Ảnh minh hoạ
|
Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương gồm 28 thành viên do Mỹ dẫn đầu đã bày tỏ “sự quan ngại sâu sắc trước sự leo thang bạo lực nghiêm trọng” ở miền đông Ukraine khi họ có cuộc gặp ở thủ đô Brussels của Bỉ.
"Nga có một trách nhiệm đặc biệt trong việc tìm kiếm một giải pháp chính trị” cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine, nữ phát ngôn viên của NATO – bà Carmen Romero cho biết trong một tuyên bố.
"Bất kỳ nỗ lực nào của lực lượng ly khai nhằm chiếm thêm lãnh thổ ở Ukraine sẽ đều là hành động không thể chấp nhận được đối với cộng đồng quốc tế”, bà Romero cho hay.
Lực lượng ly khai Ukraine hiện đang nắm quyền kiểm soát một số khu vực ở hai khu vực miền đông Donetsk và Luhansk. Quân ly khai được cho là đã đe dọa sẽ mở rộng vùng lãnh thổ mà họ chiếm đóng sang phía tây.
NATO nhấn mạnh tất cả các bên cần phải “làm dịu căng thẳng và thể hiện sự kiềm chế” trong khi kêu gọi các bên “thực hiện đầy đủ” thỏa thuận hòa bình đạt được ở thủ đô Minsk của Belarus hồi tháng Hai.
NATO cho rằng, các giám sát viên đến từ phái đoàn của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) phải được “làm nhiệm vụ của mình một cách an toàn và không có giới hạn” sau khi tổ chức này nói rằng họ phải đối mặt với sự quấy rối “chưa từng có” trong đợt leo thang bạo lực lần này, hầu hết đến từ lực lượng ly khai.
"NATO kiên định ủng hộ cho chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”, liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương cho biết trong tuyên bố của mình. Liên minh này tiếp tục tái khẳng định sự ủng hộ cho “một đất nước Ukraine ổn định, độc lập và có chủ quyền”, theo đuổi con đường dân chủ bởi theo họ đây là cách tốt nhất để bảo đảm an ninh ở khu vực Châu Âu-Đại Tây Dương.
NATO thề sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tình hình Ukraine. Quân chính phủ Ukraine đã chiến đấu chống lại lực lượng ly khai miền đông từ hồi tháng 4 năm ngoái và cho đến nay, cuộc nội chiến “huynh đệ tương tàn” này đã cướp đi sinh mạng của gần 7.000 người.
Mặc dù cuộc xung đột ở miền đông Ukraine đã lắng dịu sau thỏa thuận ngừng bắn Minsk nhưng những ngày gần đây chiến sự ở khu vực đột ngột leo thang một cách nhanh chóng và cực kỳ đáng ngại.
Cả Kiev và quân ly khai đều đổ lỗi cho nhau về tình trạng leo thang bạo lực nói trên. Đây là điều thường thấy trong mỗi lần xảy ra những vụ vi phạm lệnh ngừng bắn. Cũng tương tự như vậy, Nga và phương Tây lao vào “tố tội” nhau. Phương Tây thường cáo buộc Nga hậu thuẫn để lực lượng ly khai thực hiện những cuộc tấn công. Ngược lại, Nga cũng cáo buộc phương Tây ngầm ngầm giúp Kiev chuẩn bị lực lượng để phát động chiến dịch quân sự mới sau chiến dịch thất bại cách đây mấy tháng.
Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã khuấy lên cuộc đối đầu căng thẳng nhất giữa Nga và phương Tây kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Cả Moscow và phương Tây đều cho rằng bên kia là “thủ phạm” chính gây ra cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở Ukraine.
Ukraine, Pháp, Đức gặp nhau bàn về tình hình leo thang bạo lực
Lãnh đạo các nước Pháp, Đức và Ukraine dự kiến sẽ có cuộc gặp ở thủ đô Berlin vào thứ Hai tuần tới (24/8) trong một nỗ lực nhằm tìm cách chấm dứt làn sóng bạo lực mới ở Ukraine, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho hay.
"Tình hình thật đáng ngại", ông Fabius đã nói như vậy với cánh phóng viên ngay trước thềm cuộc gặp giữa Tổng thống Pháp Francois Hollande, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Thủ tướng Đức Angela Merkel.
"Thứ nhất, chiến dịch quân sự cần phải ngừng ngay lập tức và vũ khí cần phải được rút đi.... Thứ hai, chúng ta cần tạo những điều kiện thuận lợi cho các cuộc bầu cử ở Donbass (miền đông Ukraine)”, ông Fabius cho hay.
"Tôi hy vọng, cuộc họp vào đầu tuần tới sẽ cho phép chúng ta đạt bước tiến trên cả hai điểm nói trên. Chúng tôi cũng hy vọng có được một giải pháp cho tình hình ở Ukraine muộn nhất là vào tháng 12", Ngoại trưởng Pháp cho biết.
Nhà lãnh đạo Ukraine Poroshenko trong một cuộc điện đàm với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker hồi đầu tuần cũng đã sắp xếp chuyến thăm các thể chế EU ở Brussels trước cuối năm nay.
Đợt bùng nổ giao tranh mới nhất ở miền đông Ukraine diễn ra liên tiếp trong mấy ngày qua. Tình hình như vậy thực sự đáng lo ngại bởi trước đó miền đông Ukraine đã chứng kiến một thời gian dài tình trạng giao tranh, đụng độ sụt giảm đáng kể. Đã có lúc người ta hy vọng chiến sự ở miền đông Ukraine sẽ chấm dứt hẳn và quốc gia này có thể khởi động một tiến trình hòa giải dân tộc.
Tuy nhiên, hy vọng mới chỉ kịp lóe lên đã nhanh chóng lụi tàn bởi sự leo thang bạo lực một cách nhanh chóng trong những ngày gần đây. Nguy cơ thỏa thuận ngừng bắn mới nhất bị phá vỡ đang ở ngay trước mắt khi mà Ukraine đang chuẩn bị kỷ niệm ngày độc lập của mình vào tuần tới.
Lệnh ngừng bắn bị phá vỡ, chiến sự leo thang ác liệt cùng sự buông bỏ của các bên liên quan sẽ là viễn cảnh ác mộng nhất đối với Ukraine bởi nếu tình hình thực sự diễn ra theo cách này thì quốc gia Đông Âu chắc chắn sẽ rơi xuống vực thẳm./Vân Linh (tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét