Pages

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

Xin Chủ tịch nước trả lời trường hợp blogger Điếu Cày

Sài Gòn – Hôm qua, 20.10.2011, đúng một năm công dân Nguyễn Văn Hải – blogger Điếu Cày bị công an TP.HCM. bắt. tại Việt Nam không có bất cứ một quy định nào của pháp luật cho phép bắt giam người đến một năm như vậy. Vậy mà đến nay, công an Sài Gòn vẫn cố tình không thả và cũng không cho các con của ông Điếu Cày biết tình trạng sức khỏe, nơi giam giữ và ông bị giam giữ vì tội gì.
Nhiều người dân ở khắp Việt Nam bức xúc về cách hành xử kỳ lạ này. Hôm qua, blogger Mẹ Nấm đã khởi thảo một văn thư có tên: “Thư ngỏ gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về vấn đề bắt giam trái phép công dân Nguyễn Văn Hải”, để những ai quan tâm đến blogger Điếu Cày, đến tình trạng pháp luật của đất nước và chính sự an toàn của mình thì có thể lấy về, thêm bớt, rồi ký tên vào gởi đến văn phòng Chủ tịch nước.
VRNs xin góp phần chuyển phát thảo này đến với quý bạn đọc.

———–
Kính gửi Ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch Nước CH XHCN VN
V/v: về vấn đề bắt giam trái phép công dân Nguyễn Văn Hải.
Kính thưa ông,
Chúng tôi, những công dân Việt Nam cùng ký tên dưới đây, gửi thư này đến ông vì muốn ông quan tâm và can thiệp trong cương vị Chủ tịch nước đối với tình trạng giam giữ trái phép một công dân yêu nước.
Đó là trường hợp của ông Nguyễn Văn Hải, tức là blogger Điếu Cày và cũng là một cựu chiến binh của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam đã bị công an tiếp tục giam giữ cho đến bây giờ đã tròn một năm, sau khi ông đã mãn hạn 36 tháng tù giam về tội danh “trốn thuế” vào ngày 19/10/2011.
Cho dù bản chất của việc kết án xuất phát từ những bất đồng quan điểm của ngành Công an đối với những nỗ lực kiên cường của ông Nguyễn Văn Hải khi ông đồng hành cùng nguyện vọng của dân tộc để khẳng định chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.
Cho dù việc bỏ tù ông Nguyễn Văn Hải có vắng bóng công lý hay không thì ông cũng đã thi hành đúng thời hạn mà bản án đã dành cho ông. Việc tiếp tục giam giữ công dân Nguyễn Văn Hải, không có phán xét của tòa án, không một thông tin gì về ông đến thân nhân, và cũng không một tuyên bố chính thức gì về những quy trình pháp luật sẽ áp dụng cho ông… là một hành động vi phạm luật pháp, vô nhân đạo và không tôn trọng quyền công dân đã được Hiến Pháp Việt Nam công nhận.
Thưa ông,
Theo đúng nguyên tắc và kỷ cương của một nhà nước pháp quyền, Chủ tịch nước là vai trò cao nhất của chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Trong vai trò này và với một thời gian ngắn ngủi đảm nhận trách nhiệm nặng nề này, ông đã gửi đến nhân dân những tín hiệu tích cực:
Điển hình là những tuyên bố với ông về “quốc nạn tham nhũng” khi ông nói “Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là ‘chết’ cái đất nước này”.
Điển hình là tuyên bố mới nhất của ông về trách nhiệm Vinashin “Vấn đề Vinashin đảm bảo không bị chìm xuồng mà đang giải quyết lần lượt và sẽ có báo cáo với cử tri”; cũng như về phương hướng đổi mới phương pháp và bộ máy chống tham nhũng.
Ấn tượng và tạo phấn khởi hơn cả là khi ông tuyên bố “Vấn đề chủ quyền quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Bất cứ nước nào dù to hay bé cũng đều có nhận thức như vậy. Giữ vững độc lập chủ quyền, trong đó có chủ quyền biển đảo, trước hết phải dựa vào cơ sở quan trọng là luật pháp (luật quốc nội và luật quốc tế)…” và chứng minh lời nói của ông bằng hành động cụ thể qua chuyến viếng thăm Ấn Độ, tiếp tục những cam kết hợp tác khai thác dầu khí với quốc gia này trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Những tuyên bố và hành động của ông có ảnh hưởng lớn lao đến tương lai và vận mệnh của đất nước và vì thế đòi hỏi thời gian, ý chí và quan trọng hơn hết là thái độ nhất quán, trước sau như một, cũng như tinh thần thật lòng đặt Tổ Quốc lên trên hết của ông.
Trường hợp của công dân Nguyễn Văn Hải có thể được xem là một vấn đề nhỏ nhoi so với những chính sách của văn phòng Chủ tịch nước. Đối với một số người thì Tự do, Công lý và quyền của một công dân trong một nước 90 triệu dân có thể không đáng giá, nhất là khi so sánh với những vấn đề lớn trong những tuyên bố vừa qua của người Chủ tịch nước. Tuy nhiên, con người là vốn quý nhất của dân tộc và tự do là vốn quý nhất của một con người. Hơn thế nữa, trường hợp của ông Nguyễn Văn Hải không nằm trong phạm vi cá nhân mà là một vết nhơ tồi tệ của cả hệ thống pháp lý Việt Nam.
Ông Chủ tịch nước đã tuyên bố “Giữ vững độc lập chủ quyền, trong đó có chủ quyền biển đảo, trước hết phải dựa vào cơ sở quan trọng là luật pháp (luật quốc nội và luật quốc tế)”… Nếu “cơ sở quan trọng là luật pháp” không được tôn trọng cho một công dân Việt Nam thì chính quyền Việt Nam do ông ở địa vị cao nhất lãnh đạo, làm sao có thể dùng nền tảng luật pháp để giải quyết chuyện to lớn hơn là giữ vững độc lập chủ quyền?
Không kém phần quan trọng là nếu không tẩy sạch được những vết nhơ của nền luật pháp quốc gia thì làm sao ông có thể gầy dựng lại niềm tin của nhân dân vào một nền pháp lý công minh để có thể đồng lòng và đồng hành cùng người Chủ tịch nước giải quyết “độc lập chủ quyền”, loại trừ “bầy sâu tham nhũng”, và đảm bảo “Vinashin không bị chìm xuồng”?
Với những lý do trên và với quan niệm rằng vai trò Chủ tịch nước phải độc lập với những quyền lực chính trị khác, trách nhiệm đối với 90 triệu nhân dân đứng trên mọi trách nhiệm khác của ông, chúng tôi tin rằng ông sẽ có những quan tâm và biện pháp thích đáng để chấn chỉnh lại những sai trái, tái tạo niềm tin từ nhân dân mà chính nhiều quan chức phải công nhận là đã và đang khủng hoảng trầm trọng.
Xin ông hãy bắt đầu bằng một quyết định nhỏ và dễ nhất trong thẩm quyền của Chủ tịch nước: trả tự do ngay lập tức cho công dân, cựu chiến binh Quân đội Nhân dân Nguyễn Văn Hải.
Trân trọng gửi đến ông lời chúc sức khoẻ và quyết tâm cùng với nhân dân diệt trừ “bầy sâu tham nhũng”, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của Việt Nam và đặt Tổ quốc lên trên hết.
Tên:……………
*
Thư ngỏ này sẽ được gửi bằng đường bưu điện về:
Văn phòng Chủ tịch nước
1 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội.

Không có nhận xét nào: