26-08-2015
Hôm qua, tôi tiêu ra cả 3 giờ đồng hồ để theo dõi vài chương trình truyền hình địa phương. Tôi đi đến kết luận là phong cách truyền hình có nhiều đổi mới so với 10 năm trước đây (dĩ nhiên), nhưng về nội dung thì vẫn chẳng có gì thay đổi, vẫn rất nặng về tuyên truyền và nhồi sọ. Đáng nói là cách nhồi sọ rất thô và có vẻ người ta chẳng thèm dấu giếm gì việc làm đó.
Đầu tiên là chương trình tin tức / thời sự từ đài VTV1 ngoài Hà Nội. Phải nói đây là chương trình thô cứng nhất, nặng về tuyên truyền và nhồi sọ nhất, và hình thức dở nhất so với các chương trình khác. Vì sắp đến ngày 2/9 nên chương trình thời sự dành một thời lượng đáng kể để tuyên truyền về sự kiện gọi là “cách mạng tháng 8”. Có cô phóng viên nhỏ bé phỏng vấn những người tham gia CMT8 ở miền Nam, họ kể lại những giây phút lịch sử đó với giọng nói khá hào hứng. Điều đáng nói là tất cả 3 người được phỏng vấn đều là người nói giọng Bắc! Tôi nghĩ ông cụ Trần Văn Giàu mà còn sống và nghe mấy vị này nói chắc ông cụ dễ bị heart attack.
Tôi cố lắng nghe những gì họ nói xem có gì đáng ghi nhận hay không, thì thấy hình như họ độc thoại. Còn cái cô phóng viên thì chỉ có nhiệm vụ cầm micro cho 3 ông kia nói, chứ cô hoàn toàn không chứng tỏ được tri thức gì cả. Điều hết sức hài hước là để minh chứng cho một cuộc biểu tình lên đến hàng vạn người, người ta trưng bài … bức tranh (thay vì hình ảnh thật). Hoàn toàn không có cái nhìn của người phía bên kia chiến tuyến, cũng chẳng có gì đáng tin cậy để trình bày cho người xem. Lịch sử qua truyền hình như thế phải nói là hết sức buồn chán và thiếu sinh lực.
Theo sau bản tin về CMT8 là những tin tức kinh tế và linh tinh khác. Xuất khẩu bao nhiêu (không thấy nói nhập khẩu) được trình bày bằng những con số chính xác đến 0.001 số lẻ. Thật kinh ngạc! Nhưng dĩ nhiên người nghe không nên ngạc nhiên, bởi vì đó không phải là bản tin hay thông tin dành cho người dân, mà dành cho các quan chức. Thật ra, tôi dám nói rằng các quan chức cũng chẳng quan tâm đến những thông tin mà độ chính xác ai cũng biết là có vấn đề. Còn những bản tin về xã hội thì cũng mang tính tuyên truyền xoay quanh các hoạt động kỉ niệm CMT8. Hoàn toàn trống vắng là các bản tin liên quan đến người dân như tai nạn xe hơi, như phát hiện tham ô hối lộ, như ngư dân bị bọn Tàu cộng cướp giựt ngoài Biển Đông, v.v.
Đó là chưa nói đến cái cô biên tập viên. Dĩ nhiên, theo qui luật, cô ấy phải là người Bắc. Cô mặc áo dài màu xanh, cột quanh cổ cái vòng hạt màu trắng, mang kiếng trông rất ư là trí thức. Nhưng phong cách HOÀN TOÀN thụ động, khác hẳn với các biên tập viên ở nước ngoài vốn rất năng động và chủ động trong bản tin. Cái giọng đọc đều đều nghe hết sức buồn chán. Tôi thử tắt âm thanh để chú ý thì thấy cách cô nói giống y chang như là cái máy, hay cái hình nộm mấp máy miệng rất buồn cười. Mở âm lượng lên, ngay cả cái giọng đọc của cô cũng rất khó chịu. Khó chịu là vì nó không phải là giọng Hà Nội thứ thiệt, mà là giọng pha trộn Hà Nội, Hà Lam Linh, và Thanh Nghệ Tĩnh (bạn tôi gọi là giọng COCC). Có lẽ các bạn hỏi tôi: thế nào là giọng Hà Nội thứ thiệt? Tôi nghĩ giọng như Thái Thanh và Phạm Duy là giọng Hà Nội thứ thiệt. Thật là đáng tiếc cái giọng đó ngày nay mất tiêu đâu rồi, để thay vào cái giọng hết sức phi Hà Nội thống trị làn sóng truyền hình. Phải là người kiên nhẫn lắm mới theo dõi hết chương trình của cô này.
Kế đến là các chương trình truyền hình địa phương. Nói là chương trình, nhưng sự thật là họ cũng chẳng có gì để trình chiếu mà chỉ mượn các chương trình của đài địa phương khác. Rất ngạc nhiên là họ dành một thời lượng rất lớn cho các bộ phim Tàu cộng. Những bộ phim tình cảm sướt mướt, tủn mủn, lai căng và rẻ tiền như thế được trình chiếu có khi mỗi giờ trên khắp đất nước này. Chẳng những nội dung rẻ tiền, mà cách chuyển ngữ rất dễ làm cho người nghe tức lộn ruột, vì cái thứ tiếng Việt lai căng và mất dạy. Tôi thật không hiểu nổi tại sao khán giả Việt Nam có thể kiên nhẫn theo dõi và NGHE cái thứ tiếng Việt quái đản đó.
Bên cạnh phim Tàu là vài chương trình văn nghệ nhưng rất rời rạc. Rất hiếm thấy một chương trình nhạc hoàn chỉnh, mà chỉ một bài ca đơn lẻ, thậm chí không hết bài. Ngoài những bài nhạc tôi không thể nào nghe được, thỉnh thoảng có một vài bài nhạc sến thời xưa. Tôi định tắt tivi thì nghe một giọng hát quen quen, hoá ra là Phương Thanh. Nàng Phương Thanh song ca cùng một chàng ca sĩ nào đó mà tôi không biết trong bài gì mà có câu “Nhà em có hoa vàng trước ngỏ / tường thật là cao, có cây leo kín rào”. Ngạc nhiên là Phương Thanh ca bài này rất đạt, nhưng cái chàng ca sĩ kia làm cho mức đạt 90% của nàng giảm xuống còn 40%.
Ngoài nhạc còn có kịch. Ôi, tôi ghét (xin nhắc lại: ghét) những màn kịch của Việt Nam. Màn kịch đầu tiên có anh chàng kịch sĩ nổi tiếng HL cùng một kịch sĩ khác (nữ) mà tôi chưa biết tên. Màn kịch cực kì vô duyên, lố bịch, và vô giáo dục. Cảnh bà kia đi trên đường đụng phải anh chàng hàng xóm (hay gì đó) và thế là câu chuyện cãi cọ xảy ra. Họ tuôn ra những câu chữ hết sức khả ố, vô văn hoá mà không một người miền Tây (hay miền Nam) nào nói năng như thế cả. Họ cố chọc cười khán giả, nhưng khán giả như tôi thì dễ nổi nóng với những loại đối thoại vô duyên, ám ảnh bởi dục tính, và nhất là vô văn hoá. Mà, đây chỉ là màn kịch tiêu biểu, vì hầu hết kịch VN đều như thế cả: vô duyên và lố bịch. Tôi có cảm giác giới kịch nghệ VN hình như cạn đề tài để khai thác, nên họ phải làm những trò tủn mủn và lố bịch như thế. Trời ơi, khó tưởng tượng được những chương trình như thế mà lên tivi! Nó nói lên nền văn nghệ đang chịu sự xuống cấp không thắng, để cho những cái khả ố lên ngôi. Nó cũng nói lên sự thất bại của những kẻ gác cổng ngôi đền văn nghệ.
Thỉnh thoảng cũng có vài chương trình có ích như trò chuyện cùng nông dân miền Tây. Họ (nông dân) chia sẻ kinh nghiệm làm rượu từ mận, ổi, sầu riêng, v.v. rất thú vị. Nhưng chương trình này cũng đậm màu chính trị và … đóng kịch. Tôi không khỏi phì cười khi cô phóng viên hỏi một ông nông dân về tình hình trồng trọt cây ăn trái, và ông mở đầu câu trả lời như thế này: “Thực hiện nghị quyết 45A của huyện uỷ, tôi ý thức rõ rằng …” Thoạt đầu tôi sững sờ nghe ông nói hết sức tự nhiên, nhưng sau sự sững sờ là một trận cười một mình làm mấy đứa cháu đang xem nhìn tôi ngạc nhiên.
Thiệt tình, tôi không ngạc nhiên về tính tuyên truyền của các chương trình tivi, nhưng tôi ngạc nhiên về sự thô kệch trong tuyên truyền và nhồi sọ. Ngoài nhồi sọ, các chương trình trên còn có mang tính ru ngủ (như mấy bộ phim Tàu và nhạc), làm cho cộng đồng chạy theo những thị hiếu tầm thường và lai căng, để họ chẳng quan tâm gì đến sự an nguy của đất nước và dân tộc, đến cái đẹp của văn hoá và dân tộc. Với những chương trình như tôi vừa đề cập, thông tin bị bóp méo, xuyên tạc, hay được trình bày một chiều thì làm sao thực hiện được sứ mệnh khai dân trí được. Với cách tuyên truyền như thế thì chẳng ai ngạc nhiên khi một số lớn trong giới trẻ có cái nhìn lệch lạc về lịch sử, về tình hình đất nước và thế giới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét