Song Chi
Kinh tế - Những dấu hiệu khủng hoảng ngày càng rõ
Trong năm 2010, sau nhiều năm liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, những dấu hiệu khủng hoảng về kinh tế của Việt Nam cũng ngày càng lộ rõ.
Ðồng tiền Việt Nam liên tục bị mất giá. Bài viết “Việt Nam đồng mất giá 20% so với...?” đăng trên trang Giáo Dục Việt Nam số ra ngày 8 tháng 11, 2010 cho biết: “Theo chuyên viên phân tích Hồ Bá Tình, chỉ trong vòng 10 tháng, tính đến ngày 18 tháng 8, Ngân Hàng Nhà Nước đã phải ba lần điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng, tăng tổng cộng 11.17%, lên mức 18,932 đồng một USD... VND đang bị mất giá khá mạnh khi so với các đồng tiền khác trong khu vực. Sử dụng tỷ giá 19,500 đồng một USD để quy đổi chéo, từ đầu năm đến tháng 11, VND mất giá hơn 20% so với đồng yen của Nhật Bản, hơn 17% so với đồng tiền của Thái Lan và Malaysia, gần 8% so với đồng Nhân dân tệ. Nếu sử dụng tỷ giá thị trường tự do, thì mức mất giá hiện nay của VND đang rất cao.”
Nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục hồi phục và tăng trưởng 6-7% trong năm 2010, nhưng bù lại, để đạt được mức tăng trưởng đó, là sự mất ổn định kinh tế vĩ mô đáng kể - cụ thể là lạm phát 8-9% và theo một số nhà nghiên cứu về kinh tế, có thể vượt lên hai con số, tức là vào khoảng từ 10-11%. Nợ công và nợ nước ngoài tăng lên nhanh chóng. Theo BBC, số ra ngày 11 tháng 8, 2010: “Báo cáo của Viện Kinh Tế Việt Nam cho thấy nợ nhà nước (nợ công), bao gồm cả nợ nước ngoài, tăng tới mức 52% so với GDP,” dự trữ ngoại tệ bị giảm sút dưới mức an toàn (theo đánh giá của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF tháng 6, 2010) v.v...
Ngay đối với người dân bình thường, họ cũng cảm nhận được những dấu hiệu của một nền kinh tế bất ổn qua giá cả sinh hoạt liên tục tăng, từ giá xăng dầu, điện nước cho tới thực phẩm, hàng hóa các loại, giá vàng và đô la lên xuống thất thường, trong lúc đồng lương thì tăng rất chậm và không đáng kể, khiến cho đời sống của các tầng lớp nhân dân, nhất là công nhân, nông dân, công nhân viên chức... khó khăn thấy rõ.
Sự khủng hoảng này, ngoài những nguyên nhân khách quan từ sự khủng hoảng chung của nền kinh tế thế giới trong thời gian qua, rõ ràng do sự yếu kém trong điều hành, quản lý kinh tế ở tầm vĩ mô của nhà nước, cộng thêm những vụ làm ăn thua lỗ kiểu như Vinashin hay những vụ vung tay tiêu tiền quá trớn kiểu như đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, càng khiến cho nền kinh tế Việt Nam thêm lao đao.
Một năm sắp trôi qua nhưng những vấn đề lớn vẫn còn đó
Không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, năm 2010 quả là một năm có quá nhiều chỉ dấu đáng lo ngại về xã hội, chính trị và cả tương lai vận mệnh của đất nước. Ðến giờ phút này, năm 2010 cũng lại sắp trôi qua nhưng những vấn đề lớn, nổi cộm nhất, ảnh hưởng đến sự phát triển và tồn tại của cả quốc gia, cả dân tộc vẫn còn nguyên đó - chưa được giải quyết và không biết bao giờ sẽ giải quyết.
Ðó là vụ Vinashin và những hậu quả nặng nề của món nợ hơn 86,000 tỷ đồng Việt Nam tức vào khoảng 4, 5 tỷ đô la Mỹ (có thông tin cho rằng còn cao hơn thế nhiều, vào khoảng 120,000 tỷ đồng Việt Nam). Dù đã được đưa ra chất vấn trực tiếp tại kỳ họp thứ 8, Quốc Hội khóa 12 vào tháng 11 vừa rồi, và chính người đứng đầu chính phủ là ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phải thừa nhận trách nhiệm nhưng cũng chỉ là thừa nhận suông, không có gì cụ thể là sẽ phải chịu những biện pháp trừng phạt nào về sự đổ vỡ này. Cuối cùng, tương lai của Vinashin sẽ như thế nào, liệu việc tái cơ cấu Vinashin có là một giải pháp đúng đắn, bao giờ thì Vinashin sẽ trả được nợ... vẫn là những câu hỏi bỏ ngỏ.
Ðó là vụ cho các công ty của Trung Quốc, Ðài Loan... thuê đất trồng rừng tại các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam, mà gần đây nhất, loạt bài phóng sự điều tra rất công phu của nhóm phóng viên VietnamNet đã chứng tỏ lời cảnh báo trước kia của hai vị tướng lão thành - Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh và Trung Tướng Ðồng Sĩ Nguyên trong lá thư ngỏ gửi lên Trung Ương Ðảng đang trở thành sự thật. Bỏ qua một bên những thiệt hại về mặt kinh tế khi cho thuê đất với giá rẻ mạt, đẩy người dân địa phương vào cảnh khốn khó vì thiếu đất canh tác, mối lo lớn nhất là về mặt an ninh quốc phòng của quốc gia tại những vùng đất này đang bị đe dọa khi các công ty thuê đất tại những điểm hết sức quan trọng về mặt địa quân sự trong suốt 50 năm mà ngay từ bây giờ chính quyền địa phương đã không thể kiểm soát, can thiệp vào công việc của họ, làm sao có thể biết được chuyện gì sẽ xảy ra sau một thời gian dài như vậy.
Ðó là vụ bauxite Tây Nguyên, mối quan tâm lo ngại hàng đầu của bao nhiêu người dân, thể hiện qua hàng trăm bài báo, hàng ngàn ý kiến phản biện trên cơ sở phân tích thấu đáo lợi, hại về mọi mặt cũng như bản kiến nghị thu hút hàng ngàn chữ ký của các nhân sĩ, trí thức, kể cả những người từng là công thần của chế độ... khẩn thiết yêu cầu Ðảng và nhà nước cộng sản Việt Nam hãy dừng ngay dự án này để tránh hậu họa quá lớn về sau cho cả đất nước, dân tộc. Vậy mà vấn đề này cũng như vụ cho thuê rừng trên kia cuối cùng đã không được quốc hội đưa ra bàn thảo và kiên quyết truy đến cùng cho đến khi có được một giải pháp từ phía những người cầm quyền. Cuối cùng tất cả đều bị “lơ, lờ,” các công ty nước ngoài vẫn tiếp tục “đang làm gì đó” trên đất rừng biên giới Việt Nam, các nhà máy khai thác bauxite vẫn tiếp tục triển khai ở Tây Nguyên.
Một dự án thiếu thực tế, lợi ít hại nhiều khác là việc xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam, đã bị Quốc Hội bác trong kỳ họp vào tháng 6, 2010, tưởng là đã xong, nay vì quyền lợi của những nhóm lợi ích, có những kẻ lại tiếp tục lôi ra cố làm cho bằng được.
Có nghĩa là mọi lời nói chí tình chí lý của nhân dân đều đổ sông đổ biển.
Có nghĩa là dân chủ muôn đời vẫn là khẩu hiệu nói cho vui cho sang ở nước này.
Về chính trị, nhiều người cho rằng trong năm qua, chính phủ của ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng ít ra đã đạt được một số mặt thành công về mặt ngoại giao, khi bằng vào vai trò chủ tịch Asean 2010, Việt Nam đã đưa được vấn đề biển Ðông trở thành vấn đề quốc tế, quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đã nồng ấm trở lại nhờ có chung một mối quan tâm là sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc đồng thời Việt Nam đã tranh thủ được các mối quan hệ với nhiều quốc gia khác cũng có chung mối bận tâm này như Nhật Bản, Ấn Ðộ, Nga, các nước Asean v.v... Nhưng những thắng lợi đó vẫn không đủ sức mạnh để những người lãnh đạo Việt Nam dũng cảm bước một bước dứt khoát đứng về phía các nước dân chủ, cũng như thoát khỏi mối quan hệ nguy hiểm với Trung Quốc.
Ðại hội Ðảng lần thứ XI sắp diễn ra nhưng trong dự thảo văn kiện của đại hội, được đưa ra cho những nhà trí thức hàng đầu đồng thời là những đảng viên cấp cao của Ðảng Cộng Sản nhận xét, góp ý thì vẫn những đường hướng cũ, “kiên trì với chủ nghĩa Mác Lê nin và con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội,” tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Ðảng Cộng Sản v.v...
Có nghĩa là chẳng có gì thay đổi cả. Ít nhất là cho tới... hết nhiệm kỳ sắp tới của Ðảng.
Có nghĩa là mọi hy vọng, khát khao về một sự thay đổi trong đường lối, thể chế chính trị của người dân sẽ lại tan thành sương khói.
Có nghĩa là những người cầm quyền cao nhất ở đất nước này vẫn tiếp tục sự lựa chọn từ trước đến nay của họ: đặt quyền lợi của chế độ, của Ðảng Cộng Sản Việt Nam, thậm chí của một nhóm người, lên trên quyền lợi của đất nước, của dân tộc. Sự lựa chọn đó đã gây ra những hậu quả tai hại như thế nào trong suốt 65 năm nay, tưởng không cần phải nhắc lại nữa. Nhưng điều đáng nói hơn, càng ngày sự lựa chọn sai lầm ấy sẽ càng khiến Việt Nam lún sâu vào mối quan hệ bất lợi với Trung Quốc cho đến lúc, không còn có chỗ quay đầu lại nữa. Thực tế, chỉ cần nhìn lại Việt Nam thời điểm cách đây mười, mười lăm năm thôi, để thấy hiện nay cái vòng kim cô của Trung Quốc đã thắt chặt hơn như thế nào trên rừng, trên đất liền, ngoài biển khơi... trong mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội... của Việt Nam thì đủ rõ.
Cộng thêm vào đó là sự khủng hoảng quyền lực ở cấp cao nhất - những cuộc tranh giành đấu đá về quyền lực đã, đang và vẫn diễn ra khốc liệt sau hội trường Ba Ðình trước giờ khai mạc đại hội Ðảng lần thứ XI, nhưng nhìn đi nhìn lại, vẫn không thấy có một khuôn mặt nào “nhỉnh” hơn một chút về tâm và tầm. Còn có hy vọng gì vào tương lai đất nước ở những khuôn mặt như vậy?
Cộng thêm vào đó là những mâu thuẫn xã hội tiếp tục âm ỉ, thể hiện qua những cuộc khiếu kiện ở khắp nơi của dân oan, những vụ biểu tình của giáo dân, công nhân, những tiếng nói bất đồng chính kiến của mọi tầng lớp nhân dân mà dù có dập tắt chỗ này, với người này thì cũng lại cất lên ở chỗ khác, người khác...
Ðảng Cộng Sản Việt Nam đang ở vào một giai đoạn vô cùng khó khăn, còn nói theo ngôn ngữ của “ông bạn 16 chữ vàng” từ miệng của nhân vật Khương Du, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, được ghi lại trong bài viết “Trung Quốc cảnh cáo các quốc gia láng giềng 'thân thiện với Mỹ,'” trên nhật báo The China Post, xuất bản tại Hongkong, ngày 25 tháng 8, 2010 (theo dailyvnews.wordpress.com) thì là: “Việt Nam đang ở trong tình trạng 'mong manh như vỏ trứng' với nhiều nguy cơ đến từ mọi phía,”
Dù cách nói ngạo mạn xấc xược, song có lẽ, không ai nhìn thấu nội tình gan ruột của Hà Nội cho bằng Bắc Kinh vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét