Pages

Thứ Năm, 10 tháng 11, 2011

Một phiên tòa có nhiều điểm sai?

AFP PHOTO
Bên ngoài Tòa án nhân dân Hà Nội nơi diễn
 ra phiên xử hai học viên Pháp Luân Công
ngày 10 tháng 11 năm 2011.

Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2011-11-10
Nhìn dưới khía cạnh luật pháp, phiên xử hai học viên Pháp Luân Công là Vũ Đức Trung và Lê Văn Thành tội “đưa thông tin trái phép lên mạng viễn thông” đã có nhiều điểm sai với quá trình tố tụng.




Phiên tòa của hai học viên Pháp Luân Công là Vũ Đức Trung và Lê Văn Thành tội “đưa thông tin trái phép lên mạng viễn thông” theo điều 226 Bộ luật Hình sự Việt Nam kết thúc hôm sáng thứ Năm sau hơn 2 tiếng đồng hồ xét xử. Nhìn dưới khía cạnh luật pháp, phiên tòa có nhiều điểm sai với quá trình tố tụng. Ngay cả việc áp dụng điều 226 cho trường hợp này cũng không hoàn toàn phù hợp.


Trái phép nghĩa là gì?

Luật sư Trần Đình Triển, người bào chữa cho anh Vũ Đức Trung và Lê Văn Thành trao đổi với Quỳnh Chi ngay sau khi phiên xử kết thúc. Trước tiên, ông cho biết:
Trái phép nghĩa là gì? Nghĩa là phải được pháp luật cấm đưa những thông tin đó lên trên viễn thông. Công dân được làm những gì pháp luật không cấm. Luật pháp VN chưa cấm Pháp Luân Công.
LS Trần Đình Triển
LS Trần Đình Triển: Theo quan điểm của một người luật sư, của pháp luật Việt Nam và của những qui định của công ước quốc tế, tôi khẳng định thân chủ của tôi không có tội. Hành vi đó chỉ vi phạm Pháp lệnh Bưu chính viễn thông và nghị định chính phủ qui định về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực bưu chính viễn thông. Công suất phát thanh của đài radio Tiếng nói Hy vọng chỉ là 200 W, theo pháp lệnh, người thực hiện hành vi đó chỉ bị xử phạt hành chính và tịch thu phương tiện.
Quỳnh Chi: Thưa luật sư, Bộ luật HS Việt Nam 1999 không hề có qui định về việc đưa thông tin trái phép lên mạng viễn thông, còn việc áp dụng Bộ luật HS năm 2009 có bổ sung đối với trường hợp này thì có hợp lý không?
LS Trần Đình Triển: Bộ Luật HS năm 1999 chưa đề cập đến việc đưa thông tin trái phép lên trên mạng viễn thông. Bộ luật HS năm 2009 mới bổ sung, đưa vào quy định hành vi đưa thông tin trái phép lên mạng viễn thông và vi phạm hình sự.

000_Hkg5563506-250.jpg
Anh Vũ Đức Trung, học viên Pháp Luân Công tại phiên xử ở Tòa án nhân dân Hà Nội ngày 10 tháng 11 năm 2011. AFP PHOTO.
Để thi hành luật sửa đổi bổ sung, những hành vi xảy ra trước đó phải được áp dụng theo luật cũ. Hành vi đưa thông tin lên làn sóng phát thanh Tiếng nói Hy vọng xảy ra vào tháng 4 năm 2009, nghĩa là lúc bộ luật HS chưa sửa đổi, thì không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với anh Trung và Thành được. Một vấn đề nữa là, trong qui định của pháp luật, phải đưa “thông tin trái phép” thì mới gọi là vi phạm. Trái phép nghĩa là gì? Nghĩa là phải được pháp luật cấm đưa những thông tin đó lên trên viễn thông. Công dân được làm những gì pháp luật không cấm. Luật pháp Việt Nam chưa cấm Pháp Luân Công.

Quỳnh Chi: Một số lập luận cho rằng việc đưa các thông tin lên radio của anh Vũ Đức Trung và Lê Văn Thành gây hại đến Trung Quốc. Ông nghĩ sao về lập luận này?
LS Trần Đình Triển: Công dân Việt Nam ở tại Việt Nam, thực hiện hành vi đó tại Việt Nam thì phải áp dụng pháp luật Việt Nam, chứ không thể theo luật pháp Trung Quốc. Tại phiên tòa, tôi đã đưa ra Hiệp định Tương trợ Tư pháp 1998 giữa Việt Nam và Trung Quốc. Theo hiệp định này, (vi phạm) luật pháp ở nước nào thì xử theo luật pháp nước đó. Tôi nói lên việc này không phải chỉ để bảo vệ thân chủ của tôi là anh Thành và Trung, mà để bảo vệ cả đất nước, dân tộc Việt Nam – một dân tộc có độc lập chủ quyền luật pháp riêng; không thể biến mình trở nên lệ thuộc, cũng không thể sử dụng công dân của mình làm “quà biếu” hay làm vật tế thần cho một nước nào cả.
Quỳnh Chi: Ông nhận xét như thế nào về quá trình tố tụng của phiên tòa khi có ý kiến cho rằng quá trình điều tra dựa vào việc áp dụng điều 226 Bộ luật HS Việt Nam không hoàn toàn hợp lý?
Họ đã xử anh Trung 3 năm, tức mức thấp nhất của khoản 2. Đó là một sự “cân nhắc” của tòa. Tuy nhiên, đã không có tội thì phải được tự do chứ không phải ngồi một ngày nào trong tù.
LS Trần Đình Triển

LS Trần Đình Triển: Về những tình tiết vi phạm quá trình tố tụng. Ví dụ, có hai bản cáo trạng cách nhau 5 tháng mà giống nhau đến 99%. Cho nên, việc kéo dài như thế là vi phạm về mặt tố tụng. Thứ hai, thẩm quyền điều tra căn cứ vào pháp lệnh thì thẩm quyền đối với điều 226 là thuộc về cơ quan điều tra cảnh sát chứ không phải cơ quan an ninh điều tra. Tôi cũng yêu cầu trưng ra văn bản cho thấy việc học Pháp Luân Công là vi phạm pháp luật bởi khi đó mới áp dụng được điều 226 là “đưa thông tin trái phép”. Và nếu cho rằng việc này ảnh hưởng đến đường lối đối ngoại thì tôi nói rằng tôi sẽ công bố một số tài liệu.
Thứ nhất, một văn bản của phía Trung Quốc gởi cho Việt Nam vào tháng 4 năm 2010 báo rằng có một đài radio phát thanh tại Việt Nam mà không nói gì đến Pháp Luân Công cả.
Thứ hai, đến tháng 5 thì có một công hàm của Trung Quốc để ca ngợi về việc phối hợp giải quyết vấn đề Pháp Luân Công. Những văn bản này có trước việc khởi tố các thân chủ của tôi, tức vào tháng 6 năm 2010. Đó là những điều rất bất bình thường.

Không có tội thì phải được tự do

Quỳnh Chi: Theo cáo trạng, anh Trung bị truy tố theo điều 226, khoản 1, điểm a. Khung hình phạt cao nhất cho hành vi vi phạm này là 3 năm tù giam. Anh Vũ Đức Trung bị kêu án 3 năm tù giam, có phải anh ấy chịu bản án cao nhất trong khung?

images559097_1-200.jpg
Luật sư Trần Đình Triển, người bào chữa cho anh Vũ Đức Trung và Lê Văn Thành. Ảnh chụp tại văn phòng của Ông trước đây. File photo.
LS Trần Đình Triển:
Có một sự thay đổi trong phiên tòa hôm nay. Đó là trong cáo trạng ban đầu, vụ án được khởi tố theo khoảng 1 điều 226, mức tù cao nhất cho tội này là 3 năm. Hôm nay tòa chuyển sang khoản 2, tức mức án nặng hơn và 3 năm là án thấp nhất cho tội này. Và họ đã xử anh Trung 3 năm, tức mức thấp nhất của khoản 2. Đó là một sự “cân nhắc” của tòa. Tuy nhiên, đã không có tội thì phải được tự do chứ không phải ngồi một ngày nào trong tù.

Quỳnh Chi: Những gì ông vừa trình bày có được mang ra tranh luận tại phiên tòa không?
LS Trần Đình Triển: Những gì mà tôi vừa nói đều được mang ra phản biện trước tòa và được rất nhiều cơ quan báo chí Việt Nam đồng cảm. Họ nói rằng những gì tôi nêu lên là rất đúng nhưng không thể đưa lên báo chí được.
Quỳnh Chi: Vậy còn phía HĐXX, lập luận của họ như thế nào thưa ông?
LS Trần Đình Triển: Hội đồng xét xử căn cứ vào tranh luận tại tòa. Họ có lắng nghe, nhưng họ có chấp nhận hay không là quyền của tòa. Và họ cũng bác bỏ hết những quan điểm đó của tôi. Họ nói rằng việc thân chủ tôi phát những thông tin ấy là gây hại cho quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đó là căn cứ duy nhất của họ. Lúc ấy, tôi có lập luận lại rằng vậy thì những chính sách từ xưa đến nay trong việc chồng lấn biên giới, vấn đề nêu lên ý kiến trong việc đầu tư, đồng hóa dân tộc, chủ quyền biển Đông… những việc như thế thì báo chí, các vị cách mạng lão thành, các nhà trí thức nêu lên. Vậy có phải xử những người đó không?
Quỳnh Chi: Vâng, câu hỏi cuối thưa ông. Nếu ông tin rằng thân chủ của mình vô tội, ông có sẵn sàng tham gia bào chữa nếu có họ kháng cáo không ạ?
LS Trần Đình Triển: Tùy vào việc anh Trung và Thành có kháng cáo hay không; viện Kiểm sát có kháng nghị hay không mà xét đến tòa án phúc thẩm. Nếu có trình tự phúc thẩm mà thân chủ vẫn mời tôi thì tôi tiếp tục bào chữa cho họ. Quan điểm của tôi trước sau như một không thay đổi (là họ vô tội).
Quỳnh Chi: Xin cám ơn luật sư Trần Đình Triển.

Không có nhận xét nào: