa phát triển – thành một cộng đồng kinh doanh duy nhất. Hiện nay có 9 quốc gia tham gia là Brunei, Tân Gia Ba, Tân Tây Lan, Chí Lợi, Úc Châu, Cộng sản Việt Nam, Mã Lai, Peru, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Mục tiêu của Hoa Kỳ trong nỗ lực này không chỉ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của khu vực mà còn để bảo vệ người lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ và nhất là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân với nhân phẩm được tôn trọng, hưởng được mức lương khá, nắm được các cơ hội bình đẳng để cải thiện cho chính mình và cho các thế hệ mai sau.
Thứ năm, Hoa Kỳ tiếp tục duy trì 50 ngàn quân phục vụ ở Nhật Bản và Nam Hàn để bảo vệ an ninh và ổn định cho sự tăng trưởng của Á Châu trong thời gian tới. Ngoài lực lượng cơ hữu này, Hoa Kỳ cũng đang phải tái duyệt xét sự phân bố địa dư hợp lý, sự linh hoạt của các lực lượng để có thể nhanh chóng đáp ứng các biến động. Đặc biệt là Hoa Kỳ, ngoài việc cam kết giữ vững an ninh khu vực Đông Bắc Á trong nhiều thập niên qua, sẽ phải tăng cường sự hiện diện trong khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ Dương.
Hoa Kỳ sẽ đưa tàu chiến đến Tân Gia Ba, đồng thời tăng cường huấn luyện quân đội Tân Gia Ba để quân đội hai nước hoạt động hiệu quả. Từ năm 2010, Úc Châu đã đồng ý để Hoa Kỳ đưa một lực lượng quân sự trú đóng tại Úc và hai nước có những cuộc thực tập chung. Song song, Hoa Kỳ đang tìm kiếm một số giải pháp để có thể tăng cường khả năng hoạt động của mình tại vùng Đông Nam Á và Khu vực Ấn Độ Dương.
Thứ sáu, Hoa Kỳ quan niệm rằng quan trọng hơn cả sức mạnh quân sự hay kinh tế, tài sản giá trị nhất của Hoa Kỳ trên căn bản quốc gia chính là sức mạnh của các giá trị – đặc biệt là các hỗ trợ kiên định của Hoa Kỳ cho dân chủ và nhân quyền. Bà Clinton còn nhấn mạnh rằng: “Điều này nói lên bản sắc dân tộc sâu sắc nhất của chúng ta và là trọng tâm cho chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, bao gồm cả bước xoay chuyển chiến lược đến khu vực Á Châu Thái Bình Dương.”
Trong mối quan hệ đối tác với các nước trong khu vực, bà Hillary Clinton cũng khẳng định rằng Hoa Kỳ tiếp tục lên tiếng thúc đẩy những cải cách chính trị nhằm bảo vệ nhân quyền và cải thiện quyền tự do chính trị. Ví dụ, Hoa Kỳ đã nói rất rõ với Cộng sản Việt Nam là muốn nâng cao mối quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ, CSVN phải thực hiện các biện pháp bảo vệ nhân quyền và thúc đẩy tự do chính trị. Đối với Miến Điện, Hoa Kỳ đòi hỏi chính quyền Miến phải trả tự do các tù nhân chính trị, thúc đẩy tự do chính trị và nhân quyền thì mới có những quan hệ bình thường.
Bà Clinton nói rằng Hoa Kỳ không áp đặt hệ thống của mình lên các quốc gia khác, nhưng Hoa Kỳ tin tưởng vào một số giá trị phổ quát về dân chủ và nhân quyền mà mọi quốc gia trên thế giới đều trân quý, bao gồm cả những nước ở Á Châu. Các giá trị này sẽ là những yếu tố quan trọng góp phần giữ ổn định, hòa bình, và thịnh vượng cho mỗi dân tộc. Hoa Kỳ tin tưởng là chính người dân tại những nước Á Châu Thái Bình Dương phải theo đuổi quyền lợi và nguyện vọng của họ như nhiều dân tộc khác trên thế giới đã từng hành động và đã thành công.
Tại Sao Hoa Kỳ Công Bố Chính Sách Á Châu Thái Bình Dương Vào Lúc Này?
Mặc dù bà Clinton cho biết là sau 10 năm giải quyết những vấn đề tồn đọng tại Á Phú Hãn và Iraq, Á Châu Thái Bình Dương sẽ là trung tâm của chính sách đối ngoại của Hoa Thịnh Đốn trong thế kỷ 21; nhưng dư luận chung tại Á Châu đã nhìn thấy 2 lý do chính yếu mà Hoa Kỳ chuyển hướng khá đột ngột về khu vực này.
Thứ nhất là sự trổi dậy quá hung hăng của Trung Quốc trên nhiều mặt đang đe dọa sự ổn định tại khu vực Á Châu Thái Bình Dương. Nếu Hoa Kỳ không quan tâm và không dồn nhiều nỗ lực để ngăn chận sự bành trướng của Bắc Kinh, nhất là trên biển Đông, thì nhiều quốc gia đồng minh cật ruột tại Á Châu sẽ thất vọng và rời bỏ Hoa Kỳ để tìm một thế liên minh mới với Trung Quốc.
Thứ hai là những biến chuyển của cuộc cách mạng Hoa Lài gần đây cho thấy là những tác động của Hoa Kỳ vào phong trào dân chủ hóa vùng Bắc Phi và Trung Đông mà Tổng thống Bush con vạch ra từ năm 2004 qua chính sách Đại Trung Đông đã không còn là nhu cầu cấp thiết. Hoa Kỳ phải chuyển hướng để vừa rút ra khỏi vũng lầy Trung Đông, vừa thúc đẩy những thay đổi mới tại Á Châu trên hai nền tảng dân chủ tự do và kinh tế thị trường.
Trong sự chuyển hướng đó, người ta đã thấy rõ mối quan tâm của Hoa Kỳ chính là Trung Quốc và Ấn Độ. Bà Clinton đã dành 600 chữ, tức khoảng 1/8 bài viết đề cập đến Trung Quốc và mối quan hệ Mỹ – Trung. Còn Ấn Độ thì tuy đề cập rất ngắn so với Trung Quốc nhưng được bà Clinton coi là một đối tác quan trọng và coi chủ nghĩa đa nguyên dân chủ mà Ấn Độ áp dụng là nền tảng có thể làm gương cho các dân tộc ở trong vùng.
Tuy đề cập rất ít về Việt Nam, nhưng bà Clinton đã nêu lên 3 sự quan tâm của Hoa Kỳ đối với quốc gia này: 1/ Vấn đề tranh chấp Biển Đông; 2/ Các hợp tác về môi trường, giáo dục, y tế… giữa những quốc gia ở Hạ nguồn Cửu Long; 3/ Vấn đề nhân quyền và cải tổ chính trị.
Nói tóm lại, bài viết của bà Clinton cho thấy rõ cuộc chuyển hướng của Hoa Kỳ hướng về Á Châu Thái Bình Dương là bước xoay chuyển chính trị quan trọng nhất trong thế kỷ 21, đặc biệt là đối với các quốc gia ASEAN. Chắc chắn là bước chuyển hướng này sẽ tạo ra rất nhiều tốn kém cho Hoa Kỳ trong lúc kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Vì thế, ngay sau khi bài viết của bà Clinton được phổ biến, nhiều dư luận ở Âu Châu và Mỹ Châu đã bày tỏ sự hồ nghi về tính khả thi của chính sách này.
Tuy nhiên, điều quan trọng là người Việt Nam nói chung và nhà cầm quyền CSVN nói riêng có nhìn ra sự chuyển hướng này để có những chọn lựa thích ứng hầu mang lại những thay đổi tốt đẹp cho đất nước Việt Nam như tự do, dân chủ, toàn vẹn lãnh thổ, phát triển thịnh vượng… hay không?
Lý Thái Hùng
Ngày 20/10/2011
Ngày 20/10/2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét