Giáp Văn Dương
Hơn một trăm năm trước, Phan Châu Trinh và nhóm Duy Tân chủ trương “khai dân chí, chấn dân khí, hậu dân sinh” để cứu nước. Trong lúc nước nhà trong cảnh nô lệ, nhiều con đường cứu nước được bàn thảo và thử nghiệm, vì sao cụ Phan lại chọn con đường từng bị đánh giá là “cải lương” và không mang lại kết quả thấy ngay được này?
Đọc lại những trước tác của Phan Châu Trinh, ta thấy rằng lý do cụ Phan chọn con đường khai dân trí bởi cụ cho rằng Việt Nam chịu cảnh nô lệ là vì thua kém phương Tây cả một nền văn minh chứ không phải kém về lòng quả cảm.
Nhận định của cụ Phan có nhiều nét tương tự nhận định của Fukuzawa Yukichi trước đó vài chục năm ở xứ Phù Tang, khi ông chủ trương độc lập quốc gia thông qua độc lập cá nhân, tức là quốc gia tồn tại thông qua sự trưởng thành và độc lập của cá nhân chứ không phải của chính phủ. Vì thế ông kêu gọi các sĩ phu Nhật Bản làm việc theo phương châm “coi trọng quốc gia, coi nhẹ chính phủ”.
Ông chủ trương từ bỏ cái học từ chương của Nho giáo để học theo khoa học và văn minh phương Tây, hình thành trào lưu “thoát Á nhập Âu” nổi tiếng trong lịch sử.
Trước Phan Châu Trinh và cùng thời với Fukuzawa Yukichi, Nguyễn Trường Tộ sau khi được tiếp xúc với nền Tây học và trực tiếp Tây du, cũng đã có những đề xuất về cải cách để học theo văn minh phương Tây, nhưng không được vua Tự Đức chấp nhận. Sau đó, ông tiếp tục viết soạn mấy chục bản tấu biểu điều trần lên triều đình đề xuất canh tân và cải cách đất nước nhưng vẫn không được đoái hoài.
Đến tận ngày nay, chủ đề này vẫn rất thời sự với nhiều ưu tư, hi vọng và tìm kiếm, nhất là đối với việc học tập mở mang.
Khai tâm
Ngày trước, khi một đứa trẻ bắt đầu sự học, cha mẹ sẽ đưa con đến nhà một ông thầy để được khai tâm. Những ngày đầu học chữ chỉ là chuyện nhỏ, khai tâm mới là chuyện lớn.
Tuy cái học theo Nho giáo sau này bị coi là hư học, nặng về tầm chương trích cú, thiếu vắng tinh thần khoa học, nhưng không thể phủ nhận Nho học đã tạo ra rất nhiều người có phẩm cách. Ngay cả những người không thành danh trong chốn quan trường, phần đông đều giữ được nhân phẩm khi bươn chải ngoài đời. Lượng kiến thức mà họ học cũng không lấy gì làm nhiều, nếu so với hiện giờ thì có lẽ chỉ bằng lượng sách giáo khoa mà các học sinh bậc trung học cơ sở phải hấp thu trong một năm học.
Về kiến thức, xét tổng thể thì quả thật là thiếu hụt rất lớn so với kiến thức của một học sinh trung học cơ sở hiện giờ. Toán và khoa học tự nhiên hoàn toàn vắng bóng. Khoa học thường thức cũng không có. Cái học tập trung chủ yếu vào ứng xử xã hội sao cho đúng lễ nghĩa, có thứ bậc. Ngay cả thơ phú văn chương – phần chính yếu - cũng không thoát khỏi khuôn mẫu này. Vậy mà sản phẩm của nền giáo dục đó vẫn tạo ra những con người có phẩm cách. Vì sao vậy?
Lý do đầu tiên là cả người dạy và người học, khi tham gia quá trình này, đã có một hình dung rất rõ về sản phẩm mà mình vươn đến. Đó là người quân tử biết “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” - hình mẫu của mọi Nho sinh. Nói theo ngôn ngữ ngày nay, thì hệ thống giáo dục đã có một triết lý giáo dục rất rõ ràng, từ thầy đến trò đều hình dung rất rõ phẩm tính của sản phẩm mà hệ thống giáo dục cần tạo ra. Khoan nói chuyện tốt xấu, nội điều này cũng đáng ghi nhận.
Lý do thứ hai là người thầy ý thức được tầm quan trọng của việc khai mở tâm trí của học trò, nên những buổi học đầu tiên được gọi là khai tâm, chứ không phải là học chữ. Tâm quan trọng hơn trí nên tâm cần được khai mở trước, trí thì có thể bồi đắp qua việc sôi kinh nấu sử sau này.
Khi Tây học phổ biến, người ta nói nhiều hơn đến khai trí, do sức mạnh nền văn minh phương Tây đặt trên cơ sở tri thức và kỹ năng. Quản trị xã hội theo kiểu phương Tây cũng đòi hỏi những quy trình phức tạp. Vì thế để học theo văn minh phương Tây đòi hỏi phải bồi đắp hai thứ này. Muốn vậy phải khai trí. Lúc này trí được đề cao hơn tâm nên cần khai trí trước.
Nhưng di sản về khai tâm không vì thế mà mất đi. Nó chỉ ẩn đi. Có một thời, năm học đầu tiên của đời người được gọi là lớp vỡ lòng thay vì lớp 1 như hiện giờ. Vỡ lòng có lẽ là cách dịch thô của chữ khai tâm mà ra? Nếu đúng thì tiếc thay, cách dịch thô này đã làm chết một điểm sáng của nền giáo dục cổ truyền, bởi chẳng có một nội hàm nào làm cho thầy và trò cảm thấy thiêng liêng, lại chẳng có một truyền thống nào tiếp sức, nên đã bị loại bỏ.
Việc bỏ mất quan niệm về khai tâm khi đi học là một sự đáng tiếc, vì nó làm đứt mạch văn hóa và bỏ qua vấn đề đạo đức làm người ngay từ những buổi đầu đến trường.
Khai trí
Nhìn lại lịch sử gần 70 năm qua, từ ngày giành độc lập thì thấy rằng hơn 90% dân số đã biết đọc biết viết. Theo thống kê của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), số năm đi học trung bình của người Việt Nam trưởng thành là 5,5 năm (báo cáo năm 2011), theo công bố trong nước thì con số này là 7,3 năm. Cũng theo UNDP, mức kỳ vọng đối với người Việt Nam phải ở mức giữa THPT, với số năm đi học trung bình là 10,4 năm.
Những con số trên đây cho thấy trình độ dân trí của Việt Nam vẫn rất thấp, cả so với kỳ vọng và so với một số nước trong khu vực. So với 100 năm về trước, việc khai dân trí của Việt Nam đã có những kết quả đáng ghi nhận. Nhưng vì sao chúng ta vẫn thấy nhức nhối với khai trí?
Câu trả lời nằm ở một trong các khả năng sau:
• Nhìn nhận sai: cái khai thì không cần, còn cái cần thì không khai. Nguyên nhân xuất phát từ việc nhìn nhận sai về vai trò của tri thức đối với sự phát triển của xã hội, dẫn đến cuộc khai trí bị bỏ bê.
• Cách làm sai: cuộc khai dân trí đã có những kết quả nhất định, nhưng so với hàng xóm thì còn thua sút nhiều. Chiến tranh là một phần của nguyên nhân, từ sau khi thống nhất đến nay đã gần 40 năm mà thành tựu chỉ đạt như vậy, cho thấy cách làm có vấn đề.
• Con người lười biếng: Khả năng tự khai trí, tự học để vươn lên của người Việt kém vì lười biếng, thích chơi hơn học. Những người có khả năng thì không đủ nhiệt tình để tiếp nối cuộc khai trí này.
• Thể chế không phù hợp: Thể chế xã hội, cơ chế vận hành của hệ thống đã không khuyến khích, thậm chí kìm hãm cuộc khai trí của dân ta.
• Kết hợp của cả bốn khả năng trên.
Chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện vẫn thấp và bị coi là điểm nghẽn của phát triển. Điều này không chỉ người trong cuộc mới nhìn ra. Ông Lý Quang Diệu khi sang thăm Việt Nam năm 2007 đã nói rằng: “Nếu thắng trong cuộc đua giáo dục sẽ thắng trong phát triển kinh tế”. Như vậy, cần thẳng thắn nhìn nhận lại cuộc khai trí này để đi tiếp những chặng đường còn dang dở.
Những đốm lửa nhỏ
Sau một thế kỷ, sự nghiệp khai trí lại trở thành vấn đề thời sự của Việt Nam. Có lẽ khi hội nhập quốc tế sau thời kỳ mở cửa, Việt Nam đã giật mình vì năng lực của mình trong cuộc cạnh tranh toàn cầu khốc liệt. Những thuật ngữ thời thượng như kinh tế tri thức, thế giới phẳng, toàn cầu hóa, đổi mới sáng tạo... bắt đầu được nhắc đến thường xuyên. Nhưng để vươn lên trong cuộc hội nhập lớn này bắt buộc phải có nhân lực xuất sắc và một hạ tầng tri thức mạnh.
Trong thời gian qua, chúng ta đã thấy Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh với nhiều hoạt động xiển dương và hỗ trợ tinh thần “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.
Nhà xuất bản Tri Thức với Tủ sách Tinh hoa tri thức thế giới bù đắp phần nào thiếu hụt tri thức về triết học và xã hội học. Trung tâm Khoa học - giáo dục quốc tế và chuỗi hội thảo khoa học Gặp gỡ Việt Nam uy tín do giáo sư Trần Thanh Vân chủ trì. Nhóm Cánh Buồm dưới sự chủ trì của nhà giáo Phạm Toàn với việc biên soạn những bộ sách giáo khoa mới. Nhóm Học Thế Nào, với sự tham gia của GS Ngô Bảo Châu, hoạt động như một diễn đàn giáo dục mới...
Những đốm lửa nhỏ này hoàn toàn tự phát, đa dạng và có thể rất mong manh trước những biến động của thời cuộc, nhưng tinh thần “khai dân trí” của nó rõ ràng là không thể phủ nhận. Điều mong đợi trong năm mới là những đốm lửa nhỏ này sẽ lớn thêm lên, và sẽ có thêm nhiều đốm lửa mới trên hành trình khai trí bền bỉ của dân tộc.
GIÁP VĂN DƯƠNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét