Pages

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011

Làm ăn lương thiện giữa xã hội đỏ và đen

Phùng Thức

Khi hỏi thăm về chuyện làm ăn trong thời buổi bão giá, chúng tôi tình cờ được nghe một ông chủ tiệm hớt tóc máy lạnh ở quận 5, Sài Gòn than thở một chuyện khác.


Mặt tiền một tiệm hớt tóc. (Hình minh họa internet diachiso.vn)
“Nếu khách của tôi tiết kiệm ít đi hớt tóc thì cũng phải chịu, nhưng cái mà tôi không thể chịu nổi là tiền thuế cho nhà nước tăng, cả tiền cúng cho xã hội đỏ tăng, xã hội đen cũng tăng”.
Khi chúng tôi thắc mắc thế nào là tiền cúng cho xã hội đỏ thì anh giải thích. Thuế chính thức của tiệm anh là sáu trăm ngàn một tháng, anh phải cúng thêm cho nhân viên thu thuế ba trăm tháng, cúng thêm cho công an khu vực hai trăm tháng, cúng thêm cho đội trật tự lòng lề đường hai trăm tháng, cúng thêm cho đội dân phòng phường hai trăm tháng, đó là chưa kể phải cúng thêm cho mấy tay xã hội đen có máu mặt ở khu này.

Chúng tôi tò mò hỏi đã cúng cho xã hội đỏ rồi sao lại phải cúng cho xã hội đen? “Nếu xã hội đỏ mạnh thì mình còn đỡ chớ tụi xã hội đỏ ăn rồi quẹt mỏ thì mình muốn yên cũng phải cúng đều đều cho xã hội đen.” Anh nói.
Nghề hớt tóc chỉ được coi là bèo bọt nếu so với những lĩnh vực kinh doanh béo bổ có giấy phép khác như nhà hàng, vũ trường, massage... Riêng những nghề bị cấm khác mà vẫn công khai hoạt động thì xin miễn bàn về khoản tiền cúng khổng lồ cho xã hội đỏ và xã hội đen.
Ngày nay, ở Việt Nam người ta không thể phân biệt được ranh giới tội phạm xã hội đỏ và đen. Mọi định nghĩa luật pháp của loại tội phạm này đã trở nên lạc hậu. Nhưng liệu những người lương dân đang cầu yên lành để làm ăn bằng cách hàng tháng phải cúng tiền cho xã hội đỏ và xã hội đen thì họ có thật được yên ổn không?
Một người nhà báo trẻ cho chúng tôi biết ở khu nhà anh thuộc quận 6, sém xảy ra tình trạng đạp cửa nhà một công dân để thanh toán giữa ban ngày. Nguyên nhân cũng chỉ là do một người đàn ông cợt nhã một chút với một cô hàng xóm làm nghề giúp việc nhà.
Hành động vô tình của ông này bị một cô phụ bán quán cà phê nhìn thấy, cô thêu dệt biến ông này thành một ông già dê. Ông này nổi giận gây sự to tiếng với cô, thế là cô kêu xã hội đen cầm mã tấu đến nhà ông đòi thanh toán, ông hoảng quá đóng chặt cửa sắt lại, mấy tay xã hội đen chém cửa sắt rầm rầm làm náo loạn cả xóm. Lúc xảy ra sự cố người dân không thấy công an đâu cả dù rất nhiều người đã tốn tiền gọi cầu cứu. Ðó là chưa kể tiền đóng hàng tháng cho cái gọi là tiền bảo vệ khu phố, tiền nuôi đội dân phòng, tiền cà phê cho các anh công an khu vực...
Theo anh nhà báo này thì tai họa của ông chủ nhà chỉ được giàn xếp khi chính bà vợ ông ra lạy lục van xin bọn xã hội đen và tất nhiên bà không quên hứa hẹn cúng cho bọn đó một khoản tiền phạt vì tội làm mẻ mã tấu và làm chúng mắc công.
Nhưng câu chuyện “tai nạn” của ông chủ nhà lỡ dại đâu dễ được êm xuôi. Vài hôm sau, ông được giấy mời lên công an phường vì tội phá rối trật tự công cộng. Nếu khéo cúng thì ông sẽ có hai khoản phải tốn tiền, khoản thứ nhất là tiền phạt vi cảnh chính thống, khoản thứ hai là tiền cúng riêng cho xã hội đỏ.
Ở Việt Nam, nhất là ở các đô thị lớn, bên cạnh hai thế lực xã hội đỏ và xã hội đen người ta con biết tới một thế lực mới nổi tuy ngấm ngầm nhưng hứa hẹn ghê gớm hơn.
Một ông nhà hàng tên T., ở quận 12 kể câu chuyện liên quan đến ông:
“Tôi làm nhà hàng trên đất thuê của một ông chủ lớn. Ông ta giàu và có thế lắm. Một hôm nhà hàng tôi bị đội công an môi trường quận xuống kiểm tra. Tôi cứ nghĩ là mới cúng đội vệ sinh môi trường thuộc y tế quận kiểm tra rồi sao giờ lại đòi kiểm tra nữa. Tôi không đồng ý. Thế là công an môi trường cho rằng tôi chống lệnh, đòi bắt tôi. Tôi hoảng quá gọi điện cầu cứu với ông chủ đất, ổng nói để đó tao lo. Ổng chỉ cần móc điện thoại lên gọi. Tôi chỉ nghe lóm được một câu. Cái ghế của tụi bây giá bao nhiêu dữ vậy. Anh năm đây nói một tiếng là tụi bây lên đường hết, kể cả sếp tụi bây nữa, hiểu chưa. Vậy là êm chuyện, xã hội đỏ còn sợ những người như ổng huống gì là xã hội đen.”
Những thế lực kiểu bố già mafia như những ông chủ kể trên là một hiện tượng mới ở Việt Nam. Và chuyện kể của ông chủ nhà hàng tên T. cũng như về người bố già của ông ta chỉ là thứ cỏn con, cò con trong cả một hệ thống những bố già ghê gớm đang hiện hữu ở Việt Nam.
Những bố già này không cần có cương lĩnh, nghị quyết gì, nhưng trong vai “nhà tài trợ” họ chỉ cần ném tiền ra là chắc thắng trong mọi lĩnh vực. Ðâu ai biết sự cấu kết của các thế lực tội phạm và các quan tham của chính thể độc tài tinh vi như thế nào, cái người ta có thể biết chắc là mỗi người lương dân chính là một con tin của của hệ thống phi pháp này.

Không có nhận xét nào: