Thứ Tư, 1 tháng 12, 2010
Lảy vài mắt xích từ buổi chất vấn Thủ tướng
Nhân Hòa
Tôi nghe từ quán trà bệt ven đường, một ông bình dân nói: luật pháp Hoa Kỳ làm cho người bình thường nhất cũng hiểu để chấp hành, luật pháp Việt Nam làm cho người soạn ra luật đó cũng không hiểu. Lộn xộn là phải. Chả biết đúng hay sai?
Tôi là một cán bộ kĩ thuật dưới trung bình, đã hết ‘date’, chắc không thân Hoa Kỳ như nhiều quan chức Đảng, Nhà nước được họ cấp học bổng hay đủ tiền cho con, cháu sang đó học về nối nghiệp lãnh đạo, nhưng qua sách, báo do Ban Tuyên huấn TW in ra, tôi cảm nhận, Hoa Kỳ mạnh nhất thế giới là do luật pháp minh bạch, cầu thị, sai đâu sửa đấy. Ở ta, luật pháp thế nào ấy mà người soạn ra luật như Chủ tich Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và người thi hành luật như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoặc là cũng lấn bấn, hoặc là được phép làm sai!? Lảy vài mắt xích.
Mắt xích 1. Đại biểu thượng đẳng Anh hùng Nguyễn Minh Thuyết đã chỉ rõ, Thủ tướng vi phạm luật, đó là điều 33 Luật Doanh nghiệp Nhà nước quy định: “Chủ tịch HĐQT không kiêm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc công ty”. Nhưng Thủ tướng là người ký quyết định để cho ông Phạm Thanh Bình vừa là Chủ tịch HĐQT, vừa là Tổng giám đốc công ty thì giải thích chuyện này như thế nào?
Thủ tướng (đại thể): Ông Bình được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt chọn năm 1996, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải bổ nhiệm cả hai chức vụ vào năm 1999; đến tôi, cấp dưới nói là ‘chưa tìm được ai’, tôi khi đó là Phó Thủ tướng đồng ý! Đây là thí điểm kéo dài từ năm 1999 (11 năm).
Lạ quá. Điều kiện chưa chín muồi, chưa có tướng, chưa đủ quân đã đánh Điện Biên, đánh Sài Gòn, chắc nướng hết binh sĩ. Minh bạch nhất là Chính phủ biết trái luật Doanh nghiệp nhưng vẫn làm. Bộ Chính trị, Trung ương không ai biết sao? Các Bộ trưởng không biết sai sao? Xung quanh Thủ tướng có hàng trăm Giáo sư, Tiến sĩ, chuyên viên thượng đẳng… không ai dám nói sao?
Công dân vi phạm lỗi tí ti như không đội mũ bảo hiểm (chỉ mang rủi ro cho cá nhân) thì bị Công an đuổi bắt, truy sát (như ở Bắc Giang, Nghệ An…). Thủ tướng (do tế nhị?) phạm luật lớn, đe dọa 5% thu nhập của 80 triệu dân … tính sao đây? Nói nhận trách nhiệm, nhưng trách nhiệm theo điều nào, luật gì, doanh nghiệp, lao động, hình sự, hay an ninh…? Vô tình làm trái hay cố ý làm trái gây thiệt hại kinh tế kinh hoàng nhất lịch sử? Đại biểu, cử tri vẫn không thỏa mái vì trách nhiệm chưa có thuộc tính.
Mắt xich 2. Trên chính trường, Hiến pháp ta dùng uyển ngữ, dân bầu ra Quốc hội, Quốc hội bầu ra Thủ tướng, v.v. Bản chất là, dân thuê Quốc hội, Quốc hội thuê Chính phủ quản lí đất nước này (có lương, thưởng, bổng lộc). Dân có khắt khe vài lời, Quốc hội có khắt khe vài lời (thực tế không phải, toàn lời vàng ngọc) thì cũng là lời ông chủ, lời bậc sinh thành… kiên nhẫn nghe và giải thích. Thế là phải đạo. Việc ai đó thuê viết bài đe dọa một số Đại biểu Quốc hội khả kính trên website của Chính phủ là điều không thể chấp nhận, nếu không nói là quá xa đạo lí. Danh nhân, trí sĩ phẫn nộ. Nếu bình tĩnh một chút, Thủ tướng xin lỗi các Đại biểu, treo bút vài tháng mấy anh ít văn hóa (không phải ít học hàm học vị đâu nhé), sóng gió sẽ qua. Ông Thuyết cao siêu lắm, ông dùng chữ “thế có khôn ngoan không” hàm ý cứu Chính phủ về lỗi ứng xử. Tiếc quá, Thủ tướng đề nghị ĐB Thuyết xem xét theo đúng pháp luật hay không! Là công dân, chúng tôi hiểu, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, bôi nhọ Quốc hội tội to hơn bôi nhọ mọi lãnh đạo khác theo điều 88 bộ Luật Hình sự, tuyên truyền chống phá…
Tôi cứ mơ Trời Phật phù hộ, có ai đó, đủ lòng yêu nước, đủ quyền lực… cho lấy phiếu tín nhiệm, thăm dò dư luận sòng phẳng vào lúc này thì các ông bà Nguyễn Minh Thuyết, Dương Trung Quốc, Lê Văn Cuông, Phạm Thị Loan… sẽ ghi điểm. Chưa chắc điểm của Chính phủ cao hơn. Thế mà họ bị đe nẹt!
Mắt xích 3. Lời “gom lại” của Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa giải kẹt cho Chính phủ, nhưng không ghi điểm cao. Phải chăng, sơ suất của ông (và cả Thủ tướng) là mấy lần lấy Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương làm điểm khởi phát cho công việc. Đó là căn cứ lấn cấn. Muốn thế cần có một bộ luật về Đảng. Quốc hội không làm… Một số Đại biểu diễn đạt rất uyên bác: “Đây là Quốc hội!” và phải tự thêm phần đuôi: “do dân bầu ra, làm ra luật và chỉ tuân theo luật”. Ông diễn đạt trôi chảy, nhẹ tênh về các mô hình thí điểm. Khó nói quá, 60 năm qua dân ta vật lộn với các mô hình thử nghiệm. Cả đất nước là một phòng thí nghiệm khổng lồ. Chả biết vì sao thế giới đã làm chán vạn, giàu có, yên ổn, hạnh phúc gấp nhiều lần ta, ta không học cứ thích làm chẳng giống ai? Đôi khi không khéo bị rơi vào “cái bẫy” lời khen quốc tế. Chả ai yêu và hiểu ta bằng ta. Chả Đảng nào dám nói không kính trọng dân. Chưa Tổng thống nào đến Việt Nam dám nói nước các bạn nhếch nhác và lộn xộn…
Ông diễn giải lí do chưa cần thiết phải lập Ủy ban điều tra đặc biệt của Quốc hội cũng chưa thuyết phục. Luật của ta quá mẹo, trên cả Hiến pháp. Hiến pháp qui định, mọi công dân bình đẳng trước pháp luật. Luật không nói là cấm nhưng không qui định áp luật cho mấy chức danh. Đương nhiên có người đứng trên luật. Ông nêu lý do Ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an… đang làm vì thế chưa cần thiết phải lập Ủy ban điều tra đặc biệt của Quốc hội đối với Thủ tướng. Nó gờn gợn thế nào ấy. Ban Kiểm tra Trung ương làm việc của Đảng. Đây là Quốc hội! Luật chưa cho phép Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Tòa Tối cao, Viện Kiểm sát Tối cao điều tra Thủ tướng. Đúng luật! Duy có Uỷ ban điều tra của Quốc hội được làm, ông chưa cho? Lời “gom” của ông không biết có cản trở luật không?
N.H.
Nguồn: http://boxitvn.blogspot.com/2010/11/lay-vai-mat-xich-tu-buoi-chat-van-thu.html
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét