I. Đới Bỉnh Quốc mở đường cho chuyến đi Bắc kinh của Nguyễn Phú Trọng
Đài Bắc kinh ngày 8.9 đã nhắc lại câu "Hai bên khẳng định sẽ làm theo tinh thần nhận thức chung của nhà lãnh đạo hai nước" trong "Bản tin báo chí"[1] (một kiểu thông cáo chung) kết quả cuộc hội đàm của Phiên họp lần thứ 5 Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc giữa Đới Bỉnh Quốc, nhân vật cao nhất phụ trách ngoại giao và Giám đốc Văn phòng An ninh quốc gia của ĐCS Trung quốc[2] và Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ở Hà nội vào đầu tháng 9 vừa qua. Đối với các quan sát viên chính trị theo dõi quan hệ giữa hai ĐCS VN và Trung quốc thì câu trên đây tuy rất bình thường nhưng lại có một hàm ý đặc biệt và rất rõ ràng. Hàm ý đặc biệt của câu trên là gì?
Câu hỏi trên liên hệ mật thiết hữu cơ tới việc Đới Bỉnh Quốc gặp Nguyễn Phú Trọng, người cầm đầu ĐCSVN từ tháng 1.2011, ngày 7.9, một ngày khi "Bản tin báo chí" được công bố chính thức với bên ngoài. Ông Trọng đã ôm hôn rất thân thiết Đới Bỉnh Quốc. Sau đó họ Đới chuyển lời miệng của Hồ Cẩm Đào, người đứng đầu CS Trung quốc, nhắn riêng Nguyễn Phú Trọng "Đảng và Chính phủ Trung Quốc hết sức coi trọng phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với Việt Nam. Trong tình hình hiện nay, hai bên Trung-Việt đặc biệt cần phải xuất phát từ đại cục, nắm vững hướng phát triển quan hệ Trung-Việt." Và quan trọng nữa, qua lời của họ Đới, Hồ Cẩm Đào "mong Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sớm sang thăm Trung Quốc".[3]
Nhóm cầm đầu Bắc kinh thừa biết Nguyễn Phú Trọng là người rất thần phục và trung thành với Bắc kinh. Từ sau khi lên làm Tổng bí thư (1.2011) ông Trọng đã rất nhấp nhỏm muốn sang gặp những người anh cả phương Bắc càng sớm càng tốt. Nhưng khó khăn và trở ngại rất lớn cho Nguyễn Phú Trọng là, nếu sang thăm Bắc Kinh vào lúc này thì ăn nói ra làm sao đối với nhân dân VN và dư luận quốc tế về những chủ trương bá quyền và nhất là những hành động ngang ngược vi phạm chủ quyền VN của hải quân Trung quốc từ cuối tháng 5 và những hành động tàn bạo với hàng ngàn ngư dân VN trong các năm qua. Vì dư luận trong nước, quốc tế và ngay cả Trung quốc biết rất rõ, đại đa số nhân dân VN, kể cả một bộ phận quan trọng trong Đảng, vô cùng bất mãn với những chính sách xâm lấn nước láng giềng và các hành động bất tàn bạo của hải quân Trung quốc với các ngư dân nước láng giềng! Hiểu được nỗi lòng của Nguyễn Phú Trọng cho nên Đới Bỉnh Quốc đã tuyên bố trước báo chí ở Hà nội sau khi viếng lăng ông Hồ: "Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi trong trái tim tôi”.[4] Như vậy với câu nói trên, người đứng đầu ngành đối ngoại và an ninh của Trung quốc và cố vấn của Hồ Cẩm Đào đã tìm cách rửa mặt để dọn đường cho Nguyễn Phú Trọng sang gặp Hồ Cẩm Đào trong thời gian sắp tới. Đây là thủ đoạn ngoại giao nhằm thực hiện chính sách thâm độc là mở rộng ảnh hưởng hơn nữa vào VN. Ở đây Bắc kinh cố tình tạo ra ngôn thuận để thực hiện danh chính! Họ chẳng nề hà một vài câu ngoại giao bề ngoài để ru ngủ các vua tập thể ở Hà nội, như trước đây họ đã đưa ra các khẩu hiệu rất ngọt "16 chữ vàng" là "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai " và "bốn tốt" là "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt". Từ đó họ đã đạt được mục tiêu trong Hiệp định biên giới đất liền với VN (1999) và hiệp định phân định Vịnh Bắc bộ và Hợp tác nghề cá (2000). Cả hai hiệp định này đều mang lại lợi lớn cho phương Bắc. Nay cũng tương tự như vậy, họ Đới vào thăm lăng người sáng lập chế độ toàn trị CSVN rồi tuyên bố: "Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi trong trái tim tôi”. Ngôn ngữ ngọt ngào và bùi tai rất thuận lợi để Nguyễn Phú Trọng có thể giải thích cả trong đảng lẫn nhân dân là, lãnh đạo Trung quốc vẫn một lòng tôn thờ Bác cho nên chúng ta không được nghi ngờ ĐCS Trung quốc. Làm như thế họ Đới lôi Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu chế độ toàn trị hiện nay ở VN, sớm sang thăm Trung quốc, ép ông Trọng phải có nhượng bộ mới. Sau đó Bắc kinh sẽ lấy danh nghĩa "đây là thoả thuận chung ở cấp cao" để thực hiện tiếp tục các ý đồ nham hiểm đối với VN.
Trong các thập niên gần đây Bắc kinh đã thành công lớn trong sách lược ép các người cầm đầu chế độ toàn trị ở VN phải thoả thuận các điều kiện bất lợi cho VN và từ đó họ nhân danh "làm theo tinh thần nhận thức chung của nhà lãnh đạo hai nước". Chứng minh rõ rệt nhất là năm 2009 khi tướng Võ Nguyên Giáp, đại thần cuối cùng còn sống của chế độ, nhiều cán bộ cao cấp về hưu và nhiều chuyên viên trí thức đã lên tiếng phản đối việc để cho Bắc kinh khai thác Bauxite ở Tây nguyên vì sẽ gây ra những bất lợi lớn về môi trường và nguy hiểm cho an ninh quốc phòng. Nhưng khi đó từ Nguyễn Phú Trọng tới Nguyễn Tấn Dũng đã lấy cớ việc này "đã có thoả thuận trước đây ở cấp cao" và cấm không cho Quốc hội thảo luận về việc này.[5] Vì cuối tháng 5.2008 khi thăm Trung quốc với tư cách là Tổng bí thư khi ấy Nông Đức Mạnh đã bị ép phải chấp nhận việc để Bắc kinh khai thác Bauxite ở Tây nguyên.[6] Trong một chế độ đảng trị hà khắc thì đây là cách bịt miệng đảng viên và nhân dân dễ nhất! Chỉ cần người cầm đầu nói "đã có thoả thuận trước đây ở cấp cao" thì tự khắc có hai tác dụng: 1. Cấp lãnh đạo VN đã thoả thuận với cấp lãnh đạo Trung quốc cho nên không thể bàn lại. 2. Các đảng viên phải tuận lệnh thượng cấp, báo chí phải im lặng. Hậu quả im thin thít!
II. Các chuẩn bị cho chuyến đi của Nguyễn Phú Trọng
Cho nên cần phải hiểu cho đúng việc Bắc kinh đòi: "Hai bên làm theo tinh thần nhận thức chung của nhà lãnh đạo hai nước". Thoạt nghe hay đọc câu trên thì thấy thái độ rất bình đẳng, dân chủ giữa lãnh đạo hai nước độc lập trong các hội nghị. Nhưng câu nói trịnh trọng và dân chủ hình thức đó không che dấu được sự thực: Trong tình thế cực kì khó khăn của CSVN và so sánh tương quan lực lượng về nhiều mặt giữa hai ĐCS VN và Trung quốc thì ai lãnh đạo ai? Ai chỉ huy? Ai tuân lệnh?
Rõ ràng suốt từ thập niên 90 của thế kỉ trước, sau khi nhóm cầm đầu CSVN phải tới Thành Đô cúi đầu xin cái dù che chở của phương Bắc thì các nhóm cầm đầu Bắc kinh đã sỏ mũi các vua tập thể ở Hà nội. Cho nên trong các hội nghị cấp cao của hai nước luôn luôn diễn ra tình huống một bên ra lệnh và một bên phải thi hành! Nhưng để giữ bộ mặt cho chư hầu nên Bắc kinh luôn luôn tô son cho các hội nghị cấp cao là hai bên bình đẳng và độc lập trong các quyết định để từ đó mới có thể đề cao "làm theo tinh thần nhận thức chung của nhà lãnh đạo hai nước"! và những khẩu hiệu ngon ngọt "16 chữ vàng" và "4 tốt" theo chuyện ngụ ngôn con cáo khen con gà có tiếng gáy hay!
Lúc này Bắc kinh thấy đây là thời điểm thích hợp cần phải sớm có hội nghị cấp cao mới giữa hai nước để tạo danh chính ngôn thuận cho chủ trương bành trường lãnh thổ và bòn rút tài nguyên của VN. Vì vậy Hồ Cẩm Đào đã cử Đới Bỉnh Quốc sang thúc giục Nguyễn Phú Trọng "sớm sang thăm Trung Quốc"!
Các sự kiện đáng chú ý là từ sau khi Nguyễn Phú Trọng nắm chức Tổng bí thư thì một mặt Bắc kinh tăng cường các hành động xâm lấn công khai ngang ngược trên biển Đông, nhưng đồng thời họ cũng vận động ngoại giao ráo riết để ép buộc VN phải chấp nhận một tình trạng đã rồi. Từ cuối tháng 5 tới đầu tháng 6.2011 Bắc kinh đã để các tầu hải quân Trung quốc đội lốt các tầu hải giám xâm phạm lãnh hải VN, cắt cáp các tầu của Tập đoàn Dầu khí VN đang thăm dò dầu khí trong hải phận VN.[7] Trong hai vụ này từ người đứng đầu Đảng đến Chính phủ là Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng đều câm như hến. Ngoài ra Bắc kinh còn tăng cường hải quân ở Hoàng sa, các tầu dánh cá Trung quốc tự do hoạt động ở đây; trong khi ấy vẫn săn đuổi và giết hại ngư dân VN! Không chỉ ngang ngược với VN, nhóm cầm đầu Bắc kinh còn ngang ngạnh đe doạ cả Ấn độ. Cuối tháng 7 khi tầu hải quân Ấn thăm VN đang chạy trên hải phận VN thì hải quân Trung quốc đã cảnh cáo là tầu hải quân Ấn đã xâm phạm hải phận Trung quốc! Rồi ít ngày sau Bắc kinh còn công khai đe doạ một công ti Ấn đang khai thác dầu khí ở gần Côn sơn thuộc thềm lục địa VN.[8] Với những đòi hỏi và đe doạ này mặc nhiên Bắc kinh coi biển Đông là cái hồ của Trung quốc.
Nếu chế độ CSVN, đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng, độc lập, bình đẳng thực sự với Trung quốc và biết giữ thể diện quốc gia thì không nên cử các phái đoàn cấp cao sang Bắc kinh giữa lúc Bắc kinh đang có những hành động xâm lấn ngang ngược và làm mất thể diện VN. Nhưng chỉ trong vòng từ tháng 6 tới tháng 9, các vua tập thể ở Hà nội đã phải cử ít nhất ba phái đoàn cấp cao ngoại giao và quân sự sang Bắc kinh. Trong đó phải kể tới chuyến đi Bắc kinh của các phái đoàn Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn vào cuối tháng 6, phái đoàn của Thứ trưởng Quốc phòng Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh sang họp hội nghị "Đối thoại chiến lược quốc phòng an ninh Việt-Trung" lần thứ 5 vào cuối tháng 8 và phái đoàn của Trung tướng Ngô Xuân Lịch, Thường trực Quân uỷ Trung ương kiêm Bí thư trung ương và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị vào giữa tháng 9. Cũng trong thời gian này Hà nội cũng mời hai đoàn quân sự và ngoại giao cao cấp của Trung quốc sang thăm. Đó là chuyến thăm của Thượng tướng Quách Bá Hùng, Uỷ viên Bộ chính trị và Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc vào tháng 4.2011 và Đới Bỉnh Quốc vào đầu tháng 9.
Với thái độ này các vua tập thể ở Hà nội, đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng, đã tự vạch cho Bắc kinh biết bản lĩnh cúi đầu và tình hình vô cùng khó khăn của chế độ toàn trị. Đó là nạn lạm phát phi mã cao nhất châu Á lên tới trên 23%; khiến cho hàng chục triệu bộ đội, viên chức, công nhân và gia đình –những người sống bằng đồng lương chết đói- vô cùng bất mãn; nhập siêu của VN với Trung quốc đang vượt quá cao lên tới 13 tỉ USD trong khi đó số dự trữ ngoại tệ không đủ để trả nhập siêu này[9]; ảnh hưởng của Cách mạng Hoa nhài ở Trung Đông đang tác động mạnh tới VN, nhất là trong các giới thanh niên, trí thức và cả các đảng viên biết quí lòng tự trọng rất bất mãn với nhóm lãnh đạo bạc nhược và tham nhũng, ác với dân hèn với kẻ thù dân tộc. Vì thế, đối với Bắc kinh thì lúc này là thời điểm thuận lợi nhất để ép thêm nhóm cầm đầu CSVN phải vào khuôn mẫu do họ định.
III. Ai nhượng bộ ai trong các lãnh vực nào?
Tại các hội nghị trên được coi là chuẩn bị không khí và nội dung cho chuyến đi Bắc kinh sắp tới của Nguyễn Phú Trọng. Trong khi các phái đoàn Trung quốc chỉ sử dụng ngôn ngữ ngoại giao đường mật và hách lối vạch ra hướng đi như "cần phải xuất phát từ đại cục"…[10], hay "cùng Việt Nam cảnh giác trước âm mưu của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ quan hệ hợp tác hữu nghị, truyền thống tốt đẹp giữa 2 nước"[11], nhưng không đưa ra một lời hứa cụ thể nào. Ngược lại các phái đoàn của CSVN lại đưa ra những lời hứa rất cụ thể trong nhiều lãnh vực, từ cách giải quyết về tranh chấp biển Đông, thế đứng quốc tế và thậm chí thề thốt trước mặt kẻ thù cả về cách đối xử với nhân dân VN!
1. Cách giải quyết tranh chấp biển Đông
Trong hội nghị "Đối thoại chiến lược quốc phòng an ninh Việt-Trung" lần thứ 5 ở Bắc kinh Nguyễn Chí Vịnh đã công khai chấp nhận yêu sách của Bắc kinh lả không quốc tế hoá cuộc tranh chấp này, cụ thể ở đây là Bắc kinh đòi không được phép để Hoa kì nhẩy vào. Trong cuộc hội đàm với Tướng Mã Hiểu Thiên, Phó tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, Nguyễn Chí Vịnh đã xác nhận: "Những tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc, rõ ràng cần giải quyết hai nước với nhau."[12] Sau đó chính Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt khi tiếp Nguyễn Chí Vịnh ngày 29.8 cũng nhấn mạnh "Trung Quốc phản đối làm phức tạp hóa và quốc tế hóa vấn đề Nam Hải"[13]
Trong dịp này để lấy lòng Bắc kinh, Nguyễn Chí Vịnh còn đi xa hơn nữa bằng cách nói thay cho Bắc kinh, khi ông tuyên bố "Một thực tế hiển nhiên là Trung Quốc cam kết không lấy đất, lấy biển của Việt Nam"[14]. Đây là tuyên bố ngoại giao rất ngớ ngẩn và cực kì nguy hiểm. Vì như thế đã gián tiếp nhìn nhận rằng, những yêu sách của Bắc kinh về các hải đảo và biển Đông là chính đáng. Như thế Nguyễn Chí Vịnh, người cầm đầu phái đoàn VN tại hội nghị quan trọng ở Bắc kinh, thừa lệnh của Nguyễn Phú Trọng, đã đánh lừa nhân dân VN và đánh lạc sự theo dõi của dư luận quốc tế. Bởi lẽ, nói theo kiểu Nguyễn Chí Vịnh là đã về hùa với lập luận của Bắc kinh về vấn đề tranh chấp biển Đông. Vì từ trước tới nay Bắc kinh luôn luôn khẳng định Hoàng sa, Trường sa và phần chính của biển Đông là thuộc lãnh thổ của Trung quốc "không thể bàn cãi"! Có nghĩa là, đấy là những đảo và biển của Trung quốc chứ họ có xâm chiếm của VN đâu![15] Nhiều chính phủ và các nước từng ủng hộ VN trong tranh chấp biển Đông đã vô cùng thất vọng trước thái độ đầu hàng và bản lĩnh hèn nhát của trưởng phái đoàn CSVN trong hội nghị này.
Tướng Ngô Xuân Lịch cũng đã lập lại lập trường sai lầm này trong cuộc thảo luận vào giữa tháng 9 với Thượng tướng Lý Kế Nại, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng bộ Chính trị Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc:
"Đồng chí cũng khẳng định, Việt Nam không có ý định quốc tế hóa các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Vấn đề tranh chấp giữa hai nước thì do hai nước giải quyết."[16]
Chính thái độ chấp nhận yêu sách bá quyền của Bắc kinh và bản lãnh quá nhu nhược của nhóm cầm đầu CSVN cho nên trong cuộc họp "Đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam – Hoa Kỳ" lần thứ hai vào ngày 19.9 tại Washington D.C chính phủ Obama đã tỏ ra coi thường phái đoàn của Nguyễn Chí Vịnh. Ngoài việc hội đàm với Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Scher không một nhân vật quan trọng nào trong chính phủ Hoa kì đã tiếp Nguyễn Chí Vịnh, kể cả Bộ trưởng Quốc phòng Mĩ.[17] Điều này trái với cách tiếp đón niềm nở Nguyễn Chí Vịnh (dù chỉ là xã giao) của Bộ trưởng Quốc phòng Trung quốc Lương Quang Liệt.
2. Dùng Bắc kinh làm cái ô che chở
Trong cuộc hội đàm "Đối thoại chiến lược quốc phòng an ninh Việt-Trung" lần thứ 5 ở Bắc kinh hai bên cũng đã thảo luận về "tình hình Trung Đông-Bắc Phi và đặc biệt là việc đẩy mạnh can dự của các nước lớn vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương."[18] Nghĩa là cả Bắc kinh và Hà nội đang rất lo sợ các hậu quả của những cuộc Cách mạng Hoa nhài của nhân dân, đặc biệt của giởi trẻ, ở Ai cập, Tunesien, Libyen, Syrien… đã lật đổ nhiều bạo chúa đã từng cầm quyền sắt máu 30-40 chục năm. Các cuộc vận động dân chủ phần chính bằng phương pháp phi bạo lực của hàng triệu thanh niên Trung Đông đã được sự ủng hộ rất tích cực của Liên hiệp quốc, Mĩ, Liên minh Âu châu, Toà án Hình sự Quốc tế Den Haag (Hoà lan) và nhiều tổ chức nhân quyền trên thế giới.
Vì lo sợ cuộc Cách mạng Hoa nhài của Trung Đông sẽ lan tới cả hai nước độc tài VN và Trung quốc, nên trong dịp này Nguyễn Chí Vịnh đã cho biết thái độ của nhà cầm quyền CSVN và đề nghị với Bắc kinh:"Chúng ta cần nghiên cứu kỹ hệ lụy của sự can dự này để xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định và không bị bất ngờ”.[19] Như thế có nghĩa là, Hà nội lại muốn nhờ Bắc kinh che trở. Một thái độ tương tự mà trước đây Hà nội cũng đã từng nhờ Bắc kinh khi Liên sô sụp đổ vào đầu thập niên 90 của thế kỉ trước mà cao điểm là cuộc Hội nghị ở Thành Đô Trung quốc vầu tháng 9.1990. Cũng vì thế nên trong dịp này Nguyễn Chí Vịnh đã cong lưng cúi đầu khẩn khoản và tâng bốc phương Bắc:
"Nếu Việt Nam cần sự ủng hộ, đồng cảm, hợp tác và phát triển thì còn có ai hơn một nước Trung Quốc Xã hội chủ nghĩa láng giềng, với hơn 1 tỷ 350 triệu dân, đang phát triển, có vị thế và uy tín ngày càng cao trên thế giới"[20]
3. Dằn mặt dân VN trước mặt kẻ thù
Có lẽ Nguyễn Chí Vịnh thấy rằng, việc cúi đầu như thế chưa đủ để mua sự tin cậy của phương Bắc, cho nên trong cuộc hội đàm "Đối thoại chiến lược quốc phòng an ninh Việt-Trung" ở Bắc kinh Nguyễn Chí Vịnh còn công khai hứa sẽ cấm chỉ các cuộc biểu tình của nhân dân VN, đi đầu là trí thức và thanh niên, đã can đảm tổ chức nhiều cuộc biểu tình chống các hành động xâm lấn ngang ngược của Bắc kinh:
"Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam cũng thông báo chủ trương kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam với tinh thần không để sự việc tái diễn."[21]
Hiển nhiên cá nhân Nguyễn Chí Vịnh không dám tuyên bố như vậy nếu không được phép của một vài người có quyền lực cao nhất trong ĐCSVN! Nguyễn Chí Vịnh Là thứ trưởng Quốc phòng, mà bộ Quốc phòng dưới quyền trực tiếp của Quân uỷ Trung ương, đứng đầu là Bí thư quân uỷ Nguyễn Phú Trọng. Lập luận tương tự là chửi nhân dân để lấy lòng kẻ thù đã từng được chính Nguyễn Phú Trọng dùng trong vụ để Trung quốc khai thác Bauxite ở Tây nguyên đầu năm 2009. Khi ấy tướng Võ Nguyên Giáp, nhiều trí thức và cán bộ cấp cao về hưu đã kiến nghị công khai yêu cầu huỷ bỏ dự án. Nhưng Nguyễn Phú Trọng đã tuyên bố vào buổi họp cuối của Quốc hội giữa năm 2009:
"Chúng ta không thể mơ hồ mất cảnh giác trước những âm mưu của một số thế lực xấu ở bên ngoài nhân dịp này, lợi dụng công việc này kích động chia rẽ đoàn kết dân tộc, chia rẽ đoàn kết nội bộ, thậm chí ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế của chúng ta. Chúng ta không cường điệu nhưng cũng không nên mơ hồ, chủ quan mất cảnh giác." [22]
Như vậy đã cho thấy, vì sợ mất lòng Bắc kinh nên Nguyễn Phú Trọng đã không thèm nghe mà còn chụp mũ, xuyên tạc và đe doạ cả đại thần, các trí thức và các đảng viên biết quí tự trọng. Nay được phép của Nguyễn Phú Trọng cho nên Nguyễn Chí Vịnh mới dám làm nhục trí thức và thanh niên VN trước mặt kẻ thù để lấy lòng nhóm cầm đầu Bắc kinh!
Cũng trong thời gian này để hổ trợ cho thái độ cầu thân Bắc kinh của các vua tập thể ở Hà nội, tờ Quân đội Nhân dân ngày 28.8 đã đưa ra bài bình luận "Làm thất bại chiến lược "diễn biến hòa bình” cố tình chụp mũ và xuyên tạc các hoạt động yêu nước của các giới trí thức và thanh niên VN:
"Ở trong nước, một số kẻ cơ hội chính trị cũng mưu toan lợi dụng vấn đề tranh chấp Biển Đông để "bắn hai con chim bằng một mũi tên” - vừa chia rẽ, phá hoại quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, vừa thực hiện chiến lược xóa bỏ chế độ chính trị, xóa bỏ Nhà nước CHXHCN Việt Nam do Đảng ta lãnh đạo."[23]
Tại Bắc kinh Tướng Ngô Xuân Lịch cũng lập lại thái độ chửi dân trước mặt kẻ thù. Ngày 16.9 khi được Tập Cận Bình, người được coi là kế vị Hồ Cẩm Đào, tiếp ông Lịch cũng nói như Nguyễn Chí Vịnh::
"Việt Nam luôn luôn cảnh giác với âm mưu phá hoại, chia rẽ tình cảm đoàn kết giữa Việt Nam và Trung Quốc của các thế lực thù địch.[24]
Và khi về nước Tướng Lịch còn viết trên tờ Quân đội Nhân dân:
"Tình yêu nước của một số người dân đang bị các thế lực thù địch lợi dụng, gây nên những vấn đề phức tạp không đáng có về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội;" [25]
Như vậy cho thấy chủ ý nói xấu và làm nhục những người VN yêu nước, đi đầu là thanh niên và trí thức, ngay trước mặt kẻ thù của dân tộc là một chủ trương công khai của nhóm cầm đầu CSVN hiện nay.
Chính vì thế trong Thư ngỏ ngày 6.9 nhà trí thức Lê Hiếu Đằng, một cán bộ cao cấp về hưu, đã rất can đảm đặt câu hỏi thẳng với các vua tập thể của chế độ toàn trị:
"Ông Vịnh nhân danh ai, nhân danh cái gì mà đã hạ mình để làm vui lòng nhà cầm quyền Trung Quốc khi thông báo và hứa với Trung Quốc như vậy ? Việc nhân dân Việt Nam biểu tình chống lại hành động bành trướng xâm lược có hệ thống của tập đoàn cầm quyền Bắc Kinh và thái độ của Nhà nước Việt Nam hoàn toàn là chuyện nội bộ của một nước có chủ quyền. Ông Nguyễn Chí Vịnh lấy quyền gì mà cam kết một cách nhục nhã với nhà cầm quyền Trung Quốc như vậy ?"[26]
Ông Đằng chất vấn trực tiếp các vua tập thể:
"Các vị với tư cách những nhà lãnh đạo cao nhất của Nhà nước Việt Nam, của Đảng Cộng sản Việt Nam có ủy quyền cho ông Vịnh nói với Trung Quốc nội dung trên hay không ? Hành động và lời nói của ông Vịnh đã xúc phạm nghiêm trọng đến lòng tự tôn và danh dự của cả một dân tộc đã có một quá trình chống ngoại xâm vô cùng hiển hách."[27]
Cho tới nay các vua tập thể vẫn không dám trả lời ông Đằng và nhân dân VN !
* * *
Nói tóm lại, xét qua thái độ và những lời phát biểu của các phái đoàn ngoại giao và quân sự cấp cao của Bắc kinh và Hà nội mấy tháng vừa qua trong việc chuẩn bị cho chuyến đi Trung quốc của Nguyễn Phú Trọng với tư cách là tân Tổng bí thư đã chứng tỏ rõ: Ai chủ động, ai bị động? Ai chủ, ai tớ? Nếu nắm vững sách lược ngoại giao nói ngọt lọt tới xương của nhóm cầm đầu Bắc kinh thì cần phải tỉnh táo biết rằng, đằng sau những lời nói ngọt là một chùm thuốc đắng.[28] Nếu sáng suốt và yêu nước thực sự thì những người cầm đầu CSVN phải thừa biết các điều sau đây:
1. Từ việc đánh chiếm quần đảo Hoàng sa, muốn nuốt thêm quần đảo Trường sa và đang tính chiếm phần chính biển Đông là tham vọng của bá quyền Trung quốc trong thời đại Trung quốc đang vươn lên trở thành siêu cường. Lịch sử Trung quốc đã chứng minh là các thời đại hưng thịnh thường kèm theo các cuộc chinh phạt các nước láng giềng.
Chúng ta không muốn chiến tranh, chiến tranh chỉ là hạ sách. Nhưng nói là chỉ cần dùng ba tấc lưỡi có thể thuyết phục Bắc kinh bỏ ý định bành trướng thì sẽ là tự lừa dối mình, lừa dối dân, lừa dối bạn bè quốc tế. Hay hi vọng rằng, cứ chịu cúi đầu quì gối là nó sẽ tha thì cũng là không tưởng! Nhưng làm sao bảo vệ hữu hiệu được biển Đông, làm sao Bắc kinh không dám tiếp tục ngang ngược lấn áp?
2. Trong điều kiện hiện nay của VN, đơn thân độc mã chống lại chính sách bành trướng của phương Bắc thì không đủ sức. Cho nên cần sự ủng hộ rộng rãi của dư luận quốc tế. Muốn vậy thì phải liên minh với các nước Đông Á và Đông nam Á đang có mối lo ngại chung trước Bắc kinh. Đồng thời phải liên minh chặt chẽ cả với Hoa kì và EU là những nước vừa có chung quyền lợi về tự do hàng hải và an ninh thế giới…
Nhưng muốn có sự ủng hộ thực sự của các nước dân chủ này thì những người cầm đầu CSVN phải đi đầu công khai kết án các hành động xâm lấn ngang ngược của Bắc kinh và lại càng không được phép cử những phái đoàn như Hồ Xuân Sơn, Nguyễn Chí Vịnh và Ngô Xuân Lịch sang nịnh bợ và cúi đầu Bắc kinh. Nguyễn Phú Trọng phải nói cho nhân dân VN, dư luận quốc tế và cả Bắc kinh biết, chừng nào Bắc kinh không có những hành động chứng minh cụ thể là từ bỏ những đòi hỏi ngang ngược về hải đảo và biển Đông thì sẽ hoãn chuyến thăm Trung quốc.
3. Quan trọng nữa là phải được nhân dân VN tin cậy và ủng hộ. Vì thế nhóm cầm đầu CSVN phải chứng tỏ có bản lĩnh vững vàng đối với Bắc kinh, biết quí danh dự của tổ quốc và phải trọng nhân dân. Các cuộc biểu tình của thanh niên, trí thức VN trong nhiều tuần qua là phát suất từ động cơ yêu nước chính đáng. Cho nên những người đang cầm quyền không được phép cấm cản, bôi nhọ, đe doạ và bêu xấu nhân dân trước kẻ thù. Vì như thế là chính mình bôi xấu, làm nhục mình!
Hãy có can đảm và làm theo mệnh lệnh của lương tâm để cho nhân dân được tự do biểu tình ôn hoà kết án các hành động xâm lấn của Bắc kinh. Ngoại giao khôn ngoan không được phép hiểu là trốn tránh sự thực, phủ nhận sự thực, cúi đầu trước kẻ thù. Ngoại giao khôn ngoan nhất là phải biết dựa vào sức mạnh của dân và sức mạnh của thời đại! ♣
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét