Pages

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2015

Trẻ VN 'thừa kiến thức, thiếu kỹ năng'?

Image copyrightiStock
Trong phiên bản 2015 của cuốn "Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1", một phần nội dung gây tranh cãi đã không còn xuất hiện.
Nhà xuất bản Giáo dục, đơn vị chịu trách nhiệm in cuốn sách này, nói đã có sự điều chỉnh đối với phần nội dung chưa phù hợp, trong lúc Bộ Giáo dục có công văn yêu cầu "có biện pháp xử lý" đối với phần bài tập "đi trên thảm thủy tinh", được cho là "gây ảnh hưởng không tốt", theo trang tin VnExpress.
Mẩu chuyện 'bạn An dũng cảm đi trên thảm thủy tinh', trong đó động viên trẻ em 'chiến thắng nỗi sợ' đã phải rút đi.

Tuy nhiên, người đứng đầu nhóm soạn thảo, Tiến sỹ Phan Quốc Việt nói rằng đó không phải là việc loại bỏ nội dung, mà là "đổi mới để phát triển".
Được xuất bản lần đầu năm 2013 và qua hai lần tái bản trong năm 2014, 2015, cuốn sách nhằm dạy các em về các kỹ năng sống thường gặp hàng ngày, từ lời chào hỏi, bắt tay, cho tới thuyết trình, lắng nghe.
Cuốn sách cũng gồm các bài tập về những tình huống hiểm nguy lẫn những tình huống mang tính phấn khích, giải trí vui vẻ, ông Việt nói.

"Kinh nghiệm quốc tế"

"Chúng tôi tuân theo nguyên tắc của UNESCO, gồm "learn to know, learn to be, learn to do, learn to live together" (tức học để biết, học đế sống, học để hành, học để chung sống cùng nhau). Tức là phải sống, phải làm người đã, rồi mới làm việc," ông Việt nói với BBC Tiếng Việt.
Nội dung sách được xây dựng trên cơ sở thu nhập, tiếp nhận kinh nghiệm từ nhiều nơi trên thế giới, trong đó có cả từ Mỹ, Anh, Liên Xô cũ, Malaysia, Singapore, và cả từ kinh nghiệm cá nhân, ông Việt nói thêm.
"Chúng tôi soạn nội dung theo ba năng lực, bảy phẩm chất cần cho con trẻ, và cũng tuân theo một thông tư hướng dẫn của Bộ Giáo dục."
Phần "sự trải nghiệm đối mặt với khó khăn, thách thực trong cuộc sống, trải nghiệm quản trị cảm xúc" là phần sẽ vẫn không thay đổi, ông Việt cho biết, nhưng hình thức bài tập "thảm thủy tinh" sẽ được thay thế bằng bài tập bơi lội.
Trong lần tái bản 2015, việc bỏ bài tập "đi trên thảm thủy tinh" sau hai năm áp dụng được đưa ra dựa trên nhiều yếu tố, cả do sự cân nhắc của ban soạn thảo lẫn tiếp thu các luồng ý kiến trong xã hội, nhằm tạo sự sinh động, tránh nhàm chán, ông Việt nói.
"Một số người chê bai có lẽ là do chưa hiểu, đó là việc của đời. Cái mới thì bao giờ cũng có người chê," ông Việt nói. "Có những người suốt ngày lo làm hài lòng người khác, nhưng tôi không phải vậy, tôi là người đổi mới. Và khi đổi mới là phải chấp nhận rủi ro, tôi chấp nhận rủi ro."

"Đừng ném đá"

"Ở Việt Nam người ta thích ném đá. Đừng biến trò ném đá thành một trò nghiện. Hãy gạn đục khơi trong chứ đừng bới lông tìm vết. Hãy đãi cát tìm vàng chứ đừng bới bèo ra bọ," ông Việt nói thêm.
Image copyrightiStock
"Đi trên thủy tinh" là bài tập được thực hiện phổ biến trên thế giới, ông Việt nói, bản thân ông cũng từng trực tiếp thực hiện cho người khác xem và cho thực hiện ở nhiều nơi trong suốt 10 năm qua.
"Tôi cõng một bạn khác đi trên thủy tinh, trên đầu tôi còn đội cái chai. Nguyên tắc dạy của tôi là thầy giáo phải tạo gương, tôi vừa là lãnh đạo vừa là thầy giáo, nên phải tạo gương ở cấp bình phương. Đó chỉ là một bài tập bình thường."
Bấm vào link này để xem video clip "đi trên mảnh thủy tinh".
Lý do chọn đưa "đi trên thảm thủy tinh" vào giáo trình là do tính phổ biến của tình huống liên quan trong cuộc sống.
"Mảnh thủy tinh là điều hay gặp nhất trong các bất trắc xảy ra trong cuộc đời. Mọi người hay sợ va chạm vào mảnh thủy tinh gây chảy máu, nên chúng tôi chọn để đưa vào giáo dục."
Tuy nhiên, trước câu hỏi về cách đặt thảm thủy tinh để các em thực hành mang tính sắp xếp, có tính toán trước nhiều hơn thay vì những gì có thể diễn ra trong thực tế, ông Việt nói: "Tất cả các lý thuyết đều là chọn trường hợp điển hình, không thể đưa mọi tình huống vào trong sách được."
Hiện ban soạn thảo đã viết xong sách cho các em từ lớp một tới lớp chín, với tham vọng sẽ có cả sách cho sinh viên đại học, ông Việt nói. Tuy nhiên, việc đưa sách vào các trường "còn phụ thuộc Bộ Giáo dục, phụ thuộc cơ duyên".
"Cả thế giới này hiện đang khuyết tật về tâm hồn. Trẻ em Việt Nam hiện nay thừa kiến thức, nhưng thiếu kỹ năng," ông Việt nói.

Không có nhận xét nào: