Hoàng Xuân
Nhà báo tự do, gửi cho BBC từ Sài Gòn
Vụ việc một phụ nữ tự thiêu trước cổng Dinh Thống Nhất (hay Dinh Độc lập trước 1975) ở Quận I, TP Hồ Chí Minh, vào buổi sáng 23/5/2014 khiến dư luận trong nước bất ngờ và bối rối.
Ông Lê Trương Hải Hiếu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Quận này trong cuộc họp báo chiều cùng ngày nói người phụ nữ 63 tuổi này để lại thư tuyệt mệnh và nhiều biểu ngữ xung quanh, cho biết bà tự thiêu do 'cuộc sống riêng bế tắc' đồng thời để 'phản đối việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan' vào khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Và dư luận bàng hoàng, lo lắng.Những vụ việc đem lại 'cảm xúc cực điểm' như tự thiêu là vô cùng hiếm hoi và thường bắt nguồn từ các lý do cá nhân. Nhưng có lẽ sau vụ tự thiêu nổi tiếng của Hòa thượng Thích Quảng Đức cách đây 51 năm, nay mới lại có một vụ tự thiêu thứ hai vì lý do chính trị như vụ này.
Lo lắng ở chỗ, phản ứng quá mãnh liệt và cực đoan của người phụ nữ trên liệu có gợi ý cho ai đó học theo?
"Những diễn biến cả như ý và bất như ý trong hai tuần qua tại Việt Nam, nhất là từ vụ tự thiêu của người phụ nữ phật tử, tức là sinh mạng thường dân bị mất đi, dường như đã minh chứng một điều: Việt Nam cần ngay và thực thi Luật biểu tình gấp"
Đặc biệt khi trong tuần qua, chính quyền hết sức dè dặt với các cuộc biểu tình của người dân.
Ngoại trừ các buổi mít tinh trong phòng họp kín do các ban ngành đoàn thể tổ chức thì các hoạt động biểu tình đều được khuyến cáo không tham gia, các cán bộ phường đến tận nhà người dân khuyên can, và lực lượng an ninh làm hết sức để giải tán tụ tập đông người?
Lo lắng ở chỗ nếu việc biểu tình ôn hòa bày tỏ lòng yêu nước cũng không được phép thì nhiệt tình bị ngăn lại ấy có giống một nồi súp de không? Khi áp suất lên quá ngưỡng, liệu nó có phá vỡ theo các hướng không mong muốn? Làm gì để tháo "ngòi nổ" cực đoan và tạo điều kiện để đám đông nhân dân xả xú-páp đúng hướng?
Những diễn biến cả như ý và bất như ý trong hai tuần qua tại Việt Nam, nhất là từ vụ tự thiêu của người phụ nữ phật tử, tức là sinh mạng thường dân bị mất đi, dường như đã minh chứng một điều: Việt Nam cần ngay và thực thi Luật biểu tình gấp.
Ba cuộc biểu tình, ba thái độ
Chỉ trong một tuần, thái độ của Nhà nước với các cuộc biểu tình chống giàn khoan trái phép của Trung Quốc thay đổi đến chóng mặt khiến người dân hoang mang.
Còn nhớ, buổi sáng ngày 10/5, tôi đi biểu tình. Cuộc biểu tình này chỉ có trên dưới 200 người tham gia trước lãnh sự quán Trung Quốc tại TP HCM. Lực lượng công an và an ninh mắt nhắm mắt mở: ban đầu chúng tôi bị thu biểu ngữ nhưng sau đó tương đối thoải mái. Biểu ngữ được in lại, phân phát công khai, chúng tôi tuần hành hô đả đảo Trung Quốc xâm lược v.v... An ninh và công an không cho phép đứng yên một chỗ nhưng chỉ cần xê dịch vài chục bước rồi quay lại chỗ cũ là được.
Sáng hôm sau thì cuộc biểu tình tuần hành lớn gấp bội, với cả năm bảy ngàn người tham gia diễn ra trên khắp các đường phố trung tâm TP HCM. Lần này đoàn biểu tình không được tiếp cận Lãnh sự quán Trung Quốc nữa với lý do đảm bảo an ninh, ngoài khu vực này thì hoàn toàn được cổ vũ. Cảnh sát chờ sẵn ở các ngã tư, yên lặng dẹp đường cho đoàn đi yên ổn. Vài thái độ, lời nói nóng nảy của người dân được giải thích với nụ cười. Báo chí tự do tác nghiệp, say sưa tường thuật và cập nhật liên tục, tưng bừng các dòng tít lớn. Một ngày rưỡi sau, đài truyền hình quốc gia, dù là đơn vị truyền thông đưa tin chậm nhất, cũng nói về cuộc biểu tình với thái độ tích cực.
"Lực lượng công an và an ninh mắt nhắm mắt mở: ban đầu chúng tôi bị thu biểu ngữ nhưng sau đó tương đối thoải mái. Biểu ngữ được in lại, phân phát công khai, chúng tôi tuần hành hô đả đảo Trung Quốc xâm lược v.v... An ninh và công an không cho phép đứng yên một chỗ nhưng chỉ cần xê dịch vài chục bước rồi quay lại chỗ cũ là được"
Cuộc biểu tình lớn diễn ra suốt 4 tiếng đồng hồ ngay giữa trung tâm thành phố lớn nhất nước, hoàn toàn ôn hòa, không có bất cứ sự cố đáng tiếc nào
Cuộc 'bạo động' không được ra tay xử lý kịp thời ở nhiều tỉnh đã xảy ra ngay sau cuộc biểu tình hôm Chủ nhật 11/5.
Trải nghiệm khủng khiếp đó khiến nhiều người sợ từ biểu tình. Họ kêu gọi nhau không ra đường vào Chủ nhật 18/5.
Chỉ còn một nhóm vài trăm người vẫn tụ lại tại trung tâm Sài Gòn, nhưng lực lượng công an, an ninh và cả những người mặc thường phục dán một mẩu giấy vuông màu xanh, to bằng quân cờ trên ngực áo kiên quyết giải tán toàn bộ.
Bản thân tôi được đến 6 người thay nhau mời và đẩy đi khỏi khu vực lãnh sự quán Trung Quốc, do tôi không đồng ý nghe mệnh lệnh từ những người cũng mặc thường phục giống mình chứ không mặc sắc phục.
Có những người trong đoàn biểu tình tự nhiên xông vào đấm túi bụi người khác. Có người bị một đầu là cảnh sát, một đầu là một người mặc thường phục, túm tay chân khiêng đi. Một nhà báo của báo Thanh Niên mô tả trên facebook cá nhân: Mọi người bị xúc hết vào ba chiếc xe buýt lớn chở đi. Cuộc biểu tình ôn hòa diễn ra trong 15 phút.
Và người dân hoang mang
Sau cuộc bạo loạn, thái độ chung dễ thấy là nhiều nhà báo, trí thức trong nước cũng đánh đồng biểu tình với bạo loạn, đánh đồng việc kêu gọi phản đối hành vi xâm lược của nhà cầm quyền Trung Quốc với phản đối người dân và doanh nghiệp Trung Quốc đang làm ăn ở Việt Nam. Nhiều người thậm chí kêu gọi tẩy chay biểu tình, nghĩa là tẩy chay một quyền được Hiến định của người dân!
Một số người nhìn các nhân sĩ, trí thức đã tổ chức cuộc biểu tình không thành công trước Nhà hát Thành phố hôm 11/5 như những nhân vật hết thời và yếu ớt, bị đem ra làm trò cười.
Một số khác hoang mang không biết sau này có nên tham gia biểu tình không.
Hành vi tấn công bất ngờ và công khai nhắm vào người thanh niên giơ biểu ngữ (mà clip phản ánh đã tràn lan trên mạng internet) khiến nhiều người đâm ra nghi ngờ người đi cạnh mình.
"Ở một góc khác, người dân nhìn công an và lực lượng an ninh, đã đồng hành với họ trước đó, như một lực lượng "trở mặt", "công cụ mù quáng cho chính quyền" và luôn đối kháng với nhân dân. Công an thì nhìn người dân đi biểu tình như một đám gây rối nguy hiểm"
Thực sự họ là ai? Tại sao họ dám công nhiên đánh người? Mình có gặp rắc rối khi biểu tình yêu nước không? Có bị ai đó lợi dụng không?
Ở một góc khác, người dân nhìn công an và lực lượng an ninh, đã đồng hành với họ trước đó, như một lực lượng "trở mặt", "công cụ mù quáng cho chính quyền" và luôn đối kháng với nhân dân. Công an thì nhìn người dân đi biểu tình như một đám gây rối nguy hiểm.
Báo chí nước ngoài hoang mang khi liên tiếp chứng kiến những biểu hiện trái ngược ở Việt Nam trong vòng chỉ một tuần. Rút cục, thông điệp của nhà nước và người dân Việt Nam là gì đây?
Tất cả những phản ứng cực đoan và phiến diện như trên chỉ khiến cho lòng người dân càng phân rã. Sự hòa hợp quý giá vừa mới nảy mầm mong manh đã nhanh chóng bị vùi lấp.
Thế nào là biểu tình đúng pháp luật?
Trong những bài báo đầu tiên sau ngày 10/5, từ biểu tình không được nhắc đến. Báo chí dùng cách nói giảm "xuống đường tuần hành". Có lẽ trước nay, "biểu tình" ở Việt Nam được mặc định là chống chính quyền (!) nên đã trở thành một từ ngữ "nhạy cảm". Nhưng sau cuộc bạo loạn thì từ biểu tình được sử dụng thường xuyên trong chỉ thị ngày 17/5 của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông kêu gọi "người dân không tham gia biểu tình trái pháp luật" và "xử lý nghiêm khắc những hành vi tuyên truyền kích động".
Chỉ thị này đúng đắn để đảm bảo quyền biểu tình đúng pháp luật. Nhưng, như thế nào là mới là biểu tình đúng pháp luật? Cuộc biểu tình nhỏ ngày 18/5 theo quan sát của nhiều nhà báo là ôn hòa, tại sao đã không được cổ vũ?
Nhìn sang các cuộc biểu tình của người Việt ở các nước Đức, Pháp, Mỹ, Hungary, Phillipines, Nhật Bản... liên tiếp gần đây, chúng đều diễn ra rất mãnh liệt nhưng vẫn ôn hòa và được người dân sở tại quan tâm. Vậy người trong nước rút ra bài học gì?
"Cho đến nay, trên các diễn đàn công khai từ Quốc hội cho đến mạng xã hội, sự lo sợ về dân trí (thấp?) và ý thức (kém, dễ bị lôi kéo?) của người dân... đã và đang được xem là cản trở lớn nhất cho việc ra đời Luật biểu tình. Vì thế mà dự luật này, tuy đã được cân nhắc trong hai, ba năm qua, ít nhất vẫn còn phải chờ đến hết năm nay, nếu sẽ không còn phải chờ thêm nữa."
Theo tôi đó là bài học tổ chức và tuân thủ pháp luật. Các cuộc biểu tình được thông báo với chính quyền về ngày giờ, địa điểm, mục đích, nội dung, ban tổ chức, các hoạt động sẽ diễn ra như đọc bài phát biểu, bấm chuông đại sứ quán Trung Quốc để trao thư phản đối (dĩ nhiên họ không ra nhưng đây là hành động chính thức tại Hungary), phát tán tài liệu... đều được thông báo công khai.
Cảnh sát "có trách nhiệm đảm bảo cuộc biểu tình được suôn sẻ" như lời một cảnh sát Úc chia sẻ với một người tham gia biểu tình ở Sydney. Nói nôm na, nó không bị quy buộc "biểu tình lén" như ở Việt Nam. Các mầm mống manh động đã có phương án đối phó. Lực lượng an ninh không đối kháng với người biểu tình mà là chỗ dựa tin cậy của họ.
Chỉ thị ngày 17/5 không cấm 'biểu tình đúng pháp luật'. Tuy nhiên, không thể điều hành mọi thứ bằng chỉ thị, nhất là trong một đất nước hòa bình và đang phát triển.
Tôi nghĩ đã đến lúc Việt Nam nhất định phải có Luật biểu tình. Và Luật biểu tình sẽ là chiếc khiên bảo vệ quyền dân chủ được Hiến định của người dân
Cho đến nay, trên các diễn đàn công khai từ Quốc hội cho đến mạng xã hội, sự lo sợ về dân trí (thấp?) và ý thức (kém, dễ bị lôi kéo?) của người dân, một lề lối nhận thức và tư duy lâu nay không rõ có phải là định kiến không, đã và đang được xem là cản trở lớn nhất cho việc ra đời Luật biểu tình. Vì thế mà dự luật này, tuy đã được cân nhắc trong hai, ba năm qua, ít nhất vẫn còn phải chờ đến hết năm nay, nếu sẽ không còn phải chờ thêm nữa.
'Tôi không tin như thế'
Song, có thực là dân trí Việt Nam thấp đến nỗi không thể thực hiện được một quyền dân chủ được Hiến định hay không? Có thực là ý thức của tuyệt đại đa số người dân Việt Nam non yếu đến nỗi dễ bị lôi kéo vào những âm mưu gây hại cho đất nước? Tôi không tin như thế.
Cách đây 68 năm, ngay trong Lời nói đầu, Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào tháng 11/1946 đã khẳng định nguyên tắc đảm bảo quyền tự do dân chủ của người dân. Trong Điều thứ 10 ghi rõ: "Công dân Việt Nam có quyền tự do tổ chức và hội họp."
Như thế biểu tình cũng có nghĩa là bình đẳng như hội họp.
13 năm sau, trong Hiến pháp 1959, quyền biểu tình được nhắc lại rõ hơn trong điều 25: "Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà có các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội và biểu tình. Nhà nước bảo đảm những điều kiện vật chất cần thiết để công dân được hưởng các quyền đó."
"Và thực vậy, hôm nay từ vụ tự thiêu trước cửa Dinh Thống nhất, thiển nghĩ chúng ta càng xác quyết rằng đã đến lúc Việt Nam phải nhanh chóng cho ra đời Luật Biểu tình, mà không thể chậm trễ hơn."
70 năm trước, quyền biểu tình của người dân đã được các bản hiến pháp đầu tiên trân trọng như vậy đấy. Chẳng lẽ gần 70 năm sau, dân trí và nhận thức của người dân Việt Nam lại tụt hậu?
Hôm nay, người dân muốn biểu tình phản đối hành vi ngang ngược của nhà cầm quyền Trung Quốc. Rộng hơn, người dân cần được trực tiếp bày tỏ sự đồng tình hay không đồng tình với các chính sách cụ thể của nhà nước, trong hành lang pháp lý.
Về mặt tâm lý, đó là một nút xả an toàn cho những bất đồng tất yếu luôn có để nó không bị nén thành phản ứng tiêu cực, đồng thời giúp chính quyền nhìn ra những khuyết điểm trong quản lý điều hành để sửa chữa. Điều đó rõ ràng chỉ mang lại lợi ích cho đất nước.
Những hành vi quá khích, manh động bất cứ khi nào và ở đâu cũng có thể xuất hiện, ở trên cả thế giới này, chứ không riêng ở Việt Nam. Thế nhưng nếu chúng ta có luật, nhà nước sẽ có cơ sở chắc chắn để ngăn chặn chúng.
Và tôi nghĩ một xã hội ngày càng phát triển thì không thể khỏa lấp các quyền dân chủ ấy của người dân với những lý do được cho là thiếu cơ sở và phiến diện.
Và thực vậy, hôm nay từ vụ tự thiêu trước cửa Dinh Thống nhất, thiển nghĩ chúng ta càng xác quyết rằng đã đến lúc Việt Nam phải nhanh chóng cho ra đời Luật Biểu tình, mà không thể chậm trễ hơn.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, một nhà báo tự do đang sinh sống ở Sài Gòn, Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét