Pages

Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2015

Chiến tranh Việt Nam sai lầm hay rút bỏ Đông Dương là nhầm lẫn ?

Nội dung bài này không phải chỉ bàn chuyện đã rồi nhưng mục đích chính để liên hệ quá khứ với hiện tại vì lịch sử như một chuỗi mắt xích ràng buộc nhau chặt chẽ. Chuyện xưa sẽ soi sáng hơn những vấn đề thời sự chính trị đang diễn ra trước mắt chúng ta. Trước hết là:

Chuyện ngày xưa

  Ngày 29-4-1975 những người Mỹ cuối cùng đã rời bỏ Việt Nam sau mấy chục năm can thiệp.

Ngay từ những năm đầu thập niên 50 Hoa Kỳ đã viện trợ giúp thực dân Pháp chống phong trào Việt Minh được coi là tay sai Trung Cộng. Họ đã nỗ lực lập vòng đai phòng thủ chống Cộng Sản quốc tế bành trướng mà trước mắt là ngăn chận Trung Hoa đỏ. Người Mỹ chỉ bỏ tiền khi nó mang lợi cho họ.

Sau ngày đất nước chia đôi mấy năm, báo Thế Giới Tự Do tại Sài Gòn có đăng bài diễn văn của Tổng Thống Eisenhower gửi người dân nước Mỹ. Tổng Thống nói nhiều người chỉ trích chính phủ viện trợ cho các nước kém mở mang trên thế giới (như VN) là cho không họ những số tiền kếch sù. TT Eisenhower giải thích như sau: “Nếu chúng ta không viện trợ giúp họ về kinh tế quân sự thì họ sẽ lọt vào tay CS, như thế là chúng ta cho không (CS) bao nhiêu đất đai, tài nguyên thiên nhiên, thị trường tiêu thụ. Ngoài ra các nước trong thế giới thứ ba sẽ bị xích hóa, khi ấy chúng ta sẽ bị bao bọc bởi biển đỏ và sẽ phải xây một Vạn Lý Trường Thành thứ hai để tự vệ”.

Từ 1956, 1957 Tổng Thống Eisenhower đã giảng giải cho người dân trong nước chính sách “lấy con tép nhử con tôm” của chính phủ, nó là chính sách truyền thống của Hoa Kỳ. CS ngày càng lấn tới, sau khi chiếm được miền Bắc, thập niên 60 họ mở cuộc Nam tiến bằng vũ lực để thanh toán nốt phần còn lại. Những năm giữa thập niên 60 dưới thời Tổng Thống Johnson cuộc chiến ngày càng mở rộng, khốc liệt, mới đầu người dân Mỹ ủng hộ cuộc chiến với tỷ lệ cao sau dần dần quay lại chống đối mạnh khiến chính phủ vô cùng khó khăn. Năm 1969 Nixon đắc cử Tổng thống lên thay chủ trướng rút quân nhưng không bỏ Đông Dương.

Tháng 2-1972 Nixon sang Tầu bắt tay Mao Trạch Đông người ta tưởng như sẽ thay đổi cả một kỷ nguyên. Tháng 5-1972 Nixon sang Nga ký Hiệp ước tài giảm binh bị (Strategic Arms Limitation Talks) gọi tắt là SALT và bán lúa mì cho Nga đang bị mất mùa. Chỉ trong mấy tháng trời Nixon hòa được cả Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh. Khi Nixon sang Tầu, sang Nga để hòa hoãn với họ, ông ta muốn cô lập Bắc Việt khỏi hai cường quốc CS này nhưng không có mục đích bỏ Đông Dương. Đầu năm 1973 Mỹ ký hiệp định Paris rút hết quân về nước và lấy tù binh, thực ra họ đã rút gần hết bắt đầu từ 1969.

Sau ngày 30-4-1975, quân dân VNCH kết án ông Nguyễn Văn Thiệu vì rút bỏ Pleiku giữa tháng 3 đã làm mất nước. Giới quân nhân, ký giả, chính khách… oán hận ông hết năm này sang năm khác. Người Mỹ nhân đó cũng chê trách ông Thiệu lãnh đạo quân sự kém khiến miền nam sụp đổ và lờ luôn trách nhiệm của họ. Khoảng mười năm sau các nhà lãnh đạo chính trị quân sự Việt, Mỹ đã tiết lộ sự thật khiến người ta biết rõ hơn về nguyên do Quốc hội Dân chủ Mỹ cắt viện trợ bức tử đồng minh.

Cho dù binh sĩ VNCH có chiến đấu đến viên đạn cuối cùng thì cũng chỉ giữ được tới tháng 5 hay tháng 6-1975 vì không còn đạn (1) Nửa năm sau khi ký Hiệp định Paris, nhóm phản chiến tại Quốc hội bắt đầu soạn tu chính án cắt mọi ngân khoản cho các cuộc oanh tạc, nỗ lực quân sự của Mỹ (của Hành pháp) tại Đông Dương, họ ép buộc TT Nixon ký thành luật ngày 30-6-1973, có hiệu lực từ giữa tháng 8 cùng năm (2)

Khi Quốc hội ra luật bó tay Tổng Thống Nixon như trên coi như họ đã bỏ VN rồi vì theo Nixon (3) ngoài viện trợ cho VNCH 2 tỷ năm 1973, Mỹ cần yểm trợ bằng không quân. Tác giả George Donelson Moss nói viện trợ của Mỹ cho VNCH hằng năm phải ở mức từ 3 tỷ cho tới 3 tỷ rưỡi vì họ được huấn luyện chiến tranh kiểu Mỹ rất tốn kém, cần nhiều hỏa lực, 2 tỷ một năm sự thực không đủ, vả lại vì viện trợ của các nước CS quốc tế cho BV rất dồi dào (4). Để bức tử miền nam, Quốc hội tiếp tục cắt giảm viện trợ mỗi năm 50% cho chắc ăn (5). Như thế cho dù không có vụ Watergate, dù  Nixon còn tại chức cho tới cuối năm 1975 ông cũng không thể cho oanh tạc B-52 để cứu miền nam vì không có ngân khoản.

Sau khi miền nam VN sụp đổ, nhiều người dân Mỹ chỉ trích Chính phủ sau bao năm can thiệp nay lại để mất Đông Dương, Hành pháp đổ lỗi cho Quốc hội cắt viện trợ bức tử miền nam. Lập pháp nêu lý do chiến tranh Việt Nam là sai lầm bị người dân chống đối nên họ phải hành động.

Năm 1995, Bộ trưởng Quốc phòng McNamara nói Hoa Kỳ đúng ra phải rút bỏ VN từ 1963, 1964 hay 1965 (6) ông cho là cuộc chiến VN sai lầm.   Tác giả Walter Isaacson nói đúng ra Nixon phải bỏ VN từ 1969 thay vì tới 1973, ông đã làm thiệt mạng thêm 20,000 lính Mỹ. Theo Isaacson chẳng đáng phải hy sinh thêm 20,000 lính Mỹ để giúp miền nam sống thêm 4 năm (7)

Các nhà sử gia, chính khách Mỹ nói thuyết Domino không đúng, chiến tranh VN sai lầm và vì bị người dân chống đối nên Quốc hội phải cắt viện trợ bỏ Đông Dương. Trên thực tế chưa có tài liệu nào cho thấy người dân yêu cầu Quốc hội cắt giảm viện trợ VNCH. Không có tài liệu nào cho thấy người dân yêu cầu Quốc Hội bỏ Đông Dương, họ chỉ đòi chính phủ chấm dứt chiến tranh, đem quân và lấy tù binh về nước. Khi quân đội và tù binh về nước năm 1973, người Mỹ thôi phản kháng vì nguyện vọng của họ đã thỏa mãn, chưa có taì liệu nào cho thấy họ biểu tình chống chiến tranh sau đó. (8) Họ chỉ chống chiến tranh nếu chính phủ đưa quân trở lại Đông Dương nhưng không chống viện trợ quân sự cho VN.

Cho dù người dân hay Hành pháp Cộng hòa, Quốc hội Dân chủ vứt bỏ Đông Dương thì cũng là quyết định của nước Mỹ.

Về nguyên do tại sao họ rút bỏ không phải vì người dân mà vì một lý do rất hiển nhiên mọi người đều thấy. Nixon sang Bắc Kinh tháng hai và và Mạc Tư Khoa tháng năm 1972 đã đánh dấu một kỷ nguyên hòa bình. Trung Cộng sẽ bang giao với Mỹ và từ bỏ mộng xâm lăng bành trướng tại Đông Nam Á để canh tân đất nước, Sô Viết ký Hiệp ước tài giảm binh bị. Hoa Kỳ tin là cả Nga lẫn Tầu chấp nhận sống chung hòa bình lâu dài với Mỹ.

Kissinger mừng rú, Nixon phấn khởi, Quốc hội Dân chủ hí hửng phen này chắc sắp sướng tới nơi rồi: “hai siêu cường thù nghịch Nga -Tầu đã chịu hòa”, nước Mỹ hý hửng nhìn về tương lai. Họ lạc quan tin tưởng từ nay sẽ không còn chiến tranh loạn lạc, thiên hạ thái bình y như thời Nghiêu Thuấn. Nhưng đó là một lỗi lầm tai hại, Cộng Sản chỉ chịu hòa hoãn, thương thuyết khi chúng còn yếu, chờ khi lại sức sẽ ra tay.

Năm 1968 tôi được nghe một anh bộ đội BV hồi chánh nói: Mỹ muốn chiêu hồi Trung Quốc chứ anh Bắc Việt thì nghĩa lý gì và bốn năm sau nó thành sự thật. Hoa Kỳ đã chiêu hồi được Bắc Kinh, đã giải quyết tận gốc thuyết Domino không còn lo sợ CS bành trướng, họ vội quẳng cái miếng xương Đông Dương đi cho kẻ nghèo hèn lượm.

Không hề có nhà sử gia, chính khách Mỹ nào có can đảm nhìn nhận sự thật lịch sử phũ phàng này, đó là một sự kiện chẳng cần lý luận nhiều.

Nếu không hòa được Nga-Hoa năm 1972, nếu CS quốc tế còn đe dọa Đông nam Á, Quốc hội Mỹ có dám cắt viện trợ bỏ Đông Dương khi CSBV tấn công miền nam? Cho dù phong trào phản chiến lên cao họ cũng sẽ dùi cui báng súng đàn áp biểu tình cật lực như họ đã làm thời thập niên 60, an ninh nước Mỹ là trên hết.

Ảo tưởng vĩ đại

Trung Cộng – Hoa Kỳ thiết lập bang giao đầu năm 1979. Mỹ và các nước Tây Âu, Nhật Bản, Đài Loan… đầu tư và giao thương với Hoa Lục ngày càng mạnh hơn. Mỹ vừa tìm được hòa bình lại có thêm một thị trường rộng lớn, được bóc lột khối nhân công rẻ mạt. Thập niên 80 nhờ đầu tư các nước tân tiến, kinh tế Trung Cộng phát triển mạnh, thập niên 90 tỷ lệ tăng trưởng rất cao khoảng 9%. Mỹ tin tưởng nước Tầu với nền kinh tế phồn thịnh, một khi trở nên giầu có sung túc, họ sẽ từ bỏ chế độ độc tài CS, yêu chuộng hòa bình nhưng đó là một nhận định chủ quan sai lạc.

Từ 1992 CS Nga, Đông Âu sụp đổ khiến Hoa Kỳ trở thành siêu cường duy nhất trên thế giới, người Mỹ phấn khởi không còn lo sợ Nga sô đe dọa. Từ 1992 dân số Nga từ 290 triệu tụt xuống còn một nửa (145 triệu) vì 15 nước thuộc địa cũ đòi độc lập tách ra khỏi liên bang. Tổng sản lượng kinh tế Nga từ hạng thứ nhì sau Mỹ hồi 1970 nay tụt xuống hàng thứ 7, thứ 8 (9) . Tin tưởng chế độ CS không còn, bất chiến tự nhiên thành, mấy năm sau McNamara phấn khởi viết hồi ký In Retrospect, The Tragedy and Lessons of Vietnam.

Ông tuyên bố một câu xanh rờn (trang 320) “chiến tranh VN là hoàn toàn sai lầm đáng lý phải rút bỏ từ 1963, 64”. Các nhà sử gia, chính khách Mỹ càng được thể kết án cuộc chiến tốn kém hàng trăm tỷ một cách vô ích, nó đã gây phân hóa trầm trọng cho nước Mỹ. Tác giả Walter Issacson (trong  Kissinger A Biography) cho rằng thuyết Domino sai vì Việt Nam mất vào tay CS năm 1975 nhưng Đông Nam Á vẫn còn nguyên vẹn.

Người Mỹ càng tin tưởng vào hòa bình vĩnh cữu vì nay Trung Cộng chí thú làm ăn, CS Sô viết sụp đổ trở thành nước dân chủ tự do, thiên hạ thái bình không còn binh đao khói lửa. Nhưng ngày vui qua mau, con đường đi chẳng bao giờ bằng phẳng, trời yên bể lặng mãi mà đầy những chông gai sóng to gió lớn.

Tưởng rằng Trung Cộng yêu chuộng hòa bình là một sai lầm lớn, họ chỉ chịu hòa hoãn khi chưa mạnh. Mấy ai học được chữ ngờ, khi kinh tế phát triển, giầu có hơn trước, mới đầu họ dễ chịu một thời gian sau tăng cường quốc phòng và ôm mộng bá quyền bành trướng. Càng giầu họ càng hiếu chiến và hung hãn hơn cả so thời Mao Trạch Đông trước đây. Người ta chỉ trích Mỹ nuôi Trung cộng cho béo để họ thành mối đe dọa Mỹ và cả năm châu.

Năm 2002 Trung Cộng giữ mức ngân sách quốc phòng khoảng 20 tỷ Mỹ kim, mười năm sau 2012 ngân sách tăng lên trên 100 tỷ, khoảng  gấp 5 lần  khiến Mỹ bắt đầu e ngại (10). Nay ngân sách quốc phòng Hoa Lục là 126 tỷ, con số này do họ đưa ra nhưng Mỹ ước lượng 188 tỷ, vào khoảng một phần ba ngân sách quân sự Mỹ. Trung Cộng nay đã tiến lên nền kinh tế đứng thứ hai trên thế giới, Tổng sản lượng bằng một nửa Mỹ (9 ngàn tỷ đô), họ công khai chính sách bành trướng tại Biển đông.

Cách đây mấy năm Bắc Kinh vạch một đường lớn có hình lưỡi con bò giữa hải phận quốc tế tại Biển Đông và nhận là hải phận của mình. Họ cấm các nước kể cả Mỹ không được đi qua, các quốc gia trong khu vực lo ngại. Bắc Kinh tiếp tục lấn chiếm quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của VN, Phi Luật Tân, xây dựng đảo nhân tạo và ban hành lệnh cấm máy bay trên không phận quốc tế mà họ coi là của mình. Trung Cộng ngày càng lộng hành cho tầu chiến bắt bớ, bắn phá tầu đánh cá các nước trong vùng.

Nay Bắc Kinh muốn chứng tỏ cho Mỹ biết chính họ làm chủ Biển Đông và muốn Mỹ phải từ bỏ vai trò lãnh đạo nơi đây, nói trắng ra họ không còn hòa với Mỹ mà công khai kình địch Mỹ. Mấy năm trước Bắc Kinh tuyên bố đã chế tạo được hỏa tiễn khổng lồ có khả năng bắn chìm hàng không mẫu hạm Mỹ.

Mỹ chuyển trục về Biển đông từ mấy năm nay vì họ có nhiều quyền lợi kinh tế ở đây, một nền văn minh Thái Bình Dương đang đi lên từ mấy thập niên qua. Tình hình Biển đông nay căng thẳng khiến nhiều người lo ngại có thể sẩy ra đụng chạm.

Siêu cường Nga-Hoa đã chịu hòa với Mỹ năm 1972 nay đồng loạt trở mặt. Thời Brezhnev vì mất mùa, kinh tế khó khăn nên Nga phải thương thuyết sống chung hòa bình với Mỹ suốt hai thập niên. Tiếp theo đó là sự tan rã của Sô Viết và CS Đông Âu đầu thập niên 90 khiến người ta tưởng như Nga không bao giờ có thể trở lại vai trò lãnh đạo. Nhưng đó chỉ là nhận định chủ quan sai lạc, McNamara nói chiến tranh trên thế giới giữa các nước và nội chiến sẽ không bao giờ dứt (11)

Sau ngày CS Sô viết tan ra năm 1992, kinh tế Nga suy sụp nặng. Năm 1992 thời Tổng thống Yeltsin (1991-1999) vật giá tăng vọt, thập niên 90 Tổng sản lượng suy giảm chỉ còn một nửa, thất nghiệp dữ dội, lạm phát phi mã khiến bao nhiếu người mất hết tiền tiết kiệm, mười triệu người Nga lâm vào cảnh bần hàn.

Dưới thời Putin (2000-2008) kinh tế trở nên tốt đẹp, lợi tức thực sự tăng hai lần rưỡi, lương tăng gấp ba, thất nghiệp, nghèo nàn giảm một nửa, Tổng thống được người dân ủng hộ. Kinh tế Nga tiến một mạch 8 năm, Tổng sản lượng tăng 600%, Putin đưa nước Nga trở thành siêu cường năng lượng, ông  trợ giúp công nghệ kỹ thuật cao như Quốc phòng, nguyên tử.

Putin lại thắng cử Tổng thống năm 2012 (63.6% số phiếu) và sẽ cầm quyến 6 năm. Trong thời kỳ kinh tế Nga suy thoái ngân sách quốc phòng giảm (hơn ba lần) từ 70 tỷ Mỹ kim năm 1992 tới 20 tỷ năm 1999, nhưng Putin đảo ngược lại, ông gia tăng chi tiêu quân sự từ 20 tỷ năm 2000 lên 70 tỷ năm 2008 và nay tăng lên 90 tỷ, đứng thứ ba trên thế giới sau Mỹ và Trung Cộng (12)

Ngày 21-2-2014 Quốc hội Ukraine lật đổ Tổng thống thân Nga Yanukovych và cử TT lâm thời Turchynov lên thay. Mỹ và Tây phương công nhận chính phủ mới, Nga phủ nhận. Hai ngày sau Putin đưa vũ khí lén giúp bọn gốc Nga chiếm bán đảo Crimea, cuối tháng 3 họ tổ chức bầu cử  dưới sự yểm trợ xe tăng để sáp nhập bán đảo này vào Nga. Putin yểm trợ cho bọn gốc Nga gây chiến tranh tại đông Ukraine từ một năm rưỡi qua đã khiến cho hơn 7,000 người thiệt mạng.

Khi bị Tây phương trừng phạt kinh tế, Putin nóng giận tuyên bố Nga là nước duy nhất trên thế giới có thể biến Hoa Kỳ thành tro bụi.

Cũng như Bắc Kinh đang gây sự với Mỹ tại Biển đông nay Moscow ngày càng tỏ thái độ cứng rắn với Hoa Thịnh Đốn vì họ đã mạnh hơn trước về kinh tế, đời sống của người dân đã cao hơn thời Sô Viết rất nhiều. Putin mở rộng quyền lực và lãnh thổ, củng cố quyền kiểm soát bán đảo Crimea, can thiệp quân sự tại Syria như muốn loại bỏ Mỹ ra khỏi vai trò lãnh đạoTrung Đông.

Ngựa quen đường cũ

Gần đây ký giả Hà Giang báo Người Việt có phỏng vấn Giáo Sư Mỹ biết nói tiếng Việt Stephen Young. Giáo sư cho biết nay Hoa Kỳ nay đang sợ Trung Quốc và nêu một thí dụ: Bắc Kinh chế tạo được hỏa tiễn loại khổng lồ có khả năng  bắn chìm Hàng không mẫu hạm Mỹ tại Biển đông. Nếu họ bắn một vài trái thì có thể tránh được, nhưng nếu bắn 10 hoặc 20 trái thì khó tránh. GS Stephen Young nói Mỹ đang tìm cách liên minh với VN để chống Trung Quốc, Mỹ cần VN vì họ có biên giới với nước Tầu ở phía nam.

VN có một vị trí chiến lược quan trọng tại Đông Nam Á, nó y như cái bao lơn trông ra Thái Bình Dương. Nay người Mỹ muốn trở lại Cam Ranh, một căn cứ hải quân an toàn tại Biển đông.

Tháng 10 năm 2010 Miến Điện thay đổi quốc hiệu, quốc kỳ, quốc ca, chấm dứt chế độ quân phiệt thân Bắc Kinh, Mỹ nỗ lực vận động Miến Điện về phía mình. Để chống lại chính sách bá quyền bành trướng của Bắc Kinh tại Biển đông Mỹ giúp đỡ các nước đồng minh trong khu vực gồm Nam Hàn, Nhật Bản, Phi Luật Tân, Mã Lai, Singapore… Họ lập phòng tuyến chống Hoa Lục bành trướng tại Biển đông y như chính sách be bờ ngăn chận CS (Containment) tại đây hơn nửa thế kỷ trước hồi thập niên 50, 60, có khác chăng hồi xưa miền Nam là tiền đồn chống Cộng còn bây giờ VN lại chính là CS.

Từ nhiều năm nay, Mỹ kêu gọi, ve vãn Hà Nội vào liên minh chống Trung Cộng bảo vệ quyền lợi chung nhưng hai bên cứ dập dìu tài tử giai nhân chẳng đi tới thế giới nào. Hà Nội e ngại có diễn tiến hòa bình một khi liên kết với Mỹ sẽ đi tới chỗ Đảng tan rã không còn quyền lực. Mạt cưa mướp đắng gặp nhau, Hà Nội thừa biết cái trò vắt chanh bỏ vỏ của anh bạn hờ đồng minh.

Dù CSVN bị Tầu đỏ chèn ép, hăm dọa tại Biển đông nhưng họ cũng vẫn là CS, Hà Nội chưa muốn liên kết với kẻ cựu thù. Sự hợp tác khó thành vì nó chẳng khác nào cuộc hôn nhân “nước mắm thối chấm lòng lợn thiu”.

Trước đây người Mỹ kết án chiến tranh VN sai lầm, nay nhiều chính khách cũng chỉ trích chiến tranh Iraq . Kỳ thực cuộc chiến nào cũng đều cần thiết vì muốn hòa bình phải có chiến tranh, cây muốn lặng gió chẳng muốn đừng, muốn ngồi yên nhưng ai người ta để cho anh yên?

McNamara đã nói thế giới sẽ không bao giờ yên, hết cuộc chiến này sẽ có xung đột khác.

Thời mà người ta tưởng như được sống trong một nền hòa bình vĩnh cửu hơn 40 năm trước đây nay còn đâu? Trên thế gian chẳng có gì thoát khỏi vòng cương tòa của luật vô thường.

Trọng Đạt

Cước Chú

(1) Cao Văn Viên, Những ngày cuối của VNCH trang 92

(2) Richard Nixon, No More Vietnams trang 180

(3) Sách kể trên trang 189

(4) George Donelson Moss: Vietnam , An American Ordeal trang 388;

BBC.Vietnamese.com ngày 10-5-2006: Viện trợ quốc tế cho miền Bắc trong chiến tranh. Đăng Phong,Năm Đường Mòn Hồ Chí Minh, nhà xuất bản Trí thức Hà nội 2008, trang 120, 121

Tổng cộng viện trợ CS quốc tế cho BV: 2 triệu 362 ngàn tấn hàng hậu cần và vũ khí. Theo Kissinger (Years of Renewal trang 481) CSBV đã xin được viện trợ của Sô viết tăng gấp 4 lần cuối năm 1974.

(5) Henry Kissinger, Years of Renewal trang 471

(6) McNamara, In Retrospect, The Tragedy and Lessons of Vietnam, in 1995 trang 320

(7) Walter Isaacson, Kissinger A Biography trang 484

(8) Những năm 1964, 65 tỷ lệ người ủng hộ chiến tranh cao (từ 60-70%), năm 1966 trên 50%, năm 1967 giảm dưới 50%, năm 1968 dưới 40%, những năm 1969, 70 phản chiến mạnh, năm 1971 28%. (Opposition to the US involvement in the Vietnam war. Wikipedia)

(9) Kinh tế gia Samuelson nói trong cuốn Economics trang 830 (in 1970)

“Thập niên 1970 cũng như thập niên 1960 Tổng sản lượng kinh tế của Nga vào khoảng một nửa Tổng sản lượng Mỹ”

(In the 1970s, as in the 1960s, U.S.S.R real GNP is about one-half  United States real GNP)

Nay TSL Nga (2,000 tỷ) đứng hàng thứ 9 trên thế giới, chỉ bằng gần 1/8 của TSL Mỹ (17 ngàn tỷ); List of countries by GDP (nominal), Wikipedia

(10) Military budget of the People’s Republic of China , Wikipedia

(11) In Retrospect, The Tragedy and Lessons of Vietnam trang 324

(12) Military budget of the Russian Federation , Wikipedia

(Việt Thức)

Không có nhận xét nào: