Trung Quốc không có "một binh một tốt" nào đóng trên bán đảo Triều Tiên, nên muốn theo đuổi mục tiêu...
Ông Tập Cận Bình. Ảnh: The Wall Street Journal.
Đa Chiều ngày 23/8 bình luận, trong lúc cả thế giới đang dõi theo căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên thì phản ứng của Trung Quốc có vẻ như bối rối. Diễn biến khủng hoảng trên bán đảo vẫn leo thang từng giờ, nhưng ông Tập Cận Bình biết rằng, nếu để nổ ra giao tranh giữa Seoul và Bình Nhưỡng thì Bắc Kinh sẽ là bên "lĩnh đạn".
Kim Jong-un "vận thần công"
Sau vụ pháo kích hôm Thứ Năm, 6 giờ chiều 22/8 quan chức cấp cao 2 miền Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán liên tục đến 4 giờ sáng hôm sau thì tạm nghỉ lấy lại sức, đợi đến 3 giờ chiều ngày 23/8 ngồi đàm phán tiếp. Yonhap ngày 23/8 đưa tin, trên thực địa vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy căng thẳng hạ nhiệt, 50 trong số 70 tàu ngầm của Bắc Triều Tiên được lệnh rời căn cứ mà Hàn Quốc không thể xác định được tung tích.
Lực lượng pháo binh Triều Tiên tăng gấp đôi quân số sẵn sàng chiến đấu ở tiền duyên, Hàn Quốc gọi gấp 6 chiếc chiến đấu cơ F-16 đang tập trận ở Alaska, Hoa Kỳ về nước. Bộ Tham mưu liên quân Mỹ - Hàn nâng mức độ trinh sát theo dõi Bắc Triều Tiên lên cấp 2, giám sát nhất cử nhất động của quân đội miền Bắc.
Trong khi Mỹ và Nga lên tiếng ngay từ hôm 20 thì mãi chiều tối 21/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh mới kêu gọi "các bên kiềm chế". Dường như lập tức Bình Nhưỡng đưa ra phản ứng: "Chúng tôi đã kiềm chế mấy chục năm nay rồi, giờ này bất cứ ai kêu gọi kiềm chế đều chẳng giúp ích gì cho việc kiểm soát tình hình".
Động thái này thể hiện sự bất mãn rõ rệt của Bình Nhưỡng với Bắc Kinh, nhưng không phải lần đầu tiên. Tháng 7 năm nay khi Iran và Hoa Kỳ đạt được thỏa thuận hạt nhân, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vừa lên tiếng bình luận rằng, thỏa thuận này có thể là một bài học cho việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, Đại sứ Triều Tiên tại Bắc Kinh đã lập tức triệu tập họp báo quốc tế công khai bác bỏ ý kiến của ông Nghị.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vừa lên tiếng khuyến khích Triều Tiên học tập Iran trong vấn đề hạt nhân, Đại sứ Triều Tiên tại Bắc Kinh lập tức họp báo quốc tế bác bỏ.
Lần này Bắc Kinh vừa lên tiếng khuyên can, Bình Nhưỡng lại lập tức lên tiếng ám chỉ Trung Quốc nên "ngậm miệng" đủ thấy sự phản cảm của Bình Nhưỡng đối với Trung Quốc đã lên đến ngưỡng đối đầu ra mặt, không chút lưu tình, Đa Chiều bình luận.
Tổng thống Hàn có thể phải hoãn đi Trung Quốc, Bình Nhưỡng thoát khỏi vòng ảnh hưởng của Bắc Kinh
Ngày 23/8 đài Phát thanh Trung Quốc đăng bình luận của ông Phác Kiện Nhất từ Viện Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng, nếu cục diện bán đảo Triều Tiên tiếp tục leo thang thì kế hoạch thăm Bắc Kinh dự duyệt binh của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye có thể phải hoãn lại, bởi lúc này nếu bà rời khỏi Seoul đi Bắc Kinh là sẽ "bị chửi".
Tờ Liên Hợp Đài Loan ngày 23/8 bình luận, Kim Jong-un đang sử dụng chiêu "cách sơn đả ngưu" để thể hiện sự bất mãn của mình với Trung Quốc và ngăn chặn chuyến công du Bắc Kinh của bà Park Geun-hye đầu tháng 9 dự duyệt binh kỷ niệm 70 năm "chiến thắng chống Nhật Bản".
Đông Phương nhật báo Hồng Kông ngày 24/8 nhận định, liên minh quân sự Trung - Triều đã trở thành "dĩ vãng" sau những gì đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên. Năm ngoái Tập Cận Bình chưa kịp đặt chân đến Seoul thì Bình Nhưỡng đã bắn tên lửa "trợ hứng" nên những gì đang diễn ra hiện nay không có gì lạ. Chỉ có điều một khi cục diện hai miền bán đảo mất kiểm soát, Trung Quốc bị kéo vào cuộc mới thực sự là tai ương.
Đa Chiều cũng có chung nhận định này. Là nước đưa ra ý tưởng đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, nhưng hiện nay Trung Quốc đã không còn ở tuyến đầu, nguyên nhân trực tiếp là Bắc Kinh không còn đủ sức ảnh hưởng đối với Bình Nhưỡng như trước đây nữa.
Quan chức cấp cao 2 miền Triều Tiên đàm phán tại Bàn Môn Điếm. Ảnh: Boston Global.
Tập Cận Bình "đổi" tư duy, cải thiện quan hệ Hàn - Triều để kiềm chế Mỹ
Trung Quốc không có "một binh một tốt" nào đóng trên bán đảo Triều Tiên, nên muốn theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo thì quan hệ giữa hai miền Triều Tiên mới là quan trọng. Nói cách khác, lực lượng quân sự Mỹ đóng trên bán đảo Triều Tiên mạnh lên hay yếu đi căn bản sẽ do quan hệ Hàn - Triều quyết định, Tập Cận Bình đã nhìn thấy điều này.
Đó là lý do tại sao từ khi nhậm chức, ông Bình đã tích cực phát triển quan hệ với Hàn Quốc và cổ vũ Tổng thống nước này Park Geun-hye nên cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng là có dụng ý. Tập Cận Bình không phải không biết Kim Jong-un "ôm hận" mình, cũng không phải không hiểu rằng Bắc Kinh kêu gọi hai miền kiềm chế chẳng có sức thuyết phục.
Nhưng vấn đề bán đảo Triều Tiên tồn tại căn bản là do cục diện Chiến tranh Lạnh vẫn chưa bị phá vỡ. Trước đây Trung - Nga - Triều liên thủ với nhau đối phó Mỹ - Nhật - Hàn, hiện tại Trung Quốc im lặng không có nghĩa là họ không làm gì, mà Bắc Kinh đã thay đổi tư duy, chơi với Hàn Quốc để thay đổi cán cân cục diện Chiến tranh Lạnh.
Đa Chiều cho rằng, chỉ khi nào Hàn Quốc bớt lệ thuộc vào Hoa Kỳ, quan hệ hai miền bán đảo mới có thể được cải thiện và yêu cầu của Bình Nhưỡng đòi Mỹ rút quân khỏi bán đảo mới được thực hiện. Theo tờ báo này, Bắc Kinh nhận thức rằng dù Mỹ có bá quyền đến đâu cũng không thể qua mặt Hàn Quốc trong việc điều quân đồn trú trên bán đảo.
Trong cục diện bán đảo Triều Tiên hiện nay, quân cờ quan trọng nhất lại là Hàn Quốc. Trung Nam Hải cho rằng chỉ cần bà Park Geun-hye án binh bất động, bán đảo không thể có chiến tranh, Bắc Kinh cần lợi dụng tốt quan hệ với Seoul để ảnh hưởng đến quyết sách của Washington trong vấn đề Bắc Triều Tiên, biến Hàn Quốc thành "khóa" kiềm chế lại Mỹ.
Hồng Thủy
(GDVN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét