An investor walks past a digital board showing stock market movements at a brokerage house in Shanghai on Sept. 1, 2015 (Johannes Eisele/AFP/Getty Images)
Một nhà đầu tư đi qua một bảng kỹ thuật số hiển thị diễn tiến thị trường chứng khoán tại một trung tâm lưu ký chứng khoán ở Thượng Hải vào ngày 1 tháng 9 năm 2015. (Johannes Eisele / AFP / Getty Images)
Mãi cho đến gần đây, cuối cùng thì cộng đồng quốc tế cũng đã bắt đầu có sự nhìn nhận bi quan về nền kinh tế Trung Quốc. Lý do cho sự bi quan của họ cũng khác nhau. Một số người tin rằng chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình đã dẫn đến sự mất ổn định chính trị và do đó, dẫn đến suy thoái kinh tế. Những người khác tin rằng sự can thiệp của chính quyền Trung Quốc trên thị trường chứng khoán đã trực tiếp gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế.

Nhưng mọi người hầu như không bao giờ nghiêm túc xem xét rằng chính cơ cấu kinh tế của Trung Quốc là lý do khiến cho sự phồn thịnh ở nước này khó mà duy trì được. Bất chấp việc người ta cứ hay mơ tưởng, Trung Quốc chưa bao giờ là con tàu Noah để có thể cứu cánh nền kinh tế thế giới.

Giấc mơ Trung Hoa

Với tình trạng thất nghiệp gia tăng và tình hình kinh tế khó khăn mà tầng lớp trung lưu và thấp hơn ở Trung Quốc đang đối mặt, nhiều người Trung Quốc đang châm biếm về “Giấc mơ Trung Hoa”, và gọi đó là “hoang tưởng”.
Rất ít người Trung Quốc biết rằng cộng đồng quốc tế cũng từng mơ tưởng về “Giấc mơ Trung Hoa”. Chính phủ châu Âu, châu Mỹ, và châu Phi cũng từng mơ tưởng rằng chính phủ Trung Quốc sẽ mở hầu bao kếch xù và rót tiền vào đất nước họ để thúc đẩy nền kinh tế và công ăn việc làm cho người dân của họ.
Trung Quốc đã thực sự làm được điều đó. Họ đã thực hiện các khoản đầu tư quy mô lớn ở nước ngoài. Dữ liệu từ Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho biết Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ ba trên thế giới vào năm 2013, chỉ sau Mỹ với tổng trị giá đầu tư 338,3 tỷ USD và Nhật với 135,7 tỷ USD. Từ năm 2005 đến nửa đầu năm 2014, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc (FDI) đạt 515,3 tỷ đồng và tổng vốn đầu tư dự kiến là 355,1 tỷ USD.
Tại Hoa Kỳ, Anh, và Đức, đầu tư từ Trung Quốc tăng mạnh nhất. Giữa năm 2007 và năm 2013, đầu tư của Trung Quốc tại Hoa Kỳ tăng 14 lần. 35 bang trong số 50 bang của nước Mỹ nhận đầu tư từ Trung Quốc, đứng đầu là tiểu bang New York, California, và Texas.  Các lĩnh vực đầu tư của Trung Quốc khá bao quát, bao gồm năng lượng, bất động sản, sản xuất, tài chính, dịch vụ, thông tin, điện tử, công nghệ sinh học, các dự án xanh v.v., tạo ra hơn 80.000 việc làm tại Hoa Kỳ.
Đức cũng là một điểm nóng đầu tư của Trung Quốc. Năm 2012, Đức chiếm 38% dự án FDI của Trung Quốc ở châu Âu, nhiều hơn so với Anh và Pháp cộng lại.
Theo dữ liệu từ Cổng thông tin thống kê của Đức, Trung Quốc thành lập 2.500 công ty ở Đức, tạo ra 12.000 việc làm ở Đức vào cuối năm 2014.
Ngành ngân hàng đầu tư hưởng lợi nhiều từ thị trường Trung Quốc. Trong năm 2014, ngành kinh doanh này ghi nhận doanh thu kỷ lục 6 tỷ USD từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc MERICS của Đức và Rhodium Group của Mỹ công bố bản báo cáo dự đoán rằng Trung Quốc sẽ trở thành nhà đầu tư xuyên biên giới lớn nhất thế giới vào năm 2020.
Phản ứng của tôi với những dự đoán lạc quan là càng hy vọng bao nhiêu, thì càng thất vọng bấy nhiêu. Suy thoái kinh tế ở Trung Quốc đã gây nên bầu không khí ảm đạm trên khắp thế giới, bởi vì thế giới đã kỳ vọng vào Trung Quốc quá nhiều.

Thế kỷ Trung Quốc

Bắc Kinh muốn cứu nền kinh tế Trung Quốc nhưng lực bất tòng tâm. Và chính quyền Trung Quốc thực sự lo lắng khi trở thành nền kinh tế quyền lực thứ 2 của thế giới.
Tuy nhiên, điều đó dường như không thể xảy ra bây giờ.
Khi ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường lên nắm quyền, đất, sông, hồ, đại dương, và không khí đều bị ô nhiễm nặng, và cả ba trụ cột chính hỗ trợ phát triển kinh tế của Trung Quốc trong gần 30 năm qua đã sụp đổ.
Các nhà phân tích, những người từng dự đoán rằng thế kỷ 21 là “thế kỷ của Trung Quốc”, không muốn chấp nhận thực tế là một quốc gia chỉ có thể duy trì phát triển kinh tế với hai điều kiện:
Một là quốc gia đó phải có lợi thế to lớn về tài nguyên. Điều này bao gồm việc nhận thức sâu sắc về bảo tồn tài nguyên, cũng như có các hệ thống công nghiệp chủ đạo, chẳng hạn như Hoa Kỳ và Canada .
Và, thứ hai, họ phải có nền công nghệ tiên tiến, chẳng hạn như Hoa Kỳ ở thời điểm hiện tại và Anh đã có trước Thế chiến II.
Cả Anh và Trung Quốc đã từng được gọi là ‘công xưởng của thế giới’. Vương quốc Anh có được danh hiệu từ lợi thế công nghệ của mình trong cuộc cách mạng công nghiệp, trong khi danh hiệu “công xưởng của thế giới” của Trung Quốc chỉ được biết đến như là một nhà máy gia công; Trung Quốc không thể so sánh với danh hiệu của Vương quốc Anh tại thời điểm đó. Một khi chi phí lao động và đất đai không còn rẻ ở Trung Quốc, nguồn vốn quốc tế sẽ chảy đến những nơi khác, nơi mà chi phí thấp hơn.
Sự giàu có của Trung Quốc, xuất phát từ việc là công xưởng của thế giới, hoàn toàn dựa vào lợi thế chi phí, cụ thể là đất đai và lao động rẻ. Để tăng cường phát triển kinh tế, Trung Quốc đã vắt kiệt nguồn tài nguyên cơ bản một cách vô trách nhiệm và kết quả là nước, đất và không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng và khoáng sản đã cạn kiệt. Theo thống kê của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, Trung Quốc có 118 thành phố với nguồn tài nguyên cạn kiệt – tức là khoảng 18% tổng số các thành phố – ảnh hưởng đến 154 triệu người.
Một điểm quan trọng là Trung Quốc có tiền để đầu tư ra nước ngoài bởi vì Bắc Kinh in tiền. Do đó họ giành được một danh hiệu khác: nước in tiền lớn nhất thế giới.
Vào tháng 1 năm 2013, 21st Century Business Herald của Trung Quốc đã thực hiện phân tích thống kê dữ liệu M2 từ năm 2008 đến năm 2012 của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới. Kết luận là: Từ năm 2009, nguồn cung tiền của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản, Hoa Kỳ, và các nước khu vực đồng euro. Trung Quốc trở thành “cỗ máy in tiền” lớn nhất thế giới. Năm 2012, nguồn cung tiền mới trên toàn thế giới là hơn 26 nghìn tỷ nhân dân tệ, Trung Quốc chiếm tới gần một nửa con số đó.

Suy thoái kinh tế

Trung Quốc đã mở cửa đối với phần còn lại của thế giới trong gần 40 năm. Trước năm 2008, tất cả các nước phát triển đã mơ rằng Trung Quốc sẽ trở thành thiên đường đầu tư và thị trường hàng hóa lớn nhất. Nhưng sau khi họ phát hiện ra môi trường đầu tư của Trung Quốc không được như mơ, họ lại tìm đến một nơi khác.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2008, nhiều nước một lần nữa đặt hy vọng vào Trung Quốc, lúc này là để cứu nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, những người cố tình bỏ qua một thực tế rằng, so với các nước muốn được “cứu” như EU, New Zealand, Nam Phi, Trung Quốc là một quốc gia nghèo hơn nhiều, với hơn 800 triệu người đang chi tiêu chưa đến 2 USD mỗi ngày. Ngoài ra, môi trường của họ ô nhiễm trầm trọng và chế độ trợ cấp xã hội rất ít ỏi hoặc hầu như không có.
Ngày 22 Tháng 1 năm 2015, bài báo tiếng Hoa của tờ Wall Street Journal có tựa đề Dòng tiền Trung Quốc đang dịch chuyển  một lần nữa khơi dậy “Giấc mơ Trung Hoa”, nói rằng: “Chúng ta cần Hội nghị Bretton Woods 3 để thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu với việc Trung Quốc cấp vốn và Mỹ một lần nữa hấp thụ một phần đáng kể số vốn đó.”
Giấc mơ này là hoàn toàn vô lý. Chỉ là bây giờ chúng ta đang chứng kiến sự khởi đầu của việc nền kinh tế Trung Quốc trượt vào suy thoái dài hạn.
Đây là một bản dịch tóm tắt bài viết của bà Hà Thanh Liên đăng trên blog cá nhân của mình. Hà Thanh Liên là một tác giả người Trung Quốc và một nhà kinh tế nổi bật. Sống tại Hoa Kỳ, bà là tác giả “Cạm bẫy Trung Quốc”,  liên quan đến tham nhũng trong cải cách kinh tế của Trung Quốc trong những năm 1990, và “The Fog of Censorship: Media Control in China “, trong đó đề cập đến sự thao túng và các hạn chế của báo chí. Bà thường xuyên viết về các vấn đề kinh tế và xã hội Trung Quốc đương đại.