Ông đã vượt biên giới Trung Quốc và đến thủ đô Hà Nội trong chuyến hành trình tìm tự do.
Nhưng khi đến nơi, vừa đói lại thiếu tiền, ông Wang Weimin (tên giả - AFP đã đổi tên vì an toàn của ông và gia đình) mới hay cả sứ quán nước ngoài và cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc (LHQ) đều không chấp nhận yêu cầu tị nạn chính trị của ông.
Tháng Sáu năm nay, ông quyết định mình sẽ phải đến Thái Lan, "một xứ sở tự do".
Một nguồn tin nói với AFP những người trốn khỏi Trung Quốc ngày càng ngại chọn hành trình tương tự kể từ khi 20 người Hồi giáo Uighur trốn khỏi Tân Cương để vào Việt Nam rồi sang Campuchia, nhưng đã bị trục xuất tháng 12 năm 2009.
Phnom Penh xem những người này là tị nạn bất hợp pháp và đã trả họ lại cho Trung Quốc.
Theo AFP, ông Wang Weimin, mới ra tù cuối năm 2010, là một trong hơn 1000 công dân Trung Quốc mà các tổ chức theo dõi nhân quyền tin rằng đã bị bỏ tù vì quan điểm chính trị và tôn giáo.
Cầm tù
Ông Wang nói ông đã ở tù hơn 10 năm - lần đầu là vào giữa thập niên 1990 khi bị cáo buộc dẫn đầu một nhóm nhỏ sinh viên đòi dân chủ.
Đầu thập niên 2000, ông lại bị bắt vì phân phát tài liệu phản đối các chính thể độc đoán, và ông nói khi đó đã bị án tù 9 năm.
Sau khi ra tù, vào tháng Năm năm nay, ông bỏ trốn khỏi nhà để đến Quảng Châu. Tại đó ông không vâng lời cảnh sát, những người đã gọi điện thoại yêu cầu ông trở về.
Ông lại đi tiếp đến Quảng Tây ráp biên giới Việt Nam.
Theo lời kể của Wang, một người bạn giới thiệu ông với một phụ nữ Việt Nam. Bà này đưa ông đi qua biên giới, mà tại đó công an biên phòng Việt Nam bắt ông nộp 2000 tệ (khoảng 314 đôla).
"Từ đó, bạn tôi đã đưa tôi đến Hà Nội," ông kể.
Mang một văn bản viết tay với tiêu đề "Yêu cầu Tị nạn Chính trị", ông đến một vài sứ quán nước ngoài ở Hà Nội, nhưng ông nói họ không thể giúp ông. Cao ủy tị nạn LHQ (UNHCR) cũng vậy.
Bà Kitty McKinsey, phát ngôn nhân khu vực của UNHCR, nói với AFP: "Chúng tôi chỉ có thể chấp nhận và giải quyết đơn tị nạn nếu chính phủ chủ nhà đồng ý, và chính phủ Việt Nam thì không cho phép."
Tiếp tục ra đi
Không có kết quả gì tại Hà Nội, ông Wang đón xe buýt vào TP. HCM, hướng về phía Campuchia và từ đó đi sang Thái Lan.
Sau nhiều ngày cố tìm cách qua biên giới, một người Trung Quốc chỉ cho ông cách băng qua một con sông nhỏ.
"Tôi bỏ hành lý và lên thuyền, đi qua sông. Một lính người Campuchia yêu cầu tôi xuất trình hộ chiếu. Tôi nói không có và tưởng rằng toi đời rồi."
Tiền hối lộ giúp giải quyết vấn đề.
"Anh ta bắt tay tôi và nói bằng tiếng Hoa rằng tôi có thể đi."
Ông đón xe buýt đi Phnom Penh nhưng không ở lại lâu vì "chính phủ Campuchia luôn trả người tị nạn chính trị về Trung Quốc".
Xe buýt thả ông xuống biên giới với Thái Lan. Tại đó, một người lái xe ôm giúp ông tìm một kẻ buôn người.
"Tôi cho hắn 40 đôla và ông ta đưa tôi đến Thái Lan."
Đó là ngày 1 tháng Bảy. Thêm một chuyến xe buýt cuối cùng, và ông có mặt ở Bangkok.
Như vậy, hơn một tháng sau khi bỏ trốn khỏi nhà, và khoảng hai tuần sau ngày rời Hà Nội, ông Wang đã đến "xứ sở tự do".
Chờ đợi
Nhưng tự do chỉ đem lại tuyệt vọng, phẫn uất và bất an.
Ông kể rằng đã hết tiền và phải ngủ bên ngoài văn phòng UNHCR nhiều ngày trong khi gửi đơn xin tị nạn.
"Có thể tôi đi tìm việc, nhưng sẽ phải làm lậu...Có nhiều người Hoa ở đây, có lẽ họ giúp tôi được."
Wang Weimin, người xin tị nạn
Nhờ được nhiều người giúp đỡ, kể từ ấy, tinh thần ông đã khá hơn.
"Có thể tôi đi tìm việc, nhưng sẽ phải làm lậu...Có nhiều người Hoa ở đây, có lẽ họ giúp tôi được."
"Tôi không thể nói sẽ đi nước nào. Tôi không biết."
Tính đến tháng Giêng năm nay, UNHCR đang giải quyết hơn 7.700 đơn tị nạn của các công dân từ Trung Quốc.
Đa số đi bằng máy bay, và phần lớn xin đi Mỹ, Pháp, Nam Phi, Canada, Úc hay Anh.
Một nhân viên tị nạn của một tổ chức giúp ông Wang, nói nếu ông kiên nhẫn, có thể ông sẽ được chấp thuận, mà điểm đến có thể là nước Mỹ.
Bà nói trường hợp của ông "là một trong những vụ đáng chú ý nhất mà tôi thấy...nhưng sẽ phải mất thời gian".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét