Nam Nguyên, phóng viên RFA
Điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay
Việt Nam đồng ý cho tàu chiến của Nhật Bản ghé quân cảng Cam Ranh để được tiếp tế nhiên liệu, thực phẩm hoặc sửa chữa. Ngoài ra hải quân hai nước cũng sẽ tham gia diễn tập chung trên biển. Vấn đề này mang ý nghĩa gì đối với Việt Nam trong sách lược Biển Đông của mình.
Thỏa thuận vừa đạt tới vào hôm thứ sáu 6/11/2015 tại Hà Nội trong cuộc gặp gỡ giữa Bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Gen Nakatani. Theo Reuters, việc tàu chiến Nhật sắp tới ra vào quân cảng Cam Ranh, khá gần với vùng biển tranh chấp thuộc quần đảo Trường Sa có thể làm Trung Quốc khó chịu. Mới đây Hoa Kỳ đã thực thi quyền tự do hàng hải, hàng không đưa tàu chiến máy bay áp sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở Trường Sa.
Tôi cho rằng đây là thiện chí và hoàn toàn có lợi, nhất là khi có chuyện xảy ra mà nó vi phạm đến quyền và lợi ích của Việt Nam, ảnh hưởng đến quyền lợi ích nước khác, thì chắc chắn sẽ có sự giúp đỡ, không chỉ riêng từ Nhật mà còn của Hoa Kỳ.
-TS Trần Công Trục
Trả lời Nam Nguyên vào tối 6/11/2015, TS Trần Công Trục nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ từ Hà Nội cho rằng đây là một bước phát triển trong quan hệ Việt Nhật, mặc dầu Việt Nam chủ trương rộng mở cảng Cam Ranh cho tàu của mọi quốc gia có nhu cầu tiếp vận sửa chữa. TS Trần Công Trục tiếp lời:
“Điều đó cũng có ý nghĩa đây là một sự hợp tác tạo cơ hội thuận lợi cho những hoạt động bình thường, tuân thủ đúng pháp luật của các nước có mối quan hệ quân sự. Đương nhiên sự hợp tác đó, sự có mặt đó cũng phần nào có ý nghĩa tăng cường hơn nữa việc giúp đỡ lẫn nhau về mặt phương tiện, về kỹ thuật… hay là về sự có mặt khi cần thiết… thì nó có ý nghĩa của nó. Tôi cho rằng đây là thiện chí và hoàn toàn có lợi, nhất là khi có chuyện xảy ra mà nó vi phạm đến quyền và lợi ích của Việt Nam, ảnh hưởng đến quyền lợi ích nước khác, thì chắc chắn sẽ có sự giúp đỡ, không chỉ riêng từ Nhật mà còn của Hoa Kỳ và các nước khác trong khu vực nữa. Theo tôi đấy là điều rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.”
Trước thông tin lực lượng Hải quân hai nước Việt-Nhật sẽ lần đầu tiên tổ chức diễn tập trên biển, mặc dù chưa xác định cụ thể về thời điểm. Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Viện trưởng Học Viện Hải quân Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật và Kinh tế biển TP.HCM nhận định:
“Tôi nghĩ diễn tập có giúp ích, Việt nam rồi sẽ diễn tập với các nước ASEAN và các đối tác khác. Nhật đặt vấn đề Việt Nam tổ chức diễn tập chung với họ là tốt. Và như thế rõ ràng có thêm một đối tác nữa tham gia vào việc bảo vệ sự ổn định, giữ nguyên hiện trạng ở Biển Đông, đây là điều tốt.”
Sự kiện Hải quân Việt Nam và Nhật Bản sẽ tập trận chung trên Biển Đông có ý nghĩa đặc biệt nào trong bối cảnh Việt Nam cố gắng bảo vệ chủ quyền biển đảo. Theo TS Trần Công Trục, diễn tập, tập trận là hình thưc hợp tác thông thường giữa các nước đối tác. Tuy vậy ông nhấn mạnh:
“Trong bối cảnh hiện nay có những tình huống xảy ra trên Biển Đông mà có thể nói một số quyền và lợi ích của Việt nam cũng như các nước khác trong khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những hành động bất chấp luật pháp bất chấp các thỏa thuận, điều đó có thể dẫn tới xung đột. Việc tập trận nâng cao hơn nữa khả năng phòng vệ bảo vệ cho Việt Nam cũng như các nước khác có liên quan là điều rất cần thiết và chắc chắn nó sẽ có tác dụng rất mạnh mẽ cho khả năng phòng vệ, bảo vệ, tự vệ cho Việt Nam.”
Cùng các nước chống tham vọng của TQ
Sau sự kiện Hoa Kỳ đưa tàu chiến máy bay áp sát một đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở Trường Sa, Nhật Bản tuy hoan nghênh việc thực thi quyền tự do hàng hải, hàng không, nhưng Tokyo cho biết sẽ không thực hiện tuần tra như Hoa Kỳ. Tuy không muốn trực tiếp đối đầu Trung Quốc ở biển Nam Trung Hoa, nhưng ngược lại Nhật Bản thắt chặt quan hệ an ninh với các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt nam và Philippines, là các nước chống lại tham vọng của Bắc Kinh trên vùng biển này.
Theo Công ước Quốc tế Luật Biển 1982, bất cứ đảo nhân tạo nào thì phạm vi không được đi vào chỉ có 500 mét thôi, tôi nghĩ Mỹ đương nhân nhượng Trung Quốc, Mỹ có thể đi vào tới sát 500 mét.
-Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm
Được biết Trung Quốc đã bồi đắp 7 bãi đá nửa nổi nửa chìm chiếm của Việt Nam thành các đảo nhân tạo, đồng thời gấp rút xây dựng phi đạo, đài radar và hải đăng trên 3 trong số 7 đảo nhân tạo này. Có ý kiến cho rằng, Việt Nam nếu muốn chứng tỏ quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo, thì cũng có thể làm như Hoa Kỳ, đưa tàu chiến và máy bay tuần tra bên trong vùng 12 hải lý các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp từ những bãi đá nửa nổi nửa chìm. Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm nhận định:
“Theo Công ước Quốc tế Luật Biển 1982, bất cứ đảo nhân tạo nào thì phạm vi không được đi vào chỉ có 500 mét thôi, tôi nghĩ Mỹ đương nhân nhượng Trung Quốc, Mỹ có thể đi vào tới sát 500 mét. Đối với Việt Nam nếu thực hiện theo Luật Biển Quốc tế thì vẫn có quyền đi vào tất cả những đảo nhân tạo bên ngoài 500 mét. Còn vấn đề Việt nam có thực hiện chuyện đi như thế hay không, thực ra trong lúc này đi nếu đi như vậy thì họ sẽ kết luận là khiêu khích lớn. Tôi nghĩ như thế không có lợi cho tình hình chung.”
Việt Nam được cho là đi theo chiến lược ngoại giao giữ thăng bằng như cách thức một người đi dây, mong muốn tìm kiếm đối trọng để quân bình với áp lực nặng nề từ Trung Quốc. Theo các chuyên gia việc mở cửa Cam Ranh cho tàu chiến Nhật được vào tiếp vận và đồng ý diễn tập hải quân chung trên biển là một bước đi có tính toán. Đặc biệt thỏa thuận này đã đạt tới ngay trong lúc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có mặt ở Hà Nội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét