Trần Khải Thanh Thủy /Nguoiviet
LTS: Bà Trần Khải Thanh Thủy, 51 tuổi, bị nhà cầm quyền Hà Nội dàn dựng một vụ “hành hung” (ngày 8 tháng 10, 2009) biến nạn nhân thành tội phạm để kết án án tù 3 năm rưỡi. Mục đích là để trả thù những loạt bài viết, ký sự xã hội, thời sự Việt Nam mà bà gửi đăng hay xuất bản ở nước ngoài.Nhờ sự can thiệp ráo riết của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, bà đã được trả tự do sau 21 tháng ở tù, và được đưa thẳng từ nhà tù Thanh Hóa ra phi trường sang định cư tị nạn tại Mỹ ngày 23 tháng 6, 2011.
Bà là tác giả của 15 tác phẩm đã xuất bản trong nước và khoảng ba chục tác phẩm hoặc đã xuất bản, hoặc đăng tải trên một số báo giấy hay báo điện tử ở hải ngoại, gồm nhiều thể loại khác nhau, dưới nhiều bút hiệu khác nhau.
Khi bà bị lộ ra là một người có những bài viết, ký sự, ngược với đường lối tuyên truyền của đảng và nhà nước, bà và gia đình bắt đầu một cuộc sống khó khăn trong sự khủng bố thường trực của nhà cầm quyền Cộng Sản.
Mấy tháng trước khi bị bắt, nhà bà TKTT bị những kẻ bí mật ném phân đầy trước nhà gần hai chục lần, một lối khủng bố mà những người chống đối chế độ như cụ Hoàng Minh Chính và một số người từng là nạn nhân. Nhưng không ai bị nặng như nhà bà TKTT.
Dưới đây là hồi ký của bà TKTT chung quanh chuyện bà bị bắt bỏ tù.
Ba giờ chiều ngày 23 tháng 6, 2011 (giờ Việt Nam) tôi đang còn mặc quần cộc, áo ba lỗ, đánh vật với cái nắng nóng của xứ sở nhiệt đới- đặc biệt là vùng núi Lam Sơn-hanh Hóa, nơi giáp biên giới Lào, nắng nóng đến mức cánh bạn tù thường phạm phải ví:
Bà Trần Khải Thanh Thủy là nạn nhân bị hai tên côn đồ do nhà cầm quyền CSVN dàn dựng đánh lỗ đầu ngày 8 tháng 10, 2009 nhưng vẫn bị lôi ra tòa về tội “hành hung” người khác. Sau 21 tháng ở tù, bà đã đến Hoa Kỳ định cư tị nạn nhờ sự can thiệp mạnh mẽ của Bộ Ngoại Giao. (Hình gia đình cung cấp) |
Ai chưa tới đó thì chưa… là tù
Tiếng gót giày nện cồm cộp, tôi vội ngẩng lên, chưa kịp vơ bộ quần áo dài mặc vào người, đã nghe cán bộ tên Chại, thông báo:
- Chị thay quần áo rồi ra gặp cán bộ!
Như thói quen đã định hình từ ngày vào trại, tôi vội vàng khoác lên người bộ quần áo kẻ sọc cũ kỹ, hôi rình, không quên đội lên đầu chiếc nón mê xộc xệch, líu ríu theo chân quản giáo ra ngoài.
Bình thường “được” đi gặp cán bộ thì chỉ vào phòng thi đua, trong khuôn viên của trại, nơi trước mặt có hai cánh cửa sắt to đùng, cao ngất ngưởng, lại nặng trịch, kín mít, một ngày chỉ được mở hai lần vào những khi xuất trại cho tù đi làm… Lần này, lạ lùng thay, tôi được lôi ra tận ngoài cổng phủ, như thể lại đi gặp gia đình vậy. Có chuyện gì xảy ra chăng? Tháng này gia đình tôi đã lên rồi cơ mà?
Ðang phân vân, ngơ ngẩn, trước mặt tôi bỗng hiện ra một đám đông công an mặc thường phục đứng lố nhố bên ngoài, khuất sau cánh cổng, đặc biệt là tên Khải với cái đầu hói trọc lốc và cái trán gồ lên chiếm một phần ba khuôn mặt… Kẻ cách đây ba tháng đã vác bộ mặt giả nhân giả nghĩa để tìm vào trại, đề nghị tôi nên ra nước ngoài chữa bệnh và đảm bảo tương lai cho con cái…
Nhìn thấy tôi, chúng “huỵch toẹt” luôn, không còn tù mù, bí ẩn hoặc “lửng lơ cá vàng” như những lần trước nữa:
- Thủ tục giữa hai nhà nước đã xong, giờ chị vào chuẩn bị để chúng tôi đưa ra sân bay cho kịp.
- Trời đất! Chân tay tôi run lên, toàn thân tưởng nhão ra như bùn trong một cảm giác đặc biệt khó tả: “Không lẽ 21 tháng tù đầy đọa, khổ nhục đã kết thúc ở buổi chiều định mệnh đầy tốt đẹp này ư? Tôi được tự do thật sao? Sau bao nhiêu hy vọng chờ đợi, thất vọng rồi lại phập phồng hy vọng, mừng hụt hết lần này lần khác, cuối cùng tự do đã tìm đến với tôi thật rồi, chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa thôi…”
Ðồ tù chẳng có gì ngoài hai tập bản thảo gồm thơ và một số bài tôi lén viết trong trại (đã được ngụy trang bằng tên của nhiều tác giả khác). Chữ viết nhỏ li ti như kiến, hàng nọ tiếp hàng kia, nửa tiếng Việt nửa tiếng Anh, chủ yếu là viết tắt để che mắt bọn khốn, gồm cả lũ “zich” trong buồng và cán bộ quản giáo, phía trên là cả một đống báo đảng…
Ðinh ninh qua được mắt bọn chúng, tôi vội vàng vào phía trong buồng tắm của cán bộ để trút bỏ bộ đồ tù. Lần đầu tiên, sau 21 tháng tù đày khốn khổ, tôi mới lại được vào buồng tắm, khỏa nước máy lên người mà không có cảm giác lo lắng gì. Còn trước đó, kể từ khi bước chân vào tù là phải tồng ngồng trong bộ cánh Ê va, giữa thanh thiên bạch nhật, giữa hàng nghìn thân thể lõa lồ của cánh chị em tù, xấu hổ và tủi nhục không biết bao nhiêu mà kể.
Ngắm mình trong gương, thấy không đến nỗi nào so với bộ đồ tù khốn khổ thường mặc, tôi líu ríu lên gác để hoàn thiện nốt phần thủ tục… Tất cả, từ trưởng trại Lường Văn Tuyến đến cán bộ vũ trang, quản giáo, trinh sát, y tế, v.v đều có mặt đông đủ, đứng chật cả gian phòng hẹp… Tiếng nữ cán bộ tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa vang lên:
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Ðộc lập, tự do, hạnh phúc
Giấy chứng nhận phạm nhân chấp hành xong án phạt tù…
Hạnh phúc lạc bước đến quá nhanh, tôi nghe câu được câu mất, chỉ lõm bõm nhớ rằng theo điều 18 của pháp lệnh sửa đổi, điều 14 quy chế trại giam, gi gỉ gì di, những gì nữa ấy… thì tôi đã được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù một lần bằng giảm hết luôn, nên tôi đã chấp hành xong, nhưng vẫn phải tiếp tục chấp hành hình phạt bổ sung là án phí hình sự 400 nghìn, án phí dân sự 450 nghìn, và bồi thường dân sự gần 9 triệu đồng nữa.
“Thật là chó đẻ” tôi gầm lên trong óc: “Cà cuống chết đến đít còn cay” còn Cộng Sản chết đến đít vẫn còn gian. Cho đến lúc này, khi đã có sự can thiệp của đại sứ quán Mỹ rồi mà chúng vẫn “lập lờ đánh lận con đen”. Chúng thừa biết tôi không hề đánh người, nên chẳng có ai bị thương cả. Cho dù con người đạo đức có nổi loạn mà cơ bắp yếu, làm sao tôi có thể hai tay hai hòn gạch đả thương hai kẻ cao hơn mình cả vài chục cm, nặng hơn mình 25-30 kg, trẻ hơn mình cả chục tuổi cơ chứ? Chính vì sự phi lý, trâng tráo, trắng trợn, vừa hèn hạ, vừa bỉ ổi này mà nằm trong tù tôi “xuất khẩu thành thơ” :
Vết thương đỉnh đầu… may sống sót
Bầm giập, tả tơi, vẫn ở tù
Mả cha cộng sản: Hèn, ngu, dốt
Bắt giam ta tưởng thế giới mù!
Bị cả giới truyền thông thế giới lật tẩy, chửi lút mặt, tưởng chúng phải biết xấu hổ, đừng dại dột nhắc lại nữa, vậy mà vẫn cố buộc tôi vào tội “cố ý gây thương tích” sao? Thay vì phải bắt hai kẻ côn đồ do chúng sai đến “áp đáo tại gia” vào 8 giờ tối ngày 8 tháng 10 năm 2009, bồi thường thiệt hại cho gia đình tôi thì chúng lại làm ngược lại, bắt tôi phải bồi thường dân sự cho cái gọi là người bị hại, tức hai thằng khốn kia… Ðúng là giọng điệu ngụy ngôn của Cộng Sản: Biến đúng thành sai, biến vuông thành méo, biến sáng sủa thành đen tối.
Trong khi giấy chứng nhận ghi rõ: “Chị Trần Khải Thanh Thủy phải trình diện ủy ban nhân dân phường trước ngày 29 tháng 6 năm 2011” thì hôm nay mới là ngày 23, sao chúng không để tôi về qua nhà chào gia đình, họ hàng mà lại đưa thẳng ra sân bay? Ðến tận lúc này chúng vẫn giở chiêu bài gì đây?
Tiếng ông trưởng trại Lường Văn Tuyến cắt ngang dòng suy nghĩ âm thầm của tôi:
- Vì chị mà ngay từ chiều hôm qua, đích thân tôi cùng bao nhiêu anh em khác phải lên tận Hà Nội chính thức bàn giao hồ sơ của chị cho đại sứ quán Mỹ đấy nhớ. Sau đó lại quay về tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa để làm thủ tục bãi miễn trách nhiệm hình sự cho chị. Cả đi cả về gần năm trăm cây số, mất đứt hai ngày trời, vất vả lắm đấy nhé.
- Ra thế, tôi quay mặt đi, cố giấu một nụ cười.
Nếu biết bắt tôi mà phải khốn khổ nhục nhã, và chỉ là bắt cóc bỏ đĩa như thế này thì gần hai năm trước, chắc chắn chúng chẳng dại dột bắt tôi làm gì, thật là:
Cố đấm ăn xôi xôi lại hẩm
Cầm bằng bắt cố, bắt không xong…
Ðẩy số tiền còn lại của gia đình gửi về phía tôi, cán bộ hậu cần te tái:
- Của chị còn một triệu hai trăm, chúng tôi xin bàn giao lại cho chị đầy đủ, xin chị ký vào đây.
Thờ ơ cầm nắm tiền trên bàn bỏ vào túi, tôi lơ đãng ký tên mình vào phía dưới, theo tay cán bộ chỉ.
- Ngoài ra chị còn được cấp phát tiền đi đường nữa… Cán bộ giáo dục nhắc, rồi chìa ra trước mặt tôi số tiền 160 nghìn bắt ký.
Một ý nghĩ thoáng qua trong óc, tôi làm bộ giãy nảy:
- Gớm đã đi bằng chân công an thì nhất rồi, còn phải lấy tiền làm gì?
Tưởng tôi thành thật chối từ, thị lớn giọng:
- Nhưng đây là quy định. Ðề nghị chị ký nhận.
Vốn tính khôi hài, tôi mai mỉa:
- Chết thật, đi từ đây sang Mỹ mà được trả cả 8 USD cơ à, nhà nước ta quả là nhân đạo.
Bỏ qua giọng chất giọng khích tướng của tôi, tên Khải nhắc:
- Thôi xuống nhà lấy đồ đi để còn kịp ra sân bay, phía Mỹ đang đợi rồi, việc này là việc giữa hai nhà nước chứ đâu phải chuyện đùa?
Sợ tự do vừa kịp hiện ra lại biến mất, tôi thầm nhủ:
- Thôi cứ biết đi khỏi cái nơi nắng nóng, uất hận này đã, có gì sẽ tính sổ với lũ khốn sau.
… Xe từ từ lăn bánh, tôi hơi ngạc nhiên khi thấy cả một đoàn dài bốn năm chiếc nối đuôi nhau lăn ra khỏi khu vực trại.
Ngồi sát bên tôi là cán bộ quản giáo tên Tuyết, kẻ đã đối đầu với tôi qua rất nhiều vụ việc, từ vụ đột nhập vào buồng giam khám túi nội vụ và lôi đi ba quyển sổ ghi chép cùng hai chục bài thơ của tôi, đến vụ gọi tôi vào phòng thi đua bắt tôi phải làm bản kiểm điểm về tội “nói xấu cán bộ” khi bọn chúng coi ba chị em chúng tôi là địch, bị tôi nhân cơ hội chửi cho lút mặt. Trước bao nhiêu tù thường phạm mà không chịu ký cót gì hết, vì quan điểm của tôi từ khi vào trại là không nhận tội cũng không ký kết bất kỳ một loại giấy tờ nào có thể để trại lợi dụng, bóp méo tên tuổi, uy tín của mình. Kẻ này cũng đã từng bị cánh chị em trong trại tố cáo là đã mượn tay Lương Thị Kim Cúc để dằn mặt tôi vì tội bí mật chuyển thư và bài viết ra ngoài cho con gái… Vậy mà hôm nay, thái độ thị khác hẳn, thị mừng như thể thị cũng sắp được đi Mỹ như tôi vậy…
Phía bên trái cũng một ả tên Tuyết nhưng là người của cục An Ninh từ Hà Nội xuống, tay lăm lăm chiếc camera. Hàng trên là cán bộ trẻ măng tên Hiệp, cũng là người của cục An Ninh, ngoài ra là lái xe… Tất cả vui vẻ trong một sự giả tạo – vốn là không khí bao trùm ở đất nước đau thương này do đảng tạo dựng. Bất cứ ai cũng phải sống vờ. Từ lớn, bé, già trẻ, gái trai, ở bất kỳ ngành nghề gì, hay trong bất cứ môi trường nào cũng phải vờ tỏ ra trung thành, kính trọng, cúc cung tận tụy, hoặc giả vờ khép mình, chăm chỉ lắng nghe và ngoan ngoãn làm việc theo kiểu “miệng nam mô, một bồ dao găm”… có thế mới tồn tại được. Kẻo hé lộ ra sự thật, dù chỉ là một cái vòng trắng trên khoang cổ quạ, cũng đủ để chết mất ngáp…
Xe đi hết khu vực trại, tôi đưa mắt quan sát cảnh vật bên ngoài, nơi thấp thoáng những bóng tù đơn lẻ cúi mặt bước đi trên cánh đồng đầy nhẫn nhịn… Số này là dân đi làm ăn lẻ, nghĩa là tù thường phạm có án nhưng sắp được thả, đã kinh qua thử thách, nên được cán bộ trại tin cậy thả rông từ khu vực này đến khu vực khác trong khuôn viên trại rộng đến hàng chục hecta, vốn đã tồn tại từ 54 năm nay, qua bao đời đại địa chủ, rồi sĩ quan của chế độ Việt Nam Cộng hòa (cuối thập kỷ 70, 80, 90…) cùng hàng vạn người tù khổ sai của Miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa… Tất cả đã làm nên cơ ngơi bề thế này. Từ ao thả cá do 38 người tù của Việt Nam Cộng Hòa đào, đắp, đến vườn cây xanh ngợp tỏa bóng, bao nhiêu sân sướng, nhà xưởng, v.v…
Ngang qua khu vực xưởng may, nơi có một người bạn tù đặc biệt đang cải tạo, tôi chợt nhớ lại một đoạn thơ đã viết:
Tôi ra đi
Mang theo cái nhìn của em
Gói vào trái tim
Ðêm ngày ủ men …
thương nhớ
Em ở lại có nhớ tôi không?
Tên em tôi chưa biết
Tội em tôi chưa hay
Sao trong lòng luyến nhớ
Em ơi…
Người bạn này vốn là người tù kinh tế, trẻ hơn tôi dăm bẩy tuổi, rất ngưỡng mộ các tác phẩm xuất bản trong nước của tôi (do gia đình đem vào), song khi biết về vụ án chính trị có phần “nhạy cảm” của tôi, đã không bao giờ dám đến gần làm quen. Chỉ dõi theo cái nhìn từ xa mỗi lần tôi xuất hiện, cả ở sân chung, nơi canteen mua bán, cũng như “bãi tắm tự nhiên” giữa thanh thiên bạch nhật mỗi buổi chiều cải tạo về
Tiếng cười nói râm ran trong lòng xe tạm thời làm gián đoạn dòng chảy miên man vô tận trong đầu tôi, kéo tôi trở lại hiện thực, vui miệng tôi hỏi người bên cạnh:
- Hôm nay có y tế đi kèm không đấy?
- Có chứ!
Thị Tuyết nhanh nhảu trả lời:
- Cả cán bộ y tế, cả tôi, cả lái xe và cán bộ vũ trang là năm người. Trừ tôi ngồi cùng chị, còn lại bốn người ở xe sau, ngoài ra còn bốn xe nữa… tất cả đều đi theo để bảo vệ chị đấy
- Khiếp thật!
Tôi nghĩ:
- Chúng coi tôi là “nguyên thủ quốc gia” hay sao mà bày đặt đông đủ thế? Chả bù cho lần chúng ngấm ngầm đưa tôi về trại cách đây hơn một năm. Cả chặng đường dài 220 km, xa hun hút, xóc nảy người, chúng khóa chặt tay, vứt tôi như vứt một con vật trên ghế dài sau xe tù bịt bùng, kín mít… Suốt 8 tiếng đồng hồ, ngay cả khi chúng ăn sáng hay dừng lại khu vực cổng trại bàn giao giấy tờ để nhận tù, chúng cũng không mở cửa xe cho tôi ra ngoài, khiến căn bệnh tiểu đường được dịp phá đám… Không còn cách nào khác tôi đành trút hết số nước trong người mình ra ngay tại lòng xe chật hẹp, tối om.
Còn bây giờ đúng là oai như cóc…
- Chị Thủy đi Mỹ rồi nhớ gửi quà về cho chúng tôi đấy nhớ. Cán bộ Tuyết đon đả
- Ôi! Tôi cười vì biết không thể lảng tránh câu trả lời, càng buồn cười hơn vì tính khôi hài lộ ra trong cả thái độ của người nói cũng như trong từng câu chữ.
Không biết sống vờ, tôi đáp :
- Các người luôn coi tôi là tù đặc biệt nguy hiểm, cấm vận mọi tình cảm của chị em đối với tôi, có bao giờ dám để cho ai đến gần tôi đâu, bây giờ làm sao dám nhận quà của tôi được?
- Thì cứ gửi đi xem bọn này có dám nhận không?
Tên Hiệp ngồi phía trên ngoái cổ lại đằng sau, lên tiếng:
- Vấn đề là có dám gửi hay không thôi chứ.
“Rõ là công an cộng sản thật, vừa vờ đấy lại thật như bỡn.” tôi thầm nghĩ .
Bỏ qua chất giọng đùa cợt, nhão nhoẹt của ba cán bộ cộng sản, tôi ngồi, chạnh nghĩ về 21 tháng đã qua của mình mà rùng mình khiếp sợ. Quả là một cơn ác mộng kinh hoàng…
Chuyến xe từ Hà Nội-Hải Phòng đang bon bon chạy, gần trưa đường khá vắng vẻ, đa phần hành khách thiu thiu ngủ… Bỗng xe khựng lại đột ngột, cả mấy hàng ghế phía trên bất ngờ lao về phía trước, chạm phải thành ghế đau điếng… Rồi một đám người bước lên, mắt nhớn nhác đảo quanh tìm kiếm, và một giọng nói cố ra vẻ thân tình vang lên:
- Thủy, phải không em?
Giọng nói đang hướng về tôi… Theo phản xạ, tôi hơi giật mình, nhướng cao mắt về phía tiếng gọi, dù vẫn giữ mình ở tư thế thế thủ:
- Xin lỗi! Tôi không quen các anh!
Tiếng cợt nhả lập tức vang lên:
- Thôi xuống đi em, bọn anh chờ em suốt từ sáng tới giờ đấy, đừng ngoan cố nữa.
Linh tính báo cho tôi biết đây là bọn công an Hải Phòng, chúng biết tôi xuống đây dự phiên tòa xử án các nhà dân chủ nên đã tìm cách giữ tôi lại, sau khi nhận được lệnh của công an Hà Nội…
Giằng co, la lối, giãy giụa gào thét, cuối cùng biết thân cô thế cô, không thể nào thắng nổi áp lực của lũ công an đầu gấu cùng hơn 50 hành khách trên xe, tôi đành phải xuống, nhằm giữ an toàn cho người đi cùng… Hy vọng bọn chúng không phát hiện ra, chí ít cũng có người thay tôi theo dõi phiên tòa, để người của mình ở hải ngoại có thể cập nhật tin tức được
Xuống đường, lại thêm một tốp năm , bảy tên công an nữa, chúng nửa mời, nửa ấn tôi vào xe ô tô đang đợi sẵn… Bằng tất cả sự phẫn nộ của mình tôi la hét, chống trả quyết liệt, quyết nhoài người ra khỏi hàng chục cánh tay du đẩy, ép buộc của chúng, không chịu vào ô tô… Nhưng phận liễu yếu đào tơ như tôi làm sao thắng nổi sức mạnh cơ bắp của chúng ?
Xe quay ngược lại đồn công an quán Toan – đại bản doanh của cả lũ khốn. Bỏ mặc tôi trên ô tô đóng kín với những lời chửi rủa, thét gào, chúng thản nhiên bước vào trụ sở bàn luận, uống nước, hút thuốc, cười nói, chờ sếp lớn đến chỉ đạo, bàn giao, coi như không có chuyện gì xảy ra.
Năm phút, mười phút, nửa tiếng rồi cả tiếng trôi qua, chúng vẫn “bình chân như vại” trong khi tôi vừa mệt vừa bực tức... Không biết số phận anh em mình ra sao? Ðảng cộng sản quả là một tổ chức tội phạm gian manh, nguy hiểm nhất thế giới, kết hợp giữa chủ nghĩa phát xít với thủ đoạn thầm lặng của mafia. Vì vậy để dập tắt tiếng nói của anh em dân chủ, chúng ra tay tàn nhẫn hơn thời Tần Thủy Hoàng, hơn cả Sittalin, trong khi miệng vẫn leo lẻo cãi: “Không có tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm”... Vậy thì chúng xây tới 900 nhà tù để làm gì? Bắt hết lượt anh em dân chủ, gần 500 con người trong vẻn vẹn vài ba năm chưa đủ sao? Còn tiếp tục mở những phiên tòa lố bịch như thế này để bắt người vô tội nữa? Từ nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa , nhà văn Trần Ðức Thạch đến thầy giáo Vũ Hùng, sinh viên Ngô Quỳnh, v.v...
Bất kể thành phần nào, dù cá nhân riêng lẻ hoặc nhóm, đoàn, tổ chức, hễ có dấu hiệu “nổi loạn, vùng lên” là chúng bắt, quy tội chống phá nhà nước. Nếu nhà nước thực sự là của dân, do dân làm chủ, thì quả là cũng đáng trách, khổ nỗi lũ “đầy tớ của dân” lại đem đánh đồng nhà nước xã hội chủ nghĩa của chúng với tổ quốc Việt Nam, thì quả là đau đớn. Chả trách chúng yêu nước bằng cách bán đất, bán biển cho Tàu cộng, mà vẫn cấm người dân không được la lối, kêu ca. Chúng luôn mở miệng “vì tương lai con em chúng ta” nhưng lại tước đoạt tầm nhìn, ý tưởng và tương lai của các cháu bằng cách phải ghi nhớ lời bác Hồ từ lúc mới lên ba. Chưa đủ, theo thời gian và năm tháng phải trở thành “cháu oan của bác”. Chúng coi giai cấp công nhân và nông dân là nòng cốt, nhưng lại thẳng tay bóc lột họ đến tận xương tận tủy. Hễ họ thể hiện sức mạnh “nòng cốt” của mình, dù chỉ ở dạng ôn hòa nhất, chúng cũng không từ một thủ đoạn nào để buộc họ phải im tiếng, kể cả giam hãm, đánh đập, bỏ tù những người chúng coi là cầm đầu... Chỉ vì “mười sáu chữ vàng” mà từ kẻ thù ngàn đời của dân tộc trở thành đồng chí tốt của nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Trước đó chúng chia nhau mười sáu tấn vàng của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu để lại rồi bảo mình “vô sản”, “trong sạch”. Bây giờ chúng cả gan tham nhũng cả vài chục tỷ dollar nhưng khi người dân phát hiện, yêu cầu chúng phải bạch hóa số tiền trên thì chúng lẳng lặng... rút kinh nghiệm (!)để dễ bề phủi tay... Một nhà nước mị dân và phản bội dân như vậy, liệu có đáng chống không?
Ba tiếng đồng hồ, cuối cùng chúng cũng áp giải tôi về tận nhà. Dùng tay kéo lại chốt cửa xong, mới dùng dắng bỏ đi.
Nhìn theo bọn chó ác của đảng, tôi đánh tiếng:
- Ngày mai còn một phiên xử nữa, tôi sẽ đi đấy nhớ!
Bóng lũ chó ác vừa khuất tầm nhìn, tôi nằm thẳng cẳng ra sàn, mệt lử. Bao nhiêu uất ức, cảm xúc đè nén, khó chịu, giờ mới được dịp xổ tung.
.
.. Chiều muộn, đứa cháu gái gọi tôi bằng thím, le te xách túi bước vào, lập tức cả chốt gác phía ngoài nhổm dạy, quát:
- Ðứng lại, ai cho phép vào nhà con phản động hả?
Vốn ít va chạm, nó sợ sệt đáp, giọng lí nhí:
- Cháu là cháu ruột của chú Tân, cháu đến để mượn chú thím xe máy!
Một thằng quắt queo như quái thai ngâm giấm, giằng mạnh túi xách trên vai nó, quát lộng óc:
- Chứng minh thư nhân dân đâu? Ðưa đây!
Hoạnh họe, soi mói, mắng nhiếc đủ thứ, chúng mới để cho con bé vào, mặt cắt không còn hột máu, hai đầu gối “reo hát” trên nền nhà, lí nhí kể lại mọi chuyện rồi ra sức năn nỉ chú đưa qua chốt gác về lại trường.
Ngang qua lũ chó săn thời đại, anh trợn mắt nhìn trừng trừng vào mặt từng đứa, mai mỉa:
- Làm gì cũng có chừng mực thôi nhớ, không biết được công an thí cho mấy đồng mà giở giọng xách mé thế?
Sầm trời, chồng tôi quay trở lại. Vừa kịp nghe tiếng xe máy tắt phụt trước nhà, đã nghe tiếng cãi cọ và tiếng la hét thất thanh của anh vang vọng tận gác ba, nơi tôi đang nằm nghỉ vì quá mệt.
Lúng túng mãi mới mở được cửa, hai mẹ con tôi đứng trân trối chết lặng trước cảnh tượng thảm khốc, kinh hoàng. Anh bị hai kẻ cao, to dúi vào khung cửa sắt đối diện, đánh thục mạng, chí tử. Một thằng tay cầm đèn pin bằng sắt cứ thế nện thẳng vào đầu cổ, mặt. Thằng kia tay không, ra sức đánh hôi.
Vô cớ bị tấn công bất ngờ, anh chỉ biết ngồi thụp xuống, ôm đầu rên la, kêu cứu...
Nhìn cảnh bố bị đánh, con gái tôi òa khóc trong đau đớn, tức tưởi. Còn tôi, tay chân run lẩy bẩy, gào lên:
- Ai cho các người đánh chồng tôi hả, anh ấy có tội tình gì?
Thực tình, trong thâm tâm lúc ấy, tôi chỉ nghĩ chúng cay cú vì cái nhìn khinh bỉ và sự mỉa mai cay độc của anh mà dằn mặt, ra tay, đâu ngờ tôi lại là đối tượng chính để chúng thực hiện chuyên án 10-10 (như ngày 21 tháng 4, 2007 chúng đã thực hiện chuyên án 30-4 để bắt tôi vì sợ dân oan nổi loạn qua sự điều hành, tiếp tay của tôi và các tổ chức hải ngoại, trong ngày “quốc hận” hoặc “ba mươi thứ tang”...)
Sau một hồi đánh đả thương vợ chồng tôi, trong tiếng thét gào của con bé, không một người can gián... Bao nhiêu cái nhìn tò mò, thương cảm của hàng xóm, láng giềng đều bị chặn ngay bởi bàn tay thô bạo và những cặp mắt cú vọ của lũ khốn:
- Việc gì đến bà, về ngay, về!
Trước khi đắc thắng bỏ đi, thằng Nguyễn Mạnh Ðiệp còn ném vào tôi một câu độc địa:
- Ð.Mẹ mày, ngày mai tao sẽ cho mày một mũi siđa, cho mày nhiễm HIV chết con mẹ mày đi!
Ôm đầu máu, tôi chạy lên gác gọi điện thoại, nhờ mẹ và em trai sang. Trong lúc chờ đợi sơ cứu vết thương, sẵn máy ảnh trên bàn, tôi đề nghị chồng tôi bấm máy... Có lẽ đây cũng là một thói quen của gia đình tôi, kể từ khi công an phường Trung Phụng thực hiện nghị quyết CP, nghị quyết chính phủ, ném CP (c... phân) vào nhà tôi. Những hình ảnh sắc nét nhất, thể hiện “tư tưởng Hồ Chí Minh” trong cả bãi bom phân trong 14 lần rải thảm, đều được gửi lên mạng, tới cộng đồng quốc tế để tố cáo bộ mặt thật của đảng. Những kẻ đã mất hết tính người, chỉ còn lại phần con nhầy nhụa, nhơ nhớp, nơi sản sinh ra biết bao tội lỗi, sẵn sàng biến thành lang sói để cắn xé đồng loại mình, sẵn sàng làm tất cả để thỏa mãn phần con no đủ, dư thừa, nhầy nhụa, tăm tối.
Vừa kịp bấm xong tấm hình cuối cùng thì tiếng gõ cửa vang lên dồn dập, tiếng những bước chân rầm rập phía ngoài. Lấy cớ trong nhà có người ốm, chồng tôi nhất định không mở. Từ thằng phó đồn đến lũ lau nhau mặc thường phục đứng ngoài năn nỉ:
- Chúng tôi nghe quần chúng phản ảnh, anh chị vừa bị côn đồ hành hung, chúng tôi vào mời anh chị ra đồn làm việc.
- Chúng tôi không đi đâu cả, mời các anh về cho - chồng tôi cương quyết.
Quá mất cảnh giác, tôi bảo con gái:
- Ðưa điện thoại cho mẹ, tội gì mà không đi, để xem công an ở đây có phải bù nhìn không mà hết để kẻ xấu lợi dụng nghị quyết CP của đảng và chính phủ ném c... phân vào nhà mình, nay lại để côn đồ đến đánh dã man như thế này?
Dù không hài lòng nhưng trước thái độ cương quyết của tôi, chồng tôi đành phải đi cùng tôi ra đồn.
Kết quả đã diễn ra đúng như kịch bản đại tài của lũ công an phường khốn nạn. Từ bị hại chúng biến chúng tôi thành bị can. Một bản án cực kỳ vô lý, khiến bây giờ chúng phải thả tôi ra, vì không thể nào bịt mắt dư luận được. Vì bỉ ổi, tiểu nhân, chúng định lấy thúng úp voi, nhưng cái thúng của chúng vừa bẩn thỉu, vừa nhỏ thó, còn con voi dư luận lại lồng lên quẫy đạp dữ dội, hất tung cả cái thúng tanh tưởi nhầy nhụa vào mặt chúng, biến chúng từ vai trò chủ động thành bị động, hệt như điều tôi tâm niệm:
Kẻ giả danh lương thiện
Ðâu dễ giấu mình lâu
Những gian manh, lừa dối
Sẽ tự phơi sắc màu...
Suốt 48 tiếng đồng hồ ở đồn, chúng không cho vợ chồng tôi ăn gì, dù tôi ra sức đòi hỏi, vì cặp lồng cháo chồng tôi mua về đã bị tên Thịnh (kẻ mà công an nói rằng đã đến ngăn cản, không cho chồng tôi được phép đánh người (!)đạp đổ tung tóe...).
Ðể mặc vợ chồng tôi ngồi mỗi người một góc, đứa bỏ đi ngủ, đứa lo đi chặn đường bắt nóng những người không đội mũ bảo hiểm, hoặc không có giấy tờ, lấy tiền bỏ túi chia nhau... Tôi mở điện thoại gọi cho chị Hà Giang, đài RFA, trả lời một cách hết sức khó nhọc. Phần mệt, phần đói, phần mất máu quá nhiều... Thật chưa khi nào tôi trả lời một cách khó khăn đến thế. Trước kia, việc lập ngôn là việc của tôi, dù là câu hỏi về lĩnh vực gì thì bao giờ tôi cũng cố trả lời trơn tru, sắc bén, giàu liên tưởng, có hình ảnh kèm ví von sinh động, khiến người nghe hài lòng... Vậy mà lần này tôi ấp úng mãi mới diễn tả nổi ý mình định nói, đơn giản vì đầu óc choáng váng nên ý thức đi vắng.
Khoảng 10 giờ sáng hôm sau, cả lũ công an bộ, công an sở, công an quận và phường xộc vào nhà tôi để quan sát hiện trường. Chúng khẳng định nền nhà và cánh cửa ra vào có vết máu, song không xác nhận đó là máu của tôi, rơi từ đầu xuống... Trước khi bỏ đi, chúng mang theo một cây gậy, nửa viên gạch thu được trong nhà cùng mũ của con gái tôi, bảo đó là “tang vật của vụ án.” Những thứ mà ra tòa chúng kết án tôi là: “Hành động nguy hiểm, hung khí côn đồ”...
Hai giờ chiều, tưởng ván bài đã kết thúc, chúng phải thả để vợ chồng tôi về, nào ngờ xe tù xịch đến, chúng khóa tay hai vợ chồng tôi vào với nhau và lôi đi. Tôi ngơ ngác hỏi :
- Sao thế này? Tôi làm gì nên tội, các người định đưa chúng tôi đi đâu?
Ðáp lại thái độ hoang mang tột cùng của tôi, một tên nhăn nhở cười, giảng giải:
- Ði ra bệnh viện Ðống Ða chữa trị vết thương.
Quá quen thuộc đường đi lối lại trong khu vực quận, tôi ngạc nhiên:
- Bệnh viện Ðống Ða sao lại đi lối này?
Chồng tôi tỉnh táo hơn gắt xẵng:
- Ðến trại tạm giam quận Ðống Ða.
Như hai kẻ phạm tội, chúng tôi bị lôi đi trước những ánh nhìn vừa vô cảm vừa ái ngại xót thương của bà con khối phố...
Xe dừng lại nơi cổng trại, một dãy nhà một tầng kiên cố chen chúc nhau mọc trên bãi rác. Nơi đây, vài năm trước đích thị là nơi chứa rác thải của hàng vạn người thuộc cư dân quận Ðống Ða. Vì cảnh đất chật người đông mà rác cũng phải nhường chỗ cho người ở. Bãi rác lập tức phải di chuyển ra ngoại thành, đổi lại là những công trình “to đẹp đàng hoàng” hơn, trong đó có trại tạm giam của quận, được xây dựng ngay sau khi chỉ thị 31 CP của Thủ Tướng Võ Văn Kiệt ra đời.
Dẫn giải loanh quanh một hồi, hết phòng nọ tới phòng kia, cuối cùng chúng tách hai vợ chồng tôi ra mỗi người một nơi, tôi bị đưa vào buồng đầu tiên của phòng giam nữ, chồng tôi ở buồng cuối cùng của phòng nam.
Chán nản, mệt mỏi, tôi chỉ muốn ngồi bệt xuống sàn trại, nhưng nhìn những cặp mắt nửa tò mò, háo hức, nửa ghẻ lạnh, nghi kỵ và không mấy thân thiện của đám bạn tù, tôi vội vàng thay đổi ý định. Biết đâu chúng giở luật rừng ra với mình mà vết thương trên đầu còn chưa kịp khô máu???
Nghĩ sao làm vậy, tôi vội lao đến chỗ một người lớn tuổi nhất đang nằm dài vì bị vật thuốc, ra sức nắn tay, bóp chân cho chị ta, vừa để giúp chị ta qua cơn vật, cũng là tỏ thiện ý của mình, tránh không cho lũ đầu gấu dằn mặt.
Trong gian phòng hẹp, tổng diện tích khoảng 20 m2, đám bạn tù đang bàn tán về chủ đề nhà cửa gì đó, một người hõm má rít sâu một hơi thuốc lào, bảo:
- Ê, tao có con bạn có một cái nhà ở ngay khu hồ Ðống Ða giáp phía đằng Thái Hà muốn bán. Tao định mua nhưng thấy cả khu này đều chưa có sổ đỏ nên ngại, bây giờ thử hỏi chúng mày xem có đứa nào biết thông tin gì không? Liệu có bị dính quy hoạch hay không? Ðể tao còn mua chỗ khác.
Người trẻ hơn, tóc nhuộm vàng chóe, bĩu môi bảo, ra vẻ từng trải:
- Tao cũng mua một căn hộ ở ngay gần đây, nói chung là đất quy hoạch treo của thành phố, nhưng chắc chắn phải ở vài chục năm nữa. Cứ ok đi. Tiền nào thì của đó, nếu đất đã có sổ đỏ thì trên dưới 100 triệu một m2, còn muốn ngõ cho ô tô đi vào cũng trên dưới 200 triệu một m2. Mày có dám chơi không?
Một vài tiếng xen ngang:
- Ai bảo với mày là chắc chắn phải ở vài chục năm nữa, mày định xui dại nó à? Theo tao biết, Hồ Ðống Ða thì xây rồi, đường Hoàng Cầu và đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Ðông cũng triển khai rồi, phía sau và phía trước chỗ mương Thái Hà cũng cho công ty taxi thuê 50 năm rồi, làm gì có chuyện “nằm bệt ăn vạ” cả mấy chục năm được.
Lại là tiếng trả lời của cô bé tóc vàng:
- Ê tin tao đi, xây thì cứ xây nhưng biết bao giờ xong? Mày có biết khi dẹp bãi rác này đi, họ định làm công viên Ðống Ða không? Vậy mà gần ba chục năm rồi có làm đâu? Tóm lại ít tiền thì cứ mua, cứ ở, chẳng sao cả, gần 1000 hộ dân vẫn sinh sống hàng mấy chục năm nay, có sao đâu? Kể cả cái trại tạm giam này nữa, cứ bảo tạm, nhưng vẫn giam đấy thôi. Mấy lại , khi lấy đất, biết đâu nhà nước sẽ đền bù.
- Ð.M mày, cứ chờ đấy rồi nhà nước đền cho cả tấn rác. Tiền chứ có phải rác đâu mà sẵn thế?... Mỡ lắm đấy mà húp, tiền đâu ra mà đền? Ả má hóp, răng vàng bốp chát.
Vẫn trong trạng thái đau ê ẩm vì cạnh sắc của viên gạch cứa vào đầu, tôi nghe loáng thoáng có người gọi mình:
- Trần Khải Thanh Thủy đâu? Ra đi cung.
Thất thểu bước ra ngoài, tôi cố tìm bóng dáng chồng trong ngăn tù chật chội, chen chúc các phạm nhân nam. Thấy tôi, anh bảo, giọng mệt mỏi, hơi xẵng:
- Ðừng để chúng nó lừa lần nữa đấy!
Nghe anh nói, nhìn gương mặt khắc khổ, mệt phờ của anh, lòng tôi đau nhói, chỉ vì tôi mà anh bị liên lụy, bị chúng biến thành con mồi để bẫy tôi vào tròng. Thực tình, khi chúng đã cố tình giăng bẫy rồi thì có co kéo mấy cũng không thoát. Cứ cho rằng tối hôm trước tôi đã bị lừa, nhưng nếu không mở cửa, liệu chúng nó có chịu ra về tay không không? Hay còn tiếp tục trấn áp, hăm dọa, thậm chí phá cửa vào nhà để bắt tôi ra? Như trường hợp của bà Bùi Kim Thành đấy... Thấy chúng đến, đã cố thủ trong buồng tắm tận tầng bốn rồi mà chúng vẫn dùng búa phá tan bức tường gắn với cổng sắt phía ngoài để vào nhà bằng được, rồi trèo lên tầng bốn bắt đi. Ðịnh cố thủ trong buồng tắm ư? Chúng đạp mạnh một phát là cửa bung ra ngay, còn bộ cánh ÊVa thì chúng sai hai nữ quái công an về đồn, cầm theo mảnh vải choàng lên người, rồi xông vào tóm gọn. Khi bà ta la hét, giãy giụa thì điểm huyệt cho hết kêu, để khiêng đi, như khiêng một con vật vậy. Thương tâm đến mức ông chồng cộng sản vốn vô cảm phải kêu lên:
- Ấy chết, đề nghị các anh khiêng nhà tôi cẩn thận một chút, đừng để đầu bà ấy đập vào bậc cầu thang như vậy, nguy hiểm quá.
Sống trong xã hội cộng sản, nơi đảng trị, công an hành, anh thừa biết điều ấy rồi. Một khi chúng đã xác định trở thành công cụ trong tay đảng thì đảng chỉ thị ra sao chúng chẳng phải nghe, để còn dễ bề tăng lương, lĩnh thưởng.
Ngay đến việc đảng bảo bỏ nghị quyết CP thối hoắc vào nhà tôi, chúng cũng dám làm hết lần này đến lần khác, tổng cộng 14 lần cơ mà? Nếu không có thư của ông Brian Aggeler, tham tán chính trị Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ, Hà Nội (ngày 21 tháng 4 năm 2009) gửi Nguyễn Thanh Sơn, chánh Văn Phòng Nhân Quyền của Bộ Công An, để can thiệp về vấn đề này thì nhà tôi có thoát khỏi cảnh tượng ô nhiễm trầm trọng suốt một thời gian dài mấy tháng trời như vậy không?
Ðứng chờ tôi trước cửa phòng cung, vừa thấy tôi lò dò ra, tên Nguyễn Hùng Tuấn, điều tra viên của quận Ðống Ða, bảo:
-Tạm thời chúng tôi sẽ giữ chị lại để lấy lời khai, còn anh Tân, chúng tôi sẽ thả vào chiều Thứ Hai, sau ba ngày tạm giữ.
Ngay lập tức, tôi bừng tỉnh, dù đầu đang còn đau như búa bổ: Ðây chính là chuyên án lớn nhất chúng dành cho tôi đây. Hôm 7 tháng 10, xử thầy giáo Vũ Hùng, tôi đã kiên quyết đến Tòa Án Nhân Dân thành phố Hà Nội để theo dõi, ghi chép và chụp hàng chục tấm hình đưa lên mạng toàn cầu, chính thằng Nguyễn Văn Việt ra sức ngăn cản tôi không được, liền bảo:
-Chị thích vào tù à? Ðược thôi, không phải chờ lâu đâu, đừng bảo chúng tôi thấy sai mà không nhắc.
Tưởng chúng chỉ hù dọa cho oai, ai ngờ chúng làm thật. Rõ là bọn chó đẻ, lũ con ngoan trò giỏi của đảng cộng sản Việt Nam khốn nạn và lão Hồ Chí Minh đểu giả.
...Xe đã đi hết đoạn đường xóc tung người, đoạn đường mà hôm bị bắt vào, hai tay bị khóa, tôi chới với ngã từ trên ghế xuống sàn 4,5 lần... tiếng thị Tuyết bên tai cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi:
-Ðến đường Hồ Chí Minh rồi, còn khoảng 200 cây số nữa thôi là sẽ tới sân bay Nội Bài.
Mặc những kẻ ăn hiếp dân, mặc áo đảng trò chuyện, tôi tiếp tục dòng hồi ức của mình.
...Chụp ảnh, lăn tay, lấy lời khai xong, chúng cho tù tự giác đưa tôi trở lại buồng. Bữa cơm cũng vừa kịp dọn ra, một bát cơm, một bát rau và hai miếng thịt bèo nhèo, mỏng quẹt. Mệt mỏi chán chường vì đã quá sức chịu đựng, tôi chẳng muốn ăn chút nào, nhưng không ăn thì mẻ cũng chết, huống hồ tôi đã bị bỏ đói hai ngày liền. Cho dù lúc còn ở đồn công an phường, mẹ và em trai tôi mua bánh giò và ngô luộc vào nhưng chúng nhất quyết xô ra, mặc mẹ tôi la hét đến khản cổ, chúng cũng kệ. Chúng nhắc đi nhắc lại như một con vẹt vô cảm, biết nói tiếng người nhưng không có trí óc, trái tim: “Không được vào là không được vào, đồn công an đâu phải là cái chợ.”
Ngồi thụp xuống đất, bên những người bạn tù, bê bát cơm lên, tôi đành chan canh suông, nhắm mắt nuốt. Thịt không dám động đũa vì căn bệnh viêm đại tràng kinh niên, dính tí mỡ là... đi đứt. Cũng may mấy đứa trẻ vừa kịp qua cơn vật đang cần ăn lại bữa để sản sinh hồng cầu, nên gắp tuốt.
Vừa ăn chúng tôi vừa chuyện trò rôm rả. Ngoài chị lớn tuổi nhất sinh 1953, còn lại đều xấp xỉ, hoặc nhỏ hơn tôi cả một thế hệ. Mấy đứa trẻ con ngạc nhiên vì một người trông hiền lành, trí thức như tôi lại vào tù lần thứ hai? Khi biết tôi bị bắt vì lý do hoàn toàn khác, không dính líu gì đến tội “cố ý gây thương tích,” chúng bĩu môi vẻ từng trải: “Ôi chính trị, chính em làm gì? Bọn công an bây giờ “bựa” lắm, không dây được. Công an phường Trung Phụng còn nhầy nhụa, tanh tưởi hơn, chúng nó làm tiền đủ mọi kiểu, hiếp đáp dân bằng mọi cách, miễn sao ra tiền... Như để minh họa, con bé ngửa cổ đọc thơ, giọng cợt nhả:
“Lời nói không mất tiền mua.
Liệu lời mà nói cho... lòi tiền ra,”
Rồi nó kết luận, giọng bà cụ:
-Nói chung phải tránh lũ công an càng xa càng tốt, chúng là người của đảng mà, cô đối đầu với chúng nó làm gì? Dại mặt.
Trò chuyện, chè, thuốc đến khuya, tất cả mới rời khung cửa sắt - khoảng trống duy nhất có ánh sáng, trông ra ngoài sân trại tạm giam - để đi ngủ. Tất cả nằm sàn, cứ ba người được hai vuông chiếu, khoảng hai mét dọc, nửa mét ngang. Một mình tôi được “ưu tiên” nằm rãnh, trên trải một manh chiếu rách, vì vết thương ở đầu do chưa được sơ cứu vẫn rỉ máu, làm bết cả một mảng tóc, gây mùi tanh xóc óc, không ai dám nằm gần.
Vừa mệt, vừa khó chịu vì vết thương ở giữa đỉnh đầu khiến tôi không tài nào nằm ngửa được, cho dù vừa đến trại, tôi đã đề cập với điều tra viên và trưởng trại:
- Cho tôi xin nước ô xy già để rửa và một ít clorôxit dạng bột để bôi lên vết thương...
Chúng ờ, à, rồi vì nghe theo lệnh cấp trên hay lũ chó ác vốn vô cảm, lạnh lùng, cứ lờ đi. Trong suốt cả chín ngày trời tôi ở trại, chúng không thèm đả động gì đến, mặc vết thương tự lành, tự khỏi.
Ở nhà, trên chăn dưới nệm, giờ vào tù chỉ có manh chiếu rách trên sàn xi măng lạnh lẽo, bẩn thỉu... Mệt lử lả, tôi vẫn không sao ngủ được. Hình ảnh mẹ già, con dại, cứ choán kín một góc trong đầu. Cả hai lần vào tù thì hai lần con gái tôi đều phải chứng kiến. Lần thứ nhất cháu mới lên mười, nhìn thấy mẹ bị cả tiểu đoàn công an còng tay đưa về nhà khám xét, lập biên bản, lấy đồ đạc, dẫn ra xe tù, cháu đã khóc hết nước mắt. Dù được bà, được bố chăm sóc, dỗ dành, nhưng đêm nào ngủ cũng phải có chiếc áo của mẹ bên cạnh cho có hơi mẹ mới ngủ được. Còn trong cặp sách lúc nào cũng có ảnh mẹ cho đỡ nhớ. Hễ đứa nào rảu mỏ chê bôi:
-Eo ôi, mẹ mày làm gì mà bị bắt đi tù.
Là sẵn sàng bùng lên như một quả cầu lửa chứa đầy năng lượng:
-Mẹ tao đi tù thật, nhưng còn tử tế hơn mẹ mày.
Bao nhiêu lần bị lũ con trai đánh cho trầy vi, xước vẩy, vẫn giữ nguyên câu trả lời, mách cô chủ nhiệm thì cô cũng ngại dây vào chuyện chính trị, chẳng chịu can thiệp gì. Còn lần này, nhìn cảnh bố bị đánh, mẹ chảy máu đầu, được mời ra đồn công an đến tận sáng chưa về, chắc lại khóc hết nước mắt, khóc đến sáng luôn. Bỏ ăn, bỏ ngủ, bỏ cả học, cho đến khi nào bố về... Tuổi thần tiên mà thành thần sầu, ngán ngẩm thật.
Suốt 9 ngày trời, ngày nào tôi cũng bị hỏi cung hai lần. Trừ buổi chiều đầu tiên được ăn cơm đúng bữa, còn 8 ngày sau, cứ gần đến giờ ăn là chúng xách ra lấy lời khai, trong khi theo quy định của trại một ngày chỉ được ăn hai bữa vào 9 giờ sáng và 3 giờ chiều. Sáng nhịn đói, cứ 8 giờ 30 chúng gọi, 12 giờ thả về, chiều hai rưỡi lại gọi tiếp, 6 giờ cho về... Ðang yên ổn, giờ rơi vào cảnh: “Cơm quá bữa, chợ quá chiều,” tôi không sao nuốt nổi, miếng cơm nguội tanh nguội ngắt cứ chẹn ngang cổ họng. Càng ngày tôi càng rơi vào trạng thái choáng váng, vắng ý thức nhiều hơn...
Chiều Thứ Hai, chồng tôi được thả, sau ba ngày giam giữ vô cớ. Trước đó tôi tranh thủ lúc đi cung về, ngó nghiêng qua chấn song cửa nói vọng vào cho anh biết... thương tôi anh bảo:
-Anh không về đâu, phải có em cùng về, anh mới về. Nếu không anh ở lại đây, để ép chúng nó phải thả cả em ra.
Biết rõ trò bẩn của lũ công an đảng, không bao giờ nhượng bộ một người dân thấp cổ bé họng như anh, tôi gạt đi:
-Anh phải về để còn kịp thời thông báo tình hình cứu em ra khỏi đây, chúng cố tình bắt em để bịt miệng dư luận, nên sẽ không chịu thả em ra đâu...
Cánh tay thô bạo của người tù tự giác lập tức kéo tôi ra khỏi khu vực “cấm” đưa về buồng, bỏ lại cái nhìn thương cảm, xót xa của anh.
Chưa đầy một giờ sau, từ trong buồng giam, tôi nghe mấy tên “vẹm đực” gọi:
-Ai là Trần Khải Thanh Thủy, có quà của gia đình gửi.
Kỳ 6
Thò tay ra ngoài cửa sắt, nhận năm gói sữa không đường, biết anh đã được thả, tôi thở phào một hơi nhẹ nhõm...
Thế là sau năm ngày tù tội, cả ở đồn công an phường, cả ở trại tạm giam, anh đã được về với con. Hai bố con nương tựa, săn sóc nhau những ngày tôi “đi vắng” cũng đỡ. Giờ chỉ còn tôi ở lại đối phó với lũ chó săn, chó ác của đảng... Lại là quãng thời gian trôi chậm rì, chậm rịt trong tù. Suốt ngày chỉ biết “khóc, cười, thủ thỉ, đếm thời gian trôi” - một sự im lặng rợn người, một sự tù mù quái đản vây bọc 24 trên 24 giờ, một cõi bất tri thăm thẳm khôn cùng, hệt như huyệt mộ, không bút nào tả nổi và cũng không biết bao giờ mới chấm dứt?...
Dúi chai nước lạnh vào tay tôi, thị Tuyết giả lả:
- Chị Thủy uống nước đi, có muốn “giải quyết nỗi buồn” thì cứ nói, tôi sẽ nói tài xế dừng lại, đưa chị đi.
Ðưa tay đỡ chai nước, tôi tu một ngụm dài, hơi nước lạnh làm tôi tỉnh táo, có lẽ 21 tháng rồi tôi mới lại được hưởng thụ “nền văn minh thế giới” như thế này... Tự do quả là tuyệt vời.
Trong tiếng bánh xe rào rạo miết lên mặt đường, trong sự lâng lâng thú vị vì được tự do, tôi tiếp tục những dòng hồi ức tươi rói của mình...
Chồng về rồi, sáu ngày còn lại, ngày nào tên Nguyễn Hùng Tuấn cũng giở trò ngon ngọt, dỗ dành tôi:
-Gớm, sao chị nóng tính thế, cánh đàn ông người ta va chạm là chuyện bình thường, sao không can ngăn còn chửi họ để đến nỗi bị thương như thế này... Thôi cứ làm bản kiểm điểm rồi cam kết không tái phạm, chúng tôi sẽ thả chị về sau chín ngày.
-Ðâu có.
Tôi gắng gượng trả lời, vì tình trạng sức khỏe xuống cấp trầm trọng của mình:
-Tôi can ngăn hô hoán, la lối để giải cứu cho chồng tôi mãi không được thì tôi cũng phải có trách nhiệm tiếp tay với chồng tôi chứ. Dù có là con chó trong nhà thì khi chủ bị tấn công nó cũng phải chạy ra bảo vệ chủ, huống hồ vợ chồng đầu gối má kề bao nhiêu năm... Hơn nữa từ bé tôi đã biết nói tục chửi bậy bao giờ đâu mà bảo tôi chửi họ. Chúng nó cố tình tấn công hai vợ chồng tôi thì có.
Không nản, hắn tiếp tục bài bản quen thuộc :
-Chiều nay công tố viên của Viện Kiểm Sát sẽ vào ký lệnh thả chị ra, chị tường trình lại sự việc đi, nhớ là cả hai bên đều va chạm nhau, chứ không phải chỉ mình chị bị thiệt hại.
-Sự việc chỉ đơn giản có thế. Còn bắt tôi phải tường trình, tường thuật đến bao giờ? Rõ ràng là chúng nó vô cớ đánh chồng tôi? Làm sao có thể đổi trắng thay đen được... viết đi viết lại một sự việc tôi mệt lắm rồi
-Thì người ta cũng làm đơn kiện vì bị chồng chị đánh kia kìa. Nếu chị ngại không viết nữa thì để chúng tôi cho chị về nghỉ, chiều hoặc mai làm tiếp, làm đến bao giờ chị nhớ lại sự việc và có ý hối cải về hành động nóng nảy của mình mới thôi
- Ôi, quả là công an... nhăn răng, cứ nhai đi nhai lại như chó nhai giẻ rách...
Giữa lúc tôi còn đang phân vân, do dự, nửa muốn phá đám, trây ì, nửa muốn buông xuôi, hắn lại bồi tiếp:
-Chị yên tâm, luật sư đang làm đơn bảo lãnh cho chị, khi nào luật sư vào chị sẽ được về.
Quả thật chưa bao giờ tôi thấy mình ngây ngô đến thế, bình thường sắc sảo, linh hoạt bao nhiêu thì trong suốt những ngày thiếu vắng ý thức do vết thương ở đầu, chấn thương ở tim, tôi chẳng hiểu ý đồ chúng muốn gì? Muốn thả tôi ra, bắt gia đình tên Nguyễn Mạnh Ðiệp phải bồi thường cho tôi, hay ngược lại: Tôi là kẻ nóng tính, cần phải nhận lỗi trước, sau đó sẽ hòa giải dân sự sau. Tuy nhiên số tiền mà gia đình tôi đền bù sẽ lớn hơn vì chồng tôi đả thương hai tên khá mạnh. “Chắc là buổi tối nên chị không nhìn rõ, chứ anh ấy là giáo viên thể dục, chắc cũng phải biết chút võ để phòng bị chứ, làm sao không tấn công lại được, chả lẽ chịu đứng nhìn chúng nó hành hung mình à? v.v và v.v...”
Chính sơ suất chết người này đã giúp chúng tự tung tự tác trên những trang hồ sơ trọng án của tôi. Ngay cả một điều đơn giản là thằng Nguyễn Mạnh Ðiệp có bị thương hay không, tôi cũng không dám quả quyết, bởi lời khai của tôi luôn luôn bị coi là không chính xác, không thành khẩn nhận tội. Dù chúng đã bắt tôi viết bản tường trình hết lần này lần khác, song chưa khi nào vừa ý chúng... mà một điều quan trọng là nếu tôi muốn được thả về để bồi thường dân sự thì phải viết theo ý chúng.
Ngày thứ 9, trong lúc mong được về nhất cũng là lúc ý thức le lói trở lại. Giữa ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn từ ngoài sân hắt vào, trong thăm thẳm mịt mù của ý thức bị bỏ quên, tôi chợt nhận ra gương mặt lạnh lùng khả ố cùng lời đe dọa độc địa của thằng Nguyễn Mạnh Ðiệp:
-Ð.M. mày, ngày mai tao sẽ cho mày một mũi siđa, cho mày nhiễm HIV chết con mẹ mày đi!
Thế có nghĩa là nó không làm sao cả, làm gì có chuyện hai vợ chồng tôi đánh nó bị thương như công an nói, dù là nhẹ? Trời ơi! Sao tôi có thể lầm lẫn đến thế được ? Cho dù có được về ngay trong ngày hôm nay, khi đã hết 3 lệnh tạm giam, tôi cũng phải làm sáng tỏ điều này. Không thể để lũ công an giở trò bịp bợp như đã từng bịp bợp tôi trong suốt 8 ngày trước đó, trong tình trạng choáng váng, kém minh mẫn nữa? Từ dưới rãnh, tôi ngồi bật dạy và cứ thế ôm đầu chờ trời sáng, trong khi lũ bạn tù đang ngủ ngon lành trên sàn, những giấc ngủ sâu, đằm, vô tư như không có chuyện gì xảy ra.
Vừa đặt mình xuống ghế trong phòng hỏi cung, trước mặt là tập hồ sơ dày cộp và gương mặt lì lợm, no đủ của điều tra viên Nguyễn Hùng Tuấn, tôi bật luôn:
-Thằng Ðiệp không làm sao cả, các người đừng có lừa tôi.
-Ðâu có.
Tên Tuấn làm ra bộ ngạc nhiên:
-Chắc chị nhớ nhầm đấy thôi, anh ấy cũng bị nặng như chị vậy.
-Tôi nhắc lại, không có ai bị thương cả, trừ tôi. Vết máu mà các người thấy trên nền nhà và cửa ra vào là của tôi dính vào. Chính các người phải chịu trách nhiệm về vết thương này.
Bị bật quá mạnh, quên hết vai trò của điều tra viên, tên Tuấn đỏ mặt tía tai, đập bàn quát tháo:
-Ăn nói cho cẩn thận, đây không phải là cái chợ.
Nhận rõ bộ mặt đểu giả của lũ công an, lợi dụng lúc tôi bị choáng, tê liệt mọi cảm xúc, không phân biệt được thật, giả, đúng, sai, ngoài ước muốn được về nhà bên chồng con, chúng đã gài bẫy để một lần nữa đưa tôi vào tròng... Tuy tôi cương quyết không nhận tội, nhưng sự phân vân, lơ đãng, chán ngán, tuyệt vọng của tôi đã không ra ngoài cặp mắt cú vọ của chúng. Vì vậy ngay từ khi tôi yêu cầu chúng phải hủy bỏ toàn bộ lời khai trong 8 ngày làm việc trước đó, chỉ làm việc khi có luật sư của tôi, ngay lập tức chúng giở mặt. Một mặt niêm phong chặt hồ sơ, mặt khác tống tôi vào hỏa lò khi lệnh tạm giam vừa chấm dứt. Dù trên thực tế những trường hợp đi ngay như vậy là khá hiếm, chỉ có tù đặc biệt nguy hiểm hoặc không “xơ múi” được chúng mới tống đi cho khuất mắt, còn đa phần tù nhân ý thức được là ở trại dù sao cũng đỡ hơn Hỏa Lò về mọi mặt, từ tiếp tế, ăn uống, tắm giặt, vệ sinh, chỗ ở, v.v... nên tìm cách lo lót, dúi tiền để được ở lại. Người ít nhất cũng hai, ba tuần, nhiều là hai, ba tháng.
Kỳ 7
Lại những ngày nằm dài trong khu biệt giam, nơi dành riêng cho tù kỷ luật, trọng án, tử hình... Thời gian như ngừng trong tê tái, hết nằm dài trong ngăn tù chật hẹp, lại ngồi bệt trên bệ xi măng lạnh giá, không một chút ánh sáng mặt trời, cũng không có ai bị giam ở phòng bên cạnh để trò chuyện cho khuây khỏa, như hồi còn ở B14, trại giam Thanh Liệt trước đó...
Sáng ra 9 giờ quản giáo vào đem theo tù tự giác, chia mỗi người một suất cơm không (cả ngày chỉ được ăn một bữa rau), rồi lại chờ dai dẳng đến 3 giờ chiều mới lại được chia cơm cùng một vốc rau vừa già vừa dai ngoanh ngoách... Cấu một tí búp trên cùng, hai chị em tôi dùng nước uống rửa lại cho sạch để ăn, thà có méo mó hơn không, đặc biệt với người bị tiểu đường nặng mà không có thuốc như tôi.
Hết nằm dài nói chuyện, nghêu ngao hát, lại nhỏm dậy, không sao quên được cảm giác sốt ruột. Ngồi lắm thì mỏi dừ sống lưng, còn nằm ngửa lại lạnh bụng, nằm sấp thì lạnh lưng, nằm nghiêng lại lạnh sườn, nằm co lại lạnh đùi... Cảm giác lạnh lẽo, trống vắng len lỏi vào tận tế bào vỏ não, chi phối tất cả các cơ quan bộ phận, cứ quằn quại như thân lau trong bão...
Trung bình mỗi tuần tôi “được” gọi đi cung một lần. Mỗi một lần đi cung là một lần thay đổi trạng thái tâm lý. Ra khỏi “cổ mộ,” được tắm nắng, gió, được đi lại thoải mái, ít nhất cũng được thở, được hít không khí, được xả strees. Còn trong buồng biệt giam thì không khác gì một huyệt mộ hai ngăn, dài rộng tất cả 4m2, mỗi ngăn ứng với một giường nằm, chiều dài 1.8 m, chiều rộng vừa vặn 60cm. Ba bề bốn bên kín mít, tất cả ánh sáng trong buồng chỉ trông vào ngọn đèn mờ bật suốt ngày suốt đêm. Ngoài ra còn thêm một ô kính vừa bằng bàn tay để quản giáo đi qua ghé mắt nhìn vào xem tù còn sống hay đã chết. Tối tăm hôi hám, không có ruồi mà lắm muỗi kinh khủng. Lúc nào trên đầu sàn cũng phải có một gói dầu xả mở sẵn để át đi cái mùi hôi hám lưu cữu, còn trên mũi là một miếng vỏ quýt để quên đi cảm giác lợm giọng mỗi lần sử dụng hố vệ sinh.
Chỉ một tuần mà cô bạn ở cùng đã không chịu nổi, nằng nặc xin xuống phòng chung. Riêng tôi khái niệm phòng chung khi đó thật là một điều gì đó kinh hãi, nơi ô hợp của tất cả mọi hạng người, từ ma túy, trộm cắp, đĩ điếm cướp giật, lừa đảo, đâm chém, giết người v.v... Một người vốn đặt mình trong sách vở từ bé, không một lần tham gia vào bất kỳ trò chơi mất phẩm giá nào, làm sao tôi chịu nổi?
Nhưng ở lại một mình nơi “cổ mộ” lạnh lẽo này, bản thân tôi chỉ còn nước biến thành xương khô trong mả, không bút sách, không người trò chuyện, giao tiếp. Tất cả chỉ có 4 bức tường vôi lạnh và nỗi chán ngán ùa về... Bình thường có hai người, nhiều lúc đã chán nản, phải làm thơ tuyệt vọng rồi:
Ngồi buồn hai bóng ngắm nhau,
Ngày dài dằng dặc đêm thâu mỏi mòn
Lắt lay như những cô hồn
Khổ đau, oan nghiệt hỏi còn đâu hơn?
Giờ người bạn ở cùng lại đi nữa thì... tôi đến chôn sống mình trong cổ mộ này mất.
Không thể chịu nổi cảnh “nửa dơi nửa chuột” này, ngay trong lần đi cung thứ 3, tôi gay gắt tra khảo:
- Rốt cuộc các người coi tôi là gì đây? Tội phạm chính trị nguy hiểm hay là tù hình sự:
Bị bóc vở, tên Tuấn ấp úng:
-Tội của chị là đánh người gây thương tích, không liên quan gì tới chính trị, chính em cả.
Thừa thắng xốc tới, tôi độp luôn:
-Thế tại sao lại phải biệt giam trong khu kỷ luật, trọng án này?
Biết không thể vượt qua mặt tôi được, tên Tuấn chống chế:
-Thôi được, vài hôm nữa tôi sẽ nói với trại để chị được ra buồng giam chung...
Xe đã qua khu vực Hòa Bình, Lương Sơn, Xuân Mai, chuẩn bị sang địa phận Hà Nội. Nhịp điệu sống dường như thay đổi hẳn, không còn là “rừng núi âm u, thầy bu kính mến” nữa mà xe máy, xe đạp, ô tô nườm nượp tấp nập. Cả đoàn xe 5 chiếc lần lượt kéo còi ụ, gã công an trẻ tên Hiệp còn khệnh khạng cầm micro điều khiển:
-Ðề nghị tất cả các loại phương tiện xe cộ đang lưu thông trên đường dẹp vào lề bên phải, nhường đường cho đoàn công tác đi trước.
Cảm giác tự do thật là tuyệt vời, chả bù cho lần đi trước, chúng cố tình bắt tôi bỏ vào trại, khi án xử còn chưa kịp có hiệu lệnh. Trong khi tôi đinh ninh là phải sau thời gian xử 2 tháng, tôi mới bị “bốc” đi như tất cả cánh tù thường phạm khác. Hoặc chí ít cũng phải qua 15 ngày chống án, thì 3 giờ sáng ngày 29 tháng 4, chúng đã mò vào lôi tôi đi. Một mình một xe tù, phía sau là xe chở cán bộ quản giáo, vũ trang, y tế v.v... Sân tù lặng ngắt, cỏ cây, tường rào dây thép gai còn đang thiếp ngủ, trái ngược hoàn toàn với các đợt đi trại trước đó của cánh thường phạm. Cả vài chục đến vài trăm con người bị dựng dạy, lỉnh kỉnh túi bị, đồ lề, tiếng cười, tiếng khóc, la lối tiễn biệt nhau râm ran cả một góc trại. Người đi, kẻ ở khiến ai cũng phải xao lòng, ngồi dạy, không sao dỗ được giấc ngủ trở lại.
Mặc âm thanh nhộn nhạo, xô bồ của đường phố, tôi dựa hẳn lưng vào ghế tựa phía sau, lim dim mắt, nghĩ lại sự việc xảy ra:
Suốt thời gian nằm trại tạm giam cũng như 21 ngày trong khu biệt giam rồi một tháng trời ở buồng chung - nơi nhốt 30 con người thuộc đủ mọi thành phần, ăn cắp có, kinh tế có, sơ ý giết người hoặc cố ý đánh người đến chết v.v... đều hội tụ đủ. Tất cả như một cái chạ người đông đúc ô hợp, không ai bảo được ai, cứ cá lớn nuốt cá bé, thằng dốt trị thằng giỏi, vô văn hóa trị kẻ có văn hóa... ù xọe từ sáng đến đêm.
Không có thuốc, tiểu đường tăng vọt, lại đói ăn, kém ngủ, tôi liên tục lên cơn vật. Thời gian đầu còn 16 ngày mới xuất hiện một lần, sau cứ liên tục hôn mê, 8 ngày một lần rồi 5 ngày, thậm chí cách một ngày bị một lần. Người lạnh toát, tay chân tê cứng, huyết áp lúc đầu tăng vọt rồi tụt dần tụt dần, mồ hôi vã ra như tắm, bết chặt một mảng đầu trước trán, nói lảm nhảm, rên rỉ suốt đêm, mắt môi thâm tím, đen sì... Bạn tù hốt hoảng gọi cấp cứu, bác sĩ đến cho 2 viên thuốc ngủ loại thảo dược và 2 viên tuần hoàn não là xong, mặc tôi nằm co quắp, tím tái trên sàn ngủ, bên tai là những lời nguyền rủa của lũ bạn tù về sự vô cảm, bất nhân của cái gọi là “Lương y kiêm hà bá, thầy thuốc như mẹ mìn” của trại giam... Trong khi gia đình tôi gửi thuốc vào tận trại, mà những kẻ máu lạnh này lại cương quyết không cho nhận, chỉ vì lý do thuốc của gia đình tôi là thuốc ngoại, từ Pháp, Mỹ gửi về nên trại không kiểm duyệt được (!).Nếu cứ để tôi sử dụng, có làm sao thì ai chịu trách nhiệm?
Quả là lý lẽ của những kẻ mù lòa cả về chuyên môn lẫn lương tâm, đạo lý làm người. Không hiểu chúng nó sinh ra từ đâu? Từ bụng một bà mẹ tâm thần hay từ những chuồng nuôi gia súc, gia cầm mà trở thành động vật máu lạnh, với nhiệt tình xuống quá độ âm như thế?
Bị cắt thuốc vô cớ trong suốt một thời gian dài, tiểu đường ăn sâu vào cả não bộ khiến tôi đau đầu ghê gớm, suốt ngày chỉ muốn đập đầu vào tường, dùng cái chết đột ngột để chấm dứt mọi ràng buộc với đời, xóa nhòa mọi căm hận, đau khổ, day dứt, đau đớn... Chính trong lúc bấn loạn tâm thần cũng là lúc tâm hồn tôi được tâm linh dẫn dắt, những câu thơ vụt hiện trong trí nhớ:
Ta toan giận dỗi xa đời
Chợt hay khăn liệm quanh người vẫn thơm
Nát thân không nát nổi hồn
Lẫn trong tiếng khóc vẫn còn nỗi đau
Kỳ 8
Bao nhiêu lần nằm ngắm cái chết của mình để tả lại bằng thơ, nào “Lời người dưới mộ”, nào “Thay lời tiễn biệt” rồi “Ðêm định mệnh,” v.v...
Chỉ cần nhớ tới gương mặt của người mẹ hiền, nước mắt của người thân, trong đó có hai đứa con ngây thơ, bé bỏng, tội nghiệp của mình mà kìm lòng để sống, bằng mọi cách phải vượt lên, để còn có ngày Thúy Kiều báo ân, báo oán...
Sống giữa trại tù, nơi mạng người thì rẻ, còn mọi thứ đều đắt câm, đắt ngầm. Một con dao lam phải đổi bằng hai gói ruốc (50 ngàn đồng), một chiếc bút bi có giá bằng một nửa con gà (100 ngàn VND), còn một chiếc bát nhựa để ăn cơm là cả một cây giò kèm mấy bánh lương khô (40 nghìn đồng). Vậy mà, vì tình trạng cơ thể xuống cấp tồi tệ, không thể lê bước từ sàn ngủ xuống nhà mét được, tôi đành phải hy sinh chiếc bát ăn cơm của mình, đặt ngay đầu sàn để tiện cho việc tiểu tiện. Vì nước tiểu ra nhiều, suốt ngày ri rỉ... nên chỉ vừa kịp ngồi xuống, trút ra, mới đứng lên, đã có cảm giác buồn tiểu trở lại... Mặc cả phòng la ó, tôi không còn cách lựa chọn nào khác.
Cũng bởi lý trí đã bị dìm chết trong lượng đường quá mức được phép rồi, tôi chỉ còn là bản năng đơn thuần, ngồi đâu trút đấy, tiện đâu cũng trút, cả ở “đồng bành”, nơi ra gặp cán bộ y tế để chờ khám xét, cũng như “cổng phủ”, nơi ra gặp điều tra viên. Nước tiểu không còn độ mặn, độ khai, mà chỉ còn độ ngọt, đặc quánh, sóng sánh như mật, như đường.
Bao nhiêu lần chết đi sống lại, tôi đã nói lời trăn trối với cả buồng, nắm tay vĩnh biệt trưởng buồng... Cuối cùng lũ chó cũng phải nhượng bộ trước lời kêu gọi thống thiết của gia đình tôi, cũng là những tổ chức hội đoàn yêu nước tại hải ngoại. Tôi không những được nhận thuốc của gia đình gửi vào, còn có cả bác sĩ riêng chăm sóc. Thật đúng là trò bẩn của cộng sản, còn hành được chúng cứ hành, đến khi có sự can thiệp của nước ngoài rồi chúng mới chịu ban phát lòng tốt, sự quan tâm... Trước đó, mặc tôi kêu gào, giãy giụa, lăn lộn, nằm bệt ngay lối đi (phần vì quá mệt không nhấc nổi chân, phần vì phải phản đối để kịp thời có thuốc uống), chúng cứ như điếc, như câm, thậm chí trong những lần cấp cứu, chúng còn mắng sa sả, như thể tôi giả vờ hoặc cố tình ăn vạ chúng vậy...
Như con nghiện đói thuốc đang trong cơn vật vã, giằng co quyết liệt giữa sự sống và cái chết, lại được cung cấp thuốc trở lại, tôi tỉnh ra từng ngày. Kết hợp với đi bộ trong lòng rãnh của buồng giam, mỗi ngày cả chục km (2 tiếng) tôi dần khỏe lại và béo lên trông thấy. Sau hai tháng uống thuốc trở lại, gồm cả thuốc bệnh, thuốc bổ, căn bệnh đau đầu đã chấm dứt, đầu không còn bị ảo giác, tim không nhói đau nữa, cả đại tràng cũng đỡ trông thấy...
Tiếng lạch xạch của máy ảnh, camera ngay bên cạnh làm tôi bừng tỉnh, bỏ rơi dòng hồi ức đang cuộn chảy. Ngồi bên, thị Tuyết vui vẻ bảo:
- Tới Hà Nội rồi, chỉ còn 40 km nữa là tới sân bay, chị Thủy sắp thành người Mỹ rồi.
Ra thế, tôi lẩm bẩm nghĩ, nghĩa là tôi không còn là phản động dưới mắt bọn quản giáo nữa, mà là người tự do, sắp tới xứ tự do nhất thế giới. Chả bù cho những ngày trong trại, cả ba chị em chúng tôi gồm Trần Ngọc Anh, Phạm Thanh Nghiên và tôi... luôn bị lũ cai ngục coi là kẻ thù. Giữa sân chung, trước mắt cả nghìn chị em tù đủ loại, tên cán bộ Hoàn, mặt búng ra sữa, khệnh khạng bảo:
- Các chị đừng tưởng chúng tôi không dám làm gì các chị, chẳng qua chúng tôi coi các chị là giặc nên theo lời bác dạy: “Ðối với địch phải cương quyết khôn khéo”, chúng tôi sẽ tìm biện pháp thích hợp để quản lý các chị.
Cũng chỉ vì câu nói mất dạy của chúng mà tôi nổi khùng. Giữa sân chung, tôi gọi với sang Nghiên hỏi: “Thằng Hoàn coi chị em mình là giặc, để xem nó có dám lập biên bản ‘ba mặt một lời’ để chị em mình ký, gửi ra ngoài, tới đại sứ quán Mỹ không? Thật chưa vỡ bọng chữ đã đòi lên giọng, cứ tưởng con ông kễnh là muốn làm gì cũng được à”?
Sự phản ứng gay gay gắt của tôi, lập tức lọt vao tai con Nguyễn Thị Lưu, một kẻ bị tù chung thân nhưng lại mắc bệnh ôm chân cán bộ. Ngay sau đó tôi bị thị Tuyết gọi lên phòng thi đua lập biên bản về tội “thiếu lễ phép với cán bộ”.
Trước đôi mắt ti hí cú vọ của con Nguyễn Thị Lưu cùng hàng chục chị em tù thường phạm khác - bị cán bộ gọi lên để làm nhân chứng, tôi cãi văng tê, kiên quyết không nhận mình là sai. Tôi bảo:
- “Ðòi dạy người trước tiên phải dạy mình, ăn nói hàm hồ, vô lễ, thiếu hiểu biết như vậy, lẽ ra phải đuổi khỏi ngành, sao còn dung túng thói khốn nạn. Ở đây ai là giặc? Chính những kẻ dâng đất, bán biển cho Tàu cộng, những kẻ ăn trên xương máu người dân, nuốt chửng tương lai dân tộc Việt Nam mới là tội đồ dân tộc, là giặc. Còn những người hiểu biết như ba chị em chúng tôi là người tử tế theo đúng nghĩa của nó.
Bị dồn đến tận chân tường, lúc đầu thị Tuyết ra sức thanh minh: “Anh ấy không nói tên các chị, nên chị không thể nói xấu cán bộ như thế được”, sau giục chán, tôi chẳng buồn ký, thị đành phải nhờ những kẻ ôm chân ký vào, để mặc tôi ra về với cái dáng đẹp nhất là nhìn từ phía... sau lưng của mình (!)
Kim đồng hồ trên xe chỉ vào số 8, sân bay Nội Bài đã hiện ra trước mặt. Vừa ngắm quang cảnh nhộn nhịp quanh khu vực sân bay, tôi vừa chợt nghĩ : “Còi ủ của công an quả là có tác dụng, giữa đường phố đông nghẹt người qua lại, xe bò lổm ngổm như cua như cáy, cái nọ chạm đít vào cái kia, mà chỉ cần còi ủ và hiệu lệnh vang lên là tất cả như những con chiên ngoan đạo lùi sát vào mép đường, nhường chỗ cho xe chở tôi và ‘bầu đàn’ tha hồ phóng. Trong khi các xe khác sợ bị bắn tốc độ, chỉ dám đi 30, 35 km/h thì xe công an tăng tốc 75 km/h. Nếu không, chặng đường dài hơn 250 km với điều kiện của Việt Nam, đi như bò ra đường, khéo phải 7, 8 tiếng đồng hồ mới tới nơi”.
Bước xuống sân bay, không nhìn thấy gia đình đâu, tôi vội hỏi:
- Sao giờ này nhà tôi chưa tới?
Tên Khải với cái trán bóng nhãy, nhanh miệng trả lời:
- Anh nhà chị hẹn 9 giờ sẽ đưa gia đình lên!
- Trời đất, tôi kêu lên, thiếu mức giãy lên đành đạch: 11 giờ máy bay cất cánh mà 9 giờ mới lên thì còn kịp gặp vào lúc nào? Còn biết bao nhiêu là thủ tục, thời gian? Lẽ ra phải biết đến trước 8 giờ để chờ tôi chứ.
... Không để ý đến thái độ nôn nóng, sốt ruột của tôi, chúng lũ lượt kéo nhau vào phòng chờ của sân bay. Ngoài số công an của bộ, còn xuất hiện thêm cả đám lúc nhúc khác, đứa nào cũng trang bị máy ảnh, camera, chụp liên hồi kỳ trận.
Ðể mặc lũ công an của đảng dòm ngó, soi mói bằng mắt thường, mắt kính, tôi đưa mắt ra ngoài cửa phòng VIP, chờ bóng dáng người thân xuất hiện
Như có phép lạ, chưa đầy 5 phút sau, cả nhà tôi kéo tới, chồng tôi nói trong hơi thở vội vàng, gấp gáp:
- Họ khống chế 9 giờ mới cho ra khỏi nhà, may quá nhờ Christian Marchant mà anh biết 11 giờ máy bay cất cánh nên quyết định đưa cả nhà đi từ 7 giờ.
Thật hú vía. Nếu không được đại sứ quán Mỹ thông báo thì cả nhà tôi chỉ còn nước đứng nhìn máy bay bay, con tôi chắc chắn chỉ kịp lên máy bay cùng mẹ vào phút chót.
Kỳ 9
15 phút ngắn ngủi trôi qua, tôi chỉ kịp đỡ mẹ già ngồi xuống bên cạnh mình, ôm đứa cháu gái 6 tuổi đã xa 21 tháng, trả lời mấy phút điện thoại với ông anh chồng... cả nhà đã bị lực lượng công an mời ra ngoài. Bực mình, cả gia đình tôi thay nhau chất vấn:
-Ðã hết giờ đâu, sao không để mẹ con, anh em chúng tôi được gặp nhau, còn hơn 2 tiếng đồng hồ nữa cơ mà.
-Anh chị thông cảm,
Tên Khải giở giọng mồi chài:
-Phía nhà nước Mỹ cũng không muốn làm ồn ào vụ này nên họ không muốn ai chứng kiến cảnh này. Giờ cả nhà nên đi về, hoặc ra phía ngoài chờ. Giờ này bên Ðại Sứ Quán Mỹ đã cử người tới gặp chị ấy rồi. Họ đang đợi trước cửa...
Thì ra chúng sợ thông tin tôi được chính quyền Mỹ bảo trợ lọt ra ngoài, bất lợi cho sự “nhân đạo” của chính quyền cộng sản nên tìm mọi cách bưng bít. Thể nào vừa lò dò ra khỏi ô tô, sau 4 tiếng rưỡi đồng hồ, chúng đã kéo tọt tôi và bầy đàn vào phòng VIP, canh chật cửa.
Biết phải xa mẹ lần nữa mà không biết khi nào gặp lại, con gái lớn ôm tôi khóc ròng, nước mắt đẫm cả vai áo
Khẽ vỗ vai con, tôi an ủi:
-Nín đi con, nước mắt có phải là nước lã đâu, sao lại khóc trước mặt bọn công an như vậy, phải mừng vì mẹ đã thoát khỏi ngục tù cộng sản chứ?
Phiên dịch viên Công Hùng cùng nhân viên của Ðại Sứ Quán Mỹ bước vào, theo sau là hàng chục cán bộ an ninh Việt Nam. Thái độ khệnh khạng, trâng tráo, trơ lì, như thể họ chứ không phải nhà nước Mỹ ban ơn cho tôi vậy.
Vừa đặt mình xuống ghế, nhân vật chủ chốt - đại diện cho chính quyền Việt Nam đã ra sức kể lể công trạng trong việc phóng thích tôi ra khỏi tù. Nào là: “Nhờ chính sách nhân đạo của nhà nước Việt Nam, bắt nguồn từ sự hợp tác tốt đẹp giữa hai chính quyền Việt-Mỹ, nên không những chấp nhận cho tôi ra khỏi tù trước thời hạn mà còn lo xong giấy tờ thủ tục trong thời gian sớm nhất.” Nào là: “Nhà nước Việt Nam từ xưa đến nay vốn coi trọng nhân quyền và dân chủ nên quyết định cho tôi đi chữa bệnh và chăm lo cho tương lai con gái tôi, chứ không có nước nào ép được, kể cả nước mạnh như nước Mỹ.”
Ngồi bên bàn đối diện, nhân viên đại sứ quán cũng đánh giá cao sự hợp tác giữa hai chính phủ để có được kết cục tốt đẹp ngày hôm nay. Ông mừng vì cuối cùng tôi đã được đoàn tụ cùng gia đình và sang Mỹ định cư... đúng như lời đồng nghiệp ông đã từng nói khi vào thăm tôi tại trại tù: “Nước Mỹ sẽ nồng nhiệt đón tiếp bà.”
Hàng chục máy ảnh, camera cùng hướng vào tôi và đại diện hai chính phủ, đến mức con gái tôi (đang đứng nghiêng ngó phía ngoài) phải gắt xẵng, giọng đầy ác cảm:
-Quay gì mà quay lắm thế, định đưa lên ti vi à? Ðừng có tuyên truyền láo như lần trước đấy nhé!
Bẽ mặt, thị Tuyết (trùng tên với nữ cán bộ quản giáo đưa tôi đi), nói tránh:
-Chỉ để giữ lại sau này làm tư liệu thôi!
Câu hỏi của con gái khiến tôi bật cười, nhớ lại lần bị bắt tại nhà và hai lần xử tại tòa án quận và thành phố, chúng cũng quay hình ảnh vợ chồng tôi để “giữ lại làm tư liệu” như thế này. Ðến mức vừa bước chân vào cổng trại, lũ bạn tù đã nhao nhao khoe nhìn thấy tôi trên ti vi. Chúng bảo:
-Cứ tưởng cô “gấu” lắm, dám đánh lại cả hai thằng to khỏe, vật vã, chứ đâu có nghĩ cô chậm chạp và hiền khô như thế này.”
Quả là trò đểu giả, độc ác có một không hai trên thế giới của đảng cộng sản Việt Nam, một đảng ngu si đến mức kỳ diệu. Thoạt tiên chúng đổ cho tôi cố ý gây thương tích cho thằng Nguyễn Mạnh Ðiệp 29 phần trăm (%).Khi tôi yêu cầu chúng phải đưa ra các bằng chứng như giấy nhập viện, bản chụp cắt lớp, X quang, giấy trả tiền viện phí v.v... Chúng trâng tráo làm lại bản cáo trạng, giảm tỷ lệ thương tật từ 29 phần trăm xuống còn 13 phần trăm, vừa đủ mức khởi tố, với lời buộc tội “hung khí nguy hiểm và hành động côn đồ.”
Uất ức, tôi gào lên trước mặt chúng, có sự chứng kiến của luật sư:
-Tôi chỉ có ngòi bút thôi, các người sợ sự thật nên gọi đó là “hung khí nguy hiểm,” còn “hành động côn đồ” là của chính những kẻ các người sai đến “áp đáo tại gia” trước cửa nhà tôi.
Chúng trơ trẽn bảo:
-Chị cầm gạch ném anh Ðiệp chảy máu.
Tôi cãi:
-Nếu viên gạch do tôi ném gây chảy máu, sao trong cáo trạng lại đề là “Viên gạch qua khám nghiệm không có vết máu và vân tay?” Có phải các người cố tình đánh lận con đen không?
Trước ngày ra tòa, luật sư của tôi cũng nhận định: Ðây là kết quả của việc “gậy ông lại đập lưng ông.” Ðầu tiên chúng định đổ vấy cho tôi tội đả thương tên Nguyễn Mạnh Ðiệp, nhưng không ngờ gia đình tôi nhanh tay hơn đã tung tấm ảnh tôi bị thương lên mạng, lại thêm bức ảnh giả chúng cung cấp cho báo chí trong nước, sớm bị giới truyền thông hải ngoại lật tẩy cả về “ngày tháng năm sinh” đến các thông số kỹ thuật, nên chúng đành biến viên gạch thấm đẫm máu tôi và dấu vân tay của tên Thịnh (kẻ côn đồ thứ 2 với danh nghĩa đến can ngăn cuộc ẩu đả giữa chồng tôi và tên Nguyễn Mạnh Ðiệp) thành gạch “không có dấu máu và vân tay,” để dễ bề chạy tội cho tên Thịnh, kẻ đã đập gạch vào đầu tôi... Thật là lưỡi không xương lắm đường lắt léo, miệng công an lại vả vào răng công an.
“Ðường đi hay tối, nói dối hay cùng.” Giữa tòa, trước những lý lẽ sắc bén của luật sư, chúng đã lòi ra mặt chuột, nên cuối cùng, sau bao nhiêu ngày chối tội dai dẳng mà không được, chúng đành để tôi ra đi với lý do “nhân đạo.”
Kim đồng hồ chỉ vào con số 11, hai mẹ con tôi nhấp nhổm đứng ngồi không yên... Trong lúc đoàn người lũ lượt tiến vào cửa lên máy bay, mẹ con tôi vẫn bị người của cơ quan an ninh giám sát.
Như hiểu được tâm trạng lo lắng sốt ruột của tôi, tên Khải động viên:
-Chị không phải lo, chúng tôi sẽ đưa chị và cháu đi bằng cửa riêng, không phải xếp hàng, chen lấn.
Người của cơ quan an ninh vừa kịp quay mặt bỏ đi, phiên dịch viên tên Công nói nhỏ vào tai tôi:
-Chốc nữa khi chị lên máy bay sẽ có Christian Marchant* đón sẵn ở cửa và đưa chị sang Mỹ. Riêng ngài đại sứ cũng muốn nói với chị một điều là vừa nãy, trước ống kính camera và đại diện của cơ quan an ninh Việt Nam, ngài buộc phải nói như thế vì góc độ ngoại giao, chứ thực tình vụ việc của chị bị phía nhà nước Việt Nam gây nhiều khó khăn lắm. Nhưng quan trọng hơn cả là họ muốn để chị đi trót lọt, sau đó chính phủ Mỹ sẽ can thiệp thêm một số trường hợp khác ra khỏi tù như chị.
Sân bay về khuya trở nên vắng lặng, các khoang ghế quanh tôi không còn một bóng người, lúc đó các nhân viên an ninh mới tiến lại, đưa mẹ con tôi vào máy bay bằng lối đi riêng.
Ngắm các tiếp viên trẻ, đẹp của hãng hàng không Nhật Bản đang tươi cười, gật đầu chào mừng quý khách, tôi mới tin là mình đã thoát khỏi địa ngục trần gian.
Bên ngoài những chiếc camera vẫn còn quay thêm thước phim cuối cùng, máy ảnh vẫn còn bấm cho đến khi bóng hai mẹ con tôi khuất hẳn vào trong lòng máy bay.
Kỳ 10
II. Thiên đường
Vừa đặt chân lên phi trường San Francisco, thành phố của tự do, nhân quyền, trong óc tôi đã vang lên những lời thơ vui mừng, náo nức:
“Cái dấu chấm cuối cùng tôi biết được
Là thân tôi đã thoát khỏi lao tù
Lại được viết những gì đã có
Bên bạn bè, giữa xứ sở tự do.”
Cuộc đời thật là kỳ diệu, trước đó 21 tháng tù giam, 630 ngày trong cảnh dị biệt, đủ để mình không còn là mình... Gần hai năm với âm thầm và lắng đến tận đáy sâu vực thẳm tâm hồn mình cùng thế tục, đủ để tạo nên nền tảng cho một sự chuyển đổi sâu xa, từ vui sang buồn, từ yêu sang ghét, từ lạc quan tin tưởng, thành âm thầm, chán nản, bao hy vọng thành tuyệt vọng... Ðã tưởng đời mình rơi xuống đáy rồi, chắc gì 630 ngày nữa nó sẽ mở ra? Như trường hợp bloger Ðiếu Cày, nhốt hết thời hạn 30 tháng rồi, phải được thả, nào ngờ cánh cửa tù lại âm thầm đóng lại và đóng mạnh hơn đến mức gần một năm sau gia đình không hề biết tin tức anh, ngoại trừ một cánh tay bị mất? Ðúng là tính chất trớ trêu, nực cười của đời người trong ngôi nhà xã hội chủ nghĩa. Dù bị thế giới bỉ bai, cả tỷ người trên trái đất coi thường, chúng vẫn coi số phận con người như một trò chơi, một trò đùa, một vở kịch, đầy ác ý, tùy thuộc vào quyền lực và tính chất thất thường của lũ chó ác.
May mắn thay, cái ác đã phải dừng lại, dẫu không phải là chịu thua cái thiện thì chí ít chúng đã phải nhượng bộ để tôi ra khỏi cổng nhà tù, khỏi mảnh đất, ít người lắm công an này, và bây giờ sau gần 30 giờ bay tôi đã có mặt tại nước Mỹ... Một nhân viên da đen trong phi trường, sau khi xem giấy tờ của tôi do Christian đưa, ngắm nhìn hai mẹ con đầy chăm chú rồi nhoẻn cười, nháy mắt hỏi:
- Ở Việt Nam mẹ mày làm thơ hả?
Con gái tôi vui vẻ trả lời:
- Ok, that is right!
Giơ ngón tay cái ra trước mặt, nhân viên này lộ vẻ hài hước:
- Tao biết, tao biết, tốt lắm, tao đã nhìn thấy mẹ mày một lần trên ti vi.
Bước ra khỏi phi trường đã có hai nhân viên của một tổ chức thiện nguyện của Mỹ chờ sẵn, Christian vui vẻ trao giấy tờ của tôi cho họ rồi dặn dò, trao đổi, bắt tay hai mẹ con tôi, và nhờ họ bấm một bức ảnh kỷ niệm sau một chuyến đi dài từ địa ngục cộng sản sang thiên đường nước Mỹ. Một chuyến đi đầy ấn tượng, không phải đơn thuần là sự di chuyển mà thực sự là một cuộc vật lộn giữa sống và chết, giữa ngục tù và tự do, giữa ánh sáng chân lý và bóng tối độc tài.
Bắt tay Christian, tôi lắp bắp lặp đi lặp lại câu nói:
- Cảm ơn Christian, cám ơn nước Mỹ! Nước Mỹ đã sinh ra tôi lần thứ hai lại còn giang rộng bàn tay ra cưu mang hai mẹ con tôi nữa, tôi chưa biết làm gì để trả ơn nước Mỹ, nhưng sẽ ghi sâu trong tim hình ảnh nước Mỹ suốt đời. Với tôi nước Mỹ chính là biểu tượng của lòng nhân ái, bao dung, cao thượng và chở che.
Xe nổ máy lao vụt đi, để lại bóng Christian cao to lồng lộng liên tục vẫy tay ở đằng sau:
- Ði nhé, đi nhé, tạm biệt, hẹn gặp lại sau... Christian nói bập bẹ bằng tiếng Việt.
Xe lao nhanh trên đường với tốc độ khoảng 60-70 dặm một giờ... hai bên đường những hàng cây xanh nối nhau chạy dài tít tắp... không một làn bụi hay khói xăng. Chút nắng, nóng nhờ có bóng cây xanh tỏa xuống cũng dịu mát chứ không gắt lên như ở Hà Nội mà tôi đã từng biết: “Phố không cây, mây lẫn khói xăng chiều”.
Hai đêm liền trên máy bay tôi không hề chợp mắt nhưng không có cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ, trái lại nước Mỹ đã choán hết mọi suy nghĩ trong tôi. Một nước Mỹ với diện tích rộng thứ 3 trên thế giới, với dân số hơn 300 triệu người, là cường quốc số một thế giới, có cuộc sống vật chất như nhiều người nhận xét: Vượt trội so với Việt Nam cả chục lần. Ðường phố rộng và sạch, 3, 4 làn đường, không hề có bóng dáng cảnh sát mà xe cộ luôn tuân thủ luật giao thông, nên không có cảnh va chạm, chen chúc nhau nhốn nháo như ở Việt Nam...
Biết tôi quan tâm đến vấn đề nước Mỹ, chị Mai nhân viên của tổ chức thiện nguyện nói vui:
- Nói về nước Mỹ thì cả ngày không hết, chỉ xét riêng trong lĩnh vực di dân thôi đã thấy thành công rồi. Bởi nước Mỹ dùng một phần ngân sách để đầu tư vào an sinh xã hội, quỹ trợ cấp cho người nghèo, thất nghiệp, rồi hỗ trợ tài chính cho học sinh nghèo, v.v. Chính những sự trợ cấp ấy đã đóng góp một phần đáng kể trong cuộc sống và tạo ra sự thành công của người di dân tại Mỹ.
- Còn thu nhập cho những người làm công ăn lương thì sao ạ? Tôi tò mò.
- Một ngày đi làm đã có đủ tiền để đi chợ ăn một tuần cho cả gia đình 4 người. Y tế tuy đắt đỏ, nhưng ai đi làm cũng có thể mua bảo hiểm được, thất nghiệp thì xin bảo hiểm của nhà nước. Học hành thì free. Chị trả lời và bổ sung thêm: Thư viện công cộng của nhà nước được trang bị đầy đủ sách vở, máy vi tính để hỗ trợ việc học. Nếu ở Việt Nam, cuộc sống của người dân đa phần là chật vật vì mức lương ít ỏi, ăn không đủ, nói gì đến chi tiêu mua sắm, dành dụm, tích lũy thì ở nước Mỹ là một sự hài lòng, thoải mái...
Xe đi qua một khu vực công viên rộng lớn, có bóng cây xanh, có cầu trượt, bàn ghế để nghỉ ngơi nơi thảm cỏ sạch sẽ... thấy tôi cứ dán mắt vào đó như thể chưa được thấy bao giờ, chị Mai giải thích:
- Ở Mỹ, mỗi khu dân cư đều có một khu vui chơi, thể thao rộng lớn như thế. Mọi người có thể chơi cầu trượt, đánh đu, tennis, bóng chuyền, bóng rổ, bóng đá, bóng chày miễn phí. Ngoài ra còn có các sân chơi, khu thể thao của các trường phổ thông, đại học trên địa bàn. Tất cả đều mở cho mọi người.
Kỳ 11
Một liên tưởng làm tôi bật cười, ấy là cả Hà Nội, nơi tập trung hơn 6 triệu người, mà số công viên đếm được trên đầu ngón tay...
Quanh đi quẩn lại chỉ có công viên Lê Nin, công viên Thủ Lệ, công viên Nước... Chấm hết (!).Còn phần Hà Nội mở rộng là Hà Tây, sau khi đã được sát nhập thì bao nhiêu sân bóng, sân chơi của người lớn, trẻ con trong xã đã được chia lô bán đất xây nhà hết. Trẻ em trong thôn muốn giải trí chỉ biết chúi đầu vào vô tuyến, hoặc lấm lưỡi kiếm ăn, khác hẳn trẻ con ở Mỹ vốn được ưu tiên tôn trọng nhất trong mọi thành phần xã hội
Vui miệng tôi kể lại nhận xét của các cán bộ quản giáo trong tù, cụ thể họ bảo:
-Ôi giời nước Mỹ chỉ có vũ khí, nếu không bán được vũ khí thì nước Mỹ cũng “toi” luôn vì làm gì có gì để sống! Chính vì thế Mỹ mới luôn gây chiến với các nước để sử dụng bớt vũ khí hoặc khích nước nọ đánh nhau với nước kia để bán vũ khí lấy tiền nuôi nhau.
Thật là luận điệu tuyên truyền một chiều của cộng sản.
Chưa đủ các quan đồng chí còn dài mồm bảo:
-Nước Mỹ chuyên đi cướp bóc tài nguyên của các nước khác như dầu mỏ của các nước Trung Ðông chẳng hạn.
Nghe thủng câu chuyện anh Chính góp lời:
-Tôi chẳng bênh gì nước Mỹ, nhưng theo tôi biết, rất nhiều sản phẩm “Made in USA” khác như máy tính và Internet. Máy bay (Boeing) thiết bị y tế (từ mổ mắt Laser đến hỗ trợ tim, thuốc chữa ung thư, chất bán dẫn, transitor,... Thử hỏi một ngày không có nước Mỹ thì thế giới này khủng hoảng đến mức nào?
Còn vấn đề dầu mỏ thì thực tế quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Ðông là quan hệ hai chiều, phụ thuộc lẫn nhau, buôn bán hoàn toàn bình đẳng. Chính Mỹ giúp họ tìm ra nguồn dầu mỏ và tiêu thụ cho họ giúp họ trở nên giàu có. Trung Ðông không thể sống với cát và sa mạc, khi thiếu nước và đất trồng trọt được... Nếu vì lý do nào đó mà mất thị trường tiêu thụ dầu mỏ tại Mỹ thì văn minh Trung Ðông coi như cáo chung và biết đâu họ sẽ trở về với thời “Nghìn lẻ một đêm.”
Sợ câu chuyện đi quá xa trong đề tài nước Mỹ, anh gạt đi:
-Ôi, nếu nói về nước Mỹ thì có cả một trăm điều vĩ đại cơ, nào Internet, nào Hiến pháp và Tuyên ngôn Nhân quyền, rồi bóng chày, đồ ăn, nhạc Rock, nhạc Roll đủ cả, nhưng thôi cứ ở Mỹ lâu rồi hai mẹ con sẽ biết. Chị nên tới đảo Hawaii để tận hưởng kỳ thú nơi đó, hoặc Công viên Quốc gia, hệ thống 39 nhà hát chuyên nghiệp tại New York... thăm Cầu Cổng Vàng, các bãi biển nổi tiếng, Tượng Ðài Nữ Thần Tự Do... Riêng cháu thì nên vào rạp xiếc Big Apple, mua sôcôla, kem, xem phim hoạt hình Disney...
Xe dừng lại ở một góc đường. Cả 4 chúng tôi cùng vào “củng cố dạ dày” trước khi về khách sạn nghỉ.
...Lần đầu tiên bước chân vào tiệm ăn của người Tàu, tôi ngạc nhiên khi bát phở bò to gần bằng cái chậu, gấp 3 bát phở ở Hà Nội... đủ cả gân, gàu, tái, nạm... quả là mơ ước của những kẻ triền miên bị đói chất trong tù trong những đêm rét mướt, buốt lạnh, nhớ nhà như tôi... Vừa thưởng thức từng sợi phở trắng muốt, thơm lừng, ngọt đậm mùi thảo quả, xương bò, tôi vừa miên man nghĩ về ngày tháng cũ, bên lũ bạn tù với những bữa cơm đạm bạc chỉ có rau ôi và nước mắm... mà không khỏi rùng mình gai lạnh vì không hiểu nổi tại sao mình lại có thể sống qua được những tháng ngày đó? Phải chăng con người là loài vật có ý chí, rất uyển chuyển nên có thể tồn tại trong những hoàn cảnh tồi tệ nhất, như một triết gia nào đã nói?
Trò chuyện ăn uống vui vẻ xong, cả hai đưa mẹ con tôi về khách sạn Hillton Garden Inn, kèm theo hoa quả, thức ăn và tiền tiêu vặt trong những ngày ở lại khách sạn, cùng một chiếc điện thoại miễn phí.
630 ngày trong ngục tối, điều đầu tiên tôi tìm sau khi được tự do là phòng đặt máy vi tính của khách sạn, và cứ thế chìm sâu từ 12 giờ trưa đến 3, 4 giờ sáng hôm sau. Mệt phờ, nhợt nhạt về thể xác nhưng trí tuệ thì no đủ.
10 giờ sáng hôm sau, hai mẹ con tôi mới giật mình choàng dạy, trông ra cửa sổ phía sau căn phòng mình ở và cùng ngẩn ra trước bức tranh thiên nhiên lộng lẫy đến phi thực. Một vùng cây cối rậm rà trên triền đất nửa đồi núi, nửa đồng bằng. Hàng nghìn ngọn gió la đà, đùa nghịch cùng đám chim đủ loại với các gam màu sặc sỡ thiên thần. Những túm cây cảnh màu xanh mỡ nối đuôi nhau như những chùm đuôi sóc dựng ngược trông thật lạ lùng và bắt mắt... Ðây chính là cái tôi đang tìm, một khung cảnh hiền hòa êm ả, giàu sang, thơ mộng, khác hẳn cuộc đời ngột ngạt tù túng trước đó. Trong bối cảnh êm đẹp đó, tôi bỗng nổi hứng phác họa mấy câu thơ nói rõ tâm trạng mình:
Thoắt đó, thoắt đây, vui như Tết
Ở tù Việt Nam đã mấy lần
Hôm nay đã ở bên nước Mỹ
Cuộc đời không thể ngờ... thịnh, suy
Kết
Hơn nữa Táo Giao Thông để ý hàng trăm, hàng nghìn người lưu thông trên đường phố, dù là đi đông, đi tây, người nào cũng khư khư biết việc người ấy, không chịu chạm mặt nhau, hỏi han sức khỏe, cười đùa, hoặc túm năm tụm ba, bá vai, bá cổ len lách, đánh võng giữa đường, buồn chết đi được.
Ngay cả chỗ đèn xanh, đèn đỏ phải dừng lại, cũng không ai chịu va quệt, đụng chạm, “tỏ tình thân ái” với nhau như ở Việt Nam. Còn nếu hãn hữu va chạm loanh quanh đâu đấy, cũng chẳng thèm xông vào ẩu đả, cấm cẩu, đánh đấm nhau, vì hình như ai cũng thừa lời xin lỗi, thiếu lời dậm dọa. Thật chẳng bù cho Việt Nam, nghèo gì thì nghèo chứ ắt không nghèo... lời chửi mắng cáu gắt, hầm hè, dọa nạt nhau... Một thứ giao thông lạnh lùng, câm nín, không có chút ấn tượng như thế, biết lấy gì mà kể, mà mua vui cho Ngọc Hoàng đây?
Tốt đủ dùng là được rồi đằng này lại tốt quá mức cần thiết, sạch sẽ, hoàn thiện quá mức cần thiết... Viết báo cáo còn tẻ nhạt huống hồ phải thu thập dữ liệu chứng cứ để trình ra cho Ngọc Hoàng duyệt sau cả năm thấp thỏm chờ đợi, nghe hơi nồi chõ, ngáp ngắn ngáp dài ở Thiên Ðình?
Nghe xong câu chuyện của tôi, anh Hải góp lời:
- Người Việt ở quốc nội qua đây toàn bảo: “Nước Mỹ là nước mất tự do nhất thế giới, ra khỏi cửa nhà là phải ngồi xe hơi, lại phải cột chặt người vào xe suốt chặng đường dài. Hễ gọi hoặc nghe điện thoại trong lúc cầm vô lăng là bị phạt, uống tí rượu cho tinh thần sảng khoái để lái xe cho “bốc,” cũng phạt... Trong khi Việt Nam thì... a lê hấp, muốn uống rượu, muốn hút thuốc, gọi điện thoại trong lúc lái ô tô hay xe máy cũng măc-kê-nô hết. Tự do muôn năm, Việt Nam tự do thế còn gì? Việc gì phải đi tìm tự do ở đâu đâu?
Tiếng cười thật dễ lây lan, tất cả chúng tôi cùng cười... riêng tôi tiếng cười nghẹn ứ trong cổ họng vì đã tận mắt chứng kiến cảnh bệnh viện Xanh Pôn (Saint Paul), Hữu Nghị Việt Ðức, bệnh viện 103 Hà Ðông, 108 quân đội, bệnh viện đường sắt, bệnh viện 354 (Tổng Cục Hậu Cần) bệnh viện 19-8 (công an)... chật ních bệnh nhân vì va chạm giao thông. Nếu trung bình một ngày, cả nước Việt Nam có vài triệu người ra đường thì 64 người ra đi đầu không ngoảnh lại, nghĩa là đi thẳng một mạch đến bệnh viện hoặc nhà xác, nghĩa địa luôn. Khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia, 11% tử vong, 29% còn lại bị thương vĩnh viễn
Ngay cả Tổ Chức Y Tế Thế Giới (giám đốc Hans Troedsson) trong buổi khai mạc Tuần lễ An toàn Giao thông Ðường bộ Toàn cầu của Liên Hiệp Quốc) cũng lên tiếng kêu gọi Việt Nam phải giảm thiểu tổn thất nhân mạng trong các vụ tai nạn giao thông, vì hiện tại, trong thời điểm 2011 này, giao thông Việt Nam đã trở thành một đại dịch quốc gia. Tỉ lệ các vụ tử vong cao nhất thế giới.
Trong đó hai vấn nạn thường xuyên xảy ra trên khắp đất nước Việt Nam là không tuân thủ luật lệ giao thông và lái xe quá tốc độ. Ðiều đau lòng nhất, 40% số vụ nghiêm trọng đều do thanh niên ở độ tuổi từ 15 đến 24 gây nên (số này chiếm 20% dân số Việt Nam).
Bộ Trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải Hồ Nghĩa Dũng, lấy số liệu từ cuộc thăm dò tại bệnh viện Chợ Rẫy-Sài Gòn, cũng cho biết: Khoảng 85% số vụ tại nạn giao thông liên quan đến người điều khiển xe máy...
Như tiên đoán trước vận mệnh nước nhà, từ thập kỷ 60, “đỉnh cao muôn trượng” của Việt Nam, Tố Hữu đã thốt lên những vần thơ đầy cảm hứng chết chóc:
Chúng ta con một cha, nhà một nóc.
Thịt với xương tim óc dính liền.
Quả là chỉ có chiến tranh, va chạm giao thông, chết bất đắc kỳ tử thì... thịt với xương, tim với óc mới dính liền được như thế?!
Xen giữa các cuộc dạo chơi, ăn uống là những cuộc trả lời phỏng vấn RFA, VOA, Chân trời mới... Bận, mệt nhưng vui mừng, cảm động đến mức xáo trộn cả tâm can... Tìm vào paltalk ra mắt anh chị em trong room, tôi lại được nghe những tiếng nói quen thuộc thân thương, được bày tỏ quan điểm của mình mà không lo lũ chó săn theo gót quan thầy quẳng “nghị quyết CP” vào nhà, hoặc đi theo rình mò từng bước như ở Việt Nam, mảnh đất lâu nay đã tràn ngập bóng dáng đảng, bác và công an, cũng là nơi cuối cùng tăm tối trên thế gian này...
Ðược đặt chân lên mảnh đất tự do, nhớ về câu thơ của cụ Thượng Thư Bộ Lại Nguyễn Công Trứ, tôi hứng khởi ngâm nga:
Kiếp sau xin cứ làm người
Làm công dân sống giữa đời tự do
Bao giờ cộng sản thành tro
Bà con dân Việt reo hò, hát ca
Sacramento cuối tháng 8, 2011
* Christian Marchant: Bí thư thứ nhất, viên chức chính trị của Ðại Sứ Quán Mỹ, người rất quan tâm tới các nhà dân chủ từng bị đánh khi vào thăm Cha Lý.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=138184&z=2
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét