(Le Point 16/05/2013) - Nợ chính phủ, nợ của các tỉnh và nợ của các công ty quốc doanh Trung Quốc lên đến gần 200% tổng sản phẩm nội địa.
Có một luật kỳ lạ: khi một tòa nhà chọc trời đánh bại kỷ lục thế giới về độ cao, thì lại xảy ra một sự cố tài chính tại đất nước nơi mà tòa nhà đó mọc lên. Năm 1929, tòa nhà Empire State Building đoạt được danh hiệu này ở New York trước khi xảy ra Ngày Thứ Năm Đen tại thị trường chứng khoán Wall Street. Vào mùa hè năm 1997, ngôi vị này vào tay tòa tháp đôi Petronas ở Kuala Lumpur, thủ đô Malaysia, ngay trước khi diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Hay là mới đây vào năm 2009, Burj Khalif trở thành tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới, ngay sau đó là vụ hệ thống ngân hàng của Dubai sụp đổ. Cơn hứng thú tài chính thường được diễn đạt bởi ước muốn chạm tay đến trời, nhưng thường thì lại chấm dứt một cách tệ hại.
Chính về phía Trung Quốc mà chiếc la bàn khủng hoảng hiện đang hướng đến. Không chỉ vì tại đó người ta xây dựng tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới tại thành phố Trường Sa thuộc tỉnh Hồ Nam - cao 838 mét với 104 thang máy - nhưng nhất là vì đất nước này đang đụng chạm một cách nguy hiểm đến các giới hạn trong mô hình phát triển của mình.
Một công trình địa ốc đang được xây dựng ở Liêu Ninh. Ảnh chụp ngày 17/03/2013. |
Đã ba mươi năm qua Trung Quốc phát triển nền kinh tế bằng cách huy động bộ máy xuất khẩu quy mô nhất mọi thời đại. Cần phải tạo ra từ 15 đến 20 triệu việc làm mỗi năm để hấp thu đội quân lao động nhập cư bị thu hút bởi ánh đèn của các thành phố duyên hải, từ các làng quê đổ về.
Song song đó, Bắc Kinh ấn định hối suất ở mức thấp, giúp tạo ra được thặng dư thương mại to lớn, là nguồn cung cho lượng dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới: 3.450 tỉ đô la vào cuối tháng Tư 2013. Theo ngôn ngữ của các nhà kinh tế, thì chiến lược này được gọi là “mercantiliste” (tạm dịch: tăng trưởng bằng mọi giá với sự can thiệp của Nhà nước). Cho dù những thành công của Trung Quốc trước hết là nhờ công lao nỗ lực của họ, nhưng Bắc Kinh đã thu hút lượng cầu của thế giới bằng cách hạ thấp hối suất một cách giả tạo. Họ xuất khẩu các sản phẩm của họ sang chúng ta và nhập khẩu các công ăn việc làm của chúng ta.
Tuy vậy kể từ cuộc khủng hoảng 2008, các thị trường phương Tây không còn đủ năng động để ngốn được lượng sản phẩm của công xưởng thế giới và giúp đội ngũ nông dân khổng lồ của nước này chuyển thành công nhân.Trung Quốc đành phải cho xây dựng những nhà máy có công suất vượt quá nhu cầu, những phi trường mênh mông không có chiếc máy bay nào lên xuống, những thành phố ma. Nếu không, hoạt động kinh tế sẽ bị chậm lại tại Trung Quốc, với các nguy cơ về xã hội và chính trị cao độ, trong khi điều mà chính quyền toàn trị này sợ nhất là những cuộc xuống đường và nổi dậy của người dân. Tất cả những công trình trên được tài trợ bằng vốn tín dụng. Những nguồn vốn đến từ các ngân hàng truyền thống và hệ thống tín dụng song hành – nguồn tiền huy động từ vốn dư thừa của các doanh nghiệp và các hộ gia đình giàu có, với lãi suất có thể lên đến 60% một năm.
Tổng cộng số nợ công của Nhà nước, các tỉnh và các công ty quốc doanh Trung Quốc có thể lên đến 200% tổng sản phẩm nội địa, theo như ước tính của Northwestern University. Trong thời kỳ hoạt động mạnh, tăng trưởng có thể hóa giải được số nợ cao quá mức. Nhưng ngay khi hoạt động kinh tế bị chậm lại thì các món nợ lại đè nặng lên bảng kết toán. Vào đầu năm 2013, chính quyền trung ương đã phải tổ chức giãn nợ hàng trăm tỉ đô la cho các địa phương không còn khả năng trả nợ và thậm chí tiền lãi cũng không trả nổi.
Trung Quốc đã bị mắc vào chiếc bẫy do chính mình giăng ra. Với mô hình phát triển bất chấp mọi hậu quả, Bắc Kinh đã bóp nghẹt tiêu dùng nội địa – hiện nay chỉ đạt 34% PIB, trong khi đầu tư chiếm hơn 50% PIB – một sự lệch lạc. Chính lãnh vực công nghiệp quốc doanh, phát triển quá mức nhờ đồng nhân dân tệ giá thấp, đã thu thập lợi nhuận từ xuất khẩu để mở rộng các nhà máy và phân phối bổng lộc cho bọn cá mập.
Giải pháp sẽ là thả nổi đồng nhân dân tệ để thực hiện một sự chuyển giao nguồn lợi về phía người tiêu dùng. Nhưng điều này sẽ làm mất tính cạnh tranh và kìm hãm tăng trưởng từ 3 đến 4% một năm. Chưa kể vấn đề dân số đang đi ngược lại với tăng trưởng: lần đầu tiên vào năm 2012, dân số hoạt động của Trung Quốc đã giảm đi 3,5 triệu người. Với mức độ như thế thì không thể kéo dài, vì sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính mà so với nó, cuộc khủng hoảng tín dụng địa ốc thứ cấp subprimes ở Mỹ chỉ là trò cười.
Trong cả hai trường hợp, khuôn mặt Trung Quốc sắp tới sẽ khác biệt đáng kể với những gì chúng ta đã biết trong một phần tư thế kỷ qua. Siêu tăng trưởng đã chấm dứt. Vấn đề dân số và tài chính phối hợp với nhau để đưa Trung Quốc quay trở lại thế giới của những giới hạn. Không có tăng trưởng, những khế ước xã hội mà các nhà lãnh đạo thời hậu cộng sản áp đặt không còn có cơ duy trì. Nhân dân Trung Quốc sẽ có thể trở nên manh động. Nào ai biết được!
Thụy My
(Blog Thụy My)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét