Pages

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

Con Đường Đầy Ổ Gà Trước Mặt của Trung Cộng

Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei) – PBD dịch
Tình trạng bang giao của Trung Cộng với các cường quốc lớn đã xuống dốc nhanh chóng trong năm 2010, Bùi Mẫn Hân nói rằng giới lãnh đạo Trung Cộng cần phải thay đổi lối suy nghĩ.
Trung Cộng dưới mắt thế giới vào đầu năm mới hầu như không giống với Trung Cộng cách đây một năm. Trong nước thì mức độ lạm phát và lòng phẫn uất của người dân đang lên cao. Trong lúc giới lãnh đạo chính trị tại Bắc Kinh đang tranh giành quyền lực trước khi chuyển tiếp sang một thế hệ lãnh đạo mới, người dân thường tại nước này tỏ ra tức giận và thất vọng trước tình trạng giá cả leo thang, tham nhũng và gia cư quá đắt đỏ. Trong lúc đó, tại ngoại quốc, môi trường ngoại giao của Trung Cộng đã suy thoái trầm trọng đến mức nhiều nhà quan sát dầy kinh nghiệm phải nói rằng tình trạng bang giao của Trung Cộng với các cường quốc lớn và các nước láng giềng đã trở nên tệ hại nhất kể từ những ngày đen tối của cuộc đàn áp tại Thiên An Môn vào năm 1989.

Nếu xét đến các khó khăn lớn lao về chính sách đối nội và đối ngoại mà Bắc Kinh gặp phải trong năm 2011, có lẽ điều lạc quan nhất có thể nói được về tương lai của Trung Cộng trong năm tới là vì mức tác hại kinh tế và ngoại giao của Trung Cộng là do chính họ tạo ra cho nên giới lãnh đạo Trung Cộng ở trong vị thế có thể sửa chữa được hơn bất cứ ai khác. Dĩ nhiên, sửa chữa sai lầm không phải là con đường duy nhất, tình trạng tại Trung Cộng có thể trở nên suy đồi hơn nữa nếu để cho các thủ đoạn chính trị xen vào trong thời gian chuyển tiếp giới lãnh đạo này.
Trong nước, vấn đề quan trọng nhất chắc chắn phải là kiểm soát lạm phát. Trong mười năm qua, Trung Cộng đã áp dụng một chính sách tiền tệ lỏng lẻo (in quá nhiều tiền) và kềm chế tài chánh (tính lệ phí ký thác tiền để dành và lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất thích ứng của thị trường). Hai yếu tố này có thể đã giúp nước này tăng trưởng ở mức hàng chục phần trăm vì Trung Cộng dồn quá nhiều tiền vào việc phát triển thiên về đầu tư.
Nhưng vì thế mà đưa đến hậu quả tất nhiên là giá cả leo thang và tình trạng thổi phồng tài sản quá mức như bong bóng (trong trường hợp Trung Cộng, gia cư đã bị thổi phồng như bong bóng tại các khu vực thành thị). Kiểm soát lạm phát đòi hỏi không phải chỉ có các biện pháp ngắn hạn như tăng lãi suất và đánh giá lại tiền tệ mà thôi. Giải pháp dài hạn nằm trong những việc khó khăn hơn như giải tỏa lãnh vực tài chánh, cải tổ tài khóa và tư hữu hóa. Kể từ khi Trung Cộng gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới, nền kinh tế nước này, ngược với các kỳ vọng, càng trở nên trung ương tập quyền hơn và ít tự do hơn. Nhờ vay tiền dễ dàng và được nhà cầm quyền bảo vệ để không bị cạnh tranh từ các hãng ngoại quốc và lãnh vực tư nhân, các công ty của nhà nước nay chi phối các lãnh vực then chốt của nền kinh tế Trung Cộng (tài chánh, ngân hàng, năng lượng, dịch vụ viễn thông, tài nguyên thiên nhiên, thép và xe hơi) trong khi môi trường kinh doanh cho các hãng tư nhận năng động đã suy thoái nhiều.
Đồng thời, các chính quyền địa phương lại cấu kết với các nhà phát triển bất động sản để gia tăng tối đa lợi nhuận của họ từ thị trường nhà ở tăng vọt. Vì đã có thỏa thuận ngầm giữa các chính quyền địa phương và Bắc Kinh, phân nửa số thu nhập tài khóa của các tỉnh và thành phố tại Trung Cộng là từ việc bán đất. Nói cách khác, giá nhà tăng cao là kết quả không thể tránh được của hệ thống tài khóa hiện nay tại Trung Cộng vì đó chỉ là những khoản thuế trá hình. Do đó, muốn có gia cư vừa khả năng tài chánh cho người dân thì có nghĩa là phải giảm thuế.
Tiếc thay, các biện phải cải tổ cơ cấu cần thiết để tái lập quân bình cho nền kinh tế Trung Cộng và giải quyết nguyên nhân chính gây ra lạm phát sẽ không thể nào thực hiện được về mặt chính trị trong năm 2011. Làm như vậy sẽ tác hại đến các nhóm quyền lợi có ảnh hưởng trong thời gian chuyển tiếp giới lãnh đạo. Nhiều giám đốc các công ty của nhà nước và các lãnh tụ tỉnh đều là ủy viên của Ủy Ban Trung Ương Đảng Cộng Sản và các lãnh tụ cao cấp tại Bắc Kinh cần sức hậu thuẫn của họ hậu thuẫn để ôm được những chiếc ghế trong Bộ Chính Trị, một phần thưởng nhiều người thèm muốn, cho chính họ hoặc cho những người được họ đỡ đầu. Các biện pháp cải tổ như thế đã bị xem là quá khó khi mà nền kinh tế Trung Cộng còn khá hơn nhiều và cũng chưa đến lúc bàn chuyện chuyển tiếp giới lãnh đạo. Ngày nay thì hoàn toàn không thể đề cập đến các biện pháp này.
Vậy thì nhiều lắm thì chỉ có thể thấy được vài biện pháp màu mè lấy lệ bên ngoài và điều chỉnh ngắn hạn về mặt kinh tế. Biết được mối nguy hiểm chết người của lạm phát, giới lãnh đạo Trung Cộng sẽ sử dụng tất các phương tiện về chính sách họ có trong tay: tăng thêm các điều kiện dự trữ của ngân hàng, tăng lãi suất, kiểm soát giá cả, giới hạn các dự án đầu tư cố định và giới hạn tín dụng. Các biện pháp như thế có thể có tác động ngắn hạn nhưng sẽ không chữa được lành bệnh của nền kinh tế Trung Cộng. Và Bắc Kinh cũng cần phải thận trọng mà không hãm lại nền kinh tế quá gấp. Tất cả các biện pháp này sẽ làm chậm lại tốc độ tăng trưởng, nhưng nếu hốt hoảng mà đem ra áp dụng thì nền kinh tế Trung Cộng có thể khựng lại mà gây bất ổn.
Nhưng so với tình trạng chậm lại của nền kinh tế trong nước thì việc phục hồi mối bang giao đổ vỡ với Hoa Kỳ và các nước láng giềng có thể còn khó hơn nữa. Không rõ là giới lãnh đạo Trung Cộng có thực sự hiểu được là họ đã làm hại chính sách đối ngoại của họ đến mức nào hay không, và có hiểu được nguyên nhân đưa đến sai lầm của họ hay không. Điều đáng lo ngại về hành vi quốc tế của Trung Cộng trong năm 2010 không phải là chỉ một sai lầm lớn duy nhất, mà là một loạt các hành động cương quyết và ngạo mạn đã hoàn toàn làm mất giá trị của chính sách ‘phát triển trong hòa bình’ vẫn thường được Trung Cộng rêu rao. Rất khó có thể nói là các hành động này xuất phát từ quyết định thay đổi hướng đi rõ rệt ở cấp cao nhất của nhà cầm quyền Trung Cộng. Nếu nói vậy thì chẳng khác gì là quá tin vào cách hoạt động có hiệu năng và liền lạc của một chế độ theo Lênin. Ắt hẳn các thảm họa của chính sách ngoại giao của Trung Cộng trong năm 2010 là phản ảnh một lối suy nghĩ mới, một lối suy nghĩ kết hợp cả ngạo mạn (không thể ngăn chặn được đà vươn dậy của chúng tôi), phán xét sai lầm (Hoa Kỳ đang suy thoái và không làm được gì nhiều về Trung Cộng) và trở lại thái độ thù nghịch với nền tự do (các chế độ dân chủ của Tây Phương tiêu biểu cho mối đe dọa đến việc sống còn của chế độ độc quyền chính trị của Đảng Cộng Sản).
Muốn thay đổi một lối suy nghĩ tự hủy hoại như thế rõ ràng là phải mất một thời gian, và có thể cần có các bằng chứng thực tế, chẳng hạn như bị Hoa Kỳ và các đồng minh cùng các quốc gia bạn của Hoa Kỳ phản công vài lần, để cho thấy là lối suy nghĩ đó gây nguy hiểm cho các quyền lợi quốc gia của Trung Cộng. Tin mừng ở đây là giới lãnh đạo Trung Cộng cũng là những người thực tế, và bất luận họ có thể diễn giải các thất bại ngoại giao của họ trong năm 2010 như thế nào, điều rõ ràng bây giờ là họ đã bắt đầu một tiến trình sửa chữa hư hại.
Trọng tâm của tiến trình này trong năm 2011 là ổn định mối bang giao thật quan trọng giữa Trung Cộng và Hoa Kỳ. Chuyến viếng thăm chính thức của Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào hồi cuối Tháng Giêng đã dọn đường trước dù cho chẳng có bao nhiêu kết quả đáng kể. Nói cụ thể hơn, chúng ta có thể thấy Trung Cộng đưa ra một số biện pháp tích cực để xoa dịu Hoa Kỳ. Thí dụ như tiền của Trung Cộng có thể sẽ tiếp tục tăng giá so với đồng Mỹ Kim, dù không nhanh lắm (khoảng 5 phần trăm đến 6 phầm trăm về giá biểu kiến, và nhiều hơn về thực giá nếu tính luôn mức lạm phát tại Trung Cộng). Về các vấn đề kinh tế song phương khác, Bắc Kinh có thể hòa hoãn hơn về các quyền tài sản trí tuệ và xâm nhập thị trường. Một vài nhượng bộ cụ thể chắc có thể được áp dụng để cho thấy Trung Cộng sẵn sàng đáp ứng các quan tâm của Hoa Kỳ.
Về mặt an ninh, Trung Cộng cũng sẽ có thể gia tăng áp lực để kềm chế Bắc Triều Tiên, một nước đàn em hay gây rối, hầu kiểm soát tình trạng căng thẳng trên Bán Đảo Triều Tiên. Tái lập Các Cuộc Thảo Luận Sáu Bên sẽ là ưu tiên hàng đầu của Trung Cộng. Dù cho các cuộc thảo luận này đã không đi đến đâu trong việc thuyết phục Bắc Triều Tiên từ bỏ vũ khí nguyên tử, Trung Cộng tin rằng miễn là có thảo luận thì Bắc Triều Tiên sẽ không gây rối.
Vì Washington không tin là có được ích lợi gì để phải thảo luận với một nước lừa đảo vẫn cứ tiếp tục vi phạm các cam kết của mình thì dĩ nhiên Bắc Kinh sẽ khó thuyết phục được các nhà chính sách của Hoa Kỳ là nên thảo luận với Bác Triều Tiên. Tuy nhiên, vì mới đây có tiết lộ là Bình Nhưỡng đã có tiến bộ quan trọng trong chương trình tinh lọc uranium nên Washington có thể muốn thử lại giải pháp này.
Trước các tiến bộ nhanh chóng trong việc tối tân hóa quân sự của Trung Cộng, năm nay Bắc Kinh sẽ khó đánh tan bớt các nghi ngờ của Washington là khả năng quân sự mới của Trung Cộng là nhắm vào Hoa Kỳ và cốt để ngăn cản quân lực Hoa Kỳ hoạt động tự do trong vùng Đông Á.
Hiển nhiên là không ai trông đợi Trung Cộng tạm ngưng việc tối tân hóa sức mạnh quốc phòng của họ. Nhưng duy trì đường dây liên lạc cởi mở hơn với giới quân sự Hoa Kỳ và áp dụng những bước cụ thể để tránh tai nạn (chẳng hạn như ký một thỏa thuận về những vụ xảy ra ngoài biển) có thể hữu ích. Chính phủ Obama, nhất là Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert Gates, đã thúc giục Trung Cộng xúc tiến các liên lạc quân sự, và có thể có tiến triển phần nào về lãnh vực này trong năm nay.
Khó khăn hơn cho Trung Cộng là cải thiện bang giao với Nhật Bản như thế nào. Sau khi xỉ nhục Tokyo không đáng về việc nước này giam giữ một thuyền trưởng tàu cá vào năm 2010, Bắc Kinh cần phải có nhiều nỗ lực để lấy lòng lại giới chính khách và công chúng Nhật Bản. Về mặt này, ít nhất thì Bắc Kinh có thể giảm bớt những lời hung hăng ồn ào chống Nhật trong giới truyền thông báo chí, ngưng đưa các tàu đánh cá hoặc chiến hạm vào các vùng biển đang tranh chấp để tránh xảy ra những vụ đụng chạm không hay và tái lập đối thoại cấp cao. Những việc này không những là những viên thuốc đắng mà Bắc Kinh phải cố nuốt, mà còn có thể là các điều kiện tối thiểu để phục hồi bang giao Trung Nhật.
Một khó khăn thứ nhì tại Á Châu cho Trung Cộng là trấn an các nước láng giềng đang lo lắng tại Đông Nam Á. Sau khi đã lên tiếng tuyên bố bừa bãi rằng Biển Đông là một phần trong ‘quyền lợi nòng cốt’(*) của mình hồi năm ngoái, Trung Cộng đã gây lo sợ cho các nước mà trong hai thập niên qua Trung Cộng đã cần mẫn ve vãn. Muốn lấy lại lòng tin của các nước này, Trung Cộng sẽ phải áp dụng một đường lối mới về các tranh chấp tại Biển Đông. Xem ra thì Trung Cộng phải chấm dứt tình trạng ăn nói cẩu thả là Biển Đông là quyền lợi nòng cốt của họ. Một việc khác cũng cần phải làm là giải quyết mối lo ngại của các nước láng giềng về việc xây các đập nước ở miền tây nam Trung Cộng mà có thể đã làm sụt giảm nhiều mực nước trên Sông Mekong.
Khó mà biết giới lãnh đạo Trung Cộng có thấy được là họ phải cấp bách phục hồi các mối bang giao của Bắc Kinh với Washington, Tokyo và Đông Nam Á hay không. Nếu họ thấy được như vậy, và nếu họ áp dụng các biện pháp thích ứng về chính sách, con đường trước mặt họ vẫn có thể còn nhiều ổ gà, nhưng ít nhất thì cũng sẽ khá hơn nhiều so với năm 2010.
Minxin Pei is a professor of government at Claremont McKenna College and an adjunct senior associate at the Carnegie Endowment for International Peace
Source: The Diplomat
________________
Chú thích của người dịch:
(*) Có người gọi là “lợi ích cốt lõi”!

Không có nhận xét nào: