Pages

Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2015

Việt Nam 'buông' Hoàng Sa cho TQ?

Image copyrightNguyen Huy Kham Reuters
Image captionÔng Tập Cận Bình thăm Việt Nam sau các diễn biến giàn khoan 981 và các xung đột với ngư dân trên Biển Đông
Cựu quan chức cao cấp của Hội Hữu nghị Việt - Trung nói 'dường như' Việt Nam trên thực tế đã từ bỏ chủ quyền đối với Hoàng Sa trước sức ép của Trung Quốc.
Tiến sỹ Vũ Cao Phan, nguyên Phó Chủ tịch và Tổng thư ký của hội nói ông đã khuyến cáo lãnh đạo Việt Nam yêu cầu ông Tập Cận Bình chấp nhận đàm phán về quần đảo Hoàng Sa, mà hiện Trung Quốc đang chiếm toàn bộ, trong chuyến đi này.

Tuy nhiên ông Phan nói với Nguyễn Hùng trong Bàn tròn thứ Năm hàng tuần của BBC rằng phía Việt Nam đã bỏ ngoài tai.
Tiến sỹ Phan, người cũng là Viện trưởng Viện Chính trị và Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế của Đại học Bình Dương, nói:
"Theo tôi có lẽ bức xúc cơ bản của người dân là chính quyền chưa nhìn thẳng vào sự thực...
"Tôi đề xuất cũng có gì lớn đâu. Điều kiện như thế này ta có thể nói được mà cũng không nói...
"Chúng ta cứ tuyên truyền ở trong nước về Hoàng Sa và Trường Sa và triển vọng thế này thế khác...
"Chúng ta nói thế giới nào có biết đâu. Rất nhiều bạn bè quốc tế nói với tôi rằng đối với Hoàng Sa hình như Việt Nam buông."
Trong khi đó Phó Giáo sư Nông Lập Phu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học Xã hội Quảng Tây, Trung Quốc nói ông đã được học Nam Sa (Trường Sa) và Tây Sa (Hoàng Sa) là của Trung Quốc.
Ông nói: "Tôi từ nhỏ cũng đọc địa lý Trung Quốc nói là Tây Sa, Nam Sa là đất nước của Trung Quốc."

'Nói mãi đá cũng phải mòn'

Tiến sỹ Vũ Cao Phan nói quan điểm "nhìn về đại cục" trong quan hệ Việt - Trung rất mơ hồ và Việt Nam còn có vẻ còn "sợ" khiến Trung Quốc dựa vào đó để lấn át.
Ông nói: "Rõ ràng trong quan hệ Việt Nam với Trung Quốc hình như là Việt Nam chịu sự dẫn dắt của Trung Quốc và Việt Nam thiếu chủ động.
Image captionTiến sỹ Vũ Cao Phan nói ít nhất ngư dân Việt Nam phải được đánh cá tại những nơi họ từng hoạt động ở Hoàng Sa
"Chúng ta là nước nhỏ, chúng ta khiêm tốn, chúng ta tôn trọng Trung Quốc, chúng ta tôn trọng tình hữu nghị và chúng ta phấn đấu cho điều đó nhưng điều gì có thể thì chúng ta phải nói chứ, ưỡn ngực, thẳng lưng lên mà nói chứ...
"Người dân người ta đánh giá có thể vì một lợi ích nào chăng? Hay vì bản thân mình không tự đánh giá mình cao hay tự mình nhìn Trung Quốc quá cao, quá lớn chăng?"
Ông Phan nói quan hệ hai bên "phải hữu nghị, phải tốt đẹp nhưng phải bình đẳng" và rằng Việt Nam phải đòi Trung Quốc đặt Hoàng Sa lên bàn đàm phán và nêu giải pháp:
"Tôi đã nói có biện pháp nữa là ba tháng, sáu tháng một lần ta gửi công hàm qua đường ngoại giao yêu cầu đàm phán.
"Nói mãi đá cũng phải mòn chứ. Mà những chuyện này đàm phán cũng có lợi ích cho Trung Quốc chứ.
"Ít nhất hình ảnh của Trung Quốc đối với nhân dân Việt Nam và đối với dư luận thế giới sẽ khác đi...
"Mong muốn tối thiểu của tôi là ngư dân Việt Nam có quyền đánh cá hợp pháp trên ngư trường lịch sử và truyền thống của mình."

'Hải quân đáng gờm'

Trong lúc đó bà Phương Nguyễn, chuyên gia Đông Nam Á của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế gọi tắt là CSIS ở Washington cho rằng cần đặt Hoàng Sa và Trường Sa vào bối cảnh rộng hơn.
Image captionBà Phương Nguyễn nói những gì Trung Quốc có hứa với Việt Nam 'chỉ là lời nói'
Bà nói với Bàn tròn thứ Năm:
"Tôi nghĩ về các vấn đề trên biển chúng ta không nên chỉ nhìn vào những tiến triển giữa Trung Quốc và Việt Nam mà chúng ta phải đặt nó vào bối cảnh Trung Quốc muốn gì trong vùng biển này.
"Trung Quốc muốn dùng Trường Sa và Hoàng Sa để làm bàn đạp để thiết lập Trung Quốc là lực lượng hải quân đáng gờm ở tây Thái Bình Dương.
"Về lâu dài, nếu việc này tiếp tục, mục tiêu của Trung Quốc là đẩy Hải Quân Hoa Kỳ khỏi vùng biển tây Thái Bình Dương...
"Trung Quốc có nói gì với Việt Nam, có ký kết gì với Việt Nam, có hứa gì với Việt Nam cũng chỉ là lời nói.
"Hành động trên biển của Trung Quốc sẽ không phụ thuộc gì vào những gì hai bên đàm phán hoặc là đồng ý với nhau mà phụ thuộc nhiều hơn vào tham vọng của Trung Quốc ở phía tây Thái Bình Dương."
Bà Phương Nguyễn cũng nói Bắc Kinh hiện đang ở vào thế khó xử theo sau việc Hoa Kỳ cho tàu chiến áp sát đảo đá do Trung Quốc đang chiếm tại quần đảo Trường Sa mà Việt Nam cùng các nước khác cũng tuyên bố chủ quyền.
Nếu ngăn cản tàu Hoa Kỳ, bà Phương Nguyễn nói, Trung Quốc sẽ vi phạm luật quốc tế vì hai đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trên đá ngầm Subi và Vành Khăn (Trung Quốc gọi là Chử Bích và Mỹ Tế), không được hưởng 12 dặm hải lý xung quanh mà vẫn phải để tàu quốc tế qua lại.

Phản đối Tập Cận Bình

Nhà hoạt động Nguyễn Ngọc Như Quỳnh từ Nha Trang nói khoảng 150 người đã xuống đường phản đối chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh hôm 5/11 khiến công an bắt giữ hàng chục người.
Image captionBà Như Quỳnh nói Việt Nam cần bảo vệ quyền lợi của ngư dân ngay cả khi muốn có quan hệ tốt hơn với Trung Quốc
Cũng có những hình ảnh cho thấy người biểu tình bị đánh đổ máu.
Bà Như Quỳnh cho rằng chính quyền cần tôn trọng quyền 'tiếp đón' ông Tập của người dân theo cách của riêng họ.
Nhà hoạt động từng được giải thưởng nhân quyền quốc tế cũng nói thêm về chuyện chính quyền cũng phải bảo vệ các ngư dân trên Biển Đông khi họ muốn có quan hệ tốt với Trung Quốc: "Nhà nước nào cũng tồn tại trên nguyện vọng và lợi ích của người dân bởi vậy một bộ phận dù nhỏ của người dân cũng phải được đảm bảo về đời sống, lợi ích và sự an toàn trong việc mưu sinh của họ, phải được đảm bảo và nhà nước phải xem đó là một phần cốt lõi tạo nên giá trị bền vững của nhà nước để đặt lên bàn ngoại giao."
Trong lúc đó nhà nghiên cứu Đông Nam Á của Trung Quốc ở Quảng Tây, ông Nông Lập Phu, phản đối các cuộc biểu tình chống ông Tập ở Việt Nam và cho rằng nó không có lợi cho việc cải thiện quan hệ hai bên.
Ông nói thêm: "Những vấn đề trên biển hai nước lãnh đạo hai Đảng hai nước đã có cơ chế để giải quyết vấn đề này rồi.
Image copyrightNong Lap Phu
Image captionPhó Giáo sư Nông Lập Phu nói từ bé ông đọc rằng Nam Sa (Trường Sa) và Tây Sa (Hoàng Sa) là của Trung Quốc
"Vừa rồi tôi xem TV theo Tiến sỹ Vũ Cao Phan giới thiệu, Đảng, Chính phủ Việt Nam đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình rất long trọng, trọng thị.
"Trong điều kiện này có một số người lên đường bày tỏ phản đối là không có lợi cho việc phát triển quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc và Việt Nam."
Phó Giáo sư Nông Lập Phu cũng nói thêm chính Việt Nam cũng bắt tàu thuyền đánh cá của Trung Quốc chứ không chỉ có Trung Quốc đơn phương làm như vậy với ngư dân Việt Nam.
Ông nói người dân Việt Nam không hiểu hết tình hình quan hệ hai bên và đã có những hành động mà ông cho là không hợp lý.

Không có nhận xét nào: