Chuyện bom nguyên tử của Bắc Hàn và Iran đang là đề tài quan tâm của thế giới, nhất là Hoa Kỳ. Và hai bức tranh mâu thuẫn gần như khôi hài.
Trong khi Iran khẳng định không có ý định chế tạo bom nguyên tử mà chỉ nghiên cứu và tinh lọc nhiên liệu Uranium để giải quyết vấn đề năng lượng thì Hoa Kỳ và Do Thái quả quyết Iran đang tìm cách chế tạo bom nguyên tử và dọa sẽ đánh Iran trước khi Iran đi vào giai đoạn tinh luyện cuối cùng. Chuyến thăm viếng Do Thái của tổng thống Obama từ 20/3 đến 23/3 thật ra để bàn một giải pháp cho cuộc tranh chấp Do Thái – Palestine và tình hình chiến tranh tại Syria đã bị lu mờ vì chuyện bom nguyên tử của Iran.
Trong khi đó Bắc Hàn có một quá trình công khai chế bom nguyên tử (1) và cho đến hôm nay đã 3 lần thí nghiệm cho nổ bom nguyên tử, và mấy tháng nay nhiều lần công khai sẽ dùng bom nguyên tử đánh Nam Hàn và Hoa Kỳ để trả đũa việc Hoa Kỳ đưa nghị quyết trừng phạt ra Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và được Hội đồng Bảo an chấp thuận, và việc Hoa Kỳ và Nam Hàn thao dượt quân sự với máy bay B52 của Hoa Kỳ mang bom nguyên tử bay trên ranh giới Nam Bắc Hàn thì phản ứng của Hoa Kỳ chỉ là tuyên bố tăng cường khả năng hỏa tiễn chống hỏa tiễn để ngăn chặn các hỏa tiễn của Bắc Hàn. Thái độ mạnh mẽ nhất của Hoa Kỳ là lời tuyên bố của Trung tướng Jack Miller, phát ngôn nhân của bộ Quốc phòng rằng Hoa Kỳ cam kết và có đủ khả năng bảo vệ hai đồng minh Nhật Bản và Nam Hàn.
Tại sao lại có thái độ bên trọng bên khinh như vậy?
Đối với Bắc Hàn, Hoa Kỳ biết Bắc Hàn chưa có khả năng để biến hiểu biết cho nổ một ngòi nguyên tử thành vũ khí tấn công. Cái quá trình dọa dẫm như trẻ con của Bắc Hàn đã quá quen thuộc với Hoa Kỳ. Tổng thống Clinton, tổng thống Bush (nhỏ) đã có nhiều đối sách và nhận ra rằng Bắc Hàn giống như một chú mèo con càng cho ăn càng đòi thêm. Hơn nữa đối với Bắc Hàn còn có Trung quốc, Nam Hàn và Nhật Bản. Quyền lợi và an ninh của các nước này trực tiếp hơn của Hoa Kỳ. Và ai cũng biết một điều Bắc Hàn không dại đánh Nam Hàn. Vì kết quả là cho dù Hoa Kỳ và Trung quốc đứng ngoài, Nam Hàn cũng sẽ đánh bại Bắc Hàn và thống nhất đất nước. Sự lo ngại của Trung quốc về một nước Đại Hàn thống nhất thân Hoa Kỳ sát biên giới có thể được giải quyết bằng một khu phi quân sự dọc biên giới Đại Hàn – Trung quốc. Với giả thuyết này Hoa Kỳ có thể không lo mà còn mong ước ngầm Bắc Hàn đánh Nam Hàn. Cùng tất biến, biến tất thông.
Ảnh warnewsupdates.blogspot.com |
Trước hết là Do Thái. Với đại nạn Holocaut trong Thế chiến thứ hai, 6 triệu người Do Thái bị giết trên khắp Âu châu, người Do Thái không thể chấp nhận để Iran có bom nguyên tử. Tâm lý của Do Thái là chẳng thà cùng chết trong một trận lửa nguyên tử hơn là bị giết như những con bò thịt. Điều này giải thích thái độ cương quyết của Do Thái.
Đối với tổng thống Obama ông có thể nghĩ rằng Iran có bom nguyên tử Do Thái cũng không quá bị đe dọa vì Do Thái cũng có một kho bom và Iran cũng không muốn tự sát bằng cách mang bom đánh Do Thái hay Hoa Kỳ (2). Nhưng với sức vận dụng (lobby) của Do Thái tại quốc hội Hoa Kỳ và ảnh hưởng của Do Thái trên mặt trận truyền thông tổng thống Obama cũng không thể làm gì khác hơn là ủng hộ Do Thái. Hơn nữa, nếu Iran có bom nguyên tử thì Trung đông sẽ đi vào một kỷ nguyên chạy đua sản xuất vũ khí nguyên tử.
Saudi Arabia và các nước trong vùng Vịnh mà đa số tín đồ theo Hồi giáo hệ phái Sunni sẽ lo sợ bom nguyên tử trong tay Iran theo Hồi giáo hệ phái Shitte. Saudi Arabia sẽ không ngồi yên mà không chế bom hay sắm bom nguyên tử . Trong khi đó các nhóm tay chân của Iran như Syria, Hezbollah (ở Lebanon) và Hamas (ở Gaza) được chiếc dù nguyên tử của Iran che chở cũng trở nên bạo dạn hơn.
Đặt Bắc Hàn và Iran lên bàn cân người ta có thể thấy rằng: Mặc dù nhà lãnh tụ Bắc Hàn Kim Chính Ân còn “trẻ người non dạ” nhưng “cháu lú có chú khôn”, ông chú Trung quốc sẽ không để cho Kim Chính Ân làm gì thì làm. Hơn nữa tại đó Nhật Bản và Nam Hàn là hai quốc gia có tiềm năng quốc phòng cao và có khả năng tự vệ Hoa Kỳ không cần phải quá bận tâm. Ở Trung đông, trái lại, Hoa Kỳ là lực lượng duy nhất có khả năng hành động. Do Thái có thể thúc bách Hoa Kỳ, nhưng Do Thái cùng biết khả năng giới hạn của mình.
Và tuy tổng thống Obama không bị ràng buộc bởi nhu cầu tranh cử ông có bổn phận tạo thế đứng cho đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2014 và cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Một chính sách quá dè dặt đối với Iran có thể không có lợi về mặt chính trị nội bộ. Điểm thứ hai là Iran có bom nguyên tử thay đổi sự cân bằng tại Trung đông trong cuộc chiến tranh chống khủng bố và quyền lợi về dầu hỏa của Hoa Kỳ. Thập niên trước chính vì tính toán trên sự cân bằng này mà tổng thống Bush bất chấp dư luận quốc tế đã tấn công Iraq. Cuộc chiến Iraq đã chấm dứt với những hậu quả không lấy gì khích lệ cho Hoa Kỳ nhưng cái khuynh hướng hành động trước khi sự đe dọa tới vẫn là một thứ tâm lý của kẻ mạnh nên việc Hoa Kỳ lâm vào một cuộc chiến Trung đông khác không phải là một giả thuyết hoàn toàn được gạt bỏ.
Điều đáng lo là nếu Hoa Kỳ và Do Thái càng lớn tiếng đe dọa Iran càng làm cho Iran quyết tâm hơn trong nổ lực chế tạo bom nguyên tử. Nhu cầu an ninh và tự ái là hai yếu tố chính. Cho nên nếu thế giới chờ đợi gì thì không nên chờ đợi Iran vì bị đe dọa mà từ bỏ quyết tâm chế tạo bom nguyên tử.
Còn nhớ năm 1949 khi Liên bang Xô viết thí nghiệm bom nguyên tử thế giới Tây phương tưởng như chiến tranh đã gần kề. Sau đó năm 1964 khi Trung quốc thử bom nguyên tử thế giới lại một lần nữa lên cơn sốt. Nhưng rồi nhờ những kho bom nguyên tử đó mà các cường quốc trên thế giới sợ tiêu diệt lẫn nhau mà thế giới đã không xẩy ra trận Thế giới chiến tranh thứ ba trong thế kỷ 20. Trong thế kỷ đó, Ấn Độ, Pakistan công khai chế tạo bom nguyên tử. Sau đó Do Thái không công khai nhưng cũng thủ sẵn một kho bom. Và Nhật Bản, Nam Hàn (có thể cả Đài Loan và Nam Phi) đều chuẩn bị hiểu biết kỹ thuật để sẵn sàng ráp bom nguyên tử trong một thời gian ngắn.
Thủ tướng Do Thái Netanyahu biết tổng thống Obama không muốn đánh Iran, nhưng Netanyahu cũng biết tổng thống Obama bị nhiều áp lực để có thể hành động hay không. Hoa Kỳ vốn là một quốc gia nhiều tự ái, tính toán hướng nội và ông tổng thống Hoa Kỳ không phải lúc nào cũng có thể hành động theo tính toán của riêng mình. Đó là yếu tố bất định nhất trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Iran.
Tổng thống Obama còn đối diện với một khó khăn khác là cuộc thương thuyết giữa Do Thái và Palestine. Chính sách của Do Thái là lấn đất và làm tới để nếu có một giải pháp nào họ cũng đặt Hoa Kỳ và Palestine trước việc đã rồi (xây tường an ninh gây khó khăn cho sinh hoạt của người Palestine, thành lập các khu định cư trong vùng Tây ngạn sông Jordan là vùng đất của người Palestine đến mức không thể dở bỏ…). Và Do Thái càng đi vào con đường đó thì Palestine càng khó chấp nhận một giải pháp hòa bình vì họ chẳng thể lập quốc trên một mảnh đất bị chia năm xẻ bảy đi lại khó khăn và do đó an ninh quốc gia hoàn toàn bị người Do Thái khống chế.
Chuyến công du Do Thái của tổng thống Obama đã giúp cho quan hệ cá nhân giữa tổng thống và thủ ướng Netanyahu bớt căng thẳng. Trong cuộc họp báo chung thủ tướng Netanyahu tuyên bố “bây giờ” ông tin rằng Hoa Kỳ sẽ “bằng mọi cách” không để cho Iran có bom nguyên tử. Trong khi tổng thống Obama nói ông hiểu “vì nhu cầu an ninh” Do Thái có khuynh hướng dùng biện pháp quân sự mạnh hơn là Hoa Kỳ với hàm ý để Iran hiểu rằng sau cuộc thăm viếng này Hoa Kỳ sẽ không níu chân Do Thái nếu Do Thái quyết định đánh bom Iran để phá hủy các cơ sở sản xuất vũ khí.
Tuy nhiên nếu Do Thái lo an ninh quốc gia, Hoa Kỳ có mối lo về toàn bộ tình hình Trung đông. Đánh, nói thì dễ, nhưng kết thúc nó như thế nào lại là một vấn đề khác. Cuộc chiến Iraq đã chấm dứt, Hoa Kỳ đã rút quân. Cuộc chiến Afghanistan đang xuống thang, nhưng triển vọng tương lai trên cả hai vùng đất không có gì sáng sũa. Có chăng là hai chính quyền thân Tây phương, nhưng gánh nặng còn đè trên vai.
Đánh Iran chưa chắc đã ngăn được Iran hoàn thành bom nguyên tử, nhưng hệ lụy khó lường. Hiện nay tổng thống Obama, dù chủ trương càng ít dùng sức mạnh càng tốt cũng nói mạnh để làm hài lòng Do Thái. Trong khi Do Thái khẳng định sẽ đánh Iran để không cho Iran sản xuất vũ khí nguyên tử, xem như Iran là một đứa bé ngỗ nghịch trừng phạt lúc nào cũng được.
Tục ngữ Việt Nam có câu: “Chưa đánh mặt đỏ như vang, đánh rồi mặt vàng như nghệ”. E rằng khi Do Thái và Hoa Kỳ nhận thức được hậu quả của một cuộc chiến mới tại Trung đông thì đã muộn.
Và đừng quên Trung quốc đang ngồi chờ cho tình hình Trung đông bùng nổ. Cũng không phải quá đa nghi để nghĩ rằng thái độ hung hăng của nhà lãnh đạo “con nít” Kim Chính Ân không có bàn tay xúi dục của Trung quốc sau lưng. Trung quốc không phủ quyết biểu quyết của Hội đồng Bảo An Liên hiệp quốc hôm 7/3/2013 trừng phạt Bắc Hàn thí nghiệm nguyên tử chỉ là một cách xóa vết.
Hoa Kỳ càng lúng túng vì tình hình Bắc Hàn và Iran bao nhiêu, Trung quốc càng có lợi bấy nhiêu. Làm mệt mỏi kẻ địch là một trong 13 binh pháp của Tôn Tử để thắng một cuộc tranh hùng.
Mar. 26, 2013
© Trần Bình Nam
© Đàn Chim Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét