Pages

Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

Chính sách trợ giá gạo Thái Lan : Gậy ông đập lưng ông

Nông dân Thái biểu tình tại Bangkok đòi thanh toán số tiền còn thiếu
 - REUTERS /Athit Perawongmetha
Đức Tâm
Nông dân nổi giận, hàng núi gạo bị tồn kho, những cáo buộc liên tiếp về nạn tham nhũng : Tại Thái Lan, chương trình trợ giá gạo cho nhà nông vốn giúp bà Yingluck thắng cử, giờ đây, quay lại chống bà. Trong chiến dịch động tranh cử năm 2011, bà đã hứa sẽ mua gạo của nông dân với giá có thể cao hơn 50% so với giá thị trường. Nhờ vậy, bà đã thắng cử và trở thành Thủ tướng.

Thế nhưng, hiện nay, chính sách trợ giá đang bị chỉ trích mạnh mẽ. Bên cạnh đó, từ ba tháng qua, phe đối lập liên tục tổ chức các cuộc biểu tình ở Bangkok, gây áp lực đòi Thủ tướng phải từ chức. Cuộc bầu cử lập pháp trước thời hạn ngày 02/02 không giúp Thái Lan thoát ra khỏi khủng hoảng chính trị.
Những người phản đối cho rằng chương trình trợ giá gạo của Thủ tướng Yingluck gây ra tình trạng tham nhũng ồ ạt, tài chính công bị thâm thủng nghiêm trọng và Thái Lan bị mất vị trí quốc gia xuất khẩu gạo số một thế giới, gạo tồn kho lên tới 18 triệu tấn.
Tình trạng bất bình lan sang cả nông dân trồng lúa. Gần đây, hàng trăm nông dân đã kéo về Bangkok đòi chính phủ thanh toán số tiền còn thiếu từ nhiều tháng.
Thứ Ba, 11/02/2014, chính phủ đã quyết định giải ngân khoảng 16 triệu euro để trả cho 3900 nông dân. Tuy nhiên, Thái Lan hiện nay chỉ có chính phủ lâm thời, điều hành giải quyết các công việc hàng ngày, do vậy, quyết định giải ngân nói trên phải có sự chuẩn y của Ủy ban bầu cử Thái Lan.
Theo tính toán của Viện nghiên cứu phát triển tại Thái Lan, trong mọi trường hợp, chính phủ còn nợ một triệu nhà nông trồng lúa khoảng 2,6 tỷ euro.
Trước đây, chính phủ Thái Lan hy vọng là việc tích trữ gạo sẽ gây khan hiếm và làm tăng giá trên thị trường quốc tế, qua đó có thể bù đắp lại những khoản chi cho nông dân. Tuy nhiên, chính sách này bị phá sản, vì các đối thủ cạnh tranh, như Ấn Độ, Việt Nam đã bất ngờ nâng mức xuất khẩu gạo.
Ông Ammar Simawalla, thuộc Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan, được AFP trích dẫn, tố cáo : « Ngành sản xuất gạo Thái Lan, trong tổng thể đã bị sụp đổ và uy tín của Thái Lan trên thị trường thế giới, với tư cách là nhà cung ứng đáng tin cậy về gạo có chất lượng đã biến mất ». Theo dự báo, trong năm 2014, Thái Lan chỉ xuất khẩu được 7,5 triệu tấn, giảm 30% so với mức của năm 2011.
Chính phủ Thái Lan không công bố mức tốn kém của chương trình trợ giá gạo, nhưng Viện nghiên cứu phát triển đưa ra con số từ 3,4 tỷ đến 4,4 tỷ euro, tương đương 6 đến 8% ngân sách Nhà nước.
Trong khi đó, đảng cầm quyền Puea Thai cho rằng chính sách trợ giá gạo giúp giảm đói nghèo ở nông thôn. Thủ tướng Yingluck đổ trách nhiệm cho những người biểu tình thuộc phe đối lập, gây rối ngăn cản bầu cử, hậu quả là Thái Lan chưa có nội các mới, gây khó khăn cho việc huy động vốn.
Vừa qua, một doanh nghiệp Trung Quốc đã hủy hợp đồng mua một triệu tấn gạo, sau khi Ủy ban chống tham nhũng Thái Lan cáo buộc nhiều quan chức liên quan đến chương trình trợ giá gạo, có những hành động tham nhũng. Thậm chí, ủy ban này có mở điều tra nhắm vào cả Thủ tướng Yingluck.
Một dân biểu thuộc phe đối lập Thái Lan cho AFP biết cách thức tham nhũng : Thống kê gian, đưa gạo xấu của Miến Điện hay Cam Bốt vào, nâng tổng mức gạo cần trợ giá.
Nông dân ở các tỉnh phía bắc và đông bắc Thái Lan là những cử tri có truyền thống ủng hộ gia đình Shinawatra : Họ được hưởng lợi nhờ các chính sách trợ giúp của cựu Thủ tướng Thaksin và Thủ tướng Yingluck.
Theo chuyên gia Paul Chambers, thuộc đại học Chiang Mai, việc không có tiền để trả cho nông dân có thể làm xói mòn sự ủng hộ của các cử tri vốn rất trung thành.
Tuy nhiên, cho đến lúc này, chưa thể đánh giá được là những khó khăn trong việc thực hiện chương trình trợ giá gạo sẽ tác động ra sao đến tỷ lệ được lòng dân của chính phủ của bà Yingluck.

Không có nhận xét nào: