Pages

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

Luật tôn giáo: đột phá hay siết chặt?



Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định có các chính sách tôn trọng quyền tự do, tôn giáo tín ngưỡng và quyền không tôn giáo, tín ngưỡng.

Dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo mới được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam đưa ra bàn thảo, lấy ý kiến tạo ra một số phản ứng và góc nhìn trái ngược nhau trong một số thành viên của giới quan sát và giáo phẩm ở Việt Nam.
Hôm 20/8/2015, một cựu quan chức lãnh đạo Văn phòng Quốc hội Việt Nam nói với BBC ông tin rằng dự luật là một 'bước tiến bộ đột phá', trong khi một vị chức sắc tôn giáo từng lên tiếng phản biện dự án luật này thời gian gần đây giữ quan điểm cho rằng dự luật này 'siết chặt tôn giáo'.
Bình luận với BBC hôm thứ Năm từ Sài Gòn, ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội, nói:
"Đúng là một bước tiến bộ đột phá rất quan trọng, trong đó cái mà tôi chú ý nhiều nhất là muốn hoạt động tôn giáo thì đăng ký, chỉ đăng ký chứ không phải xin phép.
"Ở Việt Nam mà xin phép thì nó qua nhiều ngõ lắm.




  "Cho nên chỉ đăng ký thì được hoạt động, thì tôi cho là nếu thực hiện được điều đó thì đó là tiến bộ vượt bậc," Luật sư Thuận nói.

Quan điểm khác biệt

Trong khi đó, Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Lợi, thành viên một nhóm chức sắc giáo phẩm liên tôn từ Việt Nam, có quan điểm khác biệt.
Ông nói:
"Đây là một sự nâng cấp Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo của năm 2004 và văn bản mới này dài gấp đôi...
"Chúng ta thấy rằng đây là một văn bản mà nó siết chặt các tôn giáo hơn và làm cho những tự do liên quan tới quyền tự do tôn giáo trở thành những cái gọi là tội pháp hình sự cả."
Và ông đưa ra lời giải thích:




  "Bởi vì tất cả mọi chuyện trong cái dự luật tôn giáo này đều phải xin phép nhà nước và chờ sự cho phép của nhà nước", Linh mục Phê-rô Nguyễn Văn Lợi đưa ra lời nhận xét với BBC.
Hôm 14/8, dự luật nói trên đã được trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam xem xét và cho ý kiến.
Theo trang nhà của Đài tiếng nói Việt Nam (vov.vn), một số thành viên ủy ban này cho rằng luật tôn giáo, tín ngưỡng phải thể hiện rõ "quan điểm đảm bảo quyền của người dân nhưng không có nghĩa không có sự quản lý nhà nước."
Mặc dù có những ý kiến khác nhau ngay trong các thành viên Ủy ban, theo cổng thông tin điện tử của Quốc hội Việt Nam (quochoi.vn), 'đa số các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội' của Việt Nam đã 'nhất trí với việc cần thiết phải ban hành Luật'.
Được biết, dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo này có kết cầu gồm 11 chương, 67 điều và được cho là nâng cấp từ một Pháp lệnh về tín ngưỡng, tôn giáo được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ban hành và có hiệu lực từ năm 2004.

Không có nhận xét nào: