Pages

Chủ Nhật, 25 tháng 5, 2014

Trung cộng được và mất gì trong biến cố giàn khoan HD-981?













Đỗ Tùng (Danlambao)
 - Hơn 20 năm vừa qua Việt Nam (VN) càng ngày càng chịu ảnh hưởng của Trung cộng (TC) càng nhiều. Ảnh hưởng về mọi mặt trong sinh hoạt của một quốc gia, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, xã hội. Ảnh hưởng nhiều đến nỗi có người lo ngại là trong tương lai 10-15 năm nữa VN sẽ trở thành một tỉnh của TC. Có nhiều lý giải trong sự lo ngại đó; từ sự tương quan ý thức hệ giữa hai đảng cầm quyền của hai nước, đến những thỏa thuận và ký kết ngầm giữa hai đảng trong suốt mấy chục năm qua. Đó là chưa kể món nợ lớn mà đảng Cộng sản VN (CSVN) mang nợ TC trong suốt mấy chục năm nội chiến và sự giúp đỡ đó là yếu tố quan trọng giúp đảng CSVN chiếm được miền Nam VN năm 1975. Chính sự liên quan mật thiết giữa hai nước CS trong số vài nước CS còn sót lại trên quả địa cầu mà nhiều người đã ngạc nhiên khi TC đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển của VN và tạo ra thế đối đầu không tránh được giữa hai nước. Bài viết này cố gắng phân tích những cái được và cái mất của TC gây ra từ biến cố giàn khoan này.

Tiền đề

Trước hết thử lượt qua một số tiền đề mà những phân tích trong bài này ít nhiều dựa vào:

(i) Giấc mơ TC là hiện thực, và điểm chính của giấc mơ này là TC phải trở thành một siêu cường thế giới, có thể chia vùng ảnh hưởng với siêu cường duy nhất hiện nay là Hoa Kỳ (HK).

(ii) Biển Đông và vùng Đông Nam Á đặc biệt quan trọng vì là đường ra tốt nhất của TC, và cũng là con đường thương mãi quan trọng. VN nằm ở vị trí khống chế điểm yết hầu này, cả đường bộ lẫn đường hàng hải.

(iii) Những hành động có tính gây hấn của TC trong những năm gần đây nhằm xác định chủ quyền trong “đường lưỡi bò” là những bước đi có tính toán và nhất quán trong một chiến lược lâu dài. Việc đem giàn khoan ra Biển Đông là một bước đi cần thiết trong chuỗi hành động này mà hậu quả có thể kiểm soát được (theo suy nghĩ của TC).

Trung cộng mất gì?

Tuy nhiên khi đặt VN vào thế đối đầu thì TC sẽ mất đi những lợi thế như sau:

1a. Người dân VN sẽ chống lại ảnh hưởng của TC. Về chính trị sẽ tạo ra khó khăn cho những cá nhân trong đảng CSVN hiện đang chịu ảnh hưởng hoặc thần phục TC. Về kinh tế sẽ có khuynh hướng bớt dùng hàng hóa do TC sản xuất, giảm bớt mức độ lệ thuộc vào kinh tế TC, và từ đó sản xuất trong nước có cơ hội phát triển hơn trước. Tương tự, về mặt văn hóa xã hội người dân VN sẽ ý thức nhiều hơn những nguy hiểm có thể có khi văn hóa dân tộc bị áp đảo. Tóm lại thành quả “Hán hóa” mà TC xây dựng ở VN, với sự tiếp tay của một số lãnh đạo VN, trong mấy chục năm qua có thể biến mất một cách nhanh chóng.

2a. Những cá nhân trong đảng CSVN lâu nay chưa theo hẳn TC hay còn lừng khừng sẽ trở nên dứt khoát hơn, và có thể phần đông sẽ có khuynh hướng theo Tây phương hoặc trung lập.

3a. VN sẽ ở thế đối đầu với TC. Lúc đó đảng CSVN sẽ bị cô lập không có chỗ dựa, tạo ra một cơ hội rất tốt cho các phong trào dân chủ lớn mạnh. Khi VN đã thoát vòng ảnh hưởng của TC thì triển vọng trở nên một nước dân chủ sẽ sớm thành tựu. Lúc đó tham vọng độc chiếm Biển Đông của TC sẽ rất khó thực hiện, và giấc mơ bành trướng của đảng CSTC chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

4a. Hành động khiêu khích của TC sẽ làm thế giới nói chung và châu Á nói riêng lo sợ và tìm cách đối phó, kể cả việc xích lại gần nhau hay dựa vào Mỹ để tìm thế đối trọng.

Có lẽ những chiến lược gia TC cũng thấy rõ những “cái mất” nói ở trên. Như vậy những “cái được” phải lớn hơn thì mới có thể giải thích hành động gây hấn với giàn khoan trong mấy tuần vừa qua. Bây giờ thử điểm qua những “cái được” của TC:

Trung Cộng được gì?

1b. Biến cố giàn khoan là một bước phải có trong chuỗi hành động nhằm xác định chủ quyền ở Biển Đông. Bước sau phải leo thang so với bước trước hoặc ít nhất tương đương về tầm quan trọng, nhưng không thể quá đột phá vì có thể tạo phản ứng mạnh từ bên ngoài.

2b. Là một phép thử tốt để đo lường phản ứng của Mỹ, ASEAN, và VN. Thời điểm rất thích hợp cho TC vì Mỹ đang bận tâm đối phó biến cố ở Ukraine, và VN đang ở vào lúc yếu đuối nhất. Qua phản ứng của lãnh đạo VN, tình báo TC sẽ nắm rõ hơn ai trong đảng CSVN là người có thể thu phục và ai là người cần đối phó. Không loại bỏ trường hợp có sự phối hợp giữa TC và nước Nga.

3b. Biến cố giàn khoan có thể giải tỏa một số áp lực trong nội bộ TC, từ mầm mống loạn lạc ở Tân Cương cho đến tranh chấp trong hàng ngũ lãnh đạo của đảng CSTC. Không loại trừ áp lực từ giới quân sự chủ chiến.

Bước đi kế tiếp

Hai phần trên có thể chưa liệt kê hết những cái được và cái mất của TC từ biến cố giàn khoan, nhưng có thể cho phép chúng ta làm một cuộc so sánh sơ khởi để từ đó thử suy đoán bước kế tiếp của TC. Theo thiển ý của người viết thì TC bị mất nhiều hơn là được từ hành động đưa giàn khoan vào lãnh hải của VN nếu sau đó lặng lẽ rút lui vào giữa tháng 8 như tuyên bố. Như vậy có thể suy đoán biến cố dàn khoan chỉ là khúc nhạc dạo đầu cho một biến cố lớn hơn.

Bước tiếp theo có thể là xâm chiếm đảo Trường Sa (TS) của VN, với những lý do sau đây:

1c. TS là mục tiêu cần phải chiếm để hợp thức hóa đường lưỡi bò.

2c. TS cũng là mục tiêu dễ chiếm nhất, có thể kết thúc trong một thời gian ngắn vài ngày, vì hải quân TC chiếm ưu thế tuyệt đối so với hải quân VN.

3c. Chiến trường thu hẹp trong một khu vực nhỏ, không có thường dân nên ít kinh động thế giới bên ngoài.

4c. Xác suất bị Mỹ can thiệp quân sự rất nhỏ, hầu như số không.

Dĩ nhiên chiến tranh nào cũng có những chuyện bất ngờ có thể xảy ra, nhưng có thể TC ở vào cái thế phải làm, theo suy nghĩ của họ. Lý do có thể là:

- Áp lực trong nước quá lớn nên phải giải quyết bằng những động tác hướng ra bên ngoài,

- TC đánh giá CSVN đang ở thế nguy, có thể bị mất chính quyền nên phải ra tay sớm,

- Loạn lạc ở Ukraine là cơ hội quá tốt cho TC phối hợp với Nga, không thể bỏ lỡ.

Một bước kế tiếp khác của TC có thể là thúc đẩy nhanh hơn chương trình biến VN thành một tỉnh của TC. Như đã trình bày ở trên, biến cố giàn khoan sẽ giúp tình báo TC nhận diện rõ hơn những cá nhân trong hàng ngũ lãnh đạo của đảng CSVN không chấp nhận chương trình “Hán hóa VN”. Họ sẽ tìm cách loại bỏ những cá nhân này để kiện toàn bộ máy thân TC ở Hà nội.

Thế của Việt Nam

Đảng CSVN cầm quyền đang ở tình trạng nguy hiểm. Một mặt nội bộ chia rẽ trầm trọng hơn trước vì ở thế phải chọn lựa, có thể dưới sự quan sát của tình báo TC. Một mặt họ phải đối phó với tinh thần chống TC xâm lược của người dân. Nếu dân chúng tiếp tục biểu tình không ai có thể đoán trước được làn sóng phản đối CSVN sẽ lan rộng đến mức nào. Vì vậy đảng CSVN phải vừa kềm chế và kiểm soát các hoạt động biểu tình, đồng thời họ sẽ hô hào đoàn kết dưới lá cờ của đảng.

Đã có nhiều nhân sĩ kêu gọi đảng CSVN tìm cách “thoát Trung” vì đây là cơ hội tốt để chọn lựa dứt khoát giữa dân tộc VN và sự lệ thuộc vào CSTC. Tuy nhiên điều ràng buộc giữa hai đảng CS là những ký kết bí mật, những thỏa ước ngầm giữa lãnh đạo hai đảng trong mấy chục năm qua. Do đó trước hết phải vô hiệu hóa những thỏa ước đó bằng hai bước:

(i) công khai hóa tất cả những thỏa hiệp bí mật giữa hai đảng CSVN và CSTC, và

(ii) giải tán đảng CSVN để vô hiệu hóa những ràng buộc trong các thỏa hiệp đó.

Thế của Hoa Kỳ

Chính sách của HK về Biển Đông có thể tóm tắt trong 3 điểm: (i) không can thiệp trong các tranh chấp chủ quyền; (ii) không chấp nhận giải pháp quân sự trong tranh chấp chủ quyền; và(iii) bảo đảm tự do lưu thông hàng hải. Quyền lợi của HK có nhiều ràng buộc với TC nhưng đồng thời HK cũng không chấp nhận một siêu cường TC với những giá trị phổ quát khác biệt.

Về lâu dài kịch bản tối ưu đối với HK là một TC dân chủ, với các sắc dân ở Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông tách rời và độc lập với TC. Lúc đó TC không còn là một đe dọa đối với thế giới nói chung và với HK nói riêng.

Trước mắt HK có thể và cần làm nhiều hơn là chỉ tuyên bố “TC gây hấn”. Ví dụ HK có thể gởi phóng viên trên thế giới và đại diện LHQ đến tận giàn khoan HD-981 để theo dõi tình hình trên những chiếc tàu không mang vũ khí. Đây là chiến thuật dùng đám đông để trói tay sát thủ. Khi có trăm con mắt của thế giới thường xuyên nhìn vào thì hai bên đối đầu sẽ dễ tự kềm chế hơn, tránh được những rủi ro tạo ra nguy cơ chiến tranh.

Kết luận

Thông thường khi một sự việc hay một trạng thái đi đến bế tắc hoàn toàn thì cần phải có những đột phá mới thoát được sự bế tắc để đi đến một trạng thái cân bằng khác. Biến cố giàn khoan HD-981 tạo ra những cơ hội sau đây cho dân tộc VN để thoát khỏi sự bế tắc hiện nay:

- Sự thật trong quan hệ giữa VN và TC được, thêm một lần nữa, minh bạch. Người dân VN sẽ ý thức rõ hơn đâu là quyền lợi của dân tộc và đâu là quyền lợi của bè đảng, phe nhóm.

- Đảng CSVN có thêm một cơ hội để từ bỏ chủ nghĩa CS, thoát ly khỏi vòng lệ thuộc TC để trở về với dân tộc.

- Các phong trào vận động dân chủ ở VN có thêm động cơ và mục đích để huy động dân chúng trên phạm vi rộng lớn hơn.

23/05/2014

Đỗ Tùng

Không có nhận xét nào: