Pages

Thứ Tư, 1 tháng 5, 2013

An ninh Bộ cơ đấy!




Hoàng Dũng CĐVN - Như các anh chị đã biết, 6 người chúng tôi ghé thăm nhà anh Trội ở xã Chương Dương, Thường Tín vào buổi sáng nay. Khi về tới nơi thì đã có 2 công an ngồi ở nhà anh Trội chờ - chào đón. Ngồi một xíu thì 2 người rút, chúng tôi (anh Phạm Hồng Sơn, thày Đỗ Việt Khoa, anh Mai Dũng, anh Vũ Quốc Ngữ, anh Tùng và tôi) vui vẻ trò chuyện về chuyện anh Trội khi còn ở trong tù (vui lòng google từ khóa Phạm Văn Trội để biết thêm thông tin), chuyện về công an, an ninh biết chuyện hôm nay chúng tôi ghé thăm anh Trội mà quanh quẩn ở ngoài.

Đang ăn trưa thì ở ngoài cổng an ninh liên tục gọi anh Trội đòi mở cổng vào nhà, làm tôi giờ đây thắc mắc hai chữ an ninh quá! Các anh đang giữ an ninh cho làng xóm hay lại đang làm rối an ninh xung quanh?

Anh Trội dù phải nói rằng "Trời đánh tránh miếng ăn" nhưng cũng không làm cho họ ngừng quấy an ninh. Mọi người đành phải ăn vội vàng để ra về, kẻo làm phiền nhiều cho gia đình anh Trội. Cảm ơn anh Trội về bữa cơm ngon, hì hì.

Sáu người tạm biệt anh Trội ra về, mở cổng thì đã có khoảng 20 người mặc thường phục ùa ra đón, mời về Công an xã Chương Dương để làm việc về việc dám đến thăm nhà một cựu tù nhân lương tâm còn đang phải chịu án quản chế.

Tôi là người bị "đi cung" đầu tiên, với an ninh Bộ Công an - Cục bảo vệ Chính trị nội bộ - Cục chuyên trách theo dõi hoạt động của Phong trào Con đường Việt Nam.

Chỉ vài câu hỏi ngắn gọn liên quan đến việc có mặt ở nhà anh Trội như ai mời, với ai, đi thế nào... Sau đó lại quay về những câu hỏi liên quan đến các hoạt động của Phong trào Con đường Việt Nam, ngay cả đến các bác đọc note này thấy cũng chán. Một phong trào với mục tiêu làm cho quyền con người được tôn trọng và bảo vệ trên hết, bình đẳng ở Viêt Nam mà cũng làm cho Bộ Công an lo lắng và sợ hãi. Hơn nữa, tôi lại chưa có bất cứ đóng góp nào vào mục tiêu này, mà cũng bị/được săn sóc như vậy.

Trong khi làm việc, họ còn đưa ra 2 thông tin rằng họ đang điều tra một đơn tố cáo tôi và thông tin cho rằng tôi ủng hộ tiền cho ai đó 20 triệu. Trời, bỗng dưng tôi giàu dữ! Hay là trong lúc mộng linh tinh mà tôi đưa cho ai đó chăng? Ai nhận được xin hú lên để tôi xin lại nhé, hoặc gửi cho tôi biên lai nhận tiền, hehe.

Họ có hỏi về cuốn sách "Câu chuyện về Quyền Con Người" và tôi nói rằng tôi có 6-8 cuốn. Đã kịp tặng cho chị Thanh Nghiên 1 cuốn, anh Chí Đức 1 cuốn, để ở nhà 1 cuốn, còn lại là để ở Sài Gòn. An ninh Bộ cho rằng việc lưu hành cuốn sách đó ở Vn là vi phạm pháp luật. Tôi nói rằng tôi mong các anh làm um chuyện này lên để chứng minh tôi đã vi phạm pháp luật khi có trong tay và tặng 1, 2 người bạn cuốn sách quyền con người đó và tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm nếu như việc đó vi phạm pháp luật. Tôi muốn nhiều người hơn nữa biết và muốn tìm hiểu về quyền con người.

Ngoài ra, họ có hỏi tôi về việc ký "Kiến nghị 72", có biết đó là hành động vi phạm nghị quyết 38 gì đó không? Họ hỏi về "Tuyên bố công dân tự do", ai là người khởi xướng...

Có vẻ như họ rất sợ cái buổi nói chuyện về quyền con người ngày 5/5 tới ở Hanoi, Nha Trang và Saigon. Họ hỏi tôi tham dự ở đâu. Tôi nói tôi sẽ tham dự, nếu về kịp Sài Gòn thì tôi sẽ tham dự ở Sài Gòn. Họ còn cố gắng tìm hiểu xem Phong trào Con đường Việt Nam có liên quan gì đến buổi này không?! Tôi nói rằng không vì chuyện đấu tranh cho quyền con người không phải là của riêng phong trào này hay chuyện tìm hiểu về quyền con người không phải là chỉ là quyền của phong trào, mà nó là quyền của bất cứ một công dân bình thường nào.

Khoảng 4pm, buổi làm việc có vẻ như kết thúc, họ yêu cầu tôi đọc lại biên bản và ký. Tôi đọc và không ký vì tôi không thích ký và cho rằng đây chỉ là buổi nói chuyện. Các anh mời tôi về làm việc, tôi đã đồng ý về và trả lời các câu hỏi của các anh, đó chính là sự hợp tác rất tốt của tôi rồi. Ba người (tôi, Giang và Tới) tranh luận một chút về việc hèn không dám ký thì 2 công an thường phục đứng trong phòng bắt đầu lớn tiếng: Không ký đánh cho bằng ký thì thôi...

Cái hèn hạ bắt đầu xuất hiện từ đây!

Tới và Giang nghe thấy vậy bèn để lại biên bản và lẳng lặng rút ra khỏi phòng. Tôi chợt hiểu ra vấn đề. Tới và Giang - 2 nhân viên an ninh cục bảo vệ chính trị nội bộ - Bộ Công An thật hèn hạ khi có hành động đó. Hèn hơn cả 2 công an già kia khi họ lao vào tát, đấm tôi. 

Tuy chỉ 1 cái tát, 2 cú đấm gãi ghẻ và vài câu chửi dọa dẫm để bắt tôi ký, nhưng nó lột tả hết mức cái sự trắng trợn ngồi xổm lên pháp luật của những nhân viên bảo vệ pháp luật. 

Sau khi lãnh 3 cú đánh, tôi có nói với 2 côn an kia rằng: Cháu (họ khá già) giữ quyền không ký biên bản nhưng không giữ quyền được bảo vệ thân thể, các chú đã xâm phạm thân thể cháu. Nói một hồi cũng không làm tôi ký, họ đành bỏ ra ngoài, cầm theo biên bản. Nhìn ra ngoài, hàng chục an ninh, công an thường phục đang đứng nhìn sự việc qua cửa kính một cách bình thản. Thật đáng để thở dài một tiếng.

Trước khi ra về, một an ninh còn dọa tôi: Ngay tối nay hoặc chậm nhất ngày mai phải rời Hà Nội, nếu không %^((*^%##^&((&. 

Tôi tưởng phải đi bộ về thì chính một trong hai người đánh tôi lúc nãy đề nghị chở tôi về. Tôi đồng ý vì lúc bị đánh, lúc đó và ngay cả lúc này, tôi chẳng thấy có gì đáng phải căm thù họ cả. Bởi đơn giản tôi nghĩ họ chỉ là do nhận thức quá kém về pháp luật và những người hoạt động, đấu tranh khác phải tiếp tục các việc làm để họ phải dần tôn trọng pháp luật hơn nữa. Tôi chỉ thấy cái hành động bỏ ra ngoài của Tới và Giang là cực kỳ hèn hạ mà thôi, anh Tới và em Giang ạ!

Ra ngoài, kể lại sự việc thì anh Phạm Hồng Sơn cho rằng cần phải không đồng ý để cho tay công an kia đưa về giúp, bởi hắn chính là người đánh mình. Có lẽ lần sau (nếu còn bị xâm phạm thân thể) tôi sẽ nghe theo anh Sơn, nhưng cũng có thể không, bởi tôi muốn cho họ thấy rằng việc đánh đấm tôi không làm cho tôi thấy căm giận hay phản kháng không hay, mà ngược lại, họ sẽ cứ tiếp tục ngồi lên pháp luật nữa đi, để một ngày họ phải gặm nhấm cái sự sám hối ngày càng nhiều khi họ hiểu ra vấn đề. 

Vài ngày ở Hà Nội cũng đã kịp cho tôi được hưởng thời tiết mát lành ở Hà Nội, những món ăn ngon mà bạn bè đãi, những cái bắt tay với các anh chị mà tôi ngưỡng mộ và cũng kịp cho tôi 2 buổi làm việc với những người bảo vệ pháp luật. Thật là một chuyến đi nhiều kỷ niệm...

Hà Nội ngày Quốc tế Lao động 2013.

Không có nhận xét nào: