Pages

Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

Một hiện tượng


Bùi Tín - Sự xuất hiện của ông Hoàng Hữu Phước là một hiện tượng – a phenomenon. Trong tiếng Anh, từ này vừa có nghĩa đẹp là hiện tượng kỳ diệu, to lớn, khác thường, vừa có nghĩa xấu là kỳ quái, kỳ dị, quái đản. Tùy theo trường hợp. Trong thời buổi nhố nhăng, nghĩ cho cùng, một nhân vật kinh dị xuất hiện trên chính trường nước ta là hợp với lẽ thường của cuộc sống...

*
Quốc hội trong nước họp xuân thu nhị kỳ, tại phiên họp cuối năm nay vừa xuất hiện một nhân vật có thể gọi là «một hiện tượng».

Đó là ông nghị Hoàng Hữu Phước. Ông làm xôn xao dư luận suốt một tuần nay vì ông phát biểu về Luật biểu tình. Ông cho rằng Luật biểu tình không cần, chưa cần ở nước ta, còn nguy hiểm, có hại nữa, rằng dân trí ta còn thấp, chưa đủ trình độ để sử dụng quyền này, rằng cùng với Luật biểu tình Luật lập hội cũng không cần thiết, vì đã có Mặt trận Tổ quốc rồi.

Ông đưa ra nhiều dẫn chứng, rằng biểu tình đầu tiên trên thế giới là của ông Gandhi ở Ấn Độ, rằng ở phương Tây biểu tình đầu tiên ở Mỹ là vào năm 1960, thời Tổng thống Kennedy, rằng các cuộc biểu tình tự phát vừa qua ở Hà Nội, Sài Gòn đã cản trở giao thông, gây ùn tắc xe cộ, tạo khó khăn và bực tức của nhân dân,. Ông khẳng định là đa số nhân dân không cần, không muốn có Luật biểu tình.

Báo chí lề phải phỏng vấn ông. Báo chí lề trái lập tức phản pháo dồn dập với hơn 300 ý kiến trên một số blog tự do, cho rằng ý kiến ông nghị Phước sai trước hết là vi hiến, vì các Hiến pháp 1946, 1959,1980, 1992 đều có ghi quyền biểu tình của công dân, rằng ông đã bác bỏ chính kiến của thủ tướng và Quốc hội khi chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Quốc hội kỳ này đã ghi việc làm dự thảo và thông qua Luật biểu tình nằm trong chương trình làm việc của Quốc hội.

Ông nghị Phước bị phê phán nặng nhất là đã «khinh thị, băm bổ nhân dân», coi nhân dân là ngu dốt, do đó đã tự mình tát vào má mình, và bôi nhọ cả quốc hội, vì nếu nhân dân ngu dốt như ông nói thì ắt họ đã chọn những người dốt làm đại diện cho mình.

Nhiều bạn trẻ đã phê phán trình độ hiểu biết nông cạn của ông nghị này cũng như thói nói bừa nói liều của ông, vì biểu tình đã có từ thời cổ đại ở Hy Lạp, thời cận đại đã có biểu tình từ lâu, ít ra từ 1848 ở Tây Âu, rằng năm 1960 ở Hoa Kỳ Tổng thống Kennedy chưa cầm quyền, rằng

các cuộc biểu tình chống bành trướng ở Hà Nội và Sài Gòn không hề gây ùn tắc xe, tất cả những chứng cớ ông Phước nêu ra đều suy diễn hàm hồ, không xứng đáng ở mồm một đại biểu nhân dân, lẽ ra phải bình tĩnh, chững chạc, nói lên sự thật và công lý, có sức thuyết phục.

Phản ứng lý thú nhất là bài thơ ngắn của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên huấn trung ương, có thời là Bộ trưởng Văn hóa. Một quan chức nổi tiếng là cực kỳ bảo thủ đến mức cực đoan trong việc bảo vệ chế độ cực quyền đảng trị như Nguyễn Khoa Điềm, từng lên án, thẳng tay trừng trị các ông Hoàng Minh Chính, Lê Hồng Hà, Phạm Quế Dương, Hà Sỹ Phu…không chút phân vân, thế mà nay lại phản ứng bằng những câu thơ phẫn nộ, và còn cổ vũ cho con đường dân chủ, đủ thấy tình thế đã thay đổi đến đâu:

Nhưng…trên diễn đàn cao nhất nước

Có người coi nhân dân chưa đủ trí tuệ

Để hưởng Luật biểu Tình

Tôi nghĩ mãi

Ai đã bầu ra ông nghị này nhỉ ?

Không !

Sự sợ hãi không cứu được chúng ta

Mà chính là sự can đảm

Đi tới dân chủ

11-2011 N.K.Đ.

Có blog tự do đòi Quốc hội và cử tri phải bãi miễn ngay ông nghị Phước, đảng CS phải khai trừ ngay ông ta, vì ông ta đã bôi xấu đảng, hạ nhục nhân dân.

Chắc là ông Hoàng Hữu Phước đang sống những ngày ảm đạm, người thân, bạn bè của ông nếu có lương tri chắc cũng chia sẻ với tình trạng cô lập, bị phê phán tới tấp từ mọi phía của ông. Tôi không cần phải góp ý thêm làm gì. Tôi vốn thương những người dù có nhiều điều xấu xa, nhiều mưu mô thâm hiểm nhưng khi đã bị vạch lỗi, chỉ tội, tôi chỉ mong họ phục thiện tự nhìn lại mình. Nhưng mặt khác, tôi lại muốn giúp ông Phước giật mình ở một điểm khác nữa.

Ông Phước tự nhận là nhà kinh doanh quốc tế loại thượng thặng, giao du rộng với thế giới, từ London, Moscow đến Paris. Ông có blog emotion.com, hhphuoc blog.com và cả antichina.com nữa. Cùng công ty Mỹ - Á của ông, ông có quan hệ rất rộng, ông nghĩ thế.

Ông là con người của thế giới, một nhân vật quốc tế, kể rằng từng gửi điện thư cho Tổng thống Saddam Hussein của Irak, đề nghị ông này kết liên minh với đại Gíáo chủ Iran và người hùng Bắc Triều Tiên Kim Jong Il thành một trục mới mang tên «New – Axis». Đợi mãi ông không thấy Saddam Hussein trả lời, ông lại yêu cầu khẩn thiết :«Hãy cử tôi làm Đại sứ Đăc mệnh Toàn quyền của ông, tôi sẽ đi thương lượng với Iran và Bắc Triều tiên, và nhất định có kết quả». Sau khi Saddam Hussein bị bắt cuối năm 2003 và bị nhân dân treo cổ ngày 30-12-2006, có một nhà trí thức - doanh nhân Việt Nam tiếc ngơ tiếc ngẩn, tiếc rằng nếu như sáng kiến chính trị - ngoại giao của ông ta được thực hiện thì bộ mặt thế giới đã khác hẳn, Saddam. Hussein đã không chết, đã không có cuộc khủng bố 11-9-2001, đã không có chiến tranh ở Afghanistan, và đã không có cả khủng hoảng kinh tế - tài chính hiện nay.

Qua câu chuyện tự kể làm đại sứ đặc mệnh toàn quyền quốc tế hụt của ông Hoàng Hữu Phước thì việc ông nghị Phước phát biểu vung vít, bặm trợn trên diễn đàn Quốc hội, bị phản ứng từ mọi phía, âu cũng là chuyện tất nhiên.

Cho nên tôi cho rằng sự xuất hiện của ông Hoàng Hữu Phước là một hiện tượng – a phenomenon. Trong tiếng Anh, từ này vừa có nghĩa đẹp là hiện tượng kỳ diệu, to lớn, khác thường, vừa có nghĩa xấu là kỳ quái, kỳ dị, quái đản. Tùy theo trường hợp.

Trong thời buổi nhố nhăng, nghĩ cho cùng, một nhân vật kinh dị xuất hiện trên chính trường nước ta là hợp với lẽ thường của cuộc sống.


Không có nhận xét nào: