Vụ việc ở giáo xứ Thái Hà là tâm điểm của truyền thông hai giới “lề trái” và “lề phải” trong vòng một tháng trở lại đây. Phía chính quyền sở hữu bộ máy truyền thông khổng lồ, với đội ngũ phóng viên đông đảo, hùng hậu được trả nhiều bổng lộc, những máy móc thiết bị tối tân với nguồn tài chính dồi dào bất tận hậu thuẫn đằng sau để tấn công vụ giáo xứ Thái Hà. Chẳng những phương tiện tấn công hùng hậu mà cả những bộ phận bọc lót đằng sau như Tổng cục kỹ thuật bộ Công an, An ninh văn hóa… cũng sẵn sàng cản phá trái luật để triệt hạ đối phương.
Đối diện với lực lượng hùng hậu như vậy, truyền thông lề bên trái lực lượng mỏng bị phân tán, mặt trận của họ không rộng như “lề phải” có truyền hình, báo giấy, loa truyền thanh phường. Lề bên trái chỉ trông cậy vào mặt trận truyền thông trên internet. Ngược lại với truyền thông “lề phải” được sự hỗ trợ tối đa của ngân sách nhà nước, tiền của, phương tiện của nhân dân thì truyền thông “lề trái” chỉ có những người tự nguyện “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.
Thế nhưng nhìn lại những gì mà truyền thông của chính quyền đưa ra thật đơn điệu, hầu như từ khi xảy ra sự việc truyền thông “lề phải” chỉ đi vào lối mòn khiên cưỡng , áp đặt một chiều quanh đi, quẩn lại chỉ một nội dung: “Nhà thờ đòi đất là chống đối chính quyền”.
Từ bài báo đầu tiên đến bài báo cuối cùng tính đến ngày hôm nay thứ ba ngày 8-11-2011 trên báo An Ninh Thủ Đô vẫn chỉ một nội dung như vậy. Thậm chí đến những nhân vật đóng vai “nhân dân” cũng không mới chút nào, vẫn Phạm Văn Luận, Nguyễn Thị Lý lên mặt báo lèm bèm nhai lại những lời cũ rích được mớm sẵn.
Trong khi truyền thông lề bên trái tin tức đa dạng, phong phú, những bài bình luận sắc bén đầy tính chính luận cho đến những bài viết châm biếm, hài hước. Những tin, ảnh phong phú, chi tiết rõ ràng. Nội dung đa chiều, cách đưa tin cũng đa dạng về hình thức, đa dạng về nội dung. Cập nhật liên tục những tin tức mới và những bài viết mới của nhiều cây bút khác nhau, tạo thành một khối thông tin đồ sộ, hấp dẫn bạn đọc. Điều đặc biệt hơn nữa là tính chất lan rộng, nhanh chóng do được nhiều trang điện tử đăng tải.
Ngay tờ An Ninh Thủ Đô số ra ngày 8-11-2011 phải thừa nhận rằng: “Hàng loạt các trang điện tử khác cùng đồng loạt la lối, vu cáo người dân là cồn đồ đến đập phá nhà thờ, tấn công linh mục…”.
Sự việc đám người dân kia có phải là côn đồ hay không thì đã quá rõ ràng. Một đám cán bộ, đoàn thể, chính quyền, an ninh ngầm kéo đến nơi thờ tự của người ta la hét, xô đẩy, chửi rủa các tu sĩ, linh mục lại được truyền hình đi theo, cảnh sát sắc phục bảo vệ, trữ sẵn búa tạ phá cổng dù có bao biện thế nào đi nữa thì vẫn là hành động của đám côn đồ. Điều đáng nói ở đây là tờ báo này đã phải thú nhận sự thực là có “hàng loạt các trang điện tử đồng loạt”. Một thất bại ê chề của truyền thông “”lề phải”” được chính thức công nhận. Đây là sự thú nhận muộn màng, thực ra truyền thông của chính quyền đã thất bại từ khoảng 3 năm trở lại đây. Khi lượng người đọc truy cập vào những trang “lề trái” đã áp đảo hoàn toàn số lượng người đọc báo chính quyền.
Từ Dân Báo của Câu lạc bộ nhà báo Tự Do do cựu chiến binh Nguyễn Văn Hải tức blogger Điếu Cày sáng lập đến Dân Làm Báo ngày nay. Từ Nữ Vương Công Lý, Chúa Cứu Thế, đến Ba Sàm, Xe Ôm, TTX Vàng Anh, Nguyễn Xuân Diện, Phạm Viết Đào… truyền thông lề bên trái đã tiến những bước dài vượt bậc. Trái lại truyền thông “lề phải” chỉ lẹt đẹt với nỗi niềm quanh quẩn trong hệ ý thức nghèo nàn, bảo thủ.
Không chỉ yếu kém trong nội dung, nghèo nàn trong ý tưởng, bất nhân trong nhận thức, mà hiện tượng người dân quay lưng với những tờ báo chính thống này đã phản ứng tình trạng đó. Những tờ báo như An ninh Thủ đô, Công an Nhân dân… thường chỉ ăn khách với những kẻ hiếu kỳ lấy Cướp, Giết, Hiếp làm mục tiêu thông tin, ngoài ra, những người có lương tri, có nhận thức đều ngoảnh mặt.
Sự yếu kém và tụt hậu của truyền thông “lề phải” là điều tất yếu bởi cùng chung số phận với sự lạc lõng, loay hoay của mớ lý luận Mác – Xít lỗi thời. Cùng chung hệ quả tụt dốc thảm hại của kinh tế, chính trị, văn hóa và suy thoái của chế độ là điều đương nhiên.
Sự thất bại của truyền thông “lề phải”, là dấu hiệu bắt đầu cho thấy sự lung lay của thể chế mà nó phục vụ. Nó cho thấy những nhà làm truyền thông “lề phải” vốn đã không có chính nghĩa, không có lương tâm chỉ chạy theo đồng tiền làm động cơ, giờ cũng không còn tâm lý để làm việc nữa.
Điều khác nhau cơ bản với những người làm báo “lề phải” là những người làm báo chí “lề trái” có trong tim sự nhiệt huyết với những vấn đề sống còn của xã hội, của đất nước, tôn trọng sự thật, ghét dối trá.
Như đám mây, tiếng sấm trước cơn mưa dông. Dấu hiệu suy tàn của thể chế này đã báo hiệu qua sự suy yếu về truyền thông, như kẻ sắp lìa đời khó nhọc cất những lời phều phào, ngớ ngẩn, vô nghĩa. Truyền thông “lề phải”, truyền thông CNXH trong tình trạng hiện nay phản ánh đúng điều như vậy.
Sự hấp hối của truyền thông “lề phải” chính là sự thể hiện độ mục nát của một thể chế lấy bạo lực làm cơ sở tồn tại, lấy dối trá làm tư tưởng để “phục vụ nhân dân”.
Thái Sơn
Nguồn: Nữ Vương Công Lý
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét