Nếu cổ sử Trung Hoa từng tự hào về Quân sư Khổng Minh Gia Cát Lượng, thì lịch sử cận đại Việt Nam cũng nên hãnh diện có một: Ngô Đình Nhu…
Nếu thế giới vỗ tay khi Tổng Thống Obama được giải Nobel Hòa Bình, thì người Việt cũng nên khâm phục ý tưởng hòa bình của Cố vấn Ngô Đình Nhu.
Đúng vậy, nếu sưu tra và tham khảo hết các sử liệu về nền Đệ Nhất Cộng Hòa do Tổng Thống Ngô Đình Diệm thành lập và lãnh đạo, thì vai trò của Cố vấn Ngô Đình Nhu đã đóng góp một phần không nhỏ trong sự nghiệp chống cộng để bảo vệ Miền Nam Việt Nam. Ngoài sự thành công của Quốc sách Ấp Chiến Lược do ông soạn thảo đã tạo sự điêu đứng cho đối phương, thì có một sự kiện mà mãi cho đến ngày nay lịch sử vẫn chưa làm sáng tỏ được! Đó là việc ông Cố vấn Ngô Đình Nhu đích thân đi gặp Phạm Hùng, vị Đại diện của Hồ Chí Minh để tìm một thỏa hiệp cho cả hai phe.
Rất tiếc và rất tiếc! Đã gần 50 năm trôi qua nhưng tư liệu và chứng cứ về sự kiện này vẫn không được khám phá gì nhiều hơn! Ngoài một vài chi tiết mang tính trùng lặp được viết đi rồi ghi lại qua hàng ngàn cuốn sách viết về cuộc binh biến 1-11-1963. Ngay cả Luận án viết chưa xong của cố cựu Trung Tá Nguyễn Văn Châu, từng là Quân ủy của Đảng Cần Lao có một tựa đề khá gây chú ý là: NGÔ ĐÌNH DIỆM VÀ NỖ LỰC HÒA BÌNH DANG DỞ, do Dịch giả Nguyễn Vi Khanh thực hiện vẫn không soi rọi thêm một bằng chứng nào khác, về cuộc chuyện trò bí mật của hai đại diện thuộc hai phe Nam-Bắc tại khu rừng Tánh Linh-Bình Tuy, dưới dạng ông Cố vấn Ngô Đình Nhu giả vờ đóng vai người đi săn Cọp để gặp gỡ ủy viên Phạm Hùng.
- Vậy, Phía Cộng hòa là ông Ngô Đình Nhu, còn phía CSVN là ông Phạm Hùng. Họ đã nói gì?
- Mức độ tiến triển của cuộc thương thuyết sẽ ra sao?
- Sự thỏa hiệp này có lợi cho Cộng Hòa hay Cộng Sản?
- Ai hứa hẹn với ai điều gì?
- Tại sao ông Ngô Đình Nhu phải đi nước cờ này? Và phải chăng nước cờ này mang tính “tháu cáy” mà ông Nhu muốn người Mỹ thay đổi lập trường với chính phủ Đệ Nhất Cộng Hòa?
- Hay, nước cờ này là hai ông Diệm- Nhu muốn bán đứng Miền Nam cho Việt cộng như bao người đã kết tội?
- Hoặc, nếu thỏa hiệp hòa bình này thành công thì Việt Nam sẽ như thế nào? Cục diện chính trị có rơi vào tình trạng bi đát như hiện nay không?
Hàng ngàn câu hỏi đã đặt ra, và đã có hàng vạn lập luận trả lời đã in trên mặt giấy. Nhưng tất cả đều bị bịt kín sau tấm màn bí mật, và có thể sự bí mật này sẽ bị chôn vùi dưới lớp bụi thời gian. Phía người bênh vực cho hai ông Diệm-Nhu thì khá khiêm tốn khi bàn về sự kiện này. Nhưng phía người chống thì quyết một lời là tố cáo, và lập luận tố cáo được đưa ra nhưng không mấy có sự khả tín và thuyết phục, nếu không muốn nói là ác cảm tính. Trong khi các yếu tố về lịch sử như ngoại giao-quân sự-pháp lý-tình tự dân tộc-ý chí lãnh đạo của mỗi bên, kể cả của Hoa Kỳ và Đồng Minh, cũng như Nga Sô-Trung Cộng và khối Xã hội chủ nghĩa chưa được kết hợp để tạo nên một lập luận vững vàng!
Vậy, làm sao để soi rõ sự kiện này khi hai nhân vật chính cũng đã đột ngột bị bức tử như chính kế hoạch hòa bình bị dang dở. Câu trả lời thật quá khó như hỏi ông Trời có bao nhiêu tuổi và trái Đất có tự bao giờ! Nhưng, đây chính là điểm hấp dẫn nhất, thu hút nhất để cho ai sau này muốn làm nên một Luận án Hòa Bình và Chiến Tranh của Việt Nam và Đông Dương! Bởi rằng, Nếu đem so với tất cả danh nhân từng nhận giải Nobel Hòa Bình trên thế giới, thì kế hoạch hòa bình của Cố vấn Ngô Đình Nhu thật sự mang một đặc tính hết sức táo bạo và độc đáo, hay nói cách khác là độc nhất vô nhị. Vì, cuộc thương thuyết không hề xảy ra trong một phòng xa hoa với tiếng khui nổ giòn của những chai rượu, mà sự thỏa hiệp được âm thầm môi giới của 2 vị Đại sứ quán Pháp và Ấn Độ, và điều gì còn lại xảy ra, tất cả có chỉ hai người trong cuộc mới tận tường cốt lõi!
Để tỏ lòng kính trọng đối với một chính trị gia xuất sắc có công chống cộng, xin gác lại mọi lời bình cũng như phân tích về sự thành công hay thất bại của kế hoạch hòa bình này, hơn nửa khi sự kiện chưa trở thành lịch sử thì không nên vội vàng phán xét!Do đó, bài viết này chỉ xin đưa ra một số lập luận có cơ sở để xác định rằng, kế hoạch hòa bình của ông Ngô Đình Nhu rất hữu lý và có khả năng sẽ thành hữu lực, nếu ông không bị thảm sát! Vì rằng, một số câu hỏi dưới đây xin được đặt ra cho những ai muốn tham luận về sự kiện này, và tự câu trả lời theo cảm nhận của mỗi người sẽ là yếu tố để xác quyết cho vấn đề.
a) Ai quả quyết được rằng chính phủ Hoa Kỳ mãi mãi tiếp sức viện trợ cho chính phủ Việt Nam Cộng Hòa? Dù là một hậu chính phủ được Dân cử sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm (về hưu hay bị thảm sát), để tiếp tục chống cộng?
b) Ai nhất quyết chắc chắn rằng Trung Cộng và Nga Sô cùng khối Cộng sản vĩnh viễn Vô Điều Kiện yểm trợ mọi mặt cho Hà Nội để duy trì cuộc chiến?
c) Nếu cả hai miền Nam-Bắc đều được hai khối cường quốc ủng hộ, thì chiến tranh kéo dài đến bao lâu, và dân tộc Việt Nam được gì? Mất gì?
d) Miền Nam có chiến thắng cuộc chiến này không? Hay, vĩnh viễn nằm trong thế phòng thủ và bị động, hay nói cách khác là suốt đời bị Mỹ bắt “giẫm chân tại chõ”, vì lịch sử đã chứng minh chưa thấy VNCH vượt vỹ tuyến 17 để đánh địch quân, nghĩa là luôn luôn tôn trọng Hiệp Định 1954.
e) Nếu Chính phủ VNCH rơi vào tình trạng như điểm ( d ) nói trên, và ngay cả thời Đệ Nhị Cộng Hòa cũng vậy (vì lịch sử đã chứng minh), trong khi tham vọng cưỡng chiếm Miền Nam của Bắc Việt không từ bỏ thì kết quả cuộc chiến như thế nào?
f) Tất cả lịch sử đã chứng minh. Phía CSVN chiến thắng, nhưng được gì? Và Tổ Quốc Việt Nam hiện nay đã mất gì? Dân tộc Việt Nam trong quá khứ và tương lai đã và sẽ mất gì, cần gì?
g) Hòa bình vào giữa thập niên 1960 hay 1975 giống và khác gì nhau cho người còn sống hôm nay? Hay, được và mất gì cho mấy triệu con dân Việt nằm xuống hôm qua???
Rất nhiều câu hỏi cần đặt ra, nhưng chỉ nêu lên một số điểm căn bản để suy luận. Và nhằm khai thông, giải tỏa cho cuộc gặp gỡ bí mật, hay nói cách khác là một kế hoạch hòa bình đã bị chết non, bằng một câu hỏi ngắn gọn rằng:
Phải chăng ông Ngô Đình Nhu đã nhìn thấu hết cục diện chính trị của cả 2 miền Nam-Bắc, và biết trước kết quả của cuộc chiến???
Để rồi từ đó, ông đi đến một quyết định táo bạo nhưng có tính toán, nhằm muốn vãn hồi cuộc chiến trong sự có lợi hỗ tương cho hai phe. Đồng thời phía ông Hồ Chí Minh cũng cùng chung một suy nghĩ, cho một Việt Nam được tự quyết trên phương diện Chủ Quyền Quốc Gia.
Phía Bắc Việt, chưa từng tiết lộ một chi tiết nào về vấn đề này, hay nói cách khác họ không dại gì nói ra để mất đi “cái oai của người chiến thắng”!
Phía Nam Việt, ai là người cực lực phản đối vì cho rằng ông Nhu chỉ làm “ảo để tháu cáy” người Mỹ, chứ, ông Nhu không thể nào tính xa như vậy! Nếu có suy nghĩ như thế thì xin hãy tìm đọc phần nhận định của chính ông Nhu trong: CHÍNH ĐỀ VIỆT NAM. Đó chính là cơ sở vững chắc nhất, là yếu tố quan trọng nhất để xác định một phần nào, dù là nhỏ nhất, để thấy rằng kế hoạch hòa bình mà Cố vấn Ngô Đình Nhu đang thực hiện dang dở là không mơ hồ và ảo tưởng. Trong cuốn sách giá trị đó, ông Nhu từng nhấn mạnh rằng, Hà Nội thắng thì Chủ quyền của Việt Nam sẽ mất vào tay Trung Cộng. Xin thêm một lần được lặp lại rằng, hơn ai hết, trong nội các của Chính phủ Đệ Nhất Cộng Hòa thì ông Ngô Đình Nhu là người duy nhất, và duy nhất là người nắm vững hết tin tức tình báo chiến lược từ hạ tầng đến thượng tầng cơ sở, để thấu triệt hiểu biết hết tình hình ngoại chính và nội bộ của đối thủ là Hồ Chí Minh, đơn cử một ví dụ mà toàn dân Việt Nam, ngay cả những đảng viên cấp cao trong Quốc Hội hay Bộ chính trị cộng sản Việt Nam thời đó, mấy ai biết được Công hàm bán Biển Đảo năm 1958 cho Trung Cộng do Phạm Văn Đồng ký tên, trong sự đồng ý của Hồ Chí Minh đang tối cao đương quyền lúc đó? Nhưng, biết đâu tin tức bí mật này đã lọt vào tai ông Cố vấn Ngô Đình Nhu! Và, ai đoán ra được tư tưởng của Hồ Chí Minh khi đó??? Hai câu hỏi nhưng cũng là một vấn đề mà ngay cả Gia Cát Lượng, Trương Lương hay Phạm Lãi nổi tiếng bên Tàu đội mồ lên sống lại, cũng phải trả lời: Có trời mới biết!
Sở dĩ, phải đặt ra vấn đề trên, vì toàn bộ tiểu tiết đến đại tiết của sự kiện đều bao trùm lên một sự bí mật, nên có quyền đặt ra giả định để tạo thành lập luận, ngõ hầu giúp các sử gia mai hậu anh minh cao kiến hơn để thẩm định một góc khuất lịch sử của nước nhà!
Hôm nay đây, đếm trên đầu ngón tay, sau ngày Cố vấn Ngô Đình Nhu mất là 46 năm, hiện trạng chính trị của quốc gia Việt Nam đang như thế nào? Câu hỏi này không chỉ dành cho kẻ thắng người thua, không đơn phương dành cho người bênh hay chống ông. Nhưng tất cả đã thấy rõ. Biên giới phía Bắc, hay Tây Nguyên là nơi mà ông Nhu cho là tử huyệt đã về tay Trung Cộng. Rồi Hoàng Sa đang phát giấy bạc Trung Cộng cho dân Tàu xài, còn Trường Sa thì Việt Cộng vẫn rêu rao là có “bộ đội ta” đang đóng. Phải, bộ đội đang đóng trên một vài gầm đá to không đủ để cho mấy con Cá Mập cà lưng khi ngứa ngáy mình.
Chiến tranh hay chiến thắng ai nuôi mộng, được gì???
Ai nhận giải Nobel Hòa Bình? Và vì sao người ta phải trao giải này? Có phải người ta hoan hô vì một phần nhân loại không còn chảy máu. Chỉ cách đây vài ngày, người xem truyền hình trên toàn thế giới đều phải thút thít hay cắn môi trước cảnh một Mẹ già 100 tuổi ngồi trên xe lăn từ Bắc Hàn đến nhà Khách Đoàn Tụ, rồi khán giả phải thắt tim khi khi 2 người con tuổi đã 75 tuổi từ Nam Hàn đến, họ cung kính quỳ lạy người Mẹ kính yêu sau bao năm xa cách. Ranh giới giữa chiến tranh hay biên giới của hòa bình thật gần nhưng thật xa nhiều quá! Ai mạnh dạn nói rằng tôi muốn đất nước tôi như thế! Có, có thể có vài người nhưng dễ dầu gì nói ra mà không nghẹn tiếng. Rất có thể! Có thể thôi, là 46 năm trước, ông cố vấn Ngô Đình Nhu cũng đã muốn nhen nhóm lên ngọn lửa Hòa Bình dưới hai làn bom đạn. Chắc chắn, ý tưởng của ông không mang tham vọng cá nhân. Bởi, bộ óc trăm năm như ông không tìm ra được một lối thoát cho chính mình tại Pháp-Đài Loan hay Ai Cập? Có lẽ, cái giá của dân tộc, của tổ quốc cao hơn mạng sống của chính mình!
Ôi. Quê hương ơi! Bao giờ người cộng sản Việt Nam nghĩ được như thế!
Vĩnh biệt một chính trị gia ngàn năm khó kiếm với tấm lòng kính phục, khâm phục của một kẻ sinh ra sau khi Người đã ngủ với giấc mộng hòa bình, 1 năm.
© Nguyễn Duy Thành
© Đàn Chim Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét