Chưa tới một tháng sau sự kiện gây nghi ngờ trên, đã phát lộ báo cáo của Ngân hàng nhà nước cho biết không chỉ bị giảm mạnh lợi nhuận , DongA Bank còn bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt do có nhiều vi phạm pháp luật về quản lý tài chính, cấp tín dụng và hoạt động kinh doanh khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính của ngân hàng này.
Có thể hình dung, sau hàng loạt ngân hàng như Xây dựng, Đại Dương vào năm 2014, GP năm 2015 bị công an khởi tố lãnh đạo và bị Ngân hàng nhà nước mua lại với giá 0 đồng, có khả năng DongABank cũng không thoát khỏi số phận này. Không những thế và nếu không cẩn thận, giới lãnh đạo chóp bu của DongABank còn có thể sa chân vào vòng lao lý như những tiền nhân, cho dù DongABank được xem là có cổ phần khá lớn của khối đảng ở Sài Gòn.
Sự việc từ nhiệm của ông Cao Sỹ Kiêm cũng nhắc dư luận nhớ lại vụ án liên quan đến ông Trần Xuân Giá - cựu bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư và sau đó ‘hạ cánh’ với chức vụ Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB. Khi Bầu Kiên - nhân vật nắm chịch ACB bị bắt vào năm 2012, ông Giá cũng không thoát trách nhiệm. Tuy nhiên ‘do tuổi cao sức yếu’, ông này đã được tạm đình chỉ vụ án mà không phải chịu khung lao lý nặng nề như Nguyễn Đức Kiên.
Một cách hiển nhiên và càng gần đại hội đảng cầm quyền lần thứ 12, chiến dịch 'thanh toán' ngân hàng thương mại cổ phần nhằm ngăn chặn đổ vỡ dây chuyền vẫn chưa thể kết thúc, đặc biệt trong bối cảnh nợ xấu vẫn tràn ngập mà chưa có tín hiệu nào giảm bớt về thực chất.
Nhưng xem ra, thanh trừng chính trị đã được khởi sự bằng chiến dịch “thanh toán” nguồn thu nhập. Sau biến cố ông Nguyễn Xuân Sơn của GP Bank bị bắt, khi trước đó nhân vật này còn thong dong ký tá hợp tác với người Mỹ tại Washington, trước sự chứng kiến của TBT Nguyễn Phú Trọng, giới ngân hàng thêm một phen rúng động trong chiến dịch tống giam lãnh đạo nhà băng kể từ năm 2012.
Một lãnh đạo chi nhánh ngân hàng tiết lộ: không rớ vào thì thôi chứ đã rớ thì “trăm thằng trúng cả trăm” đều vi phạm pháp luật. Rồi cứ hàng đống tội danh vi luật ấy mà nâng qua điểm “lợi dụng chức vụ” lẫn “cố ý làm trái,” cộng thêm cái tội tày trời không có trong luật về chuyện ngân hàng này nọ là “sân sau” của những lãnh đạo cao cấp nào đó, nhất là còn cung ứng hậu cần và hậu phương để các “anh ấy” đấu đá với nhau từ đây đến đại hội 12 của đảng... Khi ấy thì chỉ có chết!
Nếu vào năm ngoái, bầu không khí được mô tả là “nín thở,” thì năm nay, cũng không khí ấy đang bị xem là “nghẹt thở”. Lịch sử “Tháng Bảy bắt ngân hàng” năm 2014 đã lặp lại vào năm nay. Và nếu được tái hiện trọn vẹn thì từ đây đến cuối năm 2015, trước hội nghị trung ương 12 và kỳ họp Quốc Hội, sẽ còn một số lãnh đạo ngân hàng nữa phải “nhập kho.”
Lê Dung / SBTN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét