Pages

Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

Đổi mới, Cải cách và Cách mạng

Icon_Symbol_Xã Hội Dân Sự
Nguyễn Trần BạtTrích từ Chungta.com/Book Hunter
Đổi mới, cải cách và cách mạng là ba phạm trù khác nhau để miêu tả một sự thay đổi, mặc dù người ta rất hay nhầm lẫn trong việc sử dụng chúng. Nói đúng hơn, đổi mới, cải cách và cách mạng là ba phương thức để tạo ra sự thay đổi ở ba mức độ khác nhau và trên những phạm vi khác nhau.

Trước hết, cần phải hiểu đổi mới là quá trình mang tính chủ động, nằm trong quy luật vận động và phát triển tự thân của sự vật. Điều này có nghĩa đổi mới là một công việc diễn ra hằng ngày. Bất kỳ sự vật, hiện tượng, cá nhân, cộng đồng và dân tộc nào cũng luôn luôn trải qua quá trình đổi mới như là bản năng để tự thích nghi với những thay đổi của môi trường sống. Câu nói rất nổi tiếng của Heraclite “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông” đã nói lên tinh thần này. Vì thế, đổi mới ít nhiều hàm nghĩa vận động, tức là sự vật, hiện tượng, cá nhân, cộng đồng, dân tộc và thậm chí cả thế giới muốn phát triển bình thường cần phải đổi mới thường xuyên và tự đổi mới. Một hệ thống đạt được tiêu chí này là đạt đến tiêu chuẩn đầu tiên và quan trọng nhất để được công nhận là hoàn thiện và tối ưu.
Khác với đổi mới, cải cách là một biện pháp được thực hiện để giải quyết những đòi hỏi của thực tiễn với mục tiêu rõ ràng, chương trình cụ thể và yêu cầu phải hoàn tất trong một thời gian nhất định. Cải cách còn có thể hiểu là sự điều chỉnh lớn đối với các cấu trúc chính trị, văn hóa của xã hội, cần phải có sự đồng tình, ủng hộ của các lực lượng xã hội. Do đó, cải cách sẽ tạo ra những thay đổi mang tính hệ thống hơn, trên quy mô rộng lớn, sâu sắc cũng như triệt để hơn về mức độ. Trong một số trường hợp, nó còn dẫn tới cả những thay đổi về tư duy hành động cũng như định hướng phát triển. Điểm giống nhau căn bản giữa đổi mới và cải cách là tính có kiểm soát, hay tính có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, rất khác với đổi mới, cải cách không thể là một công việc diễn ra hằng ngày, nó có thể tạo ra ít nhiều xáo trộn cùng những hậu quả không mong đợi. Vì thế, nó chỉ được thực hiện dựa trên những nghiên cứu và cân nhắc thấu đáo về mục đích, hậu quả, và người ta cần phải đủ dũng cảm để chấp nhận cái giá phải trả cũng như đủ bản lĩnh, đủ lòng tin để khắc phục những hậu quả ấy.
Khác với đổi mới và cải cách, cách mạng, hiểu theo nghĩa căn bản nhất, là sự thay thế cái cũ bằng một cái mới tiến bộ hơn. Nguyên nhân dẫn đến những cuộc cách mạng không phải là tính biệt lập hay chậm phát triển của thế giới, mà chính là một xã hội phi dân chủ, một xã hội đạo đức giả, một xã hội độc tài. Tại sao? Bởi tất cả những nhân tố này đã dẫn đến những tích tụ trong đời sống và trong xã hội cái được gọi là mâu thuẫn. Đến lượt mình, các mâu thuẫn ấy tạo ra sự bùng nổ. Sự bùng nổ của các mâu thuẫn được gọi là cách mạng. Như vậy, diễn đạt theo một cách khác, cách mạng là quét sạch cái cũ và tạo tiền đề cho cái mới xuất hiện và phát triển. Trước đây, các cuộc cách mạng có ý nghĩa vì nó giải quyết một loạt các vấn đề tích tụ của xã hội và tạo ra ảnh hưởng đối với tiến trình phát triển của nhân loại, nhưng giờ đây, càng ngày nó càng mất dần vai trò của mình, trở thành một hiện tượng tiêu cực.
Mặt khác, con người luôn có khuynh hướng lạm dụng tính ổn định tương đối của đời sống nên đã không đổi mới kịp thời, và do đó, khi các vấn đề của xã hội tích tụ đến một mức nhất định sẽ dẫn đến cách mạng. Khi không còn chịu được sự lạc hậu về chính trị, người ta phải làm cách mạng xã hội. Khi không còn chịu được sự lạc hậu về mặt kinh tế, người ta làm cách mạng kinh tế, và khi không chịu được sự lạc hậu về khoa học kỹ thuật, người ta tiến hành cách mạng khoa học kỹ thuật. Trong bất kỳ trường hợp nào, cách mạng, luôn là kết quả của quá trình khất lần sự đổi mới đời sống và các mặt của đời sống; nói cách khác, cách mạng là kết quả của sự khất lần lười biếng và hèn nhát của các yếu tố chính trị.
Mặt trái cơ bản của cách mạng là tạo ra sự đứt gẫy các cấu trúc, đặc biệt là cấu trúc văn hoá. Cách mạng phá vỡ tính liên tục của các thói quen văn hoá, các thói quen sinh hoạt của đời sống. Để khâu vá những đoạn đứt gẫy ấy, con người phải mất thời gian hơn nhiều so với để cho cấu trúc đó phát triển một cách tự nhiên. Con người thường tưởng rằng mình có tự do nhưng thực ra con người lệ thuộc rất nhiều vào các cấu trúc. Cấu trúc hoàn toàn không phải chỉ là hoạt động nhân tạo hay chủ động của con người. Cấu trúc có thể là cấu trúc thời gian như quá khứ, hiện tại và tương lai, có thể là cấu trúc không gian như những vùng sáng tối khác nhau, các châu lục khác nhau, các vùng địa lý khác nhau, các vùng văn hóa khác nhau, các vùng tôn giáo khác nhau… Tất cả các sự trói buộc mang tính cấu trúc như vậy sẽ bị đứt gẫy nếu con người tiếp tục đi theo con đường cách mạng. Mất 25 năm Giáo hoàng John Paul II mới tạo ra được trạng thái có thể đối thoại được giữa các tôn giáo và giữa tôn giáo với chính trị, mà nhân loại phải mất hàng trăm năm mới có được một người như Giáo hoàng John Paul II. Như vậy mất hàng trăm năm nhân loại mới tiệm cận được đến một trạng thái, một cấu trúc hợp lý. Với mỗi dân tộc cũng vậy, để tiệm cận được một trạng thái xã hội hợp lý và ổn định tương đối thì các dân tộc cũng phải mất những khoảng thời gian nhất định. Ví dụ trên phần nào thể hiện tỷ lệ của những hoạt động chủ động, những đóng góp mang tính chủ động của con người so với quá trình phát triển tự nhiên. Nếu nhân loại cứ tiếp tục sử dụng phương pháp cách mạng thì có nghĩa là sẽ tiếp tục phá vỡ các liên kết, các cấu trúc mà trên đó trạng thái hòa bình của đời sống được xây dựng. Tóm lại, các cuộc cách mạng tạo ra sự đứt gẫy và phá hoại tính liên tục của sự phát triển hay tính kiên nhẫn của cả tự nhiên lẫn con người.
Chúng tôi cho rằng, trong tất cả mọi sự phá hoại cấu trúc do các cuộc cách mạng gây ra, sự phá hoại cấu trúc sở hữu là phá hoại lớn nhất, để lại những di chứng lịch sử trầm trọng nhất. Việc sửa chữa khó đến mức chúng ta có thể không loại trừ khả năng phải làm một cuộc cách mạng chỉ để khôi phục lại trạng thái thông thường, tức tái tạo yếu tố sở hữu trong đời sống kinh tế. Thực tế lịch sử cho thấy, nhiều cuộc cách mạng đã phá vỡ lịch sử hình thành các quyền về sở hữu, tâm lý sở hữu hay phá vỡ toàn bộ nền văn hóa sở hữu. Nó làm thay đổi các chủ sở hữu một cách cưỡng bức, thay đổi các cấu trúc chính trị một cách cưỡng bức, thay đổi các cấu trúc kinh tế và thương mại một cách cưỡng bức. Tóm lại, cách mạng làm đứt gẫy các mạch cơ bản của cuộc sống, thậm chí là toàn bộ lịch sử hình thành các tâm lý truyền thống của con người liên quan đến sự phát triển của xã hội.
Xin được nói rõ hơn về sự phá hoại cấu trúc truyền thống của sở hữu do một số cuộc cách mạng gây ra. Bản thân tôi chưa hình dung ra trong cuộc sống có sự phá hoại nào lớn hơn thế. Cuộc sống là một tiến trình liên tục, mọi sự can thiệp vào đều làm ngắt đoạn và dẫn tới những hậu quả vô cùng khủng khiếp. Tôi cho rằng, tính liên tục của cuộc sống được bảo đảm chính bằng sở hữu. Bất kỳ chế độ sở hữu nào cũng có hai phần: phần vật chất và phần cấu trúc các quyền. Sở hữu không phải là một khái niệm vật chất mà là một khái niệm tinh thần. Đúng hơn, đó là một khái niệm đạo đức, một khái niệm văn hóa. Sự phá vỡ các cấu trúc truyền thống về sở hữu, do đó, chính là sự phá vỡ các giá trị tinh thần của đời sống sở hữu. Vật chất thường xuyên thay đổi, di chuyển từ chủ này sang chủ khác. Trong chế độ sở hữu nào cũng có sự dịch chuyển của các vật từ người sở hữu này tới người sở hữu khác, và đó chính là quá trình thương mại. Sự phá vỡ các quan niệm, các hệ thống xã hội về sở hữu phá vỡ toàn bộ quá trình quan trọng hơn cả sở hữu, đó là quá trình thương mại. Sự ngăn cản tiến trình phát triển thương mại của xã hội đồng nghĩa với sự phá vỡ tính liên tục của cuộc sống.
Mặt khác, cách mạng còn để lại những hẫng hụt trong nhận thức của con người. Cách mạng phá vỡ tính liên tục của tâm hồn, để lại những vết sẹo rất cộm, những thương tật rất nghiêm trọng cho đời sống, cho sự phát triển liên tục của đời sống. Con người không đủ trí tuệ, không đủ nhận thức và khát vọng để kiến tạo và hưởng thụ cuộc sống của mình, do đó không thể phát triển được. Những con người như vậy khi ra khỏi một tiến trình cách mạng không còn đủ năng lực hay không thể trở thành đầu vào của một tiến trình chính trị khác – là đời sống phi cách mạng hay đời sống hòa bình của nhân loại.
Đó là những di họa của các cuộc cách mạng mà nếu không nhanh chóng nhận ra thì con người sẽ tiếp tục không làm chủ được đất nước của mình. Nếu xã hội tiếp tục là sở hữu của các tập đoàn chính trị, thậm chí người ta xây dựng các pháp chế để hợp pháp hóa vai trò làm chủ xã hội về mặt chính trị của các tập đoàn chính trị thì tức là không có nhân dân trong đó, tức là không có dân chủ. Ở đây, lý thuyết về cải cách chứng minh tính duy nhất đúng của biện pháp cải cách. Cải cách là sự tác động chủ quan trên cơ sở nhận thức đúng đắn của các thể chế chính trị làm biến đổi chính nó và biến đổi xã hội một cách tích cực, đồng thời trả lại cho dân chủ bản chất vốn có của nó như một quyền tự nhiên, một trạng thái tự nhiên của cuộc sống.
Hãy xem xét một loạt sự kiện chính trị diễn ra gần đây ở Gruzia, Ukraine hay Kyrgyzstan. Những đòi hỏi của tình thế đã đặt ba nước thuộc Liên bang Xô Viết cũ này phải tiến hành cách mạng dân chủ. Những cuộc cách mạng đó, không nghi ngờ gì, là kết quả của sự khất lần của các yếu tố chính trị đòi hỏi phải cải cách. Thực ra, phương pháp của những diễn biến đó không phải là cách mạng “nhung” hay cách mạng “cam” như báo chí vẫn viết mà đấy là những cuộc cách mạng thực sự. Tôi cho rằng không có cái gọi là “cách mạng nhung” vì mọi cuộc cách mạng đều không hề nhung lụa. Tất cả các cuộc cách mạng đều là kết quả của sức ép của bạo lực, chỉ khác ở chỗ là có vũ trang hay không có vũ trang mà thôi. Bản chất của sức ép bạo lực là gây ra nỗi lo sợ của con người và đây mới là căn bệnh dai dẳng tồn tại sau các cuộc cách mạng. Nỗi lo sợ của các bộ phận khác nhau trong đời sống xã hội chính là di chứng quan trọng nhất của các cuộc cách mạng. Vì thế, xét về mặt con người thì không có cuộc cách mạng nào gọi là cách mạng nhung cả. Hơn nữa, những kẻ tiến hành cách mạng nhung rất lo sợ những cuộc cách mạng nhung khác và họ sẽ đề kháng; dần dần, họ trở thành những kẻ độc tài để tiếp tục duy trì quyền lực của mình. Sau các cuộc cách mạng nhung ấy, những kẻ bị cách mạng lật đổ không chết; thậm chí, sau phút bàng hoàng họ sẽ tiếp tục chuẩn bị lực lượng để tạo ra một cuộc cách mạng khác đem lại địa vị chính trị cho họ. Cho nên, cách mạng chính là đẩy toàn bộ xã hội vào một tiến trình cướp giật quyền lực và do đó, cuộc cách mạng đó không được gọi là cách mạng nhung.
Mọi sự thay đổi thể chế đều là kết quả của cách mạng. Những sự kiện ở một loạt nước cộng hòa cũ của Liên Xô là minh chứng về sự đứt gẫy các cơ cấu, các cấu trúc – kết quả tất yếu của sự trì hoãn cải cách. Sự trì hoãn, khất lần của quá trình hợp lý hóa các cấu trúc của đời sống đã dẫn đến trong xã hội tích tụ ngày càng nhiều những mâu thuẫn và cách mạng là không thể tránh khỏi. Trước đó, những quốc gia này, đặc biệt là những nhà lãnh đạo của nó đã không ý thức được sự cần thiết phải cải cách triệt để để tiến tới một tiến trình dân chủ và một hệ thống chính trị ổn định thực sự. Những sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì chúng thêm một lần nữa cảnh báo về sự đổ vỡ toàn cầu của các không gian hậu Xô Viết, hướng tới một nền tự do dân chủ cho các nước cộng hòa SNG cũ. Chắc chắn là, trong thời đại mà dân chủ hóa là một điều kiện tất yếu để cạnh tranh và phát triển như hiện nay nếu chính phủ của bất kỳ quốc gia nào không đảm bảo một nền dân chủ thực sự, thì sẽ không thể tránh khỏi nguy cơ bị lật đổ bởi sự phản kháng của dân chúng nhằm đòi tự do và quyền làm chủ đất nước.
Như vậy, cách mạng là một quá trình mà các nhà chính trị đương quyền, thậm chí cả xã hội không còn kiểm soát được nữa. Điều này khác về chất so với đổi mới và cải cách vì cách mạng tạo ra những thay đổi ở mức độ toàn diện và sâu sắc hơn cả những thay đổi cộng hưởng mà đổi mới và cải cách mang lại. Nó thể hiện qua sự đổ vỡ và triệt phá các thành tựu không chỉ thuần tuý về mặt vật chất mà cả trên phương diện tinh thần. Cần phải hiểu rằng, cách mạng chỉ như giải pháp cuối cùng để khắc phục hậu quả của những khuyết điểm mang tính chồng chất của một hệ thống. Nếu cách mạng xảy ra thì không chỉ những người điều hành trước cuộc cách mạng mà ngay cả những người điều hành sau cuộc cách mạng đều phải chịu trách nhiệm liên đới về việc để cho tình trạng xã hội trì trệ đến mức buộc phải cách mạng.
Những người kém hiểu biết, hoặc cố tình ngụy biện, thường cho rằng có những giải pháp mềm mại, thay vì các liệu pháp sốc để giải quyết hậu quả của các cuộc cách mạng, quên mất rằng bản thân các các cuộc cách mạng đã là các liệu pháp sốc để phát triển. Nếu cách mạng là sự thay thế hệ thống này bằng một hệ thống khác thì cải cách là sự cải tiến, cải thiện và hợp lý hóa một hệ thống, do đó ít tốn kém và đổ vỡ hơn rất nhiều. Con người cần phải luôn cải cách, cải thiện các hệ thống đang tồn tại để phục vụ cho những trạng thái mới của đời sống phát triển. Đó chính là lý do vì sao thế giới hiện đại không còn thích hợp và trên thực tế cũng không cần đến các cuộc cách mạng nữa.

Không có nhận xét nào: