Theo báo điện tử VnExpress, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, bộ này đã đồng ý với Ủy ban Thương mại Liên minh Châu Âu về việc sẽ ký kết chính thức hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai bên. Lễ ký kết dự kiến vào ngày 2/12, nhân chuyến thăm Châu Âu của lãnh đạo CSVN.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU được khởi động đàm phán vào tháng 6/2012. Sau gần 3 năm với 14 phiên chính thức và nhiều phiên giữa kỳ, hai bên đã đồng ý toàn bộ các nội dung cơ bản, và hoàn tất đàm phán hiệp định này vào tháng 8/2015.
Tuy nhiên, sau khi ký kết chính thức, các nước thành viên EU sẽ mất khoảng hai năm để phê chuẩn hiệp định. Đại sứ, trưởng Phái đoàn EU tại Hà Nội đánh giá, "Đây là thời gian quan trọng để lãnh đạo các quốc gia, doanh nghiệp chuẩn bị cho quá trình thực thi".
Theo nội dung cơ bản của hiệp định này, Việt Nam và EU sẽ xóa bỏ 99% dòng thuế. Đối với những mặt hàng còn lại, hai bên sẽ dành cho nhau hạn ngạch thuế quan hoặc cắt giảm thuế quan một phần. Bộ Công thương CSVN nhận định, đây có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết cho tới nay.
EU gồm 27 quốc gia thành viên, hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Trung Cộng. Năm 2014, tổng giá trị trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt hơn 36.8 tỷ Mỹ kim, tăng 9% so với năm 2013. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt gần 28 tỷ Mỹ kim và nhập khẩu từ EU đạt gần 9 tỷ Mỹ kim. Các ngành hàng chủ yếu mà Việt Nam xuất khẩu sang EU là giày dép, dệt may, cà phê, đồ gỗ, thủy sản...
EU cũng là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam, với hơn 2,030 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư trên 36 tỷ Mỹ kim. EU đầu tư vào hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, tập trung nhiều nhất vào công nghiệp, xây dựng và một số ngành dịch vụ.
Trong quan hệ thương mại với EU, Việt Nam luôn ở vị thế xuất siêu. Với hiệp định thương mại tự do này, Việt Nam sẽ có lợi nhiều hơn trong xuất khẩu, nới rộng được thặng dư thương mại, góp phần cân bằng cán cân mậu dịch hiện đang trong tình trạng nhập siêu, do thâm hụt thương mại với Trung Cộng quá lớn.
Hiệp định này cũng giúp Việt Nam mở rộng thị trường Châu Âu, giảm bớt sự lệ thuộc vào thị trường Trung Cộng. Tuy nhiên, tiêu chuẩn hàng hóa nhập khẩu vào EU là một rào cản lớn. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không cải thiện chất lượng sản phẩm, thì sẽ không tận dụng được cơ hội này.
Nhật Nam / SBTN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét