Pages

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011

Thương lái Trung Quốc thu gom nông thủy sản: Lo ngại

(DĐDN) Việc nhiều thương lái Trung Quốc tìm đến các địa bàn nông thôn nước ta, trong đó có ĐBSCL để thu mua, gom vét nông thủy sản đang đặt ra không ít lo ngại.
Bột ca cao nguyên chất giá bán gấp 3 lần hạt ca cao khô
Một DN chuyên thu mua, chế biến xuất khẩu tôm quy mô lớn tại TP Bạc Liêu cho biết, không chỉ tại Bạc Liêu mà tại rất cả các địa phương ĐBSCL đang rộ lên tình trạng thương lái Trung Quốc (TQ) thu gom thủy sản, nông sản thô. Ví dụ như mua tôm sú, thương lái TQ đến tận nơi đặt hàng các chủ vựa với giá cao hơn thị trường 10 – 15%, chất lượng không yêu cầu khắt khe thậm chí họ đặt cọc tiền trước 30%, các chủ vựa gom tôm chở đến cảng biển Sơn Thầu (TQ) giao hàng để nhận số tiền còn lại.

Lợi ít, thiệt nhiều
Tương tự, tại Bến Tre, ông Cù Văn Thành – Giám đốc Cty chế biến dừa Lương Quới cũng cho biết, thương lái TQ đang làm chủ về giá thu mua dừa, tăng và giảm giá tùy theo số lượng nhiều hay ít.
Tại Vĩnh Long, thương lái TQ cũng đang ráo riết mua khoai lang làm cho giá khoai lang năm nay cao gấp đôi năm ngoái. Đại diện một nông dân cho biết: họ đặt cọc khi khoai chưa thu hoạch với giá trên 1 triệu đồng/tạ khoai tươi. Tính ra, mỗi công khoai (1000m2), bà con nông dân thu lợi nhuận bằng 5 công lúa…
Tuy nhiên, theo ông Thành, tàu của thương lái Trung Quốc vào tận sông Hàm Luông, tỉnh Bến Tre thu mua ào ạt dừa khô nguyên liệu với số lượng lớn suốt thời gian dài đã đẩy hàng loạt DN chế biến dừa tại địa phương rơi vào tình trạng điêu đứng. Nguy cơ các nhà máy đóng cửa hàng loạt, đe dọa mất việc làm cho hàng chục ngàn lao động đang hiển hiện. Có lúc, sản lượng dừa nguyên liệu bán cho các tàu Trung Quốc vượt hơn 50%.
Ông Hồ Vĩnh Sang – Chủ tịch Hiệp hội dừa Bến Tre phản ánh: “Toàn tỉnh hiện có 70 DN, cùng khoảng 1.000 cơ sở tham gia sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa (như: cơm dừa nạo sấy, dầu dừa, kẹo dừa, than gáo dừa, chỉ xơ dừa, hàng thủ công mỹ nghệ…) đang trong cảnh thiếu nguyên liệu trầm trọng ngay lúc cao điểm sản suất hàng hóa phục vụ tết và xuất khẩu. Nhiều đơn vị giảm 50% công suất và lao động, thậm chí chỉ còn 20-30%. Sản xuất đình trệ, sản lượng không đủ giao hàng theo hợp đồng đã ký. Tình trạng này ngày một nghiêm trọng”.
Theo ông Sang, việc bị thương lái nước ngoài thu gom mua nguyên liệu làm mất đến 90% nguồn lợi nếu bán thô. Cụ thể, giá dừa bán thô hiện chỉ có thể trên 10.000 đồng/trái, nhưng nếu chế biến XK có thể thu được gấp 10 lần từ các sản phẩm như thạch dừa, than gáo dừa, kẹo dừa, xơ dừa, cơm dừa sấy… Hoặc như ca cao, cũng là cây trồng thế mạnh của Bến Tre nếu bán hạt thô thì giá hiện nay khoảng 60- 65.000 đồng/kg, nhưng bột ca cao nguyên chất thì có giá gấp 3 lần, chưa nói nếu chế biến thành kẹo, bánh, sữa ca cao… thì giá tăng lên gấp nhiều lần.
Tăng cường quản lý

Nghị định 23/2007 và Nghị định 90/2007 của Chính phủ đã quy định: những thương nhân nước ngoài không có đại diện thương mại tại VN vẫn được cấp phép XK nhưng không được tổ chức mạng lưới mua gom hàng hóa tại VN để XK, họ chỉ được phép đứng tên mở tờ khai, làm các thủ tục XK.
Luật sư Trần Thanh Lương- Đoàn luật sư tỉnh Bến Tre cho rằng: có thể nông dân được lợi trước mắt là bán được sản phẩm nhưng về lâu dài tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nếu DN chế biến trong nước khó khăn, giảm hoặc dừng sản xuất, chắc chắn thương lái TQ sẽ giảm giá mua, ép giá. Chưa kể chuyện nông dân bị rủi ro do các thương lái TQ quỵt nợ. Việc này cũng đã xảy ra. Tuy nhiên, việc kiện tụng rất phức tạp, nhiều người “tiền mất tật mang” vì nhiều thỏa thuận mua bán chỉ dựa trên niềm tin, thiếu căn cứ hồ sơ thủ tục, cơ sở pháp lý không có.
Theo LS Lương, chúng ta không thể cấm hoạt động mua bán nhưng phải quản lý chặt chẽ. Trong kinh doanh, cạnh tranh là bình thường nhưng không thể phá giá. Đó là chưa nói có không ít thương lái TQ giả danh khách du lịch vào theo dõi giá, thu mua nông sản là vi phạm pháp luật. Chính vì vậy nên đánh thuế cao các sản phẩm nông thủy sản thô XK bên cạnh việc dùng chính sách khuyến khích và hỗ trợ DN hoạt động để DN tăng khả năng thu mua và chế biến…
Ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản VN (Vasep) cho biết: Vasep đã nhận được nhiều phản ánh của hội viên về tình trạng thiếu nguyên liệu, trong đó có nguyên nhân bị thương lái TQ thu gom nguyên liệu. Vasep cũng như một số hiệp hội khác đã gửi văn bản phản ánh lên Bộ Công thương về tình trạng trên, đề nghị ngành chức năng có sự quản lý chặt chẽ.
Nghị định 23/2007 và Nghị định 90/2007 của Chính phủ đã quy định: những thương nhân nước ngoài không có đại diện thương mại tại VN vẫn được cấp phép XK nhưng không được tổ chức mạng lưới mua gom hàng hóa tại VN để XK. Họ chỉ được phép đứng tên mở tờ khai, làm các thủ tục XK. Trong khi hầu hết các trường hợp thương lái TQ mua gom hàng hóa nông lâm sản tại VN nêu trên không có đại diện thương mại tại VN.
Theo ông Hòe, nông thủy sản XK sau khi đã chế biến mang lại nguồn thu gấp nhiều lần, thậm chí cả chục lần XK thô. Ngoài ra, chế biến trong nước còn tạo được nhiều việc làm, phát triển công nghiệp, tạo thêm việc làm. Chính vì vậy, việc XK thô không nên khuyến khích. Tuy nhiên, trong điều kiện chưa thể chấm dứt XK thô thì VN chỉ nên cho XK bằng đường chính ngạch, vừa dễ quản lý vừa thu được ngoại tệ và hạn chế rủi ro. Bên cạnh đó, bản thân DN nội địa cũng phải xem xét lại mối liên kết với nông dân như thế nào, giá thu mua ra sao cho hợp lý.
Phạm Nguyễn
http://dddn.com.vn/20111021034320608cat109/thuong-lai-trung-quoc-thu-gom-nong-thuy-san-lo-ngai.htm

Không có nhận xét nào: