Pages

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

Eximbank bác tin chủ tịch bị bắt

Giá cổ phiếu Eximbank đã trượt mạnh những ngày qua trước tin chủ tịch ngân hàng này bị bắt giữ
Eximbank bác tin Chủ tịch Hội đồng Quản trị Lê Hùng Dũng bị bắt và ngân hàng này đang nằm trong diện bị kiểm soát đặc biệt.
Một ý kiến từ giới chuyên gia nói việc sáp nhập và mua lại các ngân hàng yếu kém đang được thực hiện một cách 'mập mờ'.

Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) trong tin ngày 20/8 dẫn lời ông Phạm Hữu Phú, Tổng giám đốc Eximbank, cho biết các tin nói trên là "không có thật" và hoạt động của ngân hàng này vẫn "ổn định".
Tin đồn lan truyền trên thị trường chứng khoán hai ngày gần đây đã đẩy giá cổ phiếu Eximbank xuống thấp hơn 11,85% so với cuối tuần trước, VOV cho biết.
"Những tin đồn liên quan đến ngân hàng trong những ngày gần đây hoàn toàn không chính xác", ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, được VOV dẫn lời nói.
Ông Minh cho biết việc quá trình thanh tra đối với Eximbank đã hoàn tất và kết quả thanh tra sẽ được công bố trong tháng Tám.
"Việc thanh tra và kết quả công bố thanh tra là những hoạt động bình thường", ông nói.
"Hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc, ban kiểm soát của các ngân hàng như Eximbank hay Ngân hàng Đông Á vẫn diễn ra bình thường như mọi ngày, không có thông tin gì liên quan đến bắt người".
"Người dân không nên nghe theo những nguồn thông tin không chính thống."
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hôm 12/8 thông báo đã "chấp thuận nguyên tắc" việc sáp nhập hai ngân hàng Sacombank và Southern Bank.
Trong năm nay, ngân hàng trung ương của Việt Nam cũng đã mua lại ba ngân hàng là Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Oceanbank, Ngân hàng PGbank với giá 0 đồng.

'Tình hình mập mờ'

Trả lời BBC ngày 20/8, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nói việc sáp nhập và mua lại các ngân hàng tại Việt Nam "không giống nước nào".
"Chỉ thị của chính phủ là không cho ngân hàng nào phá sản. Nếu duy trì mà ngân hàng đó không ăn nên làm ra, ăn mòn hết vốn điều lệ và nhà nước muốn tiếp tục thì phải mua lại bằng cách quốc hữu hóa và trả số tiền 0 đồng", ông nói.
"Nhưng không phải vậy mà nhà nước không có trách nhiệm chi thêm vì nhà nước phải lãnh trách nhiệm với các chủ tài khoản."
"Theo luật bảo hiểm tín dụng thì các chủ tài khoản chỉ được bảo đảm 50 triệu dù trong tài khoản có thể có nhiều tỷ đồng."
"Nếu nhà nước là chủ sở hữu và lãnh trách nhiệm quản lý ngân hàng đó thì nhà nước mặc nhiên phải chịu trách nhiệm với số tiền của những người là chủ tài khoản."
"Theo thanh tra của nhà nước thì có tới mấy chục ngân hàng yếu kém. Đã quốc hữu hóa một số ngân hàng rồi, còn những ngân hàng còn lại thì sao? Khi đó nhà nước không chỉ có trách nhiệm với hàng trăm nghìn tỷ đồng mà là hàng triệu tỷ đồng với các chủ tài khoản".
"Nhà nước lấy tiền đâu và dựa trên cơ sở luật pháp nào?".
"Chưa có luật nào cho phép nhà nước làm vậy cả. Tình hình rất là mập mờ".

Không có nhận xét nào: