Pages

Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2015

Kami - Thấy gì qua chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Tập Cận Bình?


Trong những ngày đầu tháng 11/2015, sự kiện Chủ tịch Trung quốc Tập Cận Bình sang thăm chính thức Việt nam được truyền thông trong và ngoài nước hết sức chú ý. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh khi các chính sách ngoại giao Việt nam đang đứng trước các thách thức trong việc quan hệ với các cường quốc, cụ thể là với Mỹ và Trung quốc. Khi mà chỉ còn khoảng 3 tháng nữa Đại hội Đảng CSVN lần thứ XII, một sự kiện chính trị hết sức quan trọng sẽ diễn ra tại Hà nội vào đầu năm 2016. Vì thế chuyến thăm này có một ý nghĩa hết sức quan trọng.

Vào khoảng hơn một năm trước đây (tháng 5/2014), sau sự kiện phía Trung quốc ngang nhiên đưa trái phép giàn khoan HD-981 vào vùng lãnh hải Việt nam thì quan hệ Việt nam - Trung quốc đã xấu đi nhanh chóng chưa từng thấy. Đó cũng là thời điểm phía Hoa kỳ đang ráo riết thực hiện chính sách chuyển trục sang Châu Á - Thái Bình Dương, điều đã gây cho phía Trung quốc không ít lo ngại nhất là khi Việt nam tỏ thái độ ủng hộ. Khi ấy hàng loạt động thái ngoại giao ráo riết giữa Washington và Hà nội đã khiến cho Bắc kinh không hài lòng và hết sức quan ngại, vì sự trái tính đó của Hà nội vào thời điểm ấy rất có thể sẽ ảnh huởng lâu dài tới việc khẳng định chủ quyền trên toàn bộ các đảo và bãi ngầm trong quần đảo Trường sa nói riêng và toàn bộ khu vực Biển Đông nói chung của Trung quốc. Đó là điều phía Trung quốc hoàn toàn không muốn. Việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc hội đàm đầu tiên ngày ̀5/11, khi cho rằng hai nước cần đẩy mạnh việc duy trì tiếp xúc cấp cao, nhằm tăng cường tin cậy chính trị là bằng chứng cho thấy điều đó.

Do vậy cần phải nhìn nhận chuyến thăm Việt nam lần này của Chủ tịch Trung quốc Tập Cận Bình sẽ chỉ nhằm mục đính chính để xoa dịu phía Việt nam, hòng níu kéo người đồng chí cùng ý thức hệ về danh nghĩa. Điều đó cho thấy, có lẽ phía Trung quốc không hoàn toàn nhằm mục đích chỉ đạo các vấn đề liên quan đến công tác nhân sự trong Đại hội Đảng CSVN lần thứ XII của Đảng CSVN như trong tiền lệ, điều vẫn xảy ra trong các kỳ Đại hội Đảng lần trước. Bởi vì tình thế hiện nay, khi mà trong nội bộ ban lãnh đạo Đảng CSVN hiện nay về vấn đề quan hệ Việt- Trung cũng đã thay đổi rõ rệt, với sự thắng thế cua phe chống Trung quốc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Việc đón tiếp ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm này của phía Việt nam với các nghi lễ ở mức cao nhất dành cho một nguyên thủ quốc gia, về tổng thể cho thấy đây là sự trọng thị cần phải có, là điều có thể chấp nhận được. Điều này một phần cũng xuất phát từ việc phía Việt nam cũng cảm thấy cần thiết phải hòa hiếu đối với anh bạn láng giềng "xấu tính" này, hơn nữa cũng để chứng tỏ truyền thống hiếu khách của người Việt nam.

Tuy vậy, nếu xem việc đón tiếp ông Tập Cận Bình một nguyên thủ quốc gia nắm cả 2 trọng trách là Chủ tịch nước và Tổng Bí thư Đảng CSTQ trong ngày đầu tại sân bay, thì phía Việt nam bên cạnh sự có mặt của ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ̣(một người được cho là thân TQ) đại diện cho bên Đảng; thì ngược lại đại diện cho phía nhà nước là sự có mặt của ông Phạm Bình Minh, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao- con trai cả của ông Nguyễn Cơ Thạch cựu Bộ trưởng Ngoại giao, người đã từng bị phía Trung quốc yêu cầu ban lãnh đạo Việt nam gạt bỏ sau Hội nghị Thành đô năm 1990, điều đó cũng phần nào cho thấy sự cứng rắn mang tính "trêu tức" của phía Hà nôi. Đồng thời cũng không thể không nhắc tới việc để phía Trung quốc sử dụng một chiếc xe Mercedes dành cho nguyên thủ quốc gia mang biển số 0079 khiến cho người ta không thể nghĩ đến cuộc chiến tranh Biên giới Việt - Trung năm 1979 đã từng nổ ra vào thời điểm mối quan hệ Việt nam - Trung quốc ở mức xấu nhất chưa từng có.

Khác với nhiều dự đoán, sự đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với nhiều chỉ dấu cho thấy sự thân thiện hơn của một người vốn lâu nay được cho là có tư tưởng bài Hoa. Trong cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chiều ngày 5/11/2015, theo trang tin của Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã "… hoan nghênh đồng chí Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Trung Quốc đang có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam." Đồng thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng  "... đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng như những nhận thức chung quan trọng mà Tổng Bí thư hai Đảng đạt được trong cuộc hội đàm về phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước".

Cùng với sự đón tiếp mang tính hình thức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng thì người ta khá ngạc nhiên với sự khá cứng rắn của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi hội đàm với ông Tập Cận Bình.Theo đó ông Trương Tấn Sang đã công khai khẳng định  “... những năm gần đây, lòng tin về quan hệ hai Đảng, hai nước trong một bộ phận quần chúng nhân dân, cán bộ, đảng viên đã bị suy giảm bởi những tranh chấp, bất đồng giữa hai nước về vấn đề trên biển cũng như việc một số thỏa thuận hợp tác giữa hai nước không được thực hiện đầy đủ."

Điều đó cho thấy, ban lãnh đạo Việt nam có một sự phối hợp tương đối nhịp nhàng, uyển chuyển và phù hợp trong việc đón tiếp ông Tập Cận Bình, theo lối trung hòa vừa nhu vừa cương.

Việc Chủ tịch Trung quốc Tập Cận Bình phát biểu trước Quốc hội Việt nam là một động thái khá bất thường đã khiến cho nhiều người tỏ ra quan ngại. Vì trước đây không lâu, không chỉ truyền thông và một số nhân vật cao cấp khác của phía Trung quốc đã nhiều lần lớn tiếng cho rằng khu vực Nam sa là vùng biển thuộc chủ quyền của phía Trung quốc từ xưa đến nay. Mà ngay cả ông Tập Cận Bình cũng đã từng khẳng định điều đó trong chuyến thăm chính thức Mỹ vào cuối tháng 9/2015. Và việc nhà nước Việt nam cấm các nhà báo tham dự, mà chỉ để cho họ theo dõi hình ảnh qua máy thu hình (nhưng không cho nghe âm thanh) lời phát biểu của ông Tập Cận Bình chứng tỏ họ cũng hết sức bối rối. Tuy vậy việc Chủ tịch Trung quốc không đề cập tới vấn đề nhạy cảm này tai cơ quan Quốc hội Việt nam cũng cho thấy ông Tập đã tỏ ra biết điều và có lẽ phần nào cũng vì ông Tập cũng cảm nhận được sự giận dữ của người Việt nam sẽ gây ra những hậu quả xấu hơn vào lúc này, giữa lúc quan hệ Trung - Việt vốn đã xấu.

Tuy nhiên, trong phát biểu của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình có nói đến việc "Cả hai dân tộc cần phải kiên định lòng tin, chung tay tiến lên, quyết không để thế lực nào cản trở sự hợp tác đó" được coi là “cây gậy”, việc này đồng thời với việc Trung quốc thò "củ cà rốt" viện trợ cho Việt nam một tỷ Nhân dân tệ phần nào cũng cho thấy phía Trung quốc sẽ không bao giờ có thể chấp nhận việc Việt nam có thể thoát khỏi vòng ảnh hưởng của họ. Nhất là trong hoàn cảnh kinh tế của Việt nam đang có các chỉ dấu cho thấy có những dấu hiệu bất bình thường, từ đó việc coi Trung quốc là một chiếc phao cứu sinh là điều hoàn toàn có thể.

Đây là điều hết sức đáng lo ngại.

Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình hoan nghênh Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Trung Quốc vào thời điểm thích hợp với mục đích tăng cường gặp gỡ cấp cao, trao đổi chiến lược trong thời điểm trước Đại hội Đảng CSVN lần thứ XII là điều có ý nghĩa hết sức quan trọng. Điều đó cho thấy phương án ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ ở lại để giữ chức vụ Tổng Bí thư sau Đại hội Đảng XII là điều chắc chắn và nếu như thế thì đây là phương án mà phía Trung quốc có thể chấp nhận được. Có lẽ đây là một trong những mục đích quan trọng trong chuyến thăm Việt nam của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Không thể không nhắc đến sự kiện phản đối chuyến thăm Việt nam của Chủ tịch nước Tập Cận Bình của các cá nhân và các tổ chức xã hội dân sự trong thời gian qua. Việc làm này đã tỏ ra có hiệu quả và thu được các thành tích đáng khích lệ và là một việc làm hết sức cần thiết. Vì ít nhất nó cũng đại diện cho ý chí của một bộ phận lớn dân chúng khi nói không với Trung quốc, nhằm phản đối cách hành xử thô bạo của một nước lớn đối với một nước nhỏ bất chấp đạo lý và luật pháp quốc tế. Trên thực tế đây là điều chính quyền Việt nam cũng mong muốn, cho dù chỉ ở trong một chừng mực nhất định khi mà họ có thể quản lý được. Các cuộc biểu tình chống Tập Cận Bình ở Hà nội trong những ngày qua đã cho thấy điều đó. Sự đàn áp thô bạo của chính quyền Sài gòn đối với các cuộc biểu tình chống Tập Cận Bình cũng là điều dễ hiểu, điều đó hoàn toàn phù hợp với “truyền thống” vốn có lâu nay của lực lượng an ninh thành phố HCM. Đó là họ sẽ trấn áp thẳng tay đối với lực lượng đối lập khi có các hành động chống đối có tổ chức.

Qua chuyến thăm Việt nam của Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư Đảng CSTQ Tập Cận Bình đã cho thấy chính quyền Việt nam vẫn kiên trì duy trì chính sách ngoại giao "đu dây" - "3 không" với các cường quốc vốn đã là nguyên tắc bất di bất dịch như từ trước tới nay. Tuy vậy, các động thái ngoại giao cho thấy quan hệ Việt nam - Trung quốc sẽ được cải thiện theo chiều hướng tốt hơn trên cơ sở ngoại giao "cứng rắn" hơn thay cho sự quỵ lụy và mềm yếu mang tính bợ đỡ như thường lệ.

Đã có không ít người tỏ ra lạc quan và cho rằng, sau chuyến thăm Việt nam này của ông Tập Cận Bình thì "một thời kỳ Bắc thuộc mới" (như lời cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã từng nói vào năm 1990) sẽ có thể chấm dứt. Vì người ta hy vọng rằng ban lãnh đạo mới của Việt nam dưới sự dẫn dắt của ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ duy trì mối quan hệ giữa Việt nam và Trung quốc sẽ hài hòa hơn dựa trên tinh thần bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, lấy chủ quyền quốc gia làm cơ sở.

Việc duy trì mối quan hệ ngoại giao hài hòa giữa Việt nam và các quốc gia khác là điều cần thiết, nhất là trong bối cảnh quốc tế luôn tiềm ẩn các nguy cơ xung đột giữa các cường quốc. Việc Việt nam bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh trên Biển Đông vào lúc này là điều vô cùng bất lợi, và phía Trung quốc cũng nghĩ như vậy. Do đó việc giữ gìn mối quan hệ mang tính hòa hiếu với Trung quốc là điều hết sức cần thiết, để duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực. Bài học cú bắt tay dưới gậm bàn giữa Washington và Bắc kinh (vào năm 1972) để dẫn đến sự đổ vỡ của chính thể Việt nam Cộng hòa còn sờ sờ ra đó. Việc hy vọng vào sự chung thủy và nhất quán từ phía Mỹ có lẽ vẫn là một điều không tưởng. Chắc chắn, việc Việt nam phải tự đứng trên đôi chân của mình trên cơ sở sự ủng hộ mang tính quân bình từ các phía sẽ là sự lựa chọn luôn luôn đúng đắn và cần thiết.

Ngày 06/11/2015

© Kami

(Blog RFA)

Không có nhận xét nào: