Pages

Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

Thư gởi ông Nguyễn Đình Lộc



Tôi tên là Hồ Đắc Tâm, một cư dân mới đến xin tá túc trong thôn Danlambao. 
Thưa ông, sau phần trình diễn ngoạn mục của ông trên VTV, dân trong thôn của tôi đã đổ xô, rủa xả và ném đá ông tưng bừng. Tôi hiểu và rất thông cảm với ông; không biết nói gì để bênh vực, chỉ xin chia buồn cùng ông. Mặc dầu những lời kết án của họ dựa trên những lý luận sâu sắc, cụ thể, nhưng với tôi nó có một tí cực đoan và hơi quá khích.
Theo tôi nghĩ niềm tin và ủng hộ của dân chúng trong thôn DLB đối với Kiến Nghị 72 cũng “dạt dào” như Kiến Nghị 42 (xin phép được đi biểu tình chống Trung Cộng) vừa rồi. Có lẽ vì tôi đang đứng nhìn sự việc theo cái góc độ của những người dân đen đang bị bóc lột, hà hiếp, những người không phải là công cụ của đảng, không có sổ hưu. Còn những người có chút lương tri, đang phục vụ, đảng được đảng nuôi dưỡng, thì sao? Được bao nhiêu người? Họ nghĩ gì về KN72? Trong nhóm này có bao nhiều người như anh Đắc Kiên, can đảm và trung thực, sẵn sàng chấp nhận các hậu quả, chấp nhận bị mất việc, bị trù dập như một cái giá đương nhiên phải trả cho thái độ phản kháng, bất tuân phục.
Nhóm người đồng cảm với dân đen, nhưng vì “ăn cơm chúa, phải múa tối ngày” sau khi mục kích vở tuồng “Rừng Chưa Thay Lá” do chính ông thủ diễn, có lẽ là những người bị thất vọng não nề nhất. Cái chiêu “chờ gió bẻ măng” mà họ muốn thi triển, xem ra thật khó hoàn tất vì ai trong bọn họ cũng đang nín thở, không một kẻ nào dám tiên phong “phất gió”.
Tôi biết ông là người có trình độ; tôi tin ông là người có lương tri, người đang trăn trở trước những nỗi đau của dân, mối nhục của nước. Ông là người thức thời, biết người biết ta, nhưng thật đáng tiếc, ông đã đánh mất một cơ hội rất lớn để làm thủng 1 lỗ to của bức tường quyền lực của đảng, cái “tường vôi” mà đảng cố tính phóng chiếu lên thành những “lũy thép” kiên cố.
Tôi không dám tưởng tượng được hào khí của dân trong thôn nói riêng, nhân dân Việt nói chung, sẽ ngút ngàn đến đâu, nếu ông đã dũng mãnh, để trở thành Nguyễn Đắc Kiên-Senior. (Nghĩ đến điều này tôi buồn so, muốn khóc). Khi ông bị đảng sờ gáy, mặc dầu biết mình sẽ không còn được trọng dụng nữa; ông không dám khẳng khái chấp nhận, va chịu trách nhiệm những gì mình đã làm. Ông đã không vượt qua khỏi sự sợ hãi, không dám sống trung thực, sống cho vinh, dầu biết rằng năm bảy năm (nhiều lắm là hơn một chục năm) của kiếp sống còn lại, không là bao.
Thân ông trong những tháng ngày sắp đến, phải đối đầu với bệnh tật, cái khổ đau của sự suy tàn, hoại diệt. Rồi đây trong những lúc ngồi chờ thần chết, nếu có dịp quay về dĩ vãng, lương tâm của ông sẽ bị đâm chém, nhức nhối vì những lời hơi khó nghe (xin lỗi, dân trong thôn tôi, khi ghét ai, họ lôi hết tông ti, họ hàng của người đó ra chưởi thẳng, chưởi xéo, chưởi có vần, có điệu qua ý thơ, lời nhạc). Đó là hậu quả của tính hèn nhát, của sự phản bội lại những người bạn (hoặc đệ tử, học trò) đã tin tưởng ông, đã mến phục và giao cho ông cái trong trách giữ ngọn cờ tiên phong.
Ông đã từng trải, có lẽ ông cũng cảm nghiệm được, trước sự chiếu có đặc biệt của các tổ chức nhân quyền quốc tế, trước sự đối kháng ngày càng mạnh mẽ của nhân dân, cái đảng thống trị của ông thực sự đang lúng túng. Có lẽ ông tiên đoán được trong tháng ngày sắp tới đảng sẽ ra những quyết nghị để đám côn đồ công an hung hãn, thô bạo hơn trong việc trấn áp nhân dân, song song với những thủ đoạn, mua chuộc, phỉnh dụ để lôi kéo quân đội. Nhưng ông ơi, tôi nghĩ rằng, gia tăng đàn áp thô bạo sẽ là chất xúc tác cho sự phẫn nộ, phản kháng mãnh liệt. Sự đau đớn cũng cực sẽ làm tăng sức chịu đựng, sẽ làm chai lì và tê cóng sợ hãi. Chính phủ làm gì dù tài lực để xây nhà tù để cái quản đến vài chục triệu dân? Đến lúc đó thì mỗi khi thẩn thờ ra ngỏ, ông sẽ không thể không chạm mặt những anh hùng, anh thư. Gặp họ xin đừng nhắc đến KN72 ông nhé.
Chúc mắt ông luôn sáng, tâm thần luôn tỉnh táo để nhận diện những tên công an sẽ túc trực thường xuyên, canh ông ở quán cafe đầu ngỏ.

Không có nhận xét nào: