Giang Nam
(VNTB) – Chọn Ngày âm nhạc Việt Nam, vì sao cũng phải cố ý tìm kiếm lý do gì đó gắn với tên tuổi HCM? Tiếc thay, lợi bất cập hại, Hội nhạc sĩ lại đi chọn bài ca Trung Quốc làm cơ sở.
Mấy tháng nay hiện tượng cố ý đưa biểu tượng Trung cộng chen lấn nền văn hóa Việt Nam đã thành xâu chuỗi. Bản nhạc “Ca xướng tổ quốc” của Trung cộng đưa vào buổi lễ “Khát vọng đoàn tụ” đưa chân Chủ tịch nước lên bục phát biểu đã bị phanh phui.
Chuẩn bị đại lễ quốc khánh 2/9 ai đã mua hàng nghìn chậu hoa hồng môn từ tỉnh Hồ Nam đưa về trồng quanh Bờ Hồ Hà Nội? Bằng chứng là các vỏ thùng hoa nguyên chữ Tàu ghi địa chỉ nơi trồng hoa. (Tiếc rằng báo Dân Trí chỉ phỏng vấn qua loa, không đi đến cùng điều tra vụ việc (?!). Hội chợ quốc tế Expo Milan 2015 ở Ý trưng bày áo xống kiểu Tàu trong Ngôi nhà Việt Nam. Đường ống nước mua của Tàu dẫn nước cho Hà Nội vỡ đến lần thứ 11 khiến dân HN đang sống dở chết dở vì mất nước giữa muà hè nóng bức…
Và, đây nữa, Ngày âm nhạc Việt Nam 3/9 được chọn trên cơ sở ngày Bác Hồ ngẫu hứng cầm que bắt nhịp bài hát “Kết Đoàn” (của Trung cộng) ở công viên Bách thảo Hà Nội.
Hội nhạc sĩ bắt chước Ngày Thơ Việt Nam do Hội nhà văn tổ chức tại Văn Miếu đêm Rằm tháng Giêng. Hội nhà văn đã chọn bài thơ Nguyên tiêu của Hồ Chí Minh viết thời chống Pháp làm biểu tượng. “Nguyên tiêu” tức Đêm rằm tháng Giêng,vì thế Rằm tháng giêng hàng năm trở thành Ngày thơ Việt Nam. Vì sao không chọn ngày sinh thi hào Nguyễn Du làm Ngày thơ Việt Nam mà tôi tin chắc hẳn người VN nào cũng tâm phục khẩu phục?
Lý do chọn ngày âm nhạc Việt Nam được thông báo trên Bản tin chính phủ sau đây:
Cổng điện tử chính phủ (Chinhphu.vn) – Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý lấy ngày 3/9 hằng năm là “Ngày Âm nhạc Việt Nam”. Ngày 3/9/1960 là ngày Bác Hồ chỉ huy dàn nhạc hợp xướng và quần chúng nhân dân hát bài ca “Kết đoàn” tại Công viên Bách thảo Hà Nội, nhân dịp chào mừng Đại hội Đảng lần III năm 1960. Từ sự kiện ý nghĩa đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đề xuất của Hội Nhạc sỹ Việt Nam lấy ngày 3/9 hằng năm là Ngày Âm nhạc Việt Nam.
Ngày âm nhạc VN lần đầu tiên được tổ chức là 3/9/2010.
Bài hát “Kết Đoàn” nói trên nguyên văn Hán ngữ phiên âm là “Đoàn kết tựu thị lực lượng”, lời Mục Hồng, nhạc Lư Túc, sáng tác năm 1943 ở Trung Quốc (* [1]). Dịch giả người Việt khuyết danh đã dịch “Đoàn kết chính là sức mạnh”. Khi truyền miệng thường gọi tắt là “Kết đoàn”. Bài hát gần nguyên vẹn ca từ tiếng Trung, chỉ sửa câu chót Trung văn phiên dịch là: Hướng về mặt trời, hướng về tự do, hướng về nước Trung Quốc Mới, phát xuất ánh sáng xa vạn dặm” thay bằng câu“Tiến tiến mau mau kìa tự do đang reo bừng trong ánh dương, xây đời mới trong dân chủ mới!”. Nguyên cả bài hát chỉ sửa lời một câu, còn lại giữ nguyên của Tàu thì sao có thể gọi là bài hát Việt?
Như vậy, Hội nhạc sĩ đã lấy bài hát Trung Quốc làm cơ sở cho “Ngày âm nhạc Việt Nam” từ năm 2010. Dư luận ngay từ hồi ấy đã phàn nàn thắc mắc, nhưng Thủ tướng vẫn cứ chấp nhận đề xuất của NS Đỗ Hồng Quân.
Cứ cho rằng, trong kháng chiến chống Pháp quơ quào bất cứ vũ khí gì chống giặc là được, bất kể của ai, xá chi một bài hát. Nhưng ngày nay, bình tâm nhìn lại, chọn một ngày âm nhạc Việt Nam sao lại máy móc, câu nệ, phải chọn bài hát Tàu làm cột mốc đánh dấu lịch sử âm nhạc dân tộc – như thế khiên cưỡng quá chăng ?
Sự vong bản của Hội nhạc sĩ Việt Nam công khai hàng năm được Thủ tướng duyệt, sự kiện đó thực hiện từ 2010 đến nay đã 4 kỳ tổ chức rồi. (Năm nay chưa nghe công bố chương trình).
Âm nhạc truyền thống VN rất phong phú, đa dạng.
UNESCO đã công nhận các Di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam sau đây:
Hát quan họ Bắc Ninh.
Hát ca trù.
Hát xoan Phú Thọ.
Hát ví giặm Nghệ Tĩnh.
Nhạc cung đình Huế.
Đờn ca tài tử Nam Bộ…
Chưa kể tân nhạc Việt Nam phát triển rất mạnh từ đầu thế kỷ 20.
Chọn một cơ sở nào đó để làm ngày Âm nhạc Việt Nam tưởng cũng không quá khó.
Kết
Cái gì gắn với tên tuổi Hồ Chí Minh đều chứa sự bí ẩn. Bác ưa thích bài hát gì cũng phức tạp đến vậy sao?
Tôi dự đoán theo kiểu trung dung cho chắc ăn: có thể, sinh thời Bác thích cả bài hát TQ và dân ca Việt Nam, thì cũng là điều bình thường. Vấn đề là ở chỗ người ta chỉ muốn lợi dụng mập mờ tuyên truyền, vụ lợi chính trị, muốn tô son điểm phấn thật đậm lên thần tượng chính trị, càng nhiều càng tốt. Điều đó rất non tay, vì khi bị lộ thì công cốc hết!
Chọn Ngày âm nhạc Việt Nam, vì sao cũng phải cố ý tìm kiếm lý do gì đó gắn với tên tuổi HCM? Tiếc thay, lợi bất cập hại, Hội nhạc sĩ lại đi chọn bài ca Trung Quốc làm cơ sở. Có lẽ, Hội nhạc sĩ muốn lập công hay là muốn cho việc xét duyệt qua Ban tuyên giáo được êm xuôi đỡ bị kỳ đà cản mũi ?!
Cảnh báo các Hội khác như Hội nghệ sĩ tạo hình VN (Hội mỹ thuật), Hội sân khấu, Hội điện ảnh.v.v… chuẩn bị tìm lý do gì gắn với cụ HCM làm đề cương đề xuất dần đi là vừa.
***
Ghi chú: “Kết đoàn” được coi là bài hát tập thể toàn miền Bắc từ sau 1954 đến đầu 1961, khi bài hát “Giải phóng miền Nam” do Lưu Hữu Phước viết năm 1961 thay thế thì thôi “Kết đoàn”. (từ tháng 5.1975 thì “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” của Phạm Tuyên thay thế, và sau 1986 thì “Nối vòng tay lớn” của Trịnh Công Sơn được dân chúng tự phát thay chỗ đến nay. Kế đó lan dần đến các hội nghị, giao lưu của tổ chức cũng “Nối vòng…”)
***
Phụ lục (nguyên tác bài Kết đoàn của TQ)
团结就是力量
(Đoàn kết tựu thị lực lượng)
团结就是力量
这力量是铁这力量是钢
比铁还硬比钢还强
向着法西斯蒂开火
让一切不民主的制度死亡
向着太阳向着自由
向着新中国发出万丈光芒
(GN sưu tầm trên mạng Trung Quốc, nguồn: http://baike.baidu.com/subview/252130/15416875.htm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét