Hiện nay nhiều tờ báo cần lấp đầy trang, các trang tin, báo điện tử cần bài mới để chạy đua với nhau.
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) của Việt Nam mới cho biết sẽ xử lý nghiêm các bài báo có những thông tin mô tả chi tiết tội ác với các hành vi rùng rợn, khai thác thông tin giật gân xung quanh những vụ án.
Ngoài ra, theo công văn của cơ quan quản lý báo chí còn gọi là Bộ 4T này, những thông tin được cho là xâm phạm quyền riêng tư cá nhân; đăng, phát những phát ngôn không đúng chức năng, gây hoang mang dư luận và cản trở quá trình điều tra, gây hiệu ứng xấu cho xã hội, cũng sẽ bị xử lý.
Một phóng viên tại Hà Nội chia sẻ với VOA Việt ngữ: “Đúng là trong vấn đề này thì việc Nhà nước yêu cầu các cơ quan báo chí chấp hành đúng các quy định pháp luật trong hoạt động báo chí và xử lý nghiêm khắc đối với những cơ quan báo chí vi phạm là việc nên làm, đặt trong bối cảnh xã hội Việt Nam”.
Chị chia sẻ thêm: “Tôi đã trực tiếp chứng kiến không ít người phản ứng dữ dội về việc các tờ báo có loạt bài “ăn theo” các vụ trọng án nhằm mục đích “câu view”. “Rùng mình”, “rẻ rúng”, “sợ đêm về gặp ác mộng”, “không muốn đọc nữa” là các cụm từ mà họ dùng để nhận xét về các bài báo dạng này. Tất cả những bài báo này không có giá trị về mặt thông tin mà chỉ nhằm mục đích lôi kéo một bộ phận độc giả tò mò”.
Chị cũng cho biết, thực tế hiện nay có nhiều tờ báo cần lấp đầy trang, các trang tin, báo điện tử cần bài mới để chạy đua nhau. “Một số người viết báo tự cho mình quyền thích viết gì thì viết, miễn có đủ tin bài theo định mức dẫn đến tình trạng mở báo ra là thấy “cướp giết hiếp”. Đây chính là lý do khiến nhà nước siết chặt quản lý báo chí, ảnh hưởng đến việc thông tin, truyền thông ở các lĩnh vực khác đáng ra cần được khai thác nhiều hơn và được tự do phản ánh”, nữ phóng viên này nói tiếp.
Công văn của cơ quan quản lý truyền thông ở Việt Nam, công bố ngày 19/8, có đoạn: “Bộ TT&TT sẽ xử lý nghiêm khắc đối với những cơ quan báo chí vi phạm quy định pháp luật trong hoạt động báo chí, xử lý lãnh đạo cơ quan báo chí nếu để xảy ra sai phạm trong thời gian tới”.
Báo chí chính thống ở Việt Nam cũng cần có mọi sự tự do để tác nghiệp, như thế mới hy vọng bắt kịp nhịp sống hiện hành của xã hội
Một cựu phóng viên sinh sống ở Sài Gòn chia sẻ
‘Tự do tác nghiệp’
Một cựu phóng viên hiện đang sinh sống tại Sài Gòn cho biết: “Bộ 4T muốn chấn chỉnh việc lạm dụng phương tiện thông tin truyền thông rồi vô tình lẫn hữu ý xâm hại quyền tự do cá nhân, hoặc chấn chỉnh để xã hội giảm bớt những thông tin nhiễu nhương không cần thiết, thiết nghĩ đó cũng đều là những ý định tốt”.
“Thoạt nghe thoạt nhìn thì thấy rất là chuyện nên làm. Tuy nhiên, tôi cho rằng động thái chấn chỉnh này của bộ 4T là có phần cảm tính, hoặc chỉ giải quyết “phần ngọn” của vấn đề. Chẳng hạn với các vụ trọng án dân sự mà báo chí trong nước đang tìm cách khai thác, bằng nhiều hình thức khác nhau ở từng tòa soạn báo, rõ ràng đây cũng là một nỗ lực cùng soi rọi thông tin để sớm tìm ra đáp án, nhất là khi các cơ quan chức năng vẫn còn đang thúc thủ với nhiều sự vụ “oan sai” xảy ra ở khắp xứ”, anh nói thêm.
Cựu phóng viên này cũng nhấn mạnh, báo chí chính thống ở Việt Nam cũng cần có mọi sự tự do để tác nghiệp, như thế mới hy vọng bắt kịp nhịp sống hiện hành của xã hội, cùng với sự phát triển bùng nổ của mạng xã hội về những thông tin bên lề liên quan. Đó cũng chính là con đường sống còn của báo giới trong nước, xét ở góc độ tồn vong của doanh nghiệp (cơ quan báo chí) với thị trường, và đặc biệt là với bối cảnh ngày càng khó khăn của việc làm báo trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng.
Anh viện dẫn bộ phim “Nightcrawler” (phát hành tại Việt Nam với tên “Kẻ săn tin đen”) chính là một ví dụ hoàn hảo cho cách nhìn nhận mới về báo chí đương đại, với nhiều hướng mở góc rộng về tính hai mặt của một vấn đề. Thiếu một mặt nào đó, dù muốn hay không muốn thì mọi thứ luôn có nguy cơ sẽ trở thành phiến diện và áp đặt một chiều, theo kiểu chủ quan duy ý chí.
Thời gian vừa qua, báo chí Việt Nam tràn ngập thông tin chi tiết về các vụ thảm sát, điển hình là vụ cả gia đình 6 người bị sát hại tại Bình Phước hay mới đây nhất là vụ 4 người trong một gia đình bị sát hại ở Yên Bái.
Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của công văn “chấn chỉnh” này đối với các phóng viên và tòa soạn báo đến đâu vẫn còn quá sớm để có câu trả lời.
Lam Thủy
(VOA)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét