Bài viết của hai tác giả Jonathan London và Vũ Quang Việt trên BBC mang tựa đề « Việt Nam cần xét lại chiến lược Biển Đông » quá sơ lược. Sơ lược đến đỗi nhiều điều có thể gây hiểu lầm.
Tựa đề bài biết, hai tác giả nói là VN cần phải « xét lại chiến lược ở biển Đông ». Vấn đề là không thấy hai tác giả phác họa cho độc giả thấy « chiến lược Biển Đông » của VN là như thế nào ? Có điểm nào (trong chiến lược này) cần phải thay đổi ?.
Tác giả Trương Nhân Tuấn |
Về vụ kiện của Phi trước Tòa Trọng tài quốc tế (PCA), hai tác giả cho rằng Tòa « có quyền phân xử những đòi hỏi của Trung quốc ».
Điều này không hoàn toàn đúng. Theo phán quyết của PCA ngày 30-10, Tòa tuyên bố « có thẩm quyền » phân xử ở 7 điều và bảo lưu 8 điều còn lại trong bản nguyện vọng của Phi.
Tác giả nói rằng không có nước nào công nhận yêu sách « đường chín đoạn » chiếm 90% Biển Đông của TQ là đúng. Nhưng một sự thật cần nói ở đây là (ít nhứt) 2 điều Tòa « bảo lưu » (trong hồ sơ kiện của Phi) là có liên quan đến yêu sách của « đường chín đoạn » của TQ.
Hai tác giả nhắc đến « học giả David Arase tại Trung Quốc ». Ý kiến của học giả này là các nước nhỏ (như Phi và VN) cần hợp tác (lại với nhau), thực thi pháp luật và tôn trọng các chuẩn mực quốc tế. Không biết học giả David Erase nói đến việc này khi nào. Vấn đề là nội dung này nhiều người đã nói qua. Cá nhân tôi cũng nhiều lần viết trên face book, trên blog, thí dụ bài viết ở đây :
Dĩ nhiên ý kiến của các học giả về Biển Đông chúng ta nên ghi nhận, nếu không nói là mang ơn. Nhưng từ điểm tựa (của học giả David Arase) các tác giả khuyến cáo rằng « VN cần tỏ rõ các đòi hỏi lãnh thổ của mình » đồng thời chủ động giải quyết tranh chấp với Phi, Mã Lai và Indonesia. Theo tôi, khuyến cáo này không có căn cứ.
Thứ nhứt, các tác giả không « khoanh vùng » được những tranh chấp giữa VN-Phi, VN-Mã Lai và VN-Indonesia là như thế nào.
Các tác giả cũng không kể ra được các đảo (hay đá) nào của VN hiện có tranh chấp với Phi, với Mã Lai hay với Indonesia.
Thứ hai, trên thực tế, VN đã giải quyết xong những tranh chấp (nếu có) với các nước Phi, Mã Lai và Indonesia.
Đệ trình chung VN và Mã Lai về « Thềm lục địa mở rộng » nộp LHQ vào tháng 5 năm 2009 đã cho thấy hai bên, trên bản đồ đính kèm hồ sơ, không có tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ hay tranh chấp về ranh giới biển. Hai bên không có bất kỳ bảo lưu nào về các việc này.
Giữa VN và Phi, đệ trình của VN (riêng biệt, khu vực phía bắc) về « Thềm lục địa mở rộng », cho thấy VN không có yêu sách về hiệu lực biển các đảo thuộc TS (trong vùng biển kinh tế độc quyền của Phi).
Trong khi giữa VN và Indonesia hai bên đã ký kết hiệp định « Phân định ranh giới thềm lục địa » ngày 26-6-năm 2003. Hiệp định này có hiệu lực từ tháng 5 năm 2007.
Tức là các bên VN-Phi, VN-Mã Lai không hiện hữu việc tranh chấp ranh giới biển.
Riêng VN-Indonesia vừa không hiện hữu tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, vừa không có tranh chấp ranh giới biển.
Riêng về đề nghị của các tác giả « VN cần tỏ rõ các đòi hỏi lãnh thổ của mình » ở « các bãi đá nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Phi, Brunei và Mã Lai », theo tôi, là không rõ rệt. Nó có thể gây hiểu lầm.
Trước hết là các tác giả đã không xác định được « các bãi đá » nào của VN nằm trong vùng kinh tế độc quyền của Phi (nhấn mạnh : độc quyền chớ không phải đặc quyền).
Chấp nhận rằng các bãi đá thì không có hải phận EEZ. Vậy thì số phận các « đảo » của VN nằm trong vùng này thì sao ?
Thứ hai, theo đệ trình của VN (và Mã Lai) năm 2009 về Thềm lục địa mở rộng, các đảo của VN nằm trong khu vực biển của các nước Phi và Mã Lai thì không có vùng độc quyền kinh tế (EEZ 200 hải lý). Tức là chủ trương của VN về các đá, đảo… đã rõ rệt đến mức không thể rõ hơn được nữa : thể hiện bằng hành động trên thực tế và bằng văn bản trên pháp lý.
Thứ ba, tác giả bỏ qua yêu sách của TQ về hiệu lực các đảo.
TQ tuyên bố có chủ quyền toàn bộ các đảo, đá, bãi cạn, bãi chìm… tức là mọi thực thể địa lý ở khu vực TS. TQ yêu sách mọi thực thể địa lý này đều có hiệu lực EEZ. Vấn đề là yêu sách của TQ, trên nguyên tắc, là phù hợp với Luật quốc tế. Bằng chứng, trong vụ Phi đơn phương kiện TQ ở Tòa PCA, một số yêu cầu của Phi bị Tòa bảo lưu vì nó liên quan đến việc chồng lấn vùng biển (ở các thực thể địa lý mà TQ đòi chủ quyền).
Vậy, theo các tác giả, VN cần « tỏ rõ » các đòi hỏi lãnh thổ như thế nào để các nước có lợi ? Dĩ nhiên câu trả lời, theo tôi, các đảo, bãi đá đó thuộc chủ quyền của VN là các bên có lợi hơn hết.
Thứ tư, liên quan đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Nếu xét lại các bài viết của tác giả Vũ Quang Việt đã viết trước đây (về vấn đề chủ quyền HS và TS), thì người ta có thể hiểu là các tác giả khuyên VN nên từ bỏ chủ quyền ở các « bãi đá » trong vùng biển Kinh tế độc quyền thuộc Phi, Mã Lai hay Brunei.
Theo tôi, trước khi nói như vậy các tác giả nên tìm hiểu thế nào là yêu sách về chủ quyền lãnh thổ của TQ cũng như tập quán quốc tế về việc chiếm hữu lãnh thổ. Giả sử rằng VN từ bỏ chủ quyền các bãi đá nhắc trên, thì chủ quyền các bãi đá này không vì vậy mà lọt vào tay Phi, Mã Lai hay Brunei. Việc « từ bỏ chủ quyền » này sẽ đồng nghĩa với việc nhìn nhận chủ quyền của TQ (ở các vùng lãnh thổ mà VN từ bỏ).
Về ý kiến chia xẻ tài nguyên trong khu vực của các tác giả, điều này đã được nhiều học giả khác trong quá khứ đã nhắc đến.
Nhưng không thấy ai tìm hiểu đến ý nghĩa yêu sách « quyền lịch sử » của TQ là như thế nào ?
Theo các tài liệu của phía TQ công bố, ý nghĩa của đường chữ U chín đoạn bao gồm : hiệu lực của UNCLOS + quyền lịch sử + danh nghĩa lịch sử.
Trong đó « quyền lịch sử » có ý nghĩa như là TQ có quyền chia sẻ tài nguyên của các nước khác, dĩ nhiên trong khu vực chồng lấn với đường chín đoạn.
Nhìn nhận việc « chia sẻ » tài nguyên là gián tiếp nhìn nhận tính chính đáng của « quyền lịch sử » của TQ. Tức là gián tiếp nhìn nhận tính hợp pháp yêu sách của TQ (qua đường chín đoạn).
Tập Cận Bình (có lẽ) đang có mặt ở VN. Ý kiến của một học giả Đài loan, mục đích chuyến viếng thăm này của ông Tập là ngăn cản VN (nối tiếp Phi) đi kiện TQ. Ta thấy ý kiến này hợp lý. Công hàm của VN gởi lên Tòa PCA trong vụ Phi đơn phương kiện TQ, mục đích nhằm bảo lưu quyền và lợi ích của VN. Trong đó VN cũng yêu cầu Tòa bác bỏ yêu sách của TQ thể hiện qua đường chữ U chín đoạn.
Thói thường, hãy làm điều mà đối thủ sợ. Nỗi sợ của ông Tập Cận Bình là gì ? Là sợ VN theo chân Phi đi kiện. Vậy lý ra phải thúc đẩy VN đi kiện.
Theo tôi, các ý kiến của các tác giả trong bài viết, vì dựa lên những dữ kiện không đúng với thực tế, do đó không có giá trị hữu dụng.
Vì vậy, với lòng kính trọng của tôi dành tác giả Jonathan London , tôi không thể chia sẻ thiện chí của các tác giả trong bài này được.
Trương Nhân Tuấn
(FB Trương Nhân Tuấn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét