Một cuộc biểu tình tại Hà Nội sáng ngày 5/11/2015 phản đối chuyến thăm Việt Nam của Tập Cận Bình.Ảnh: Nguồn Facebook
Đến Hà Nội vào hôm nay, 05/11/2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã được chính quyền Việt Nam đón tiếp trọng thể. Tuy nhiên, theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, khác với chính quyền, một phần dư luận Việt Nam vẫn công khai bày tỏ thái độ bất bình trước các hành động lấn lướt của Trung Quốc tại Biển Đông.
Theo AFP, vài giờ trước lúc Chủ tịch Trung Quốc đặt chân xuống Hà Nội, nhiều người đã tổ chức những cuộc biểu tình nhỏ chống Bắc Kinh ngay tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại Hà Nội, khoảng hơn một chục người đã mang theo các khẩu hiệu như « Phản đối chuyến thăm của Tập Cận Bình », hay áp phích cho thấy ảnh của Chủ tịch Trung Quốc bên trên tô thêm một gạch chéo hình chữ X.
Theo một số nhân chứng, trái với những lần biểu tình vào những hôm trước đây, công an đã nhanh chóng giải tán nhóm biểu tình, quây bắt những người tham gia và đưa lên xe buýt chở đi.
Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, một cuộc biểu tình đông đảo hơn cũng đã diễn ra, và các trang mạng xã hội cho biết là đã có khoảng 20 người bị bắt. Một đoạn video video cho thấy một người biểu tình bị thương sau khi xung đột với công an.
Theo nhận định của AFP, biểu tình là một sự kiện rất hiếm khi xẩy ra ở Việt Nam, nhưng trong những năm gần đây, chính quyền đã nhắm mắt làm ngơ trước một số cuộc biểu tình nhỏ chống Trung Quốc.
Thái độ bất bình trước chuyến thăm của ông Tập Cận Bình cũng đã được thể hiện trên mạng Internet, một diễn đàn ngày càng phổ biến cho dù trong thời gian qua đã có nhiều blogger bị bắt.
Một bản kiến nghi đòi Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động đe dọa đến tính mạng, tài sản và các quyền tự do của ngư dân Việt Nam ở Biển Đông, lưu hành trên Facebook trong những ngày gần đây, đã thu được hàng trăm chữ ký.
Làn sóng bất bình đối với Trung Quốc đặc biệt dâng cao từ tháng 5 năm 2014, sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào cắm sâu trong vùng thềm lục địa của Việt Nam, và dùng vũ lực xua đuổi tàu thuyền Việt Nam đến yêu cầu dời đi.
Tâm lý chống Trung Quốc vẫn không nguôi trong bối cảnh Bắc Kinh tiếp tục cho phép những vụ tấn công vào tàu cá và ngư dân Việt Nam ở vùng Hoàng Sa, đồng thời tăng cường bồi đắp và xây dựng cơ sở trên một số bãi đá và rạn san hô ở Trường Sa mà họ đã chiếm của Việt Nam vào năm 1988 sau khi sát hại hàng chục người lính Việt Nam.
Đá Gạc Ma (South Johnson Reef) chẳng hạn là nơi đã bị Hải quân Trung Quốc đánh chiếm sau một trận hải chiến đẫm máu, khiến hơn 60 người lính Việt Nam tử trận. Theo các hình ảnh vệ tinh mới nhất, Bắc Kinh đã cho xây dựng trên thực thể địa lý này một loạt cơ sở kiên cố, trong đó có một ngọn hải đăng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét