Mặc dù thua kém S-300PMU1 nhưng S-300PS vẫn được đánh giá là một trong những hệ thống tên lửa phòng không di động hàng đầu thế giới.
Mới đây, trang RIAN dẫn nguồn từ Cơ quan báo chí Bộ Quốc phòng Kazakhstan cho biết, Nga vừa chuyển giao miễn phí 5 tổ hợp tên lửa phòng không S-300PS cho Kazakhstan. Toàn bộ các tổ hợp tên lửa trên được lấy ra từ kho dự trữ chiến lược của Quân đội Nga.
Việc Nga tặng S-300PS cho Kazakhstan ngoài lý do đây là quốc gia nằm trong Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) thì còn một nguyên nhân khác đó là S-300PS đang dần bị loại biên để nhường chỗ cho các tổ hợp S-400 Triumf hay S-300PMU1/2 mạnh hơn rất nhiều.
S-300PS (NATO định danh là SA-10 Grumble) thuộc phiên bản đời đầu của S-300, được chính thức giới thiệu vào năm 1985. Tổ hợp được nâng cấp với sự phục vụ của xe mang phóng tự hành 5P85T (dựa trên khung gầm xe tải MAZ 7910 8x8) và radar điều khiển hỏa lực 5N63.
Sức mạnh của S-300PS nằm ở tên lửa đánh chặn 5V55R có tầm bắn 90 km, vận tốc tối đa 1.700 m/s, độ cao hoạt động 0,025 - 25 km, mang theo đầu đạn nặng 133 kg với hệ dẫn đường radar bán chủ động thay vì nhận lệnh trực tiếp từ đài chỉ huy như đạn 5V55K thế hệ cũ.
Hệ thống có thể theo dõi 12 mục tiêu và điều khiển tên lửa tiêu diệt 6 mục tiêu có vận tốc 1.150 m/s cùng lúc, tầm bắn hiệu quả đối với máy bay là 75 km và tên lửa đạn đạo tầm ngắn là 25 km.
Thời gian giãn cách giữa 2 loạt phóng chỉ 3 - 5 giây và chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu/di dời khỏi trận địa dưới 5 phút.
Nếu so sánh các thông số thì dễ dàng nhận ra S-300PS thua kém S-300PMU1 khá nhiều, nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia quân sự, S-300PS vẫn là một hệ thống tên lửa phòng không di động cực mạnh, còn có khả năng phát huy tốt vai trò trong chiến tranh hiện đại.
Chính vì vậy mặc dù đang bị Nga loại biên nhưng đối với nhiều quốc gia khác, ví dụ như Kazakhstan thì đây vẫn là một "Báu vật phòng không".
Xe mang phóng tự hành 5P85SE của tổ hợp S-300PMU1 Việt Nam. Ảnh: Quân đội nhân dân
Sau khi đánh giá năng lực của S-300PS thì vấn đề được quan tâm là liệu Việt Nam có ý định sẽ chớp cơ hội để mua hàng thanh lý với giá rẻ của Nga hay không, vì hiện nay mạng lưới phòng không của chúng ta vẫn còn khá mỏng.
Thời gian qua, mặc dù Việt Nam đã tiếp nhận 2 tổ hợp S-300PMU1 và tiến hành nâng cấp hệ thống S-125 Pechora lên chuẩn Pechora-2TM nhưng như vậy vẫn là chưa đủ để đáp ứng yêu cầu tác chiến.
Đặc biệt, do các tổ hợp SA-2 vì quá lạc hậu nên đã chuẩn bị được cho "nghỉ hưu" trong tương lai không xa, ứng viên thay thế sáng giá nhất là Buk-M2 thì quá đắt đỏ, S-350 Vityaz vẫn chưa hoàn thiện trong khi SPYDER-MR lại thua kém về tầm bắn.
Do vậy, nếu được bổ sung các hệ thống S-300PS để làm nhiệm vụ hỗ trợ cho S-300PMU1 và lấp đầy lỗ hổng do các hệ thống SA-2 để lại thì có thể nói lực lượng phòng không Việt Nam đã có bước chuyển về chất, đủ khả năng bảo vệ bầu trời tổ quốc trong tình hình mới.
S-300PS hứa hẹn sẽ là một giải pháp tình thế nhưng vẫn mang lại hiệu quả cao trong giai đoạn quá độ tiến thẳng lên hiện đại của Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét