Pages

Thứ Tư, 1 tháng 12, 2010

Chính sách tiền tệ của Việt Nam bị chỉ trích thiếu minh bạch


Lạm phát tại Việt Nam đã lên đến 11,09% trong một năm
Ảnh:REUTERS/Kham


Thanh Phương
Theo hãng tin Bloomberg News, hôm 29/11/2010, một nhà kinh tế ở Singapore, làm việc cho JP Morgan Chase, Matt Hindebrandt, đã đưa ra bình luận về chính sách tiền tệ của Việt Nam. Theo nhà kinh tế này, tình trạng thiếu sự độc lập và độ tin cậy của Ngân hàng Trung ương Việt Nam, cũng như khuôn khổ chính sách tiền tệ quá mơ hồ, đã khiến cho lạm phát gia tăng ở nước này.
Nhìn chung, theo ông Hindebrandt, chính sách tiền tệ của Việt Nam « thiếu sự minh bạch và độ tin cậy ». Các công cụ thực hiện chính sách tiền tệ thì bị phân tán, không hiệu quả và khó quản lý cũng là những nhân tố góp phần làm tăng lạm phát.

Tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam đã tăng lên thành 11,09% tính trên một năm, tức là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 3 năm 2009. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào tuần trước đã cho biết là chính phủ sẽ có biện pháp kềm chế lạm phát, nhất là vào thời điểm sắp đến Tết Nguyên Đán.

Trong năm nay, đồng bạc Việt Nam đã bị phá giá ba lần và cách đây hai ngày, tỷ giá ở chợ đen đã lên tới 1 đôla ăn khoảng 21.400 đồng.

Cũng liên quan đến kinh tế Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á hôm nay nhận định là các công ty Nhà nước lớn sẽ không gặp vấn đề giống như tập đoàn Vinashin, hiện đang bên bờ phá sản. Ông Ayumi Konishi, giám đốc Việt Nam của ngân hàng này, đã đưa ra nhận định nói trên trong cuộc họp báo hôm nay. Theo ông Konishi, trường hợp của Vinashin là biểu hiện của một sự yếu kém có tính chất hệ thống trong việc giám sát của chính phủ đối với các công ty Nhà nước.

Chính phủ Việt Nam đã thông qua kế hoạch tái cơ cấu Vinashin để cứu vãn tập đoàn này. Giám đốc Việt Nam của Ngân hàng Phát triển châu Á tán thành việc cứu vãn Vinashin, nếu đóng tàu được xem là một ngành công nghiệp ở Việt Nam. Ông Konishi dự đoán là trong ít nhất 10 hay 15 năm nữa, đây có thể sẽ là một ngành công nghiệp lớn ở Việt Nam.

Không có nhận xét nào: