Dân tộc ta có truyền thống “tôn sư, trọng đạo”. Tôn sư có nghĩa là kính trọng người thầy. Trọng đạo nghĩa là đề cao nghề dạy học. Từ xưa tới nay, chúng ta đã có nhiều câu thành ngữ, tục ngữ, nhiều tác phẩm văn học,nghệ thuật... tôn vinh nghề giáo. Đặc biệt, trong chế độ hiện thời, ngành giáo dục nhận được rất nhiều ưu đãi qua việc ưu tiên giáo dục công và chính sách “xã hội hóa giáo dục”. Cả đất nước dường đang được tạo mọi điều kiện để phát triển tốt nhất, với chính sách “xóa mù chữ” được áp dụng trên khắp mọi miền.
Thừa thầy, thiếu thợ?
Mặc dù vậy, truyền thống “tôn sư trọng đạo” không những không tạo ra những thành quả tốt đẹp mà còn hình thành thói tôn sùng bằng cấp một cách mù quáng, sự “bợ đỡ” thầy cô giáo cũng như ngành giáo dục còn khiến xã hội trở nên “thừa thầy, thiếu thợ”, mất hết khả năng sản xuất, tạo ra những “hũ tục” mới như nạn đút lót thầy cô và tệ nạn học thêm tại nhà thầy cô giáo...
Trong khi chương trình giáo dục không được cập nhật, các phương pháp giáo dục mới không được triển khai trong nhà trường... tất cả những chính sách được thực hiện một cách sai lầm, cẩu thả đó không những không đưa đất nước trở thành một quốc gia văn minh, hiếu học mà còn khiến mỗi người mẹ hàng ngày lo lắng khi “phải” gửi con đến trường.
Vấn đề của giáo dục Việt Nam hiện nay nặng về lý thuyết rất nhiều nên các con học thông qua sách giáo khoa, sách vở nên những thứ đọng lại trong tâm trí mà thực sự mang lại cảm xúc cho chúng nó và học theo kiểu học vẹt.
-Phong Lan
Họ đã tìm ra những giải pháp nào để đối phó với “phong tục” tốt đẹp này của dân tộc?
Đây là đề tài trên trang phụ nữ kỳ này, mời quý thính giả cùng theo dõi.
“Không thầy đố mày làm nên” chính là câu thành ngữ đầu tiên mà mỗi người Việt đều biết rõ từ những ngày đầu tiên đi học. Niềm tin này, cộng với sự thiếu hiểu biết và việc quá bận rộn với “miếng cơm manh áo” khiến mỗi ông bố, bà mẹ Việt đều tin tưởng, giao phó hoàn toàn sứ mệnh giáo dục con mình cho nhà trường và thầy cô giáo.
Điều đáng nói ở đây, là quá trình hoàn thiện nhân cách, trí tuệ cũng như tinh thần của mỗi con người phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó, quan trọng nhất là sự tự hoàn thiện của mỗi cá nhân. Tôn trọng thầy cô, biết ơn những người đã giúp mình hoàn thiện trí tuệ, nhân cách là một việc hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, đẩy sự biết ơn đó đến mức “tôn sùng”, khẳng định rằng một cá nhân sẽ không thể làm nên việc gì nếu thiếu sự hướng dẫn của người thầy chính là cách tốt nhất để làm thui chột sự tự tin, tinh thần tự học hỏi và vươn lên của mỗi con người. Hơn nữa, làm hạn chế vai trò của gia đình và xã hội trong “tam giác giáo dục” Gia đình – Nhà trường – Xã hội vốn vẫn được coi là giải pháp hoàn hảo giúp tạo nên thế cân bằng trong việc đào tạo một con người.
Tuy nhiên, cũng bởi thiếu hiểu biết và không có thời gian dành cho việc giáo dục con cái, cha mẹ Việt thường phó mặc con cho thầy cô. Đó là lý do dễ hiểu để mỗi người Việt đều chấp nhận cách hành xử được hướng dẫn trong câu tục ngữ tiếp theo về truyền thống “tôn sư trọng đạo” rằng:
“Muốn sang thì bắc cầu kiều,
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy.”
Có lẽ, mọi vấn đề đều bắt đầu từ đây. Có ai mà không muốn sang sông, không muốn con mình nên người, thành đạt? Mỗi người Việt Nam đều tin rằng “con hơn cha là nhà có phúc”. Bởi vậy, mỗi bậc làm cha mẹ đều nhất định sẽ “bắc cầu kiều” để con họ sang sông. Có điều, cầu kiều phải bắc như thế nào lại là một chuyện vô cùng quan trọng.
“Bàng hoàng” với những khoản thu “trên trời”
Đầu năm học 2015, mỗi người dân Việt Nam đều “bàng hoàng” với những khoản thu “trên trời” cho năm học mới. Cộng đồng mạng đã cùng chia sẻ bảng kê danh sách những khoản thu dài dằng dặc và tỉ mỉ đến sống sượng của rất nhiều trường học, đặc biệt là các trường mầm non, đối tượng được bố mẹ quan tâm đầu tư nhất. Những khoản thu đầu năm lên tới 5 – 6 triệu đồng, trong khi thu nhập bình quân của mỗi bậc cha mẹ chỉ đạt 4 – 5 triệu/tháng. Họ sẽ phải xoay xở thế nào để cho con đến trường!? để mỗi đứa trẻ đều được “xóa mù” theo chính sách của Đảng và Nhà nước? Quả là “một câu hỏi lớn không lời đáp”.
Trong vai một bà mẹ “bức xúc” về quá nhiều khoản thu thiếu tình, vô lý và không có hóa đơn, chứng từ; Hạ Vũ đã có một cuộc “cãi vã” ra trò với cô giáo chủ nhiệm của con một người bạn hiện đang học tiểu học ở Hà Nội. Cô giáo cho rằng:
“Điều hòa, máy chiếu là cái tự nguyện “xã hội hóa” của quý phụ huynh. Tự nguyện chứ không phải nhà nước tài trợ. Bất kỳ một trường nào trong thành phố Hà Nội, theo luật chị nắm bắt được. Mình tự nguyện ủng hộ thì mình sẽ đóng cái chi phí, hao tổn trong quá trình mình sử dụng.
Quỹ ủng hộ. Em cũng thừa biết nếu các con không làm ra tiền thì chắc chắn các trường, các quận đoàn, thành đoàn sẽ không có một đồng nào để mà hoạt động. Không có đoàn thì làm sao có đảng. Một khối cơ quan nhà nước bao giờ cũng thế, mình làm việc phải theo sự chỉ đạo đầu tiên là Đảng, Chính quyền. Đây có phải riêng lớp này chị tự đề ra đâu. Chị trả lời theo công văn mà. Bây giờ chị chỉ giải thích cho em như vậy còn em thắc mắc cái gì thì lên nhà trường mà thắc mắc. Chị có thu cái gì sai, có phổ biến cái gì sai không? Rõ ràng là bây giờ bọn chị phải làm theo công văn thôi. Bọn chị chỉ hiểu là khi đã nhận trách nhiệm, bọn chị sẽ hết sức mình và sẽ làm việc theo đúng những gì Đảng và Nhà nước giao cho. Ví dụ như dưới quyền của phòng giáo dục, của Quận, nếu họ có yêu cầu gì, bọn chị sẽ làm hết sức.”
Tất cả những câu hỏi mà Hạ Vũ đã cố gắng “gài” vào trong cuộc phỏng vấn để có được đánh giá của cá nhân cô giáo về những khoản thu thiếu tình, thiếu lý đầu năm học mới cũng như sự vô nghĩa của những nỗ lực đóng góp và đóng góp của phụ huynh học sinh đều được cô khéo léo lái qua một câu trả lời duy nhất rằng “cô không làm gì sai, chỉ làm đúng nhiệm vụ được giao và quy trình, chính sách mà Đảng và Nhà nước đã giao cho cô và rằng mọi người dân đều phải sống theo đoàn, theo hội”.
Như vậy, “cái cầu kiều” những quý vị làm cha, làm mẹ muốn bắc để đưa con qua sông, cho dù tốt thế nào, thầy cô cũng chỉ có thể “thực hiện đúng nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó”, không được lồng ghép một chút quan điểm, nỗ lực cá nhân nào trong khi thực hiện nhiệm vụ.
Có thể, đó là một trong những nguyên nhân khiến nhiều trường hợp, học sinh bị bạn đánh ngay trong lớp học, trong suốt nhiều năm liền nhưng thầy cô không hề biết? Cũng có thể, đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến con số 178.000 thạc sỹ, cử nhân thất nghiệp theo thống kê đầu năm 2015 cũng không khiến con số giáo viên, giảng viên giảm đi và các chương trình cải cách giáo dục được thực hiện triệt để hơn?
Không chờ đợi hoặc quá thất vọng về khả năng thay đổi theo chiều hướng tốt của ngành giáo dục, phụ huynh, đặc biệt là những người làm mẹ đã lo lắng sâu sắc hơn cho con cái của mình. Họ sử dụng chính sách “xã hội hóa” giáo dục để tự mình lập nên những trường tư thục, trung tâm ngoại ngữ, văn học, các chương trình ngoại khóa bổ sung kiến thức... cho trẻ em mà động lực thúc đẩy chủ yếu là để tìm tự mình tạo cho con mình một môi trường giáo dục an toàn, tích cực, phù hợp với tốc độ phát triển của toàn thế giới.
Mỗi lớp quá đông, hơn nữa lại phải phong bì cho các cô thì các cô mới có thái độ tốt với con mình còn việc chăm sóc tốt hay không thì mình cũng chịu.
-Thanh Dung
Thanh Dung, giám đốc sáng lập một trường mầm non song ngữ trong nội thành Hà Nội chia sẻ lý do vì sao chị quyết định tự mở lấy trường cho con chị học:
“Thứ nhất là về sự tin tưởng, về mặt giáo viên, về thời gian học của con. Họ nói nhưng đến lúc thực hiện thì lại không như thế. Các cô mua đồ chơi nhưng cũng chỉ để bày ra đấy. Mỗi cháu mỗi ngày cũng chỉ được phát một món đồ chơi để chơi từ đầu giờ đến cuối giờ. Mỗi lớp quá đông, hơn nữa lại phải phong bì cho các cô thì các cô mới có thái độ tốt với con mình còn việc chăm sóc tốt hay không thì mình cũng chịu.”
Trong khi đó, Phong Lan, chủ một công ty du lịch chuyên cung cấp các hoạt động du lịch trải nghiệm cho trẻ em tiểu học chia sẻ:
“Vấn đề của giáo dục Việt Nam hiện nay nặng về lý thuyết rất nhiều nên các con học thông qua sách giáo khoa, sách vở nên những thứ đọng lại trong tâm trí mà thực sự mang lại cảm xúc cho chúng nó và học theo kiểu học vẹt. Đâm ra mình cũng thấy rằng những chuyến đi sẽ mang lại cho con những cảm xúc rất thật và sẽ gây ấn tượng cho các con.”
Hoài Tâm, giám đốc một trung tâm đào tạo văn học cũng có cùng lý do thành lập trung tâm, cô cho biết:
“Giúp trẻ yêu tiếng Việt, có thể nói được suy nghĩ của mình, yêu môn văn. Đơn giản, đầu tiên nó phải yêu tiếng mẹ đẻ của mình, yêu bằng chính nó chứ không phải bởi vì mọi người bảo rằng nó phải yêu.Phương pháp mà chúng tôi lựa chọn là phương pháp học theo hệ thống việc làm, nghĩa là các bạn ấy tự tạo ra các kiến thức của riêng mình, học qua trải nghiệm, học qua hoạt động. Học văn thì cứ hay nghe giảng giải rồi thì giáo điều. Mà văn chính là cuộc sống, chính là trải nghiệm thì các bạn phải biết quan sát chính cuộc sống của các bạn rồi từ đó rút ra được những cái của riêng các bạn ấy thì điều đó sẽ giúp cho tâm hồn của các bạn ấy đẹp. Đẹp thực sự từ trong tấm lòng, trong con tim chứ không phải chỉ đẹp khi mà người lớn bảo đấy là đẹp.
Hiện tại với các cách giáo dục của trường công thì nó làm cho bọn trẻ bị khô cứng. Rất nhiều năm rồi mọi người nói về chuyện chép văn mẫu và nói rằng trẻ nói những điều sáo rỗng và không hiểu và chúng nó sợ tiếng Việt. Khi bắt đầu vào lớp một, mọi người đều nói “bắt đầu phải đi học đấy” rồi thì “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam” nhưng mà thực sự ra là các bạn đã biết nói tiếng Việt rồi. Tại sao chính tiếng mẹ đẻ lại là phong ba, bão táp được. Tất cả đều là do cách truyền thụ của người lớn cho các bạn ấy và cái cách mà gây cho các bạn sự tò mò để càng ngày các bạn càng tự tìm thấy.”
Những người phụ nữ mạnh mẽ, có điều kiện đã tự mình vươn lên, thiết lập môi trường giáo dục tốt nhất cho con mình cũng như các khách hàng “cùng đẳng cấp”. Cho dù họ, và khách hàng của họ, không phải là đảng viên, không tính toán được những đường đi rành mạch cho con họ ở một nước khác, những nỗ lực này cũng đã đảm bảo cho con cái họ một môi trường học tập tốt hơn, cơ hội tiếp cận tốt hơn với các kiến thức mới và khẳ năng vươn tới những vị trí tốt đẹp hơn trong xã hội lúc trưởng thành.
Thế còn những người phụ nữ nghèo, những nữ công nhân, những bác công nhân, những cô chủ các cửa hàng nhỏ lẻ, họ có lối thoát nào cho con cái của mình, trong xã hội được dành lấy từ tay tư bản để phục vụ lợi ích của họ không?
Tạp chí trang phụ nữ tuần này kết thúc tại đây. Hẹn gặp lại quý vị kỳ tới. Hạ Vũ xin chào tạm biệt.
Mọi ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin gửi về địa chỉ email: havu082008@gmail.co
m
m
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét